Các công ty Trung Quốc giữ kỷ lục về IPO ở Hoa Kỳ, bất chấp căng thẳng
Bất chấp những căng thẳng chính trị đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gắn kết với nhau về khía cạnh tài chính, đặc biệt là về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (Initial Public Offering – IPO).
Ngay cả khi Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu thắt chặt các quy định đối với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ, các công ty này vẫn không từ bỏ việc tìm kiếm nguồn vốn của Hoa Kỳ. Họ đã huy động được số vốn cổ phần kỷ lục thông qua các đợt IPO tại Hoa Kỳ trong năm nay.
Có một số lý do nhất định khiến các công ty có trụ sở tại Trung Quốc do dự khi niêm yết ở Hoa Kỳ. Một số công ty Trung Quốc gần đây đã bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ, chẳng hạn như ba công ty lớn cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước và công ty năng lượng quốc gia China National Offshore Oil Corp.
Tháng 3/2021, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã thông báo rằng họ bắt đầu thực hiện Đạo luật Quy trách nhiệm đối với các công ty ngoại quốc giao dịch tại Hoa Kỳ để siết chặt việc thực hiện công bố thông tin. Những nỗ lực như vậy nhằm đạt được sự minh bạch và giám sát chặt chẽ hơn các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, điều này đã nhận được sự ủng hộ chính trị của Lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn.
Tuy nhiên, những hành động này không ảnh hưởng nhiều đến việc các công ty có trụ sở tại Trung Quốc xếp hàng để thực hiện IPO trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu từ Deloitte & Touche, kể từ khi nhà sản xuất dược phẩm Qilian International Holding Group Ltd. là công ty Trung Quốc đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn Nasdaq trong năm nay, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã huy động được khoảng 4.4 tỷ USD tính đến ngày 31/03 thông qua 20 giao dịch IPO riêng biệt. Đợt IPO lớn nhất là đợt phát hành cổ phiếu trị giá 1.6 tỷ USD của RLX Technology Inc., một nhà sản xuất thuốc lá điện tử. Đây là mức tăng phi thường so với cùng quý của năm ngoái; lúc đó chỉ có sáu vụ IPO tại Hoa Kỳ và huy động được 370 triệu USD cho các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Và còn có nhiều vụ IPO đình đám của Trung Quốc đang được thực hiện.
Một trong những đợt IPO tiềm năng như vậy là của công ty Douyin thuộc tập đoàn ByteDance, ứng dụng xã hội video dạng ngắn, là phiên bản Trung Quốc của TikTok. Reuters đưa tin rằng ByteDance đã thảo luận nội bộ về việc niêm yết Douyin trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và đang thiết lập một cấu trúc pháp lý nhằm đáp ứng các yêu cầu của cả cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ByteDance đã phủ nhận những lời đồn đoán đó. Trước đây, ByteDance muốn niêm yết toàn bộ công ty ở Hoa Kỳ hoặc ở Hồng Kông trước khi chính phủ của ông Trump đưa ra những lo ngại về an ninh vào năm 2020 liên quan đến TikTok.
Didi Chuxing, ứng dụng gọi xe số một Trung Quốc, là một ứng viên chắc chắn cho một đợt IPO ở Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Didi có một danh sách dài gồm những tổ chức nổi tiếng “chống lưng,” bao gồm Tencent, Alibaba, SoftBank của Nhật Bản, Toyota và Uber. Didi là một trong những “kỳ lân” công nghệ lớn nhất của Trung Quốc và đã bí mật nộp đơn S-1 để niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Cổ phần của Uber trong Didi là kết quả của việc họ bán công ty con ở Trung Quốc cho Didi vào năm 2016.
Theo báo cáo của South China Morning Post, Hello TransTech (Hello), một nền tảng chia sẻ xe đạp, là một công ty khác có trụ sở tại Trung Quốc đang chuẩn bị chào bán cổ phần tại Hoa Kỳ. Hello được Ant Group hỗ trợ và có giá trị ước tính là 5 tỷ USD, căn cứ theo tin tức từ vòng gọi vốn mới đây của họ.
Vậy tại sao rất nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc tiếp tục niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, bất chấp những rủi ro về pháp lý? Có thể trả lời ngắn gọn là khả năng tiếp cận thị trường và tính thanh khoản đi kèm.
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ là một đại dương bao la so với cái “ao làng” của Trung Quốc. Theo phân tích của The Epoch Times dựa trên các dữ liệu của Bloomberg, tính đến ngày 30/04, tổng giá trị thị trường của tất cả các công ty có trụ sở tại Trung Quốc được giao dịch trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ đạt 1.9 nghìn tỷ USD.
Tổng giá trị của toàn bộ thị trường chứng khoán Trung Quốc là khoảng 11.7 nghìn tỷ USD, bao gồm của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải là 6.5 nghìn tỷ USD và của Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến là 5.2 nghìn tỷ USD. Điều đó có nghĩa là giá trị của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ gần bằng 30% thị trường Thượng Hải, 37% thị trường Thâm Quyến hoặc 16% tổng số hai thị trường lớn nhất của Trung Quốc cộng lại.
Để so sánh, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Hoa Kỳ là 49 nghìn tỷ USD vào ngày 31/03, theo dữ liệu của Siblis Research.
Vậy điều này có nghĩa là gì? Đầu tiên, việc chuyển các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ trở về Trung Quốc sẽ là một vấn đề–quy mô của nhóm công ty này sẽ hút nguồn vốn đầu tư của các công ty khác tại nội địa Trung Quốc. Rõ ràng là việc thu hút vốn ở ngoại quốc là một chiến lược tài chính quan trọng đối với nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc và nói rộng ra là của Trung Cộng. Quy mô thị trường nội địa của Trung Quốc sẽ cần phải mở rộng đáng kể để có thể đáp ứng được nguồn vốn cho các công ty này. So sánh với thị trường Hoa Kỳ, quy mô về vốn và sự đa dạng của các nhà đầu tư ở Hoa Kỳ là khác xa.
Vào năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã ban hành một sách trắng có tên “Tại sao việc niêm yết chéo cổ phiếu (của các công ty ngoại quốc) tại Hoa Kỳ lại quan trọng.” Mặc dù báo cáo đã có từ lâu, nhưng các kết luận của nó vẫn rất liên quan. Fed nhận thấy rằng “các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tăng mạnh việc nắm giữ cổ phiếu nước ngoài niêm yết chéo trên các sàn giao dịch
Hiện diện tại Hoa Kỳ để thu hút vốn là điều quan trọng đối với các công ty, đặc biệt là các công ty lớn đang cố gắng để có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Thị trường nội địa của Trung Quốc chủ yếu là bán lẻ, với các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ số lượng cổ phiếu nhiều nhất. Thị trường Hoa Kỳ được chi phối bởi các tổ chức, chẳng hạn như các quỹ tương hỗ và ETF, quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm, quỹ đầu cơ và ngân hàng. Uy tín các công ty niêm yết sẽ gia tăng khi có đa số các tổ chức nắm giữ, bên cạnh đó là giá cổ phiếu ít biến động hơn (các tổ chức không chuyển giao cổ phần nhiều như các nhà đầu tư nhỏ lẻ).
Vì vậy, mối đe dọa về việc tăng giám sát tuân thủ là có thật và một số công ty có thể bị hủy niêm yết. Nhưng các công ty có trụ sở tại Trung Quốc cho đến nay vẫn coi việc niêm yết tại Hoa Kỳ lợi nhiều hơn hại. Từ quan điểm của Trung Quốc, sẽ có lợi nếu Trung Cộng có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận với SEC về việc kiểm tra kế toán và kiểm toán xuyên quốc gia, miễn là giữ được cho dòng tiền luân chuyển.
Một giải pháp để tự bảo hiểm cho các công ty là niêm yết kép trên hai thị trường chứng khoán. Một số công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm JD.com, Alibaba và Baidu, đã niêm yết ở cả Hoa Kỳ và Hồng Kông. Theo cách này, nếu các cơ quan quản trị của Hoa Kỳ cấm các công ty này tham gia các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn có thể giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán lớn, có tính thanh khoản cao ở Hồng Kông.
Trong khi các công ty có trụ sở tại Trung Quốc được khuyến khích niêm yết tại Hoa Kỳ, thì các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng nên cảnh giác.
Tính minh bạch và toàn vẹn về công bố thông tin của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc là không ngang bằng với các công ty cùng ngành của Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty nhỏ hơn, ít nổi tiếng hơn. Ngay cả sau khi Trung Quốc cho phép các cơ quan quản trị của Hoa Kỳ kiểm tra các báo cáo kiểm toán, không có gì bảo đảm những báo cáo đó là nguyên bản hoặc đúng thực tế.
Lấy Luckin Coffee, chuỗi quán cà phê nổi tiếng được niêm yết tại Hoa Kỳ, đã sụp đổ vào năm 2020 do gian lận tài chính, làm ví dụ. Các kiểm toán viên đã không phát hiện ra gian lận của Luckin. Thực tế, kiểm toán viên của Luckin là công ty Ernst & Young, đã lập luận rằng họ không chịu trách nhiệm vì các báo cáo và hồ sơ mà họ nhận được từ công ty đã bị làm sai lệch trước đó rồi. Vì vậy, ngay cả khi cấp cho SEC quyền kiểm tra các báo cáo và các tài liệu khác của công ty để kiểm tra cũng sẽ không phát hiện ra hành vi gian lận của Luckin.
Tạp chí Institutional Investor đã tóm tắt tâm lý chung của các nhà đầu tư bằng câu hỏi tu từ dưới đây vào năm ngoái: “Họ háo hức thu lợi tức từ việc đầu tư vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nhưng liệu họ có thể tin tưởng vào những con số, những thông tin công bố, và sự trung thực của các công ty Trung Quốc không?”
Fan Yu
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: