Các giai thoại về danh nhân miền Nam thời mở cõi – (Phần 1)
Với 9 đời Chúa 13 đời vua trải dài từ năm 1558 đến 1945, có thể coi Nhà Nguyễn là một triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này nổi tiếng nhất với công trạng mở rộng quốc gia và khai phá thành công miền Nam, cũng là triều đại có lãnh thổ rộng lớn nhất.
Trải qua gần 400 năm biến động thăng trầm, sự lãnh đạo của nhà Nguyễn đã để lại vô số những công tích lẫy lừng cho con cháu qua những giai thoại, sự nghiệp thể hiện tài năng, và đạo đức sáng ngời của một thời mở cõi oai hùng.
Nhân duyên tiền kiếp, Hộ Pháp Minh Vương
Minh Vương Nguyễn Phúc Chu nổi tiếng trong sử sách là Phật tử sùng đạo bậc nhất. Ông là người có công chấn hưng và phát triển Phật giáo miền Nam. Người đời gọi ông là chúa Minh Vương.
Bản thân ông đã hỏi câu này khi gặp thiền sư Thạch Liêm (Thích Đại Sán) năm 1694.
“Ngồi nói chuyện đến quá ngọ, muốn ở lại xem truyền giới, quốc cữu giục hai ba lần, mới đứng dậy bảo rằng: “Đệ tử từ bé nghe hai chữ Phật pháp đã sinh lòng kính ngưỡng, mỗi lúc gặp tu sĩ áo lam, tức thì hoan hỷ. Chẳng biết kiếp trước là ai? Làm phúc nghiệp gì? Mà ngày nay sinh ra làm vua ở đây? Xin tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu chẳng quên nghiệp trước, đội đức từ bi vô lượng”. Nói rồi từ giã ra về.” (trích “Hải ngoại kỷ sự”-Thích Đại Sán)
Thiền sư Thạch Liêm vốn là một cao tăng đắc Đạo đã nhận Ngài là đệ tử, ban cho Pháp danh là Hưng Long.
Nho Phật nhất trí, cai trị theo Chính Pháp
Năm 1694, thiền sư Thạch Liêm nhận lời của Minh Vương đến Đàng Trong thuyết Pháp. Sau khi đến nơi, Hòa thượng đã tổ chức giới đàn để truyền giới Bồ tát cho Chúa và quyến thuộc, quan lại, và 1400 tăng ni ở Phú Xuân. Đồng thời cũng trao cho Chúa một bản điều trần về việc dùng Chính Pháp cai trị quốc gia.
“Ngày sau cáo từ lui về, Vương lại cầu khẩn. Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, nhân điều trần “Lập quốc chánh ước” 18 điều, đều là những việc thương lính, yêu dân, thông thương, lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xem rất mừng, bảo nội quan Chưởng sự rằng: “Nước ta pháp độ dân tình đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão hòa thượng đem lễ phép Trung Quốc chỉ dạy, liệt trần 18 điều; nên khắc bảng yết lên cửa phủ, hiểu dụ văn võ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại nêu rõ. Nếu ai trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại, cầm thẻ bài đến kêu. Vô luận văn võ quân dân vương thân quốc thích đều cứ pháp luật trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy”.” (trích “Hải ngoại kỷ sự”-Thích Đại Sán)
Đóng góp của thiền sư Thạch Liêm là vô cùng cần thiết trong quá trình phát triển đường lối trị quốc của chúa Nguyễn. Nên biết rằng Đàng Trong thời đó là nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, kết cấu xã hội phức tạp, và không có nền tảng trị quốc lâu năm như Đàng Ngoài. Muốn quốc gia phát triển, ắt phải tìm ra một phương pháp trị quốc có thể quy kết lòng dân, giáo hóa văn minh, và cai trị hiệu quả. Đạo Phật có ảnh hưởng lớn ở Đàng Trong, nhưng tầng lớp tăng chúng lại không đủ uyên thâm giáo lý Phật Pháp để có thể giúp vua trị quốc. Nho giáo thì dùng trị quốc rất tốt, nhưng lại chỉ phù hợp quan lại và trí thức. Nho giáo không thể quy kết lòng dân cả xã hội như Phật giáo. Trong giáo lý phổ truyền của Nho và Phật lại có chỗ mâu thuẫn với nhau, nếu không phải bậc chân tu hiểu đạo ắt không dễ mà kết hợp để trị quốc được.
Vì thế khi thiền sư Thạch Liêm đến Phú Xuân, cảm tấm lòng thành và nhân duyên đời trước của Minh Vương, ông đã truyền lại toàn bộ cho chúa Nguyễn. Sở đắc của thiền sư chính là Nho Phật nhất trí, sư đã dùng Phật pháp để lý giải và dung hợp những chỗ mâu thuẫn của Phật và Nho giáo, có thể dùng cả hai để cai trị thiên hạ theo Chính Pháp. Bởi vì thiền sư Thạch Liêm hiểu cốt tủy trị quốc nằm ở Đạo Đức của vua, và cả hai giáo lý đều nhắm vào việc tu thân dưỡng tính, thuận theo lòng Trời. Nay Minh Vương đã nhất tâm hướng Phật, thể hiện đạo đức cao vời thì việc dung hòa pháp độ Nho gia và Pháp lý nhà Phật sẽ vô cùng dễ dàng.
Lời kết:
Thời chúa Minh Vương là giai đoạn cực thịnh của vương quốc Đàng Trong với hàng loạt thành tựu to lớn từ văn hóa cho đến mở rộng lãnh thổ; nước giàu quân mạnh, lân bang đều phục. Những thành tựu này có được đều nhờ vị Chúa tài ba, nhân từ, sùng Đạo, và sống rất tình nghĩa này tạo ra. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta có thể thấy các triều đại trước đó như Lý và Trần cũng có nhiều quân vương có tính cách tương đồng như chúa Minh Vương. Sự cai trị của họ là thành quả và sự kết hợp tuyệt vời giữa một người lãnh đạo minh triết Nho giáo với nền tảng đạo đức cao thượng từ Phật pháp. Những thời đại ấy có sự đề cao lễ nghĩa và lối sống coi trọng việc tu thân tích đức, từ vua đến dân. Thế mới nói đạo đức và tôn giáo truyền thống quả là giải pháp tuyệt vời đem đến thịnh vượng bền vững cho mọi triều đại vậy. Còn như những nơi bất kính Thần phật, tôn sùng vật chất, cổ xúy thuyết vô thần thì dẫu có thịnh vượng một thời nhưng rồi cũng sẽ nhanh chóng suy vong.