Các đảng viên Cộng Hòa kêu gọi TT Biden dừng việc phát triển vũ khí nguyên tử của Trung Quốc
Đầu tuần này (07/06), ba thành viên cao cấp của Đảng Cộng Hòa đã thúc giục Tổng thống Biden ngăn chặn việc phát triển vũ khí nguyên tử của Trung Quốc trong một bức thư chung, cảnh báo rằng việc không hành động có thể dẫn đến “mức độ tương đương về nguyên tử” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2030.
Trong thư, các dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) của Ủy ban các Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, và Devin Nunes (Cộng Hòa-California) của Ủy ban Tình báo Hạ viện, lưu ý rằng các sức mạnh nguyên tử đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc gây ra mối đe dọa ngày càng tăng và Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) không sẵn sàng tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang thiện chí và các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Hoa Kỳ.
Đô đốc Charles Richard, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, đã làm chứng trước Quốc hội rằng Trung Quốc đã chuyển một số vũ khí nguyên tử của mình sang trạng thái cảnh báo và dự trữ nguyên tử của họ ước tính sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.
Ông Rogers và những người khác lưu ý rằng theo các báo cáo công khai, bao gồm cả dữ liệu từ Bộ Quốc phòng, thì quy mô sức mạnh răn đe nguyên tử của Trung Quốc có thể đạt khoảng 1,000 đầu đạn vào năm 2030.
Ngoài ra, bản đánh giá mối đe dọa hàng năm do Giám đốc Avril Haines của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia trình bày trước Quốc hội hồi tháng Tư đề cập rằng Trung Quốc đang khai triển bộ ba cơ cấu tấn công nguyên tử đầy đủ, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, oanh tạc cơ có năng lực nguyên tử, và tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo nguyên tử.
Trung Quốc chưa bao giờ công khai quy mô kho dự trữ nguyên tử của nước này mà chỉ nhấn mạnh chiến lược nguyên tử tự vệ và chính sách không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử vào bất kỳ lúc nào hoặc trong bất kỳ hoàn cảnh nào của mình.
Tổ chức Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ ước tính rằng Trung Quốc sở hữu khoảng 320 đầu đạn nguyên tử.
Mặc dù Trung Quốc là nước ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí Nguyên tử (NPT), mà trong đó Điều 6 của hiệp ước này yêu cầu các quốc gia có vũ khí nguyên tử phải đàm phán “thiện chí” về việc cắt giảm vũ khí, nhưng Bắc Kinh đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí nguyên tử song phương hoặc ba bên với Hoa Kỳ kể từ hồi chính phủ Trump.
Ba nhà lập pháp này đã yêu cầu ông Biden phát triển một chiến lược liên ngành toàn diện để Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí song phương hoặc ba bên có ý nghĩa để xác định xem Trung Quốc có vi phạm Điều 6 của NPT không.
Do Rita Li thực hiện
Cẩm An biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: