Các công ty Hoa Kỳ và ngoại quốc đang rời khỏi Trung Quốc
Trung Quốc không còn là nhà sản xuất của thế giới khi các công ty Hoa Kỳ và ngoại quốc đang rời đi với số lượng lớn vì nhiều lý do.
Một số yếu tố khiến các công ty di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc bao gồm: chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và thuế quan, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ (IP), các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và hành vi xâm hại quyền tự chủ của Hong Kong, bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay, gián đoạn chuỗi cung ứng, đại dịch kinh tế, sự gia tăng quy định và giám sát của chính phủ, và chi phí sản xuất tăng.
Trong một cuộc khảo sát năm 2020 do công ty nghiên cứu Gartner thực hiện, khoảng một phần ba các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng trả lời rằng họ có kế hoạch chuyển ít nhất một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trước năm 2023. Một nghiên cứu do UBS Evidence Lab thực hiện cho thấy 76% các công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang trong quá trình hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sang các nước khác.
Khi Nike lên tiếng chống lại sự áp bức ở Tân Cương, doanh số bán hàng ở Trung Quốc đã giảm 59% do người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay thương hiệu Mỹ. Các nhà cung cấp của Nike đã chuyển hoạt động của họ sang Đông Nam Á và Phi Châu. Giờ đây, càng có nhiều động lực hơn để Nike chuyển dịch một tỷ lệ lớn hơn trong sản xuất của mình.
Apple đang giữ phần lớn sản xuất ở Trung Quốc, nhưng sẽ chuyển 30% sản lượng AirPods cổ điển và một số sản xuất iPad sang Việt Nam. Công ty cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp của mình, bao gồm Foxconn, Delta Electronics, và Pegatron, di chuyển tới 30% sản lượng iPhone. Foxconn đã đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Ấn Độ. Các nhà thầu khác đang thiết lập hoạt động tại Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia.
Nhà sản xuất đồ chơi Hoa Kỳ Hasbro đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam và Ấn Độ. Tổng cộng, Hasbro đã giảm khoảng 30% lượng hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung Quốc. Công ty đang gặp khó khăn liên quan đến những sản phẩm vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc, vì sự cố chuỗi cung ứng, thiếu container vận chuyển và không thể đưa hàng ra khỏi đất nước này. Điều này có thể dẫn đến di chuyển địa điểm ra xa hơn nữa.
Các công ty lớn khác của Hoa Kỳ đang rời bỏ Trung Quốc. Stanley Black & Decker chuyển cơ sở sản xuất của mình trở lại Texas. Del đang định vị lại 30% sản xuất máy tính xách tay. Google đang chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel sang Việt Nam và sẽ sản xuất các điện thoại thông minh khác tại Thái Lan. Ngoài ra, bo mạch chủ Cloud và các sản phẩm Nest hiện sẽ được sản xuất tại Đài Loan và Malaysia. Microsoft đã chuyển nhà sản xuất dòng máy tính xách tay và máy tính để bàn Surface sang Việt Nam. GoPro hiện sẽ sản xuất tại Mexico. Intel có kế hoạch xây dựng hai cơ sở sản xuất vi mạch ở Arizona. Under Armour đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, Jordan, Philippines, và Indonesia. Steve Madden đang chuyển đến Campuchia, Brazil, Mexico, và Việt Nam.
Thuế quan của Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc, bất kể quốc gia nào sở hữu nhà máy. Và tất nhiên, tất cả những khó khăn cụ thể của Trung Quốc đều tác động đến các công ty từ tất cả quốc gia khác. Do đó, không chỉ các công ty Hoa Kỳ đang từ bỏ Trung Quốc, mà còn cả các công ty từ các quốc gia khác.
Quanta Computer, công ty máy chủ dữ liệu của Đài Loan, đã chuyển hoạt động sản xuất đến một địa điểm mới ở thành phố Đào Viên của Đài Loan vào cuối năm 2018 do thuế quan trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Samsung Electronics của Hàn Quốc là một trong những công ty lớn nhất ngoài Hoa Kỳ cũng đang tìm cách rút lui. Công ty này đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng và ngừng sản xuất TV ở Trung Quốc. Ngoài ra, việc sản xuất máy tính cá nhân của họ đã chuyển sang Việt Nam.
Tương tự, công ty LG Electronics của Hàn Quốc đã chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Hoa Kỳ. Các tủ lạnh nhập cảng tại Hoa Kỳ của LG hiện sẽ được sản xuất tại Hàn Quốc.
Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Kia Motors đã đóng cửa một trong những nhà máy chính của họ ở Trung Quốc do doanh số bán hàng giảm mạnh. Đây là kết quả của một cuộc tẩy chay chung đối với các sản phẩm của Hàn Quốc ở Trung Quốc, bắt nguồn từ việc Hàn Quốc mua hệ thống phòng thủ tên lửa do Hoa Kỳ sản xuất. Hyundai Motor Group và Hyundai Mobis cũng chứng kiến doanh số bán hàng của họ giảm mạnh do bị tẩy chay, và do đó đã chuyển hoạt động sản xuất sang Hàn Quốc và Ấn Độ.
Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc đã phát hiện ra rằng gần 25% các công ty Đức đang có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. Adidas đã giảm 50% hoạt động tại Trung Quốc trong 10 năm qua, chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Công ty này cũng đã có một cam kết công khai cắt đứt mọi quan hệ với các công ty sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, khiến doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm 78%.
Nhà sản xuất giày thể thao Puma trước đây đã thực hiện một phần tư tổng sản lượng tại Trung Quốc, nhưng hiện đang đa dạng hóa và chuyển hoạt động sang Bangladesh, Campuchia, Indonesia, và Việt Nam. Giống như các công ty khác lên tiếng phản đối lao động cưỡng bức ở Tân Cương, doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Puma đã bị giảm, khiến Giám đốc điều hành Puma Bjorn Gulden cho rằng tương lai của các thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc đã là điều đáng ngại.
Vào tháng 04/2020, chính phủ Nhật Bản đã thành lập một quỹ trị giá 2.2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc. Cho đến nay, đã có 87 công ty nhận lời đề nghị của chính phủ, bao gồm cả công ty điện tử Sharp, do Foxconn của Đài Loan sở hữu phần lớn. Sony đã chuyển nhà máy điện thoại thông minh của mình từ Bắc Kinh sang Thái Lan và chuyển văn phòng điều hành khu vực từ Hồng Kông sang Singapore. Nintendo đã chuyển đến Việt Nam.
Ngoài các công ty sản xuất, các loại công ty khác cũng đang rời Trung Quốc vì nhiều lý do. LinkedIn đã đóng cửa các hoạt động tại Trung Quốc, với lý do chính phủ gia tăng các hạn chế và sự giám sát của chính phủ. Nền tảng hội nghị từ xa của Hoa Kỳ Zoom đã ngừng bán hàng trực tiếp ở Trung Quốc và đã mở các trung tâm dữ liệu và R&D ở Ấn Độ và Hoa Kỳ. Tờ New York Times đã chuyển một phần văn phòng ở Hồng Kông đến Seoul, Hàn Quốc, do luật an ninh quốc gia của Trung Quốc hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: