Các công ty Trung Quốc ngày càng trở nên không thể đầu tư được
Đánh giá thấp rủi ro pháp lý mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt
Sau một giai đoạn hỗn loạn đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ cuối cùng cũng kết luận rằng các công ty Trung Quốc không xứng đáng có mặt trong danh mục đầu tư của họ.
Hôm 30/07/2021, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã ban hành lệnh dừng áp dụng toàn bộ đối với việc niêm yết các công ty IPO mới của Trung Quốc tại Hoa Kỳ cho đến khi các rủi ro gây ra cho nhà đầu tư có thể được làm rõ và công bố cụ thể hơn. Và việc dừng niêm yết này nói thì dễ hơn làm.
Sự việc này là một tiến triển thực sự gây kinh ngạc. Vài tháng trước, thật khó có thể tưởng tượng điều gì có thể làm chệch hướng dòng vốn ngoại quốc vào chứng khoán Trung Quốc.
Chất xúc tác ở đây là Trung Cộng và chế độ quản lý của Trung Cộng. Sự khởi đầu có thể được tính từ mùa thu năm ngoái sau khi các nhà quản lý Trung Cộng đã phá hỏng kế hoạch IPO của Ant Group, ứng dụng thanh toán kỹ thuật số, và cố gắng kiềm chế nhà sáng lập Alibaba, ông Jack Ma. Mặc dù Ant chưa bao giờ IPO nên không có nhà đầu tư nhỏ lẻ nào bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng các nhà đầu tư tổ chức ban đầu của Ant (bao gồm cả các nhà đầu tư Hoa Kỳ như Carlyle Group và Silver Lake Partners) đang mắc kẹt và không có cách thoát ra do Ant buộc phải tái cấu trúc và tuân thủ theo khuôn khổ quy định tài chính khá nặng nề —tất cả những điều này đều có thể làm giảm giá trị của công ty một cách đáng kể.
Sau đó vào đầu mùa hè này, Trung Cộng đã trấn áp công ty gọi xe Didi Chuxing vài ngày sau khi công ty này niêm yết tại New York, thực hiện một cuộc điều tra về công ty và loại bỏ ứng dụng của công ty khỏi các cửa hàng ứng dụng di động Trung Quốc. Hành động này được dẫn dắt bởi cơ quan an ninh mạng của Trung Quốc với danh nghĩa “bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia”. [Vậy là] bảo mật dữ liệu đã trở thành một khẩu hiệu mới để trấn áp các đại công ty công nghệ Trung Quốc.
Nếu bỏ qua các vấn đề chính trị và cấu trúc, việc sở hữu một phần của ứng dụng đi xe chung hàng đầu ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đã thu hút nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ. Dù sao đi nữa, hành động đột ngột của Trung Cộng gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi nhuận của nhà đầu tư—cổ phiếu của Didi giảm 27% trong 30 ngày qua kể từ khi IPO, và sự sụt giảm này [xảy ra] sau mức tăng lớn 4.6% trong một ngày vào hôm 30/07/2021.
Sau đó vào tháng 07/2021, các nhà quản lý Bắc Kinh đã tập trung vào lĩnh vực giáo dục tư nhân và dạy thêm. Đối với những người không thạo tin, [đó là] nhiều công ty giáo dục tư nhân nổi tiếng của Trung Quốc đã được niêm yết tại New York, bao gồm New Oriental Education, TAL Education Group và Gaotu Techedu. Như độc giả có thể hiểu, dạy thêm và giáo dục ngoài giờ học là ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc, nơi sự cạnh tranh để được nhận vào trường đại học thường là rất khốc liệt.
Trung Cộng đã ban hành một loạt các phán quyết bắt đầu từ giữa tháng 07/2021 rằng các công ty giáo dục tham gia giảng dạy hoặc dạy thêm học sinh không thể là các tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận, có nghĩa là họ phải trở thành các tổ chức bất vụ lợi. Ngoài ra, Trung Cộng cấm việc niêm yết IPO và sở hữu trong các công ty giáo dục như thế của các nhà đầu tư ngoại quốc hoặc các công ty đại chúng khác. Chỉ với một đòn này, Trung Cộng đã hoàn toàn chấm dứt mô hình kinh doanh của cả một ngành công nghiệp.
Tại ba công ty dạy thêm lớn của Trung Quốc được niêm yết tại New York, các nhà đầu tư của họ đã mất tổng cộng 18 tỷ USD giá trị kể từ ngày 22/07/2021. Nói cách khác, giá trị của ba công ty này vào hôm 02/08/2021 đã thấp hơn 68% so với tổng giá trị kết hợp của chúng vào một tuần trước.
Theo báo cáo của Financial Times, các nhà phân tích của JP Morgan đã tỏ ra súc tích khi cố gắng đưa ra một giọng điệu lạc quan rằng, “Vẫn chưa rõ mức độ tái cấu trúc mà các công ty cần trải qua với bộ quy định mới và theo quan điểm của chúng tôi, điều này khiến những cổ phiếu này hầu như không thể đầu tư được.”
Vài ngày sau, hôm 26/07/2021, các cơ quan quản lý đã ban hành một chính sách trên danh nghĩa nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng và người lao động, đặc biệt là các tài xế giao đồ ăn, trong một nỗ lực nữa nhằm kiềm chế các công ty công nghệ vận chuyển. Meituan, công ty giao đồ ăn của đại lục niêm yết tại Hồng Kông, đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm sau tin tức này. Cổ phiếu của Meituan đã giảm 21.3% kể từ phiên giao dịch 23/07/2021 tại Hồng Kông.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm 26/07/2021 rằng, “Các hướng dẫn [về chính sách] được công bố cho thấy có rủi ro đối với hoạt động kinh doanh giao thực phẩm cốt lõi và có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.”
Trong cùng tuần, Bắc Kinh đã phạt Tencent vì hành vi chống cạnh tranh, cụ thể là cách mà đại công ty giải trí này cấu trúc các bản quyền âm nhạc, yêu cầu Tencent chấm dứt các giao dịch độc quyền với các nghệ sĩ và hãng thu âm. Hành động này khiến cổ phiếu Tencent lao dốc trong tuần.
Suy đoán về các đợt đàn áp tiếp nữa đã ảnh hưởng đến các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ trên diện rộng. Chỉ số S & P /BNY Mellon China Select ADR, phỏng theo ADR (Chứng chỉ Lưu Ký tại Hoa Kỳ) của Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, đã giảm 24% từ hôm 31/03/2021 đến cuối tháng 07/2021.
Những tiến triển gần đây cuối cùng đã làm tỉnh ngộ các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ. Trong một tuyên bố ngày 30/07/2021, ủy viên của SEC, Gary Gensler, cho biết: “Tôi đã yêu cầu nhân viên phải đạt được một số thông tin công bố nhất định từ các tổ chức phát hành ngoại quốc liên kết với các công ty hoạt động tại Trung Quốc trước khi các tuyên bố đăng ký [niêm yết] của họ có hiệu lực.” SEC cũng nhận ra các vấn đề về cấu trúc vốn có trong hầu hết các danh sách của các công ty công nghệ Trung Quốc và những rủi ro tiềm ẩn của chúng.
Yêu cầu này của SEC là quá ít ỏi, quá muộn màng. Hàng tỷ dollar giá trị đã bị xóa khỏi [danh mục tài sản] của các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ của Hoa Kỳ.
Trong nhiều năm, chúng tôi đã lập luận trong ấn bản này rằng đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc phải chịu rủi ro đáng kể và không thể xác định được. Bên cạnh những rủi ro vĩ mô, kinh doanh, và thị trường, còn có những rủi ro về quản trị và chính trị có thể biết trước và không thể biết trước được. Đầu tư vào các công ty Trung Quốc khác với đầu tư vào hầu hết các thị trường khác.
Hãy xem xét một vài lý do cơ bản khiến ai đó chọn một công ty cụ thể để đầu tư. Có những yếu tố cơ bản cần xem xét—mô hình kinh doanh của công ty, triển vọng ngành, rào cản gia nhập ngành, chất lượng quản lý, tình hình tài chính, và xu hướng kinh tế vĩ mô tác động đến hoạt động kinh doanh, lĩnh vực, hoặc quốc gia mà công ty hoạt động. Ngoài ra, nhà đầu tư phải xem xét các rủi ro pháp lý mà công ty và ngành của công ty phải đối mặt từ phía chính phủ (của công ty) trong phạm vi quyền hạn hoạt động của công ty.
Những rủi ro pháp lý này đã trở nên quá lớn với bất kỳ công ty Trung Quốc nào. [Bởi] công ty này sẽ phải thực hiện các mệnh lệnh của Trung Cộng khi bị kêu gọi cung cấp dữ liệu hoặc thông tin cá nhân của cơ sở người dùng của mình hoặc thậm chí do thám người dùng của công ty. Các rủi ro này chắc chắn là tệ, nhưng ít nhất là rủi ro có thể được hiểu và được định lượng.
Nhưng Trung Cộng đã chứng minh-trong cuộc đàn áp gần đây đối với lĩnh vực dạy thêm-rằng Trung Cộng có thể hạ gục toàn bộ một ngành và tất cả các công ty trong ngành đó bằng một mệnh lệnh. Ở đây chúng tôi không tranh luận rằng Trung Cộng cố tình hủy đi các công ty hoặc ngành đang phát triển thành công mà không có lý do, nhưng chắc chắn có động lực để Bắc Kinh kiểm soát nhiều hơn đối với phương hướng và chiến lược của các công ty này. Nhưng từ quan điểm của các nhà đầu tư ngoại quốc, ý thích bất chợt của Trung Cộng là một rủi ro hiện hữu có thể ập đến bất cứ lúc nào mà không cần cảnh báo trước.
Và tôi không chắc đó là một rủi ro có thể được công bố, định lượng, hoặc đo lường một cách đầy đủ. Ít nhất là không đến mức có thể làm hài lòng SEC, nơi có vai trò bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Bên ngoài các công ty trong các ngành bấp bênh một cách rõ ràng giống như đánh bạc hoặc những ngành tệ hại, các nhà đầu tư chắc chắn không xem xét khả năng phát triển của một công ty theo cách như vậy.
Nhìn lại, có lẽ tất cả chúng ta đều đã đánh giá thấp rủi ro hiện hữu mà Trung Cộng gây ra.
Cô Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Fan Yu thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: