Các công ty Hoa Kỳ dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc và đại dịch COVID-19 đã khiến các công ty phải cắt giảm sự phụ thuộc thái quá vào Trung Quốc như một nhà cung cấp duy nhất.
Theo khảo sát của Qima, một công ty chuyên theo dõi về chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hồng Kông, các thương hiệu Hoa Kỳ đã bắt đầu xem xét những khả năng nhằm tìm nguồn cung ứng gần quê nhà hơn, với khu vực Latinh và Nam Mỹ đang tạo được sức hút đáng kể trong những tháng gần đây.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7 với hơn 200 doanh nghiệp trên khắp thế giới cho thấy các bên được khảo sát đang dần dịch chuyển nguồn cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. 93% doanh nghiệp Hoa Kỳ được hỏi cho biết họ có kế hoạch đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, chưa đến một nửa số doanh nghiệp của EU được hỏi có chiến lược tương tự.
Theo một báo cáo của Qima hiển thị các kết quả khảo sát chính, Trung Quốc vẫn là một nhà cung ứng toàn cầu lớn, tuy nhiên, sự thống trị của quốc gia này đã trở nên “ít ấn tượng hơn một cách đáng kể” so với những năm trước.
Ví dụ, năm nay có 75% người được hỏi trên phạm vi toàn cầu đề cập Trung Quốc nằm trong số 3 khu vực cung ứng hàng đầu, so với con số áp đảo 96% vào năm 2019.
Nhiều công ty, đặc biệt là những công ty trong ngành dệt may, từ khá lâu đã đặt ưu tiên trong việc đa dạng hóa nhà cung cấp, trong đó Việt Nam tiếp tục trở thành một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.
“Luôn ở thứ hạng cao trong danh sách các đối thủ của Trung Quốc tại khu vực, Việt Nam tiếp tục thu được nhiều lợi ích nhất từ sự di cư ồ ạt liên tục của các khách hàng phương Tây ra khỏi Trung Quốc, với 40% số bên được hỏi ở EU và hầu như tất cả các thương hiệu Hoa Kỳ đều [ghi nhận] Việt Nam nằm trong số các khu vực cung ứng hàng đầu của họ”, báo cáo nêu rõ.
Trong số các quốc gia Châu Á khác, Đài Loan đang nổi lên thành “một thủ lĩnh không thể chối cãi” vì hòn đảo này được hưởng ưu đãi vượt trội như một thị trường cung ứng của các công ty Hoa Kỳ.
Đại dịch cũng đã thúc đẩy nhu cầu chuyển các tuyến cung ứng về lại Hoa Kỳ hoặc về các khu vực gần hơn tại các nước Latinh và Nam Mỹ.
Báo cáo của Qima cho biết, “Đối với các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, các điểm cung ứng gần bản quốc của họ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức độ ghi nhận của khu vực Latinh và Nam Mỹ gần như tăng gấp đôi so với năm ngoái.”
Khảo sát cho thấy 39% các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ lên kế hoạch tìm kiếm thêm nguồn hàng từ Hoa Kỳ và Bắc Mỹ và 13% từ Nam Mỹ và Mỹ Latinh.
“Trong khi đó, các thương hiệu EU đang ngày càng chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ như một điểm cung ứng lân cận”, báo cáo cho biết.
Trong nhiều thập kỷ, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở Trung Quốc để tiếp cận thị trường này, và họ đã phải từ bỏ tài sản trí tuệ của mình như một cái giá để gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, đại dịch, cùng với tâm lý ghét bỏ chống lại Trung Quốc trong vài tháng qua, đã buộc nhiều lãnh đạo tập đoàn phải thay đổi căn bản chiến lược nguồn cung ứng của họ.
Tính bền vững của chuỗi cung ứng cũng trở thành một chủ đề chính trị nóng bỏng, khi cuộc bầu cử tháng 11 đang đến gần.
Tổng thống Donald Trump cam kết chấm dứt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc và mang về lại 1 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Gần đây, ông đã đề xuất cung cấp các khoản tín dụng thuế và cho phép “giảm trừ 100% chi phí cho các ngành thiết yếu như dược phẩm và robot” để khuyến khích các công ty sản xuất tại Hoa Kỳ. TT Trump cũng đã ký một sắc lệnh vào ngày 6/8 để đảm bảo rằng các loại thuốc, vật tư y tế và thiết bị thiết yếu được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, cũng cam kết “đưa trở về các chuỗi cung ứng quan trọng”. Ông hứa sẽ “củng cố sức mạnh công nghiệp và công nghệ của Hoa Kỳ và đảm bảo tương lai được ‘tạo ra trên toàn Hoa Kỳ’ bởi tất cả người lao động của Hoa Kỳ”.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một nhà cung cấp toàn cầu rất quan trọng. Theo Liên Hợp Quốc, Trung Quốc chiếm gần 20% thương mại toàn cầu về sản xuất các sản phẩm trung gian, tăng từ 4% vào năm 2002.
Tác giả: Emel Akan