Các cuộc phong tỏa mang lại lợi ích như thế nào cho Bắc Kinh
Truy vết những cố gắng của chính quyền Trung Cộng trong việc kiểm soát các luận điểm khoa học và chính sách thúc đẩy
Từ thông điệp thân thiện với Trung Quốc hồi đầu của Tổ chức Y tế Thế giới về tình trạng bùng phát virus cho đến việc các tờ báo có ảnh hưởng bác bỏ giả thuyết rằng virus này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm, sự thao túng của Bắc Kinh đối với các cuộc thảo luận khoa học ngày càng bị giám sát nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch. Một số nhà quan sát cũng chỉ ra dấu vết của chế độ cộng sản này trong việc thúc đẩy luận điểm của một bên của cuộc tranh luận về khoa học và chính sách phong tỏa, vốn đã đang có những hậu quả đáng kể về kinh tế ở phương Tây.
“Thứ nhất, [các cuộc phong tỏa ở phương Tây] đã củng cố quyền kiểm soát của [Bắc Kinh] đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Và thứ hai, [phong tỏa] có nghĩa là nền kinh tế của Bắc Kinh đang phát triển trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới—phần lớn là các xã hội tự do nhưng không chỉ có các xã hội tự do—đang co lại,” Tướng Hoa Kỳ Robert Spalding (đã nghỉ hưu) cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông Spalding là một thành viên cao cấp tại Viện Hudson và là tác giả của cuốn “Chiến tranh tàng hình: Cách Trung Quốc tiếp quản trong khi giới tinh hoa của Mỹ ngủ quên.”
Ông Ross McKitrick, giáo sư kinh tế tại Đại học Guelph cho biết, các chính sách phong tỏa và các hạn chế nghiêm ngặt khác đã có tác động tiêu cực không chỉ đối với nền kinh tế ở phương Tây mà còn liên quan đến sức khỏe tổng thể do các thủ tục y tế bị trì hoãn và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
“Trung Quốc đã được hưởng lợi. Nền kinh tế của họ đã bùng nổ nhờ có những cuộc phong tỏa ở đây,” ông McKitrick nói với The Epoch Times, lặp lại quan điểm của ông Spalding. Ông nói thêm rằng khả năng Bắc Kinh nỗ lực gây ảnh hưởng đối với các cuộc thảo luận về chính sách phong tỏa ở các nước phương Tây là một vấn đề cần được xem xét.
Kiểm soát cộng đồng khoa học
Việc chế độ Trung Cộng chính trị hóa khoa học và sử dụng ảnh hưởng đối với cộng đồng khoa học đã là một chủ đề lặp đi lặp lại trong suốt thời gian đại dịch.
Kể từ khi virus bắt đầu bùng phát, phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với đại dịch và sự phục tùng Bắc Kinh của tổ chức này đã bị theo dõi chặt chẽ.
Cơ quan này của Liên Hợp Quốc với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn cầu đã bị chỉ trích vì chậm tuyên bố đại dịch cũng như tích cực tư vấn chống lại việc áp đặt các hạn chế đối với du khách từ Trung Quốc. Bộ trưởng y tế công cộng của Canada, Tiến sĩ Theresa Tam, một cố vấn của WHO, đã ủng hộ lời khuyên đó, và quan điểm này đã được Trung Cộng bênh vực. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người có mối liên hệ mật thiết với Bắc Kinh, thường xuyên ca ngợi việc Trung Quốc giải quyết tình trạng bùng phát dịch virus.
Tổ chức này cũng nhanh chóng đặt tên cho căn bệnh do virus này gây ra, là COVID-19—để ngăn chặn việc virus này nhận được một cái tên liên quan đến xuất xứ của nó vốn thường được áp dụng một cách phổ biến, chẳng hạn như “virus Vũ Hán” hoặc “căn bệnh Trung Quốc”—cho rằng Trung Cộng rất mong muốn dập tắt bất kỳ mối liên hệ nào giữa virus này với Trung Quốc.
Liên quan đến các cuộc thảo luận về nguồn gốc của dịch bệnh, có hai bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học có ảnh hưởng The Lancet và Nature là công cụ để đóng khung một giả thuyết về nguồn gốc tự nhiên thành khả năng khả thi duy nhất, đồng thời hai bài viết này cũng lên án bất kỳ ý kiến nào cho rằng virus này bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là một “thuyết âm mưu.” Chỉ gần đây, giả thuyết thứ hai đã bị lật tẩy sau khi một số thành viên trong cộng đồng khoa học lên tiếng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết cũng không loại trừ cả hai khả năng này.
Sau đó người ta phát hiện ra rằng ông Peter Daszak-tác giả bài viết đăng trên tạp chí The Lancet- có quan hệ với Viện Virus học Vũ Hán, nơi nghiên cứu virus corona. Như The Epoch Times đã đưa tin trước đó, cả bài viết trên The Lancet và bài viết được đăng trên tạp chí Nature dường như là một phần của nỗ lực phối hợp bắt nguồn từ một hội nghị qua điện thoại hồi tháng 02/2020 do Tiến sĩ Anthony Fauci tổ chức, ông là giám đốc Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, mà tổ chức này đã tài trợ cho nghiên cứu virus corona tại phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Nhưng vấn đề không chỉ ở việc các tạp chí đó xuất bản những bài viết nói rằng virus này có nguồn gốc tự nhiên—mà họ còn bác bỏ các bài viết đưa ra các giả thuyết thay thế.
Chẳng hạn trường hợp của một nhóm các nhà khoa học với tên Nhóm Paris đã công bố các bài viết biện luận rằng nguồn gốc tự nhiên chưa được chứng minh và thúc giục WHO tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus này mà không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Tuy nhiên, The Lancet đã từ chối xuất bản bài viết mà Nhóm Paris đã gửi đến tạp chí này hồi đầu tháng 01/2020, theo tờ Unherd.
Lợi ích thương mại
Một số người chỉ ra rằng liên kết kinh doanh với Trung Quốc có thể là một yếu tố dẫn đến những sự từ chối như vậy.
“Các tạp chí này có lợi ích kinh doanh đáng kể và ngày càng tăng ở Trung Quốc, và do đó, lời giải thích khả dĩ nhất là họ không muốn làm phật ý Trung Cộng, để không gây tổn hại lợi ích kinh doanh của họ ở đó,” giáo sư y khoa Nikolai Petrovsky tại Đại học Flinders của Úc, nói với The Epoch Times.
Bản thân ông Petrovsky là một trong những nhà khoa học đầu tiên chỉ ra sự mâu thuẫn trong các tuyên bố về nguồn gốc tự nhiên, nhưng ông đã gặp khó khăn trong việc xuất bản các bài báo của mình.
Ông nói: “Nguy cơ bị Trung Cộng trả đũa là rất thực, như Úc đã thấy khi [thủ tướng] của họ kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19 vào năm ngoái và Trung Quốc gần như ngay lập tức giáng đòn trả đũa vào Úc bằng một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại.”
Một phát ngôn viên của tạp chí Nature cho biết trong một email rằng tác động kinh doanh không phải là một yếu tố trong các quyết định của ban biên tập của tạp chí, đồng thời trích dẫn một câu nói của tổng biên tập, Tiến sĩ Magdalena Skipper: “Đối với các bài liên quan đến COVID-19 gửi đến tòa soạn, cũng như tất cả các bài nộp khác, các biên tập viên của chúng tôi đưa ra quyết định chỉ dựa trên việc liệu nghiên cứu có đáp ứng các tiêu chí của chúng tôi về việc xuất bản hay không-bản nghiên cứu khoa học gốc có sức thuyết phục, có tầm quan trọng khoa học nổi bật, đưa đến kết luận thu hút sự quan tâm của độc giả đa ngành.”
Tạp chí The Lancet đã không hồi đáp các yêu cầu bình luận. Trước đây, tạp chí này cho biết họ chỉ lấy phẩm chất khoa học thay vì chính trị làm tiêu chí xuất bản của mình.
Một báo cáo năm 2017 của tờ Financial Times cho thấy Springer Nature, một công ty có trụ sở tại Đức sở hữu tạp chí Nature và các tạp chí khoa học hàng đầu khác bao gồm cả Scientific American, đã chặn quyền truy cập vào ít nhất 1,000 tạp chí học thuật ở Trung Quốc đề cập đến các chủ đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm, chẳng hạn như Đài Loan và Tây Tạng.
Công ty mẹ của The Lancet, Elsevier, thuộc sở hữu của Tập đoàn RELX, cũng có các hoạt động chính ở Trung Quốc, bao gồm cả quan hệ đối tác với đại công ty truyền thông xã hội Trung Quốc Tencent.
Tổng biên tập của tờ Lancet tại Anh Quốc, ông Richard Horton, đã nhiều lần ca ngợi cách giải quyết đại dịch của Trung Quốc trong khi chỉ trích Anh Quốc không áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình quốc doanh Trung ương Trung Quốc hồi tháng Năm năm ngoái (2020), ông Horton cho biết quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán “không chỉ là việc làm đúng đắn mà còn cho các quốc gia khác thấy họ nên ứng phó như thế nào khi đối mặt với một mối đe dọa cấp tính.” Ông nói thêm rằng điều “đáng tiếc nhất” là một số người đã cáo buộc Trung Quốc gây ra đại dịch.
Trong khi đó, cũng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Sáu năm ngoái, ông Horton nói với tạp chí New Scientist rằng các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Brazil đã hành động “kinh khủng” khi đối mặt với đại dịch. Và trong một cuộc phỏng vấn với kênh Aljazeera hồi tháng Một năm nay, ông đã chỉ trích Anh Quốc vì đã không thực hiện các cuộc phong tỏa nghiêm ngặt sớm hơn.
Đề cập đến một nghiên cứu gần đây do Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ công bố về tác động của việc phong tỏa đối với tỷ lệ tử vong, ông McKitrick cho biết các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt có hiệu quả trái ngược với tác động dự kiến đối với sức khỏe.
Nghiên cứu này đã xem xét mối tương quan giữa các chính sách “trú ẩn tại chỗ” và tỷ lệ tử vong ở 43 quốc gia và tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng các chính sách như vậy không làm giảm tỷ lệ tử vong. Ngược lại, một số khu vực áp dụng quyền hạn pháp lý đó có tỷ lệ tử vong vượt mức cao hơn. Nghiên cứu này cũng cho thấy có thể những chính sách như vậy đã làm gia tăng “tử vong vì tuyệt vọng” do các tác động của sự cô lập về kinh tế và xã hội, bao gồm thất nghiệp, gia tăng lạm dụng chất kích thích, giảm hoạt động thể chất và trì hoãn các thủ tục y tế.
“Tôi chắc chắn [ông Horton] không biết về [nghiên cứu] này, nhưng đối với quan điểm của ông ấy rằng các chính phủ nên bị chỉ trích vì không phong tỏa chặt chẽ, thì ông ấy đã đi ngược lại các bằng chứng khoa học,” ông McKitrick cho biết.
Ông Horton đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Định hình câu chuyện
Ông Spalding cho biết mục tiêu của Trung Cộng là kiểm soát câu chuyện cho phù hợp với lợi ích của chính mình. Trong thế giới khoa học, bên cạnh việc tài trợ kinh doanh và quan hệ đối tác, điều này còn bao gồm cả việc bơm nhiều bài viết vào các tạp chí khoa học với dữ liệu giả tạo, gây ra sự nhầm lẫn và khiến các cuộc thảo luận dựa trên thực tế trở nên khó khăn hơn, ông nói.
Một báo cáo từ tổ chức World Education Services cho thấy Trung Quốc vượt xa các quốc gia khác về số lượng bài báo bị thu hồi lại, đó là những bài được đánh giá không có thật từ năm 2012 đến năm 2016, với 276 bài báo bị thu hồi.
Ông cho biết rằng, kết hợp với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn-hoặc trong một số trường hợp là xóa bỏ-các ấn bản nghiên cứu không có lợi cho mình, Trung Cộng đã có thể tác động đến sự thật mà mọi người thấy. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng và sự kiểm soát của đảng này đối với thế giới kỹ thuật số, ông nói thêm.
“Đó thực sự là kiểm soát câu chuyện, bởi vì nếu quý vị kiểm soát những gì mọi người nói về sự việc, thì quý vị sẽ kiểm soát cách họ nghĩ,” ông nói.
Liên quan đến chính sách và vận động khoa học để ủng hộ cho các cuộc phong tỏa, ông Spalding nói rằng Trung Cộng đã khuếch đại những lời kêu gọi này theo một số cách.
Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và các chiến thuật gây ảnh hưởng một cách có hệ thống của chế độ này để đưa tin có lợi trên các kênh thông tấn đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu khác nhau.
“Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, Bắc Kinh đã sử dụng cơ sở hạ tầng truyền thông của mình trên quy mô toàn cầu để gieo những câu chuyện tích cực về Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông quốc gia, cũng như huy động thêm nhiều chiến thuật mới lạ như thông tin sai lệch,” Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cho biết trong một báo cáo được công bố hồi tháng Năm.
“Trung Quốc đang trỗi dậy từ đại dịch COVID-19 với mức độ bao phủ toàn cầu tích cực hơn về các hành động và chính sách của họ so với trước đại dịch.”
Ông Spalding nói rằng Bắc Kinh đã sử dụng những chiến lược này để thúc đẩy việc phong tỏa nghiêm ngặt đối với các quốc gia khác. Các chiến thuật bao gồm việc sử dụng có hệ thống các hãng thông tấn xã hội để khoe khoang về các biện pháp hà khắc để đối phó với đại dịch của Trung Quốc và tăng cường các bài đăng về các nghiên cứu với mô hình gây tranh cãi dự đoán số lượng lớn người tử vong trong trường hợp không có phong tỏa.
Ông Spalding cho biết: “Những bài đăng này đã được Đội quân 50 xu và những người có ảnh hưởng khác bên ngoài Trung Quốc đăng lại và sau đó được các kênh truyền thông thiên tả thu thập lại để tiếp tục quảng cáo rầm rộ, vì đó là một phần trong mô hình kinh doanh của họ. “Đội quân 50 xu” dùng để chỉ những nhà bình luận trên internet được Trung Cộng thuê để thao túng dư luận theo hướng có lợi cho chế độ này. Họ được cho là được trả 50 xu Trung Quốc cho mỗi bài đăng.
“Cách xã hội chúng ta hiện đang theo chu kỳ tin tức 24/7 và cách mà các nền tảng truyền thông xã hội của Thung lũng Silicon rất dễ bị thao túng cho mục đích tuyên truyền, họ sử dụng tất cả những điều đó để tạo ra sự cường điệu”, ông Spalding nói thêm.
Nhà nghiên cứu kiêm luật sư Michael P. Senger tại Atlanta nói rằng Bắc Kinh đã mô tả sai lệch về phản ứng của họ với đại dịch bằng cách hạ thấp đáng kể số ca nhiễm và số người tử vong, thế nhưng các hãng tin tức nổi tiếng ở phương Tây lại đang ca ngợi mô hình đó của chế độ này.
“Bằng cách yêu cầu các ấn phẩm của giới tinh hoa lặp lại lời nói dối kiểu Orwellian rằng ‘Trung Quốc đã kiểm soát virus,’ Trung Cộng đã bình thường hóa lời nói dối đó để chính giới tinh hoa phương Tây lặp lại, khai thác danh tiếng được quản lý một cách tỉ mỉ của Trung Quốc và thực tế là hầu hết người phương Tây không biết đó là một kẻ không đáng tin cậy, một nhà nước độc tài toàn trị,” ông Senger viết trong tạp chí Tablet.
“[Nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình thường xuyên nhấn mạnh về sự hợp tác toàn cầu để chống lại COVID-19. Đổi lại, thế giới đã bắt đầu giống Trung Quốc hơn. Các địa phương đã giới thiệu các đường dây nóng để báo cáo các vi phạm về phong tỏa và các quốc gia đã công bố các đội phi cơ giám sát không người lái mới.”
Ông Senger chỉ ra rằng Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết vào năm ngoái là các quan chức Hoa Kỳ từ chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang và thành phố đã nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang “tích cực kêu gọi hỗ trợ” cho phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch, trong một trường hợp thậm chí còn yêu cầu một thượng nghị sĩ tiểu bang đưa ra một nghị quyết ca ngợi cách Trung Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Các điều kiện phù hợp
Ông Spalding lưu ý rằng các điều kiện do “chủ nghĩa hậu hiện đại ứng dụng” và “chủ nghĩa tân Marxist” ở phương Tây đem lại, kết hợp với cách các đại công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon hoạt động, tạo ra một môi trường rất thuận lợi cho Trung Cộng kiểm soát câu chuyện và thúc đẩy lợi ích của mình.
“Trung Cộng không nhất thiết phải làm mọi thứ. Chế độ này có thể lợi dụng những điều đó,” ông cho biết.
Theo ông Spalding, theo các xu hướng hiện đại này, các loại cơ chế kiểm duyệt và ảnh hưởng tương tự được sử dụng để hình thành suy nghĩ của người dân dưới các chế độ độc tài toàn trị giống như của Trung Cộng đang xuất hiện ở các nước tự do.
“Đó là về kiểm duyệt. Đó là về việc xác định ai có quyền xác lập sự thật là gì, chứ không phải về sự thật. Đó không phải là về phương pháp khoa học. Đó là về quý vị là ai, quý vị thuộc chủng tộc nào—đó là chủ nghĩa hậu hiện đại ứng dụng,” ông nói.
“Và sau đó, quý vị kết hợp với thực tế rằng Thung lũng Silicon đã phát triển động cơ đáng kinh ngạc này để tác động đến nhận thức và sử dụng các nền tảng này—không chỉ truyền thông xã hội mà còn cả các nền tảng dựa trên người tiêu dùng—để tác động đến cách mọi người suy nghĩ.”
Theo ông, những điều kiện này hoàn toàn phù hợp với mô hình “siêu hạn chiến” (“chiến tranh không giới hạn”) của Bắc Kinh và điều đó có thể cho phép chế độ này giành được ảnh hưởng và quyền kiểm soát ở phương Tây. Loại chiến lược chiến tranh này, do hai đại tá quân đội Trung Quốc vạch ra vào thập niên 1990, kêu gọi sử dụng các chiến thuật khác thường để đạt được các mục tiêu của cuộc chiến. Theo chiến lược này, chiến tranh không chỉ giới hạn trong việc sử dụng quân đội trên các chiến trường, mà còn sử dụng tất cả các con đường sẵn có kể cả các nguồn tài chính, chiến tranh kỹ thuật số, và các chiến dịch gián điệp và ảnh hưởng bí mật ở nước ngoài.
Ông Spalding nói rằng, “Trung Cộng đã thực hiện một công việc rất hoàn hảo khi sử dụng dữ liệu, Internet và toàn cầu hóa để đạt được lợi ích của chính mình.”
“Khi quý vị đem sự trỗi dậy của chủ nghĩa hậu hiện đại ứng dụng ở phương Tây, trong giới học thuật phương Tây, quý vị kết hợp điều đó với sự trỗi dậy và quyền lực của các công ty ở Thung lũng Silicon thông qua công nghệ của họ, và quý vị mô hình hóa điều đó từ đường lối chiến tranh rất chính trị của Trung Cộng, thì quý vị có một công cụ hoàn hảo để tạo ra chủ nghĩa độc tài toàn trị toàn cầu mà không cần phải chiếm đóng lãnh thổ về mặt vật chất, đó vốn là điều mà Liên Xô đã từng muốn làm.”
Ông Omid Ghoreishi là một ký giả thường trú tại Toronto.
Do Omid Ghoreishi thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: