Các đảo Thái Bình Dương: Chiến trường quyền lợi Hoa Kỳ-Trung Quốc
Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt là về Đài Loan, đang diễn ra ở các đảo Thái Bình Dương, các quốc gia trong khu vực này buộc phải lựa chọn liên minh của họ.
Quần đảo Solomon là một quốc gia quần đảo, nằm ở Nam Thái Bình Dương với dân số 650,000 người. Tháng trước, bạo lực bùng phát ở thủ đô Honiara khi những người biểu tình tiến vào quốc hội và cố gắng xông vào dinh thự của Thủ tướng Manasseh Sogavare, kêu gọi ông này từ chức. Tại Khu phố Tàu của hòn đảo này, những kẻ bạo loạn đã tấn công các cửa hàng và đốt một đồn cảnh sát.
Hòa bình được lập lại sau sự xuất hiện của binh lính và cảnh sát Úc, theo thỉnh cầu của ông Sogavare. Quốc đảo này hiện có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu lương thực, vì nhiều nhu yếu phẩm hàng ngày được mua tại các cửa hàng của Trung Quốc đã bị phá hủy.
Tổng thư ký Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương Meg Taylor nói rằng tình trạng bất ổn ở quần đảo Solomon là một hệ quả của việc khai thác tài nguyên, bất bình đẳng kinh tế, và các luật có lợi cho người ngoại quốc hơn người dân địa phương, cũng như sự cạnh tranh quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cụ thể, công dân của quốc đảo này đã tức giận khi chính phủ chính thức chuyển hướng công nhận [quan hệ ngoại giao với] Đài Loan sang Trung Quốc hồi năm 2019.
Ông Sogavare đổ lỗi cho Đài Loan đã can thiệp và hỗ trợ các cuộc bạo động, nhưng Đài Bắc phủ nhận có bất kỳ liên quan nào.
Năm 2019, một ngày sau khi chính quyền Trung Quốc thuyết phục chính phủ Quần đảo Solomon chuyển hướng công nhận [quan hệ ngoại giao], hai chính phủ này đã ký một “thỏa thuận hợp tác chiến lược,” cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) thuê đảo Tulagi. Trước đó một tháng, một công ty quốc doanh của Trung Quốc đã xây một bến cảng nước sâu kiểu quân sự trên đảo này. Sau đó, Tổng chưởng lý của quốc đảo này đã phán quyết bản hợp đồng đó là bất hợp pháp. Và đây chỉ là một trong nhiều nhượng bộ trước Trung Cộng, do chính phủ Quần đảo Solomon thực hiện, điều mà người dân nước này phản đối.
Hiện tại, chỉ có 15 quốc gia công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và, vì thế không có quan hệ chính thức với Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong số đó nằm ở Châu Mỹ Latinh hoặc các đảo Thái Bình Dương. Các quốc gia đó bao gồm Belize, Guatemala, Haiti, Thành phố Vatican/Tòa thánh, Honduras, Quần đảo Marshall, Nauru, Nicaragua, Palau, Paraguay, St Lucia, St Kitts và Nevis, St Vincent, và quần đảo Grenadines, Swaziland, và Tuvalu. Các quốc gia gần đây nhất chuyển ủng hộ từ Đài Loan sang Trung Quốc là Quần đảo Solomon và Kiribati, cả hai quốc gia này đều thay đổi vào năm 2019.
Đài Loan từng có nhiều sự ủng hộ hơn ở Mỹ Latinh, nhưng Trung Cộng đã có thể thuyết phục Panama, El Salvador, và Cộng hòa Dominica đổi bên. Gần đây, Belize đã hứa sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan, trong khi Honduras vẫn còn là một nghi vấn. Đảng Bảo thủ của Honduras ủng hộ Đài Loan, nhưng bà Xiomara Castro được bầu gần đây đã thảo luận về khả năng chuyển hướng công nhận sang Trung Quốc. Trung Cộng cũng đang cố gắng hợp tác với Haiti, cung cấp tiền viện trợ, chỉ vài tháng sau vụ ám sát tổng thống nước này.
Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) là một tổ chức chính sách kinh tế và chính trị liên chính phủ trong khu vực, bao gồm 18 thành viên, một số thành viên công nhận Đài Loan, bao gồm Nauru, Quần đảo Marshall, Palau, và Tuvalu. Các quốc gia PIF khác duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, tương tự như Hoa Kỳ. Đó là Úc, Fiji, New Zealand, và Papua New Guinea. Nhóm các nước này coi Đài Loan là một đối tác phát triển, với việc hòn đảo tự trị này cung cấp học bổng và các viện trợ kinh tế khác.
Ngoài việc khuyến khích Đài Loan tham gia PIF, các tổng thống của Nauru, Quần đảo Marshall, và Palau đã thúc giục Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho phép Đài Loan tham gia đầy đủ vào Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trung Cộng đã đang lôi kéo các quốc đảo Thái Bình Dương, xoay chuyển thành công Kiribati, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tonga, và Vanuatu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra một tuyên bố nói rằng công nhận Bắc Kinh phù hợp với sự phát triển của quần đảo Solomon. Ngụ ý là các ưu đãi tài chính do Trung Cộng đưa ra sẽ mang lại lợi ích cho quốc đảo này.
Hoa Kỳ đã bày tỏ cam kết duy trì mối quan hệ với Quần đảo Solomon, tái thành lập Quân đoàn Hòa bình, và trao cho nước này 25 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Viện trợ Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Gói viện trợ này là phản hồi cho một bức thư yêu cầu của chính phủ Solomon trước khi quốc đảo này thay đổi lòng trung thành.
Ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc ở Quần đảo Thái Bình Dương là một mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích của Hoa Kỳ. Các quốc đảo này tuy nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược đáng kể, và Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để duy trì quan hệ tốt đẹp.
Liên bang Micronesia (FSM) đã ký Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), theo đó Hoa Kỳ cung cấp hỗ trợ quốc phòng, tài chính, và quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội của Hoa Kỳ, cũng như nhập cảnh miễn thị thực vào Hoa Kỳ. Đổi lại, Mỹ kiểm soát không phận và hải phận của FSM. Trung Quốc đã bơm hơn 100 triệu USD vào các chương trình cơ sở hạ tầng ở quần đảo này, với hy vọng phá vỡ mối liên kết đó với Hoa Kỳ.
Trung Cộng quan tâm đến FSM vì một số lý do. Đầu tiên, FSM công nhận Trung Quốc chứ không phải Đài Loan. Thứ hai, Trung Quốc muốn kiểm soát ngành đánh bắt cá trên toàn quần đảo này. Và thứ ba, FSM nằm rất gần các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ ở Guam và Quần đảo Marshall. Mặc dù Trung Quốc muốn thành lập một căn cứ Hải quân PLA ở FSM, nhưng điều này sẽ vi phạm các điều khoản của hiệp ước COFA vốn cho phép Hoa Kỳ tiếp cận quân sự độc quyền ở quần đảo này. Cho đến nay, FSM chưa sẵn sàng hủy bỏ mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ.
Một lý do khiến FSM nhiều khả năng sẽ không tăng cường quan hệ với Trung Quốc là vì Quần đảo Marshall và Palau gần đó, cả hai đều có hiệp ước COFA với Hoa Kỳ và Nauru, đều công nhận Đài Loan. Ngoài ra, người dân của FSM nghi ngờ Trung Quốc và không muốn nước này thay thế Hoa Kỳ trong khu vực. Hoa Kỳ coi mối quan hệ với FSM quan trọng đến mức cả ba vị lãnh đạo cao nhất của FSM đã được mời đến Hoa Thịnh Đốn để gặp Tổng thống đương thời Donald Trump, trong khi Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo bay tới Micronesia. Hai cuộc gặp gỡ này đều là lần đầu tiên trong lịch sử.
Các thỏa thuận COFA sẽ hết hạn vào năm 2023 đối với Quần đảo Marshall và năm 2024 đối với Palau. Các chuyên gia quốc phòng Hoa Kỳ lo ngại chính phủ Tổng thống Biden đã không nỗ lực kết nối với các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này. Hơn nữa, Hoa Thịnh Đốn đã từ chối yêu cầu bồi thường bổ sung cho những thiệt hại gây ra cho quần đảo [Marshall] và người dân của quần đảo này, trong thời gian Hoa Kỳ thử nghiệm nguyên tử, cách đây một thế hệ. Nếu Hoa Kỳ không hành động, rất có thể Bắc Kinh sẽ đưa ra một đề nghị tiền mặt đáng kể, và Hoa Thịnh Đốn có thể mất một chỗ đứng chiến lược ở Thái Bình Dương.
Một vấn đề khác trong bang giao Hoa Kỳ-Thái Bình Dương là khu vực đông dân nhất của FSM, tiểu bang Chuuk, đã và đang lên kế hoạch cho một cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyền độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2021, đã bị hoãn lại cho đến năm sau. Các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Đài Loan được cho là sẽ đóng một vai trò trong quyết định của hòn đảo này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).
Như Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: