Các cuộc bầu cử đánh dấu năm 2023 là một năm quan trọng
Các cuộc bầu cử, ngay cả ở các quốc gia nhỏ, có thể tạo ra hệ quả toàn cầu, và ba cuộc bầu cử quốc gia, ít nhất trong năm 2023, sẽ có những hệ quả chiến lược quan trọng vượt ra khỏi biên giới của nước họ: các cuộc bầu cử ở Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, và New Zealand.
Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra hôm 25/02 của Nigeria là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong số 10 cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm 2023 của châu Phi vì Nigeria vừa là nền kinh tế lớn nhất vừa là quốc gia có dân số đông dân nhất châu Phi. Và khi Nigeria lao dốc, đa phần tài sản của khu vực châu Phi cận Sahara cũng chịu chung số phận. Cho đến cuộc bầu cử này, thì Nigeria đã ở trong một vòng xoáy đi xuống kéo dài — cả về mặt kinh tế cũng như xã hội — và cuộc bầu cử năm 2023 mang đến cơ hội duy nhất để có được sự đột phá.
Nếu không có bước đột phá đó, thì Nigeria có nguy cơ phải chịu rủi ro “thương mại vẫn sẽ như thường lệ”: một vòng xoáy đi xuống liên tục.
Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như các cuộc bầu cử này diễn ra vào ngày 14/05 (được dời lên sớm hơn so với ngày dự kiến là 18/06), là rất quan trọng vì các cuộc bầu cử này sẽ xác định liệu Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là khu vực địa lý then chốt giữa các khối phía đông và phía tây, sẽ tiếp tục dưới sự cai trị của chủ nghĩa bành trướng độc tài hay là quay trở lại với sự ổn định kinh tế.
Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm, ông Recep Tayyip Erdogan, đã chứng tỏ rằng ông sẽ bỏ tù những người thách thức mình, sẽ tận dụng trận động đất lớn xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 06/02, hoặc sẽ khơi mào chiến tranh với nước láng giềng Hy Lạp hoặc là để trì hoãn hoặc là để bóp méo cuộc bầu cử đã được định trước này. Việc thay đổi ngày bầu cử, và tuyên bố một “tình trạng khẩn cấp” do trận động đất vừa qua đều là những dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của một vị tổng thống đã phá hủy toàn diện nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đến mức một cuộc bầu cử bình thường chắc chắn sẽ khiến ông đánh mất quyền lực.
Còn ông Erdogan không sẵn sàng chấp nhận điều đó.
Trên thực tế, ông Erdogan chỉ là một ví dụ về cách mà các đảng phái chính trị và các nhà lãnh đạo chính trị trở nên thừa nhận quan điểm hậu hiện đại rằng các quốc gia thuộc về họ hơn là họ thuộc về quốc gia của họ.
Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, thì đây là kết quả từ các hoạt động giao dịch ngắn hạn chủ yếu theo phong cách cộng hòa không ngừng “mua chuộc” đại cử tri đoàn để người dân quay trở lại thành chủ thể của chính phủ thay vì chính phủ là chủ thể của đại cử tri đoàn.
Do đó, các xã hội “dân chủ” đã bỏ phiếu cho sự lệ thuộc của chính họ.
Cuộc bầu cử quốc hội của New Zealand vào ngày 14/10 sẽ quyết định liệu có một cơ hội nào dành cho một trong các hiệp ước quan trọng nhất trong những năm sau Đệ nhị Thế chiến tồn tại hay không: các Hiệp ước UKUSA (“Ngũ Nhãn”) liên kết Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, và New Zealand. Nếu New Zealand, và tiếp theo là Canada (quốc gia này không tổ chức bầu cử cho đến tháng 10/2025), không “quay trở lại” với các khuôn mẫu lịch sử của các quốc gia đó, thì cấu trúc liên minh vĩ đại của “phương Tây” này có thể sẽ chuyển sang một giai đoạn mới và xoay quanh một khối mới, AUKUS, hiệp ước các quốc gia Úc – Vương quốc Anh – Hoa Kỳ.
Các cuộc bầu cử mang theo những hệ quả, và thường không chỉ đối với các xã hội tổ chức các cuộc bầu cử này.
Các cử tri ở hầu hết các xã hội chỉ xem xét các phương diện trước mắt và cục bộ — và thường mang tính giao dịch — từ các cuộc bầu cử của họ thay vì các hệ quả chiến lược dài hạn. Và trong khi vấn đề căn bản về chủ quyền, đặc biệt là khi vấn đề này phát triển từ Hiệp ước Westphalia năm 1648, trao quyền kiểm soát độc hữu các cuộc bầu cử cho các quốc gia có chủ quyền tiến hành, trên thực tế là các xã hội bên ngoài có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các cuộc bầu cử và tìm cách đóng một vai trò nào đó trong các cuộc bầu cử này.
Không có cơ chế nào trong một “thế giới Westphalia” để các cường quốc ngoại bang này có thể đóng một vai trò ảnh hưởng pháp lý trong các cuộc bầu cử như vậy. Vì vậy, các nỗ lực được thực hiện trong quan điểm chiến tranh tâm lý-chính trị trắng (công khai), xám (nguồn gốc gián tiếp và mập mờ), và đen (bí mật và có thể phủ nhận), đặc biệt là được thực hiện bởi các cường quốc lớn, để định hướng các cuộc bầu cử ngoại quốc theo mong muốn chiến lược của họ.
“Sự phản đối mạnh mẽ” ở Hoa Kỳ trong những năm gần đây trước “sự can thiệp của Nga” vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đã che đậy thực tế rằng đây là một phương thức được tất cả các cường quốc sử dụng, bao gồm cả bản thân Hoa Kỳ, và được thiết lập để đạt được những kết quả chiến lược mà sẽ có thể chấp nhận được hơn việc bị buộc phải đối mặt với một tình huống quân sự trong tương lai từ một chính phủ ngoại quốc không phải do họ lựa chọn.
Trong những năm gần đây, các hoạt động rộng rãi nhất nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử trên khắp thế giới, và việc sử dụng các chiến dịch mạng tiên tiến, từng là các hoạt động của Trung Quốc. Vấn đề này đặt ra hai câu hỏi mà đa phần được hiểu ngầm và xung khắc. Làm thế nào chúng ta bảo vệ chủ quyền của mình trước sự can thiệp của ngoại quốc? Làm thế nào chúng ta bảo đảm rằng các cuộc bầu cử của một quốc gia ngoại quốc không gây tổn hại cho quốc gia của chúng ta?
Trong số ba cuộc bầu cử “trọng yếu” — hoặc mang ý nghĩa toàn cầu — của năm 2023, thì có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trì hoãn hoặc là hủy bỏ cuộc bỏ phiếu của họ, hoặc cố gắng định hướng cuộc bầu cử đó theo cách mà ông Erdogan vẫn giữ được chức vụ, bất kể dư luận. Ông ấy có thể không làm được gì cả, trừ phi chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử, là điều sẽ không khiến các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ — ở Đông hay Tây — đánh giá lại vị trí của nước này. Ngay cả hiện tại, một sự thúc đẩy ngày càng tăng đang diễn ra trong khối NATO về việc liệu Thổ Nhĩ Kỳ có nên tiếp tục là thành viên hay không.
Nhưng NATO mà không có Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở ra cơ hội để Nga thống trị tuyến Hắc Hải/Địa Trung Hải, đồng thời mang lại cho Nga đòn bẩy lớn ở Đông Địa Trung Hải. Và Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách thành viên trong NATO sẽ giúp Ankara không phải lệ thuộc vào Nga.
Câu trả lời duy nhất là, để Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại và phục hồi, ông Erdogan phải ra đi. Nhưng rõ ràng là ông Erdogan sẵn sàng để Thổ Nhĩ Kỳ diệt vong cùng mình, giống như hồi năm 1945 Adolf Hitler đã khẳng định rằng nước Đức sẽ tiêu tan cùng ông ta. Ông Erdogan, giống như lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tự biến mình thành một cột thu lôi bằng cách thanh trừng mọi đối thủ tiềm năng và nhất quyết muốn được nhìn nhận như một nguồn quyền lực độc tôn.
Điều đó mang hàm nghĩa — như với ông Tập — rằng ông ấy phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều sai trái cũng như được tán dương cho tất cả những điều đúng đắn. Và gần đây, ngoài trận động đất tàn phá phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ, thì có rất ít điều tốt đẹp xảy ra ở quê hương của ông Erdogan.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times