Các công ty kiểm toán lớn gây chú ý do các cáo buộc về hành vi sai trái ở Trung Quốc
Hai trong số các công ty kế toán toàn cầu “Big Four” đang đối mặt với sự giám sát ở Trung Quốc do các hoạt động kiểm toán liên quan đến khách hàng Trung Quốc.
Tháng 02/2021, một nhân viên tại chi nhánh của Deloitte ở Trung Quốc đã gửi một tài liệu trình bày bằng PowerPoint dài 55 trang tới các nhân viên, nêu ra dẫn chứng các cáo buộc vi phạm kiểm toán và giám sát trong hoạt động kiểm toán của công ty này với các khách hàng Trung Quốc. Bản tài liệu lan truyền trên mạng xã hội Weibo và Zhihu của Trung Quốc, với nhiều người bình luận trực tuyến bày tỏ sự ủng hộ đối với người tố cáo và kêu gọi chính phủ tiến hành điều tra các thông lệ kiểm toán.
Bản tài liệu, do một nhân viên ẩn danh ở Bắc Kinh tự gọi là YW soạn thảo, trình bày chi tiết một số vấn đề kiểm toán tiềm ẩn nguy cơ có từ năm 2016 liên quan đến mười khách hàng.
Một số cáo buộc trọng yếu liên quan đến việc các nhà quản lý cao cấp của công ty không tuân thủ các thủ tục kiểm toán thích hợp. Ví dụ: trong quá trình kiểm toán RYB Education—một công ty niêm yết trên NYSE—người tố cáo đã thấy một số thông tin nhất định trong báo cáo kiểm toán không nhất quán với biên lai và chứng từ thật do phía công ty cung cấp và được thông báo rằng họ “không cần phải cẩn thận như vậy, [và] chỉ cần điền vào như bình thường,” bản tư liệu cho biết.
Trong một trường hợp khác liên quan đến RYB Education, bên kiểm toán nhận thấy một số chi phí mà công ty phải chi trả không liên quan đến hoạt động kinh doanh mà là chi phí tiêu dùng và mua sắm cá nhân ở nước ngoài của các quản lý cao cấp của công ty, bao gồm cả học phí chơi golf cho con của người sáng lập công ty ở New York. Sau khi nêu những vấn đề này lên quản lý cao cấp tại Deloitte, người tố cáo cáo buộc rằng các nhà quản lý và giám đốc của Deloitte đã cho là không cần điều tra thêm.
Người tố cáo cũng cáo buộc rằng giám đốc phụ trách kiểm toán RYB của Deloitte đã nhận thẻ quà tặng sử dụng dịch vụ thẩm mỹ viện trị giá hàng chục nghìn nhân dân tệ từ khách hàng và tăng phí kiểm toán RYB để đổi lấy việc che đậy một số vấn đề của công ty. Bản tài liệu cho biết điều này có thể gây nguy hại cho tính độc lập của kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán của họ.
Bản thân RYB Education cũng không phải là không có vấn đề gây tranh cãi. Năm 2017, nhà cung cấp dịch vụ giáo dục này đã bị cáo buộc lạm dụng trẻ em tại một nhà trẻ ở Bắc Kinh sau khi cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, Tân Hoa Xã, đưa tin trẻ em bị lạm dụng tình dục và bị đâm kim tiêm.
Các khách hàng khác có tên trong bản tư liệu bao gồm Sinotrans, một công ty con của tập đoàn nhà nước China Merchants Group và LG CNS China, một công ty con của tập đoàn LG của Nam Hàn và Boqi Environmental của Trung Quốc.
Tác giả của bản tài liệu kết luận rằng, “Việc dung túng, thông đồng, bao che và giấu diếm của các nhân sự Deloitte liên quan đến vấn đề chất lượng kiểm toán đã gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự thị trường tài chính trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán và gây ra các rủi ro lớn tới quyết định đầu tư.”
Deloitte thông tin rằng họ đã biết về các cáo buộc và đã tự xem xét vấn đề, “và không tìm thấy bằng chứng nào ảnh hưởng đến tính đúng đắn của công việc kiểm toán của chúng tôi,” một tuyên bố của Deloitte nêu hôm 05/02.
Bản tài liệu cũng thu hút sự theo dõi của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Bộ Tài chính Trung Quốc được cho là đã triệu tập một cuộc họp với ban quản lý của Deloitte Trung Quốc.
Deloitte không phải là công ty kế toán “Big Four” duy nhất sa lầy vào tranh cãi ở Trung Quốc. EY (Earnst & Young) cũng đang đối mặt với những cáo buộc liên quan đến hoạt động kiểm toán cho các khách hàng lớn của Trung Quốc. Theo một bản tin của tờ Telegraph ở Anh Quốc, một người tố cáo đã buộc tội các nhà quản lý cao cấp của EY “đang làm ngơ khi khách hàng lớn của họ là Xinwei Group đã không tiết lộ một giao dịch mua cổ phiếu rủi ro.”
Điều đáng ngờ rằng liệu những vi phạm này có đủ trọng yếu để thay đổi ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính của các công ty này hay không. Tuy nhiên, các cáo buộc cho thấy một khía cạnh về những phức tạp chuyên môn của nghề kiểm toán và có thể đưa đến nhiều quy định và sự giám sát chặt chẽ hơn về đạo đức và thủ tục của kiểm toán viên.
Kiểm toán, với những đặc thù ở Trung Quốc
Có một số cách để mổ xẻ những cáo buộc đã nảy sinh một cách bất ngờ này ở Trung Quốc.
Đầu tiên, ai cũng biết rằng trong mùa [kiểm toán] áp lực thường niên, các kiểm toán viên vô cùng bận rộn và cần xem xét hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn tài liệu mỗi tuần. Theo một nhân viên của “Big Four” ở New York, một người muốn ẩn danh, ở cấp độ vi mô, những vi phạm nhỏ là điều phổ biến và các nhà quản lý kiểm toán cao cấp phải xoay sở giữa việc đáp ứng các thời hạn (theo yêu cầu của khách hàng), đồng thời giải quyết và ghi nhận các vấn đề kiểm toán được nêu ra. Nguồn tin cho biết, một số vấn đề thực tế được “ghi lại để đấy” nếu chúng được coi là không đáng kể để có thể thay đổi kết quả kiểm toán hoặc tính toàn vẹn của các báo cáo tài chính.
Nhưng tích tiểu thành đại. Đây là một lý do khiến chất lượng kiểm toán của các hãng kiểm toán lớn bị đặt dấu hỏi. EY đang phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng ở Âu Châu sau sự sụp đổ của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Đức từng được đề cao là Wirecard. Và KPMG vào năm 2020 đã bị kiện ở Anh Quốc vì đã kiểm toán công ty xây dựng lớn Carillion đã phá sản của Anh Quốc.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB)—cơ quan giám sát chuyên ngành đối với các hãng kiểm toán—đã phát hiện ra rằng 30% trong tổng số các cuộc kiểm toán của PwC và KPMG vào năm 2020 có sai sót đáng kể, với EY và Deloitte tương ứng là 18% và 10%.
Tổng hợp lại những vấn đề này là những thách thức cụ thể hơn đối với Trung Quốc.
Đã có một loạt vụ bê bối tài chính liên quan đến các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, đáng chú ý nhất là chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee, đã bị hủy niêm yết khỏi Nasdaq vào năm 2020 sau khi công ty bị phát hiện có hành vi giả mạo doanh thu. Các công ty Trung Quốc khác được niêm yết tại Hoa Kỳ, bao gồm TAL Education Group và iQiyi, đã trở thành đối tượng của những người tố cáo và bán khống vì cáo buộc có những hành vi không đúng đắn trong nghiệp vụ kế toán và tài chính.
Các công ty lớn của Trung Quốc được kiểm toán bởi các chi nhánh địa phương của hãng kiểm toán “Big Four”, những đơn vị không phải hồi đáp PCAOB hoặc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Ban lãnh đạo Trung Cộng coi các tài khoản và hồ sơ tài chính của các công ty Trung Quốc là “bí mật nhà nước” có tính bảo mật và riêng tư.
Tuy nhiên, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã bắt đầu phản công. Đạo luật về Trách nhiệm Giải trình của Các Công ty Cổ phần Nước ngoài (The Holding Foreign Companies Accountable Act) đã được ký thành luật vào tháng 12/2020 để buộc các công ty nước ngoài được niêm yết tại Hoa Kỳ phải chịu sự kiểm tra của PCAOB nếu không sẽ bị hủy niêm yết.
Rủi ro về sự can thiệp chuyên quyền của chính phủ và sự phục tùng của các giám đốc điều hành đối với chế độ do Trung Cộng cầm quyền đưa ra một thách thức khác, một thách thức khó vượt qua hơn so với quyền tiếp cận các hồ sơ kiểm toán.
Các công ty Trung Quốc, ngay cả các công ty thuộc sở hữu tư nhân, phải ngầm giải trình với những người đứng đầu và chi bộ Trung Cộng ở địa phương. Hầu hết mọi công ty ở Trung Quốc đều có các thành viên Trung Cộng, người ngầm giải trình trực tiếp với Trung Cộng bên cạnh các nghĩa vụ của họ đối với công ty. Đó là một trong những lý do chính khiến Huawei—một công ty thuộc sở hữu tư nhân—gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.
Theo báo cáo gần đây của Telegraph, có hàng nghìn thành viên Trung Cộng được tuyển dụng bởi các công ty kế toán “Big Four” ở Trung Quốc, bao gồm ít nhất một giám đốc (partner) tại mỗi công ty trong số bốn công ty. EY và Deloitte mỗi bên tuyển dụng hơn 800 đảng viên Trung Cộng.
Bà Yang Jie, một giám đốc tại KPMG Trung Quốc, đã được trích dẫn trên một trang web của Trung Quốc ca ngợi chế độ cai trị của đất nước, nói rằng “chúng tôi thường tổ chức để học hỏi tinh thần của đảng và tư duy của ông Tập Cận Bình trong việc cải cách và trang bị vũ khí cho chúng tôi,” tờ Telegraph đưa tin. Bà này cũng tham gia Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 năm 2017 với tư cách là đại diện danh dự.
Thực tế này tự nó không phải là tin thời sự gì cả. Hầu như bất kỳ ai quan trọng ở Trung Quốc đều là đảng viên Trung Cộng, bao gồm các giám đốc điều hành công ty và các doanh nhân giàu có (chẳng hạn như Jack Ma).
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Trung Cộng đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối từ các đảng viên và lợi ích của đảng thường là tối quan trọng. Điều này càng làm phức tạp thêm vai trò của kiểm toán viên, người có nhiệm vụ ủy thác đối với thị trường đại chúng và các cổ đông độc lập của công ty mà họ kiểm toán, chứ không phải đối với Trung Cộng.
Do Fan Yu thực hiện
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: