Các chuyên gia Ukraine dự đoán năm kịch bản tiềm năng cho cuộc xâm lược của Nga
Sau tám ngày kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, một nhóm chuyên gia hàng đầu của Ukraine đã dự đoán về các kịch bản tiềm năng khi pháo tiếp tục dội xuống các thành phố ở quốc gia Âu Châu này.
Thường dân đang bàng hoàng sợ hãi vì sự tàn phá, biến một phần của Kharkiv và Kyiv thành đống tro tàn và các gia đình túm tụm bên nhau trong các tầng hầm và boongke từ thời Liên Xô cũ.
“Cha tôi vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 67 của mình trong một tầng hầm, khi đang trú bom,” ông Roman Sheremeta nói với The Epoch Times.
Ông Sheremeta là một người vô tình trở thành người tị nạn khi rời Ukraine đi công tác ngay trước khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02.
Các thành viên trong gia đình ông vẫn bị mắc kẹt ở Kyiv, nơi giờ đây đã trở nên không thể di tản được do thường dân cũng bị các binh sĩ Nga nhắm đến.
“Tin tức về người bị sát hại trên đường ở khắp mọi nơi. Người Nga không phân biệt binh lính và dân thường,” ông nói.
Ông Sheremeta là một hiệu trưởng sáng lập của Đại học Hoa Kỳ ở Kyiv, một vị giáo sư kinh tế, đồng thời là đồng chủ tịch mới được bổ nhiệm gần đây của Ukrainian American House.
Nhóm các nhà phân tích của ông bao gồm cựu thành viên Hội đồng Cải cách Quốc gia kiêm đồng sáng lập Nền tảng Công dân Ukraine Mới (Nova Krainia), ông Valerii Pekar; Giáo sư Phụ tá tại Khoa Xã hội học và Trường Kinh doanh Kyiv-Mohyla, ông Mychailo Wynnyckyj; và giáo sư kinh tế kiêm người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Advanter Group, ông Andrii Dligach.
Kịch bản 1: Nga chiến thắng trong chớp nhoáng
Đây vốn dĩ là kế hoạch ban đầu của ông Putin, theo ban phân tích của nhóm ông Sheremeta. Tuy nhiên, việc đánh bại nhanh chóng và giành được sự đầu hàng của Ukraine là điều mà các tướng lĩnh của Tổng thống Nga không thực hiện được.
Một khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối đề nghị di tản của Hoa Kỳ hôm 26/02 khi nói rằng, “Cuộc chiến đang ở đây. Tôi cần đạn dược, chứ không phải một chuyến đi nhờ,” thì ngọn lửa phản kháng càng bùng cháy lên mạnh mẽ hơn và câu nói giờ đây đã trở nên nổi tiếng của ông Zelensky đã trở thành một lời kêu gọi trên toàn đất nước này cũng như thế giới nói chung.
Khi cuộc xâm lược của Moscow bước vào tuần thứ hai, ông Zelensky đã đăng một đoạn video hôm 03/03 cho biết lực lượng phòng thủ của Ukraine đang được duy trì ổn định, nhưng không có một phút giây ngơi nghỉ nào sau vụ đánh bom kể từ nửa đêm.
“Chúng ta không còn gì để mất ngoài sự tự do của chính mình,” vị tổng thống-bị biến thành-lính tráng của Ukraine này nói.
Ông Zelensky cho biết thêm nước này đang nhận được nguồn cung cấp vũ khí hàng ngày từ các đồng minh quốc tế của Ukraine.
Theo ông Sheremeta, cả quân đội và dân thường của Ukraine đều không có ý định lùi bước trước cuộc tấn công của Nga, và sự phản kháng mạnh mẽ đã làm tiêu tan kế hoạch của ông Putin vốn chỉ đơn giản là băng qua đất nước này và đạt được mục tiêu giành được sự đầu hàng trên đường phố thủ đô của đất nước.
“Giờ thì không đời nào kế hoạch đó có thể xảy ra,” ông Sheremeta nói.
Kịch bản 2: Ukraine trở thành cái bóng của Syria
Giống như cuộc xung đột kéo dài ở Syria bắt đầu vào năm 2011, vai trò của Nga trong cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này đã cung cấp một kế hoạch chi tiết cho các hành động lâu dài có thể diễn ra ở Ukraine.
Ông Putin đã tham chiến vào năm 2015 bằng cách cung cấp vũ khí cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính phủ Nga tiếp tục hỗ trợ nỗ lực chiến tranh lâu dài ở Syria mà không phải chịu những “tổn thất nặng nề” mà ban đầu nhiều người đã dự đoán, bao gồm cả Ngoại trưởng đương thời Antony Blinken, vốn là Thứ trưởng khi đó.
Hôm 15/02, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Syria để theo sát các cuộc tập trận quân sự mà một số người tin rằng là chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Sheremeta nói, “Đó là giả thuyết tối hậu… một kiểu chiến tranh bất tận,” đồng thời cho biết thêm, khả năng dự đoán này thành hiện thực là rất cao.
Các nhà phân tích Ukraine dự đoán Nga sẽ tiếp tục sử dụng pháo hạng nặng để ném bom các thành phố, làm cạn kiệt tài nguyên của cả hai bên.
Ông Sheremeta giải thích: “Ông Putin sẽ làm suy yếu nền kinh tế của chính mình, nhưng sẽ không lùi bước.”
Ông nói rằng để giữ cho cỗ máy chiến tranh hoạt động, ông Putin sẽ tiếp tục huy động công dân của mình và cắt giảm mọi nỗ lực phản chiến trên mặt trận quê nhà một cách nhanh chóng và tàn bạo.
Các cuộc đàn áp của Điện Kremlin đối với các cuộc biểu tình chống xâm lược ở Nga đã được tiến hành kể từ ngày 24/02.
Các nhân viên lực lượng chấp pháp đã bắt giữ 7,678 người biểu tình tại hàng chục thành phố của Nga vì yêu cầu ngừng xâm lược Ukraine.
Kịch bản 3: Đệ Tam Thế Chiến nổ ra
Ukraine và phần còn lại của thế giới đã nín thở vào ngày 27/02 sau khi ông Putin ra lệnh cho các lực lượng nguyên tử của đất nước ông ở trạng thái “cảnh giác cao độ”.
Thêm nữa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra một tuyên bố hôm 02/03 nói rằng một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ mang tính “nguyên tử và hủy diệt”.
Ông Sheremeta thừa nhận có một khả năng rằng, nếu ông Putin không thể đạt được mục tiêu của mình và trở nên tuyệt vọng, ông ta có thể leo thang mối đe dọa nguyên tử.
Ông nói: “Chẳng hạn, ông [Putin] có thể tuyên bố Ukraine đã ném bom Chernobyl, khu vực hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga và lấy đó làm cái cớ để tiến hành một cuộc tấn công nguyên tử.”
Kể từ ngày 24/02, quân đội của ông Putin đã giành quyền kiểm soát cơ sở nguyên tử Chernobyl, mà cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak gọi là “một cuộc tấn công hoàn toàn vô nghĩa.”
Mặc dù ông Sheremeta tin rằng cơ hội để Moscow chơi quân bài nguyên tử là rất nhỏ vì nó có thể có nghĩa là sự kết thúc của Nga với tư cách là một quốc gia.
“Ông Putin sẽ mất tất cả. Bất cứ ai tham gia vào cuộc chiến này [một cuộc tấn công nguyên tử] sẽ bị lịch sử phán xét mãi mãi.”
Kịch bản 4: Các biện pháp ngoại giao thành công
Vòng đàm phán hòa bình thứ hai giữa các quan chức Nga và Ukraine đã diễn ra tại Belarus vào ngày 03/03 sau khi không đạt được lệnh ngừng bắn trong các cuộc thảo luận ban đầu vào ngày 28/02.
Nhóm của ông Sheremeta lưu ý rằng ngoại giao vẫn có thể thực hiện được do sự kết hợp của áp lực to lớn từ phương Tây và việc nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nặng nề.
Ông nói, “Có người đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm của họ chỉ trong vài ngày.”
Ở Nga, các công ty đang sa thải nhân viên và đóng cửa do các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của Hoa Kỳ và Âu Châu.
“Trong số các công ty đó có dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD, vốn đã bác bỏ thông tin đồn đoán ngày hôm qua về việc nộp đơn phá sản trong bối cảnh nhân viên bị sa thải.”
Ông Sheremeta nói thêm rằng thậm chí không thể mua dollar Mỹ làm dự phòng ở Nga và có hàng dài người xếp hàng tại máy rút tiền ở các thành phố.
“Thành thật mà nói, đây là một bi kịch đối với người dân Nga.”
Kịch bản 5: Nổi dậy từ bên trong Nga
Một số nhà phân tích tin rằng hiệu ứng gây tê liệt từ các lệnh trừng phạt và tổn thất nặng nề của binh lính Nga ở Ukraine có thể hình thành một cuộc nổi dậy lớn tới mức không thể ngăn chặn được, khiến người dân của ông Putin loại ông khỏi vị trí cầm quyền.
“Luận điệu của ông ta khẳng định cuộc xâm lược này đang diễn ra tốt đẹp và họ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào về quân số, nhưng quân đội Ukraine đang bắt giữ những người lính Nga và cho phép họ gọi cha mẹ đang ở quê nhà,” ông Sheremeta cho hay, lưu ý sự thật của cuộc xung đột này đang đến tai nhiều thường dân Nga hơn mỗi ngày.
Một bản tin cho biết hơn 7,000 lính Nga đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Ông Sheremeta cho biết xác suất của kịch bản này đã tăng lên đáng kể trong những ngày gần đây, thừa nhận rằng, “Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này thậm chí còn có thể xảy ra.”
Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: