Các cuộc tập trận của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đang ở mức kỷ lục
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng ông hy vọng sẽ đến thăm người đồng cấp ở Trung Quốc trước cuối năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết Hải quân Hoa Kỳ “không tìm kiếm xung đột”, vì họ chỉ tăng tần suất các hoạt động trong khuôn khổ “Tự do Hàng hải” ở Biển Đông; đồng thời ông hy vọng sẽ đến thăm người đồng cấp của mình ở Trung Quốc vào cuối năm nay.
Trong bài phát biểu hôm 22/7, ông Esper đã phác thảo tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông nói rằng nhu cầu hợp tác đa phương trong khu vực tăng lên kể từ khi xảy ra đại dịch và sau những gây hấn ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực.
Theo ông Esper, một trong ba mục tiêu chiến lược chính của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong khu vực. Hai mục tiêu còn lại là, đẩy lùi tình trạng Trung Cộng bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn, và bảo đảm tàu biển và máy bay được tự do hoạt động theo luật pháp quốc tế và quy tắc của khu vực, nơi mà 80% giá trị thương mại toàn cầu vận chuyển qua lại mỗi năm.
Ông Esper cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì tần suất tập trận cao ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Esper nhấn mạnh rằng các hành động của Hoa Kỳ trong khu vực chỉ nhằm mục đích ràng buộc Trung Cộng tuân thủ các quy tắc luật pháp quốc tế.
Trong bài phát biểu tại hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức, ông Esper nói: “Hãy để tôi nói rõ điểm này: Trung Quốc là một đất nước có lịch sử lâu đời, một nền văn hóa phong phú, và là một dân tộc tuyệt vời. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi cam kết hướng tới một mối quan hệ chú trọng tới kết quả và mang tính xây dựng với Trung Quốc, còn trong quan hệ quốc phòng, chúng tôi sẵn sàng thiết lập các kênh liên lạc để giảm thiểu rủi ro.”
“Tôi đã trực tiếp nói chuyện với người đồng cấp của chính quyền Bắc Kinh nhiều lần và trước khi năm 2020 qua đi, tôi hy vọng sẽ đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có cùng mối quan tâm, thiết lập các hệ thống cần thiết cho việc xử lý khủng hoảng, và củng cố quan điểm của chúng tôi là cạnh tranh công bằng trong khuôn khổ hệ thống luật pháp quốc tế.”
Ông Esper nhấn mạnh tầm quan trọng của một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tuần trước, lần đầu tiên chính thức bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh về lãnh hải trên Biển Đông.
Ông Esper nói rằng tuyên bố này “nêu rõ Bắc Kinh không có quyền biến vùng biển quốc tế thành một khu vực cấm địa hoặc lãnh hải của riêng mình”.
Các hành động của quân đội Hoa Kỳ là để hỗ trợ các chính sách nói trên, ông Esper cho biết: “Năm 2019, chúng tôi đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông với tần suất nhiều nhất trong lịch sử 40 năm của chương trình FONOPs, và chúng tôi sẽ theo kịp tốc độ này trong năm nay”.
“Ngoài ra, hai nhóm hàng không mẫu hạm đã cùng tiến hành tập trận ở Biển Đông hai lần hồi đầu tháng này. Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện này kể từ năm 2012, một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng rằng chúng ta sẽ di chuyển trên không, trên biển, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Esper nói rằng tần suất Bắc Kinh gây hấn trong khu vực đã tăng lên kể từ khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, ông cho biết việc bắt nạt và ép buộc các quốc gia khác đã diễn ra trong nhiều năm qua. “Dường như quốc gia càng nhỏ thì càng bị bắt nạt nhiều hơn”.
Ngày 13/7, Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách về lãnh hải của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh chính phủ TT Trump nâng mức phản ứng trước các mối đe dọa của Trung Cộng.
Trong một tuyên bố gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết: “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”.
Trong khi trước đây các quan chức Hoa Kỳ đã mô tả hoạt động của Trung Cộng trong khu vực là “bất hợp pháp”, thì nhận xét của ông Pompeo đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ về việc phủ nhận các đòi hỏi cụ thể của Bắc Kinh. Philippines đã thách thức các yêu sách của Trung Cộng trên biển và đưa việc tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Phán quyết có tính pháp lý đó đã bác bỏ các yêu sách về lãnh hải của Trung Cộng liên quan đến quần đảo Trường Sa, các rặng san hô và bãi cạn lân cận. Tuy nhiên, Trung Cộng đã từ chối công nhận phán quyết này.
“Trung Cộng không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý muốn của mình đối với khu vực”, ông Pompeo nói.
Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Đài Loan đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là lớn nhất, bao gồm hầu hết các tuyến hàng hải trên Biển Đông. Ngoài việc là nơi có ngư trường phong phú và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Biển Đông còn là một trong những tuyến vận chuyển hàng hải lớn nhất thế giới.
Theo Theepochtimes