Các đại công ty công nghệ Trung Quốc gặp các trở ngại trong việc niêm yết ở ngoại quốc khi Bắc Kinh thắt chặt quy định
Một chuyên gia về Trung Quốc nói rằng những đại công ty công nghệ trong nước của Trung Quốc có thể gặp phải những trở ngại lớn khi niêm yết ở ngoại quốc, vì chế độ cộng sản này đã tăng cường những nỗ lực kiểm soát các công ty này.
Ông Li Hengqing, một học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết đề nghị giám sát của nhà cầm quyền này đối với toàn bộ những thương vụ niêm yết ở ngoại quốc là nhằm ngăn chặn dữ liệu của các công ty này, và quan trọng hơn, là ngăn tiền chảy ra ngoại quốc.
Hôm 10/07, cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc thông báo sẽ xem xét kế hoạch của các công ty trong nước trước khi họ tìm kiếm các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở ngoại quốc, nếu họ có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng.
Theo dự thảo của quy định mới, Các Biện pháp Rà soát An ninh mạng, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết việc kiểm soát những kế hoạch niêm yết ở ngoại quốc là để ngăn chặn dữ liệu của các công ty không bị các chính phủ ngoại bang “ảnh hưởng, kiểm soát, hoặc khai thác ác ý.”
Biện pháp này tuân theo các hướng dẫn mới được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố vào ngày 06/07. Quy định này đã hướng dẫn các cơ quan giám sát cải thiện hợp tác xuyên biên giới trong các cuộc kiểm toán, và tăng cường giám sát “về bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới, và quản lý thông tin bí mật khác.”
CAC đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng hơn về đại công ty gọi xe Didi Chuxing hôm 02/07, hai ngày sau khi công ty này ra mắt tại New York. Sau đó, họ yêu cầu các cửa hàng trực tuyến của Trung Quốc gỡ ứng dụng này xuống hôm 04/07.
Cơ quan giám sát này tuyên bố rằng Didi đã thu thập dữ liệu của người dùng một cách bất hợp pháp và việc gỡ bỏ nền tảng của công ty này là để “ngăn ngừa các rủi ro về bảo mật dữ liệu quốc gia và duy trì an ninh quốc gia.”
Hôm 05/07, hai công ty niêm yết tại Hoa Kỳ gần đây, tập đoàn hậu cần Full Truck Alliance và nền tảng tuyển dụng Kanzhun, đã xuất hiện trong danh sách điều tra mở rộng của CAC.
Các công ty có nghĩa vụ chia sẻ thông tin với một cơ quan quản lý Internet như một phần của quá trình niêm yết, điều này có thể gây hoang mang cho các nhà đầu tư toàn cầu. Ông Li giải thích rằng thông tin cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia có thể liên quan đến các hành động che đậy của Trung Cộng.
Dịch vụ gợi ý tuyến đường của Didi dựa trên việc theo dõi các phương thức giao thông của người dùng. Ông Li nói với The Epoch Times hôm 09/06 rằng, “Khi dữ liệu được tích lũy, họ sẽ biết khi nào một cơ quan của quốc gia làm việc [vào] đêm muộn. Sau đó, việc phân tích dữ liệu có thể tiết lộ một số điều.”
Ví dụ, ông nói rằng các nhân viên của bộ an ninh quốc gia, hoặc bộ công an, có thể đặt xe vào đêm muộn khi họ đang bận rộn với việc “duy trì sự ổn định,” một thuật ngữ của Trung Quốc thường được dùng để chỉ những nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm kiểm duyệt quan điểm và đàn áp bất đồng chính kiến.
Ông Li nói, “Ứng dụng [công ty này] có thể biết khi các nhân viên của một cơ quan đặt dịch vụ để đi làm, trở về nhà, hoặc làm thêm thời gian. Đây là cái mà họ gọi là ‘an ninh quốc gia.’”
Các cơ quan quản lý Hoa Kỳ yêu cầu việc xem xét hồ sơ kiểm toán của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của mình; nhưng Bắc Kinh đã cấm những việc xem xét như vậy vì lý do an ninh quốc gia.
Nhắm mục tiêu vào lĩnh vực công nghệ
Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc đào tẩu Chen Yonglin cho biết, tuy nhiên việc giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý Internet CAC cấp phép cho các thương vụ niêm yết ở ngoại quốc cho thấy rằng Trung Cộng đang nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực Internet trong nước của họ, vốn bị các công ty lớn và giàu có như Didi Chuxing và Alibaba chi phối.
CAC, còn được gọi là Ủy ban Các vấn đề Không gian Mạng Trung ương, đã củng cố tầm vóc của mình dưới thời lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình vào năm 2014. Cơ quan giám sát Internet này, với sức mạnh kiểm duyệt trực tuyến, đã bắt đầu đóng một vai trò nổi bật trong các cuộc đàn áp gần đây.
Ông Chen nói với The Epoch Times hôm 09/06 rằng các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán ngoại quốc, bao gồm cả Hoa Kỳ, là kênh chính để dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là từ các công ty tư nhân, mặc dù các công ty Trung Quốc thu hút tiền từ những nhà đầu tư ngoại quốc.
Ông Chen cho biết việc tiền chảy sang các quốc gia khác là một “điểm nhức nhối” đối với ông Tập. “Ông ấy sẽ can thiệp rất nhiều” khi điều đó xảy ra.
Ông Chen nói: “Bản thân một công ty lớn thường khiến ông Tập Cận Bình lo lắng. Khi một công ty phát triển, như Alibaba, Ant Group, công ty ấy sẽ tạo ra một mối đe dọa hoặc mối đe dọa tiềm tàng đối với ông ta. Vì vậy quy định sẽ trở nên chặt chẽ hơn.”
Ông Chen cho biết, “Đó là một tín hiệu cho thấy các công ty, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn, không thể niêm yết trên thị trường chứng khoán ngoại quốc.”
Ông Frank Tian Xie, một giáo sư kinh doanh tại Đại học South Carolina Aiken, nói với The Epoch Times rằng Trung Cộng thắt chặt sự kiểm soát của họ trong lĩnh vực kinh tế về dữ liệu, nhân sự, tiền bạc, và đồng thời toàn bộ xã hội.
Lo lắng
Ông Li cho biết tác động bất lợi đối với chứng khoán Trung Quốc có thể khiến ông Tập lo ngại.
Didi phải đối mặt với các vụ kiện của các cổ đông Hoa Kỳ khi giá trị thị trường của nó giảm hơn 20% trong ngày giao dịch đầu tiên sau hành động của cơ quan quản lý của Trung Cộng, làm thất thoát ước tính 11 tỷ USD giá trị thị trường.
Ông Li cho rằng kết quả này sẽ gây tốn kém cho nền kinh tế Trung Quốc vì các nhà đầu tư toàn cầu sẽ thoái lui với chứng khoán Trung Quốc. Họ có thể nhận thấy một bài học từ những mất mát trong trường hợp của Didi.
Khi đó niềm tin bị giảm sút này có thể ảnh hưởng đến đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc. Ông Li cho biết ông Tập sẽ lo lắng về điều này.
Do Dorothy Li thực hiện
Với sự đóng góp của Luo Ya và Rita Li
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: