Liên Hiệp Quốc cảnh báo, để bảo tồn cho Trái đất vẫn là một “hành tinh có thể sinh sống được” thì nhiệt độ không thể ấm lên hơn 1.5°C so với thời đại tiền công nghiệp.
Theo NASA, việc không duy trì được mức nhiệt độ đó có thể dẫn một số thảm họa, chẳng hạn như tình trạng hạn hán và các thảm họa liên quan đến thời tiết ngày càng tăng, nhiều bệnh tật và các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ hơn, ít lương thực hơn và nghèo đói hơn.
Để ngăn chặn những khó khăn đang rình rập này và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, vào năm 2016, 194 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và Liên minh Âu Châu đã ký Thỏa thuận Paris của Liên Hiệp Quốc. Đây là một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý với một mục tiêu là “giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.”
Sau thỏa thuận này, chi tiêu trên toàn cầu cho các dự án liên quan đến khí hậu tăng lên một cách nhanh chóng.
Theo nhóm cố vấn bất vụ lợi Sáng kiến Chính sách Khí hậu (Climate Policy Initiative), trong hai năm 2021 và 2022, mỗi năm người đóng thuế trên thế giới đã chi trung bình 1.3 ngàn tỷ USD cho các dự án như vậy.
Báo cáo cho thấy, con số này cao gấp đôi mức chi tiêu trong năm 2019 và 2020, với 653 tỷ USD mỗi năm, và tăng rất nhiều so với 364 tỷ USD mỗi năm trong năm 2011 và 2012.
Mặc dù lượng tiền như vậy đã đổ vào, nhưng Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) vẫn báo cáo rằng năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi lại.
Các đài giám sát khí hậu của NOAA phát hiện rằng nhiệt độ trung bình trên mặt đất và bề mặt đại dương của Trái đất vào năm 2023 cao hơn 1.35°C so với thời đại tiền công nghiệp.
Bà Sarah Kapnick, khoa học gia trưởng của NOAA cho biết: “Năm 2023 không chỉ là năm ấm nhất theo ghi chép khí hậu trong 174 năm của NOAA mà còn là năm ấm nhất tính cho đến thời điểm hiện nay.”
“Một hành tinh ấm lên có nghĩa là chúng ta cần sẵn sàng cho những tác động của biến đổi khí hậu đang xảy ra hiện nay, chẳng hạn như các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.”
Nhưng một nhóm ngày càng nhiều các khoa học gia về khí hậu có chung quan điểm đang nói rằng các số ghi nhiệt độ này bị sai lệch và hàng ngàn tỷ dollar đổ vào như vậy đều dựa trên một vấn đề vốn không tồn tại.
Ông Anthony Watts, giám đốc của một nghiên cứu chuyên về kiểm tra các đài khí hậu của NOAA, cho rằng có hơn 90% các đài theo dõi nhiệt độ của NOAA có sự thiên lệch nhiệt độ. Ông Watts còn là một nhà khí tượng học, thành viên cao cấp về môi trường và khí hậu tại Viện Heartland, và là tác giả trang web khí hậu Watts Up With That.
“Và với con số lớn như vậy, hơn 90%, các phương pháp mà NOAA sử dụng để cố gắng giảm thiểu sự thiên lệch này là không hiệu quả vì sự thiên lệch này quá lớn,” ông Watts nói với The Epoch Times.
“Một số ít đài còn lại không bị thiên lệch vì những đài này, ví dụ như, trên một cánh đồng nằm ngoài thành phố và là một đài nghiên cứu nông nghiệp đã tồn tại được [khoảng] 100 năm … dữ liệu của những đài này hoàn toàn bị lấn át bởi tập hợp nhiều dữ liệu thiên lệch. Quý vị không có cách nào để điều chỉnh.”
Nhà khí tượng học Roy Spencer đã đồng tình với nhận xét trên.
“Dữ liệu của nhiệt kế trên bề mặt [Trái đất] vẫn có những hiệu ứng ấm lên giả do đảo nhiệt đô thị (urban heat island), vốn ngày càng tăng lên,” ông Spencer cho biết.
Ông là khoa học gia nghiên cứu chính tại Đại học Alabama, trưởng nhóm Khoa học Hoa Kỳ về Máy đo phóng xạ Quét Vi sóng Tân tiến trên Vệ tinh Aqua của NASA và là người nhận Huân chương Thành tựu Khoa học Đặc biệt của NASA cho công trình giám sát nhiệt độ dựa trên vệ tinh.
Ông Spencer cũng cho biết các mô hình khí hậu được tạo ra bằng máy điện toán vốn được sử dụng để thúc đẩy những thay đổi trong chính sách về năng lượng thì thậm chí còn sai sót nhiều hơn nữa.
Trung tá John Shewchuk, một nhà tư vấn khí tượng học được chứng nhận, cho biết các vấn đề về số ghi nhiệt độ không chỉ dừng lại ở sự thiên lệch nhiệt độ. Vị trung tá đã về hưu này là một viên chức cao cấp về thời tiết trong Lực lượng Không quân.
“Sau khi xem nhiều báo cáo về những điều chỉnh của NOAA đối với dữ liệu nhiệt độ của USHCN [Mạng lưới Khí hậu học Trong quá khứ của Hoa Kỳ], tôi quyết định tự mình tải xuống và phân tích dữ liệu này,” Trung tá Shewchuk nói với The Epoch Times.
“Tôi đã có thể xác nhận những gì người khác đã phát hiện ra. Rõ ràng là, một cách khái quát, nhiệt độ trong quá khứ được chỉnh lại cho mát hơn còn nhiệt độ hiện tại thì được chỉnh lại cho ấm lên.”
Ông cho rằng NOAA và NASA đã điều chỉnh dữ liệu nhiệt độ trong quá khứ theo cách khiến cho nhiệt độ trong quá khứ có vẻ mát hơn và, bằng cách đó, làm cho khuynh hướng nhiệt độ ấm lên hiện nay trở nên rõ rệt hơn.
Các số ghi nhiệt độ bị sai lệch
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hiệu ứng đảo nhiệt đô thị khiến những khu vực có nhiều tòa nhà, đường sá, và các dạng cơ sở hạ tầng khác — hấp thụ hơi nóng của mặt trời và sau đó tỏa ra bên ngoài — có nhiệt độ cao hơn [so với các khu vực khác].
Cơ quan này ước tính rằng “nhiệt độ ban ngày ở khu vực thành thị cao hơn nhiệt độ ở các khu vực ngoại ô từ 1–7°F và vào ban đêm nhiệt độ chênh lệch còn cao hơn thế khoảng 2–5°F.”
Do đó, NOAA yêu cầu tất cả các đài quan sát khí hậu của mình phải được đặt cách xa các địa điểm có bê tông, nhựa đường, và các tòa nhà ít nhất 100 feet (khoảng 30.5 m).
Tuy nhiên, hồi tháng 03/2009, ông Watts đã công bố một báo cáo cho thấy 89% các đài của NOAA đã gặp các vấn đề về thiên lệch nhiệt độ vì cách các khu vực đó chưa tới 100 feet và nhiều đài nằm cạnh các đường băng ở phi trường.
Ông Watts cho biết: “Chúng tôi thấy có các đài được đặt cạnh quạt hút của máy điều hòa không khí, nằm giữa bãi đậu xe và đường sá trải nhựa đường, hoặc trên mái nhà nóng như chảo lửa, gần vỉa hè và các tòa nhà hấp thụ và tỏa nhiệt.”
“Chúng tôi tìm thấy 68 đài được đặt tại các nhà máy xử lý nước thải, nơi mà tiến trình phân hủy chất thải tạo ra nhiệt độ cao hơn các khu vực xung quanh.”
Báo cáo này đã kết luận rằng số liệu nhiệt độ của Hoa Kỳ là không đáng tin cậy, và bởi vì số liệu này được xem là “tốt nhất trên thế giới,” nên các cơ sở dữ liệu nhiệt độ toàn cầu cũng “bị ảnh hưởng và không đáng tin cậy.”
Sau báo cáo này, Văn phòng Tổng Thanh tra Hoa Kỳ (OIG) và Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ đã xác nhận những phát hiện của ông Watt và tuyên bố rằng NOAA đang thực hiện các bước để giải quyết các vấn đề này.
Báo cáo của OIG cho biết: “NOAA thừa nhận rằng có vấn đề với dữ liệu USHCN do các thiên lệch bởi các việc như di dời địa điểm không được ghi nhận, đặt sai địa điểm, hoặc thay đổi công cụ gây ra.”
“Tất cả các chuyên gia đều cho rằng cần phải có một hệ thống báo cáo khí hậu được cải tiến, hiện đại hóa để không còn cần phải điều chỉnh dữ liệu.”
Bất luận những lời cam đoan nói trên, ông Watts vẫn cho rằng NOAA không thực sự giải quyết các vấn đề này, và vào tháng 04 và tháng 05/2022, ông và nhóm của mình đã xem xét lại nhiều đài nhiệt độ tương tự mà họ đã quan sát hồi năm 2009.
Ông đã công bố các phát hiện của mình trong một nghiên cứu mới vào ngày 27/07/2022. Nghiên cứu này cho thấy, thậm chí có nhiều hơn nữa, khoảng 96% các đài nhiệt độ của NOAA vẫn không đạt tiêu chuẩn của chính họ.
“Có hai thiên lệch chủ yếu trong mạng lưới nhiệt độ bề mặt của Hoa Kỳ, và rất có thể là của thế giới, mà tôi đã xác định được,” ông Watts nói.
“Thiên lệch lớn nhất là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Điều xảy ra là bởi vì hơi nóng được giữ lại trên các bề mặt và tỏa ra không khí vào ban đêm, nên nhiệt độ thấp vào ban đêm [ở nơi có hiệu ứng đảo nhiệt đô thị] không thấp như trên nhiệt kế ở ngoài đô thị và trên cánh đồng.”
Ông cho biết, trong những năm qua, ngày càng có nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng xung quanh các vị trí đặt nhiệt kế, và vào ban đêm, nhựa đường và bê tông tỏa ra lượng nhiệt đã được hấp thụ và đẩy nhiệt độ lên cao.
“Quý vị có thể kiểm tra bất kỳ bộ dữ liệu khí hậu nào, bất kể ai tạo ra các dữ liệu này, và quý vị có thể nhận thấy hiệu ứng này. Nhiệt độ thấp đang có khuynh hướng tăng nhanh hơn nhiều và nhiệt độ cao hầu như không thay đổi. Nhưng loại nhiệt độ đang được sử dụng để theo dõi [hiện tượng] biến đổi khí hậu là nhiệt độ trung bình.”
Ông nói rằng mặc dù cả NOAA và NASA đều tuyên bố rằng họ có thể điều chỉnh dữ liệu của mình để giải thích hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nhưng vẫn không thể khắc phục được thiên lệch vì vấn đề này ảnh hưởng đến 96% các đài đo bề mặt.
Ông cho biết một số nhiệt kế tại các đài khí hậu không bị thiên lệch về nhiệt cho thấy mức độ ấm lên chỉ bằng một nửa những gì hiện đang được báo cáo.
Nhiệt độ nhất thời
Sự thiên lệch chủ yếu thứ hai mà ông Watts đã xác định là các số ghi nhiệt độ nhất thời, là những thay đổi nhiệt độ trong thời gian ngắn nhưng có thể đưa đến một số ghi sai lệch.
Theo ông Watts, NOAA bắt đầu không dùng nhiệt kế thủy ngân vào giữa đến cuối những năm 1980.
Phần lớn mạng lưới của họ hiện gồm có các nhiệt kế điện tử có thể đo nhiệt độ trong vòng vài giây.
Ông nói: “Nhưng những nhiệt kế điện tử này chỉ ghi lại nhiệt độ cao và thấp trong ngày, nhưng có thể bị thiên lệch vì những tác động đơn giản của gió.”
“Ví dụ, quý vị có thể đặt một trong những cảm biến nhiệt độ này gần một bãi đậu xe, mà bãi đậu xe đó tình cờ nằm lại ở phía đông của nhiệt kế. Và gió chủ yếu thổi từ hướng Nam suốt cả ngày. Nhưng sau đó, đột nhiên quý vị gặp phải gió đổi hướng, và sự đổi hướng gió này có thể là do nhiều thứ khác nhau gây ra. Có thể là do một sự thay đổi nào đó trong mô hình thời tiết gây ra. Có thể là do thứ gì đó ngăn luồng gió từ phía nam gây ra, ví dụ như một chiếc xe bán tải chạy đến gần đó.”
“Vì vậy, đột nhiên quý vị gặp phải gió đổi hướng sang phía đông, thổi ngang qua bãi đậu xe và đón lấy sức nóng bức xạ đó. Và nhiệt kế sẽ phản ánh điều đó trong khoảng một hoặc hai giây. Và nhiệt kế sẽ ghi nhận một nhiệt độ cao từ cơn gió bất chợt đó mà không hẳn đại diện cho thời tiết ngày hôm đó. Đó là một sự bất thường. Và điều tương tự có thể xảy ra vào ban đêm.”
Ông Watts cho biết nhiệt độ nhất thời là một vấn đề mà ai cũng biết đến mức Văn phòng Khí tượng ở Vương quốc Anh và Cục Khí tượng Úc đã từ bỏ mạng lưới công nghệ cao của họ và đang trang bị lại để có được các số ghi chính xác hơn.
“Đây là những vấn đề mà NOAA chưa thực sự giải quyết đến nơi đến chốn,” ông cho biết. “Những người làm việc về dữ liệu khí hậu không bao giờ bước chân ra khỏi văn phòng, và họ không quản lý các đài này. Chúng [các đài này] được giao cho các văn phòng địa phương của Cơ quan Thời tiết Quốc gia — nhưng các văn phòng địa phương của Cơ quan Thời tiết Quốc gia đang thiếu nhân lực.”
“Một số đài, như ở phương Tây này đây, cách văn phòng Dịch vụ Thời tiết Quốc gia hàng trăm dặm hoặc xa hơn, nên họ không thể đến đó để bảo trì thường xuyên. Và khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia tiến hành hiện đại hóa vào đầu những năm 1990, họ đã đóng cửa nhiều văn phòng Dịch vụ Thời tiết trên khắp đất nước.”
“Và do đó, việc bảo trì những nhiệt kế này đã giảm xuống — mà rất nhiều thiết bị theo dõi này do công chúng điều hành, nhiều người là các tình nguyện viên. Khi tôi đến thăm, các tình nguyện viên hỏi tôi xem tôi có thể yêu cầu Dịch vụ Thời tiết đến để khắc phục điều gì đó không. Nhưng họ không thể đến, bởi vì vấn đề là họ không có đủ ngân sách.
“Điểm mấu chốt là Mạng lưới Quan sát viên Hợp tác (mạng lưới COOP). Mạng lưới này thực sự là một nhóm không có tổ chức gồm các tình nguyện viên, kết hợp với một số cơ quan công cộng, chẳng hạn như các đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa, trạm kiểm lâm, v.v.”
“Đây không phải là một mạng lưới được kiểm soát chặt chẽ một cách khoa học ở cấp độ hoạt động.”
Chính NOAA cũng đã tuyên bố trên trang web của mình rằng các số ghi nhiệt độ của họ không chính xác và rằng cơ quan này đã thêm vào một biên độ sai số cho nhiệt độ của họ.
Vào thời điểm bài báo này được phát hành, cả NOAA và NASA đều không phúc đáp The Epoch Times với yêu cầu bình luận về các dị thường nhiệt độ nhất thời hoặc tuyên bố của ông Watts rằng việc điều chỉnh thiên lệch về nhiệt là không thể.
Điều chỉnh số ghi nhiệt độ
NOAA cũng đã điều chỉnh dữ liệu nhiệt độ quá khứ.
“Thông thường, khi sửa các sai sót về dữ liệu, quý vị sẽ mong có một kết quả ngẫu nhiên hơn trong việc điều chỉnh dữ liệu — cả lên và xuống — nhưng thay vào đó, kết quả này lại cho thấy một quá trình mang tính hệ thống về việc làm mát cho [dữ liệu] quá khứ và làm ấm lên cho [dữ liệu] hiện tại,” Trung tá Shewchuk cho biết.
Đài Reykjavik của Iceland là một thí dụ.
Theo Viện Phân tích Nhiệt độ Bề mặt Nghiên cứu Vũ trụ Goddard (GISTEMP), ghi chép tháng 02/1936 của trạm Reykjavik cho thấy nhiệt độ trung bình trong tháng này là âm 0.2°C và nhiệt độ trung bình hàng năm là 5.78°C. Dữ liệu hàng tháng của GISTEMP ban đầu được gọi là v2, hay phiên bản 2.
Năm 2019, NOAA đã phát hành một phiên bản cập nhật cho nhu liệu (software) của mình, GISTEMP v4.
Phiên bản này cho thấy nhiệt độ trung bình của đài Reykjavik vào tháng 02/1936 là âm 1.02°C và nhiệt độ trung bình hàng năm là 5.01°C. Đó là mức điều chỉnh giảm 0.82°C đối với tháng này và 0.77°C đối với năm sau khi cập nhật nhu liệu.
Khi so sánh dữ liệu hàng tháng của GISTEMP v2 với dữ liệu hàng tháng của v4, người ta thấy có sự điều chỉnh mát hơn cho dữ liệu quá khứ.
“Thật đáng kinh ngạc, phạm vi điều chỉnh dữ liệu vượt quá 2°F, mà điều này rất có ý nghĩa đối với khuynh hướng nhiệt độ hiện tại,” Trung tá Shewchuk cho biết.
“NOAA cũng sử dụng một quy trình điều chỉnh dữ liệu tiếp nối rất bất thường, trong đó họ định quay trở lại để điều chỉnh lại dữ liệu đã được điều chỉnh trước đó. Điều này gây khó khăn cho việc tìm ra dữ liệu thực tế, vốn có vẻ luôn thay đổi.”
Để phúc đáp The Epoch Times về đề nghị bình luận những điều chỉnh đối với dữ liệu quá khứ đó, ông John Bateman, nhân viên quan hệ công chúng của NOAA, cho biết ông đã liên lạc với một trong những chuyên gia khí hậu của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia (NCEI) của NOAA. Chuyên gia này đã trả lời rằng, “NCEI áp dụng các sửa đổi để đại diện cho những thay đổi trong quá khứ về vị trí trạm, thiết bị đo nhiệt độ, thực hành quan trắc, và, ở mức độ thấp hơn là các điều kiện ở địa điểm đó. Phương pháp của chúng tôi được ghi lại trong tài liệu được bình duyệt. Ở quy mô quốc gia, dữ liệu đã chỉnh sửa hoàn toàn phù hợp với Mạng lưới Tham chiếu Khí hậu Hoa Kỳ (USCRN), nơi có điều kiện địa điểm nguyên sơ.”
NASA đã không phúc đáp The Epoch Times về yêu cầu bình luận việc điều chỉnh dữ liệu quá khứ.
Số ghi từ vệ tinh
Để có được một số ghi chính xác hơn về nhiệt độ bề mặt dao động của Trái đất, ông Spencer và nhà khí hậu học John Christy đã phát triển một bộ dữ liệu nhiệt độ toàn cầu từ dữ liệu vi sóng được quan sát từ vệ tinh.
Ông Christy là một giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Alabama ở Huntsville và là giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất. Ông Christy và ông Spencer đã nhận được Huy chương Thành tựu Khoa học Đặc biệt của NASA cho công trình giám sát nhiệt độ dựa trên vệ tinh.
Họ đã bắt đầu dự án của mình vào năm 1989 và phân tích những dữ liệu có từ năm 1979.
Theo dữ liệu vệ tinh, kể từ năm 1979, cứ mỗi 10 năm nhiệt độ Trái đất vẫn tăng một mức đều đặn là 0.14°C.
Và mặc dù năm 2023 là năm nóng nhất được ghi lại do khuynh hướng ấm lên theo tuyến tính, nhưng họ cho rằng đó không phải là nguyên nhân khiến công chúng hoảng sợ.
“Đúng, có vẻ như năm 2023 là năm ấm nhất trong khoảng 100 năm qua. Nhưng những con số là đáng bàn đến. Độ chênh lệch không cao đến mức bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được,” ông Spencer nói.
“Hơn nữa, một năm chỉ có thể nói là thời tiết chứ không phải khí hậu. Điều quan trọng là khuynh hướng dài hạn, có thể là trong nhiều thập niên.”
Ông cho biết dữ liệu năm 2023, được thêm vào dữ liệu 45 năm kể từ năm 1979, không làm thay đổi khuynh hướng chung là cứ mỗi 10 năm thì tăng 0.14°C.
“Tôi tin rằng cả vệ tinh và nhiệt kế đều cho thấy một khuynh hướng ấm lên, đặc biệt là kể từ những năm 1970,” ông Spencer nói.
“Nhưng cường độ của khuynh hướng đó thấp hơn đáng kể so với những gì mà các mô hình khí hậu dự đoán, và chính những mô hình đó được sử dụng để lập luận về những thay đổi trong chính sách năng lượng và giảm phát thải khí CO2.”
Trung tá Shewchuk đồng ý rằng dữ liệu nhiệt độ dựa trên vệ tinh chính xác hơn, và cho thấy khuynh hướng ấm lên nhỏ hơn nhiều so với khuynh hướng ấm lên dựa trên [các đài ở] bề mặt theo dữ liệu của NOAA.
Ông cho biết, “Dữ liệu vệ tinh là một thước đo tốt hơn về sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu bởi vì [dữ liệu này] không gặp phải các vấn đề về vị trí đài nhiệt độ bề mặt thông thường hoặc nhiều loại hoạt động chỉnh sửa dữ liệu của NOAA.”
Số ghi vệ tinh cũng được “lấy chuẩn thường xuyên theo dữ liệu radiosonde (khinh khí cầu thời tiết), vốn là các tiêu chuẩn vàng cho dữ liệu khí quyển.”
Hôm 24/01, ông Spencer đã công bố một báo cáo nhằm nêu lên những điểm thiếu chính xác trong việc thiết lập mô hình khí hậu.
Báo cáo cho biết: “Sự ấm lên của hệ thống khí hậu toàn cầu trong nửa thế kỷ qua trung bình thấp hơn 43% so với mức do các mô hình khí hậu trên máy điện toán tạo ra vốn được sử dụng để thúc đẩy những thay đổi trong chính sách năng lượng.”
“Trái ngược với các bản tin trên truyền thông và thông cáo báo chí của các tổ chức môi trường, sự ấm lên toàn cầu không cung cấp căn cứ nào cho các quy định dựa trên carbon.”
Ông Spencer cho biết công chúng đã bị dẫn dắt để tin rằng việc lập mô hình là “khá chính xác,” nhưng một số biến số bổ sung đã được thêm vào việc lập mô hình dẫn đến các ước tính nhiệt độ cao hơn.
Ông viết: “Những tuyên bố hiện tại về một cuộc khủng hoảng khí hậu luôn là kết quả của việc phụ thuộc vào các mô hình tạo ra sự ấm lên nhiều nhất, chứ không phải dựa trên những quan sát thực tế về hệ thống khí hậu cho thấy những thay đổi không đáng kể trong thế kỷ qua hoặc trước đó.”
NASA hậu thuẫn cho các số ghi trên mặt đất
NASA tuyên bố trên trang web của mình rằng nhiệt kế mặt đất chính xác hơn các phép đo vệ tinh.
NASA cho biết: “Trong khi các vệ tinh cung cấp thông tin có giá trị về nhiệt độ Trái đất, thì nhiệt kế mặt đất được xem là đáng tin cậy hơn vì chúng đo trực tiếp nhiệt độ nơi con người cư trú.”
“Dữ liệu vệ tinh yêu cầu các bước xử lý và lập mô hình phức tạp để chuyển đổi số ghi độ sáng thành các số đo nhiệt độ, khiến các nhiệt kế mặt đất trở thành một nguồn thông tin nhiệt độ trực tiếp và chính xác hơn cho chúng ta.”
Ông Spencer nhanh chóng nêu ra những sai sót trong tuyên bố của NASA.
Ông nói: “Nhiệt kế bề mặt chỉ bao phủ một phần rất nhỏ của Trái đất, trong khi các vệ tinh cung cấp phạm vi bao phủ gần như toàn bộ địa cầu.”
“NASA than phiền rằng 16 vệ tinh khác nhau phải được ghép lại với nhau ‘giống như một trò chơi ghép hình’ thật là mỉa mai vì số liệu nhiệt độ bề mặt được ghép lại với nhau từ hàng trăm (nếu không muốn nói là hàng ngàn) đài, mà hầu như không có đài nào trong số đó, ở bất kỳ đâu, cung cấp số liệu liên tục, không bị gián đoạn, và không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (urban heat island) ngày càng tăng.”
“Cuối cùng, lời than phiền đó lại là vệ tinh chỉ đo được tầng khí quyển sâu chứ không đo được bề mặt nơi con người sinh sống. … Chà, nếu đúng như vậy, tại sao nhiệt độ đại dương sâu lại được quảng bá là có giá trị cho nghiên cứu khí hậu? Tất cả các phép đo này đều quan trọng theo cách riêng của chúng, và mỗi hệ thống đều có điểm mạnh và điểm yếu. Bộ dữ liệu vệ tinh của chúng ta được các nhà nghiên cứu khí hậu trên khắp thế giới sử dụng rộng rãi.”
Trước lời chỉ trích của NASA rằng các vệ tinh không trực tiếp đo nhiệt độ mà thay vào đó đo độ sáng của bầu khí quyển Trái đất, khiến các kết quả không chính xác, ông Spencer nói: “Nói một cách nghiêm khắc, thì điều đó là đúng. Nhưng nhiệt kế bề mặt là điện tử, vì vậy (về mặt kỹ thuật) những nhiệt kế này đo điện trở.”
“Các vệ tinh được kiểm tra độ đo chính xác bằng nhiệt kế điện trở bạch kim đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm, chất lượng cao nhất. Nếu NASA định bác bỏ dữ liệu vệ tinh được cảm nhận từ xa, thì họ cũng có thể cho dừng vô số chương trình vệ tinh Trái đất vốn có cùng một ‘khiếm khuyết’ (theo giả thuyết) như vậy.”
Trung tá Shewchuk gọi tuyên bố của NASA rằng dữ liệu vệ tinh là kém hơn so với số đo nhiệt độ bề mặt là “vô lý.”
“Dữ liệu vệ tinh UAH là nguồn dữ liệu duy nhất có tính chất toàn cầu thực sự. Hệ thống này đo lường một cách hiệu quả nhiệt độ của toàn bộ bầu khí quyển trái đất, và đặc biệt là tầng đối lưu phía dưới — nơi thực sự hình thành thời tiết của chúng ta,” ông nói.
“Hạn chế duy nhất là dữ liệu vệ tinh này chỉ bắt đầu từ năm 1979.”
Ông Watts cho biết khi ông xem xét dữ liệu từ các đài mặt đất trên đồng cỏ (không có hiệu ứng đảo nhiệt đô thị), số ghi nhiệt độ rất khớp với dữ liệu vệ tinh của ông Spencer.
Khi được hỏi tại sao NOAA không chỉ sử dụng nhiệt kế ở những nơi không thể xảy ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ông Spencer nói: “Tôi nghĩ mục tiêu của họ không phải là thu được dữ liệu nhiệt độ dài hạn chính xác nhất mà là sử dụng tối đa dữ liệu nhiệt kế mà họ có thể điều khiển. [Dữ liệu nhiệt kế] này là có lợi cho việc xây dựng một chương trình do Quốc hội tài trợ và giúp mọi người có việc làm.”
Theo tổ chức Sáng kiến Chính sách Khí hậu, số tiền hiện tại, 1.3 ngàn tỷ USD hàng năm, được chi cho các sáng kiến về khí hậu là chưa đủ.
“Trong tình huống trung bình, nguồn tài chính khí hậu thường niên cần cho đến năm 2030 sẽ tăng đều đặn từ 8.1 lên 9 ngàn tỷ USD. Sau đó, con số cần thiết ước tính sẽ tăng lên hơn 10 ngàn tỷ USD mỗi năm từ năm 2031 đến năm 2050,” tổ chức này cho biết.
“Điều này có nghĩa là nguồn tài chính dành cho vấn đề khí hậu phải tăng ít nhất gấp năm lần mỗi năm, tăng càng nhanh càng tốt, để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.”