Các chuyên gia nghi ngờ hiệu quả vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất
Vào ngày cuối cùng của năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã phê duyệt vaccine COVID-19 do doanh nghiệp nhà nước Sinopharm phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả và an toàn của nó, vì cho đến nay có rất ít dữ liệu lâm sàng được công bố. Một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc cũng bày tỏ sự dè dặt về loại vaccine này.
Hôm 31/12/2020, trong một cuộc họp báo, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố rằng loại vaccine bất hoạt của Sinopharm đã được Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc “phê duyệt có điều kiện.” Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước, vaccine này có tỷ lệ hiệu quả là 79.34%.
Để so sánh, vaccine COVID-19 của Pfizer có hiệu quả là 95% và của Moderna là 94.1%.
Thiếu dữ liệu liên quan
Sinopharm không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của mình, cũng như không tiết lộ kích thước cỡ mẫu thử nghiệm của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cựu nhà nghiên cứu virus học của Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, Tiến sỹ Sean Lin nói rằng nếu không có dữ liệu minh bạch, rất khó để xác định tỷ lệ hiệu quả của vaccine Sinopharm.
Trước đó, trong năm 2020, Sinopharm cho biết vaccine của họ đã được thử nghiệm lâm sàng. Ông Lin nói rằng không chắc là công ty đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn III — vốn được thực hiện trên nhiều nhóm người — nhanh như vậy.
“Dữ liệu này cần được thu thập sau một cuộc thử nghiệm quy mô lớn với hàng chục nghìn người… vì các quan chức không công bố dữ liệu nên tôi phải đặt một vài dấu hỏi,” ông Lin nói.
Trong cuộc họp báo ngày 31/12/2020, Chủ tịch Wu Yonglin của Sinopharm đã tiết lộ rằng thử nghiệm giai đoạn III đã được tiến hành ở nước ngoài.
Ông Lin bày tỏ lo ngại về hiệu quả của vaccine trên người dân Trung Quốc, vì thử nghiệm đã được tiến hành với những người ngoại quốc. Ông nói: “Do sự khác biệt về chủng tộc và dân tộc, hệ thống miễn dịch của họ có thể hơi khác so với người Trung Quốc.”
Hôm 30/12/2020, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông nhà nước CCTV, bác sỹ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một chuyên gia hàng đầu về hô hấp, người thường tư vấn cho chính phủ về các biện pháp phòng ngừa COVID-19, đã bày tỏ sự dè dặt của mình về hiệu quả của vaccine Trung Quốc. “Thật sai lầm khi đặt mọi hy vọng vào vaccine. Sau khi chích ngừa, không ai biết liệu chúng có phát triển kháng thể hay không; hoặc có xuất hiện triệu chứng hay không. Cũng không biết được rằng [ai đó được tiêm vaccine] có thể truyền bệnh cho người khác hay không.”
Chích ngừa hàng loạt trước khi được phê duyệt
Ngay cả trước khi vaccine được chính thức phê duyệt, các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh cho hàng triệu người phải tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Vào ngày 31/12/2020, ông Tăng Ích Tân (Zeng Yixin), Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố với truyền thông Trung Quốc rằng “Từ tháng 6 đến cuối tháng 11, vaccine COVID-19 đã được tiêm cho hơn 1,5 triệu người, bao gồm khoảng 60,000 công nhân Trung Quốc, những người đã được đưa đi làm việc tại các khu vực có rủi ro cao ở nước ngoài.” Ông tuyên bố rằng không có báo cáo về lây nhiễm nghiêm trọng.
Theo báo chí đưa tin, hàng trăm công nhân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài tại Serbia, Angola và Uganda đã được xác nhận nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Chuyên gia Lin tin rằng khi không có dữ liệu trong giai đoạn ban đầu của quá trình phát triển vaccine, thì việc các cơ quan chức năng tiêm vaccine cho hàng triệu người là một việc làm “vô trách nhiệm.”
Mối quan ngại về tính hiệu quả và an toàn
Trước đó, thông qua một nguồn tin tại Trung Quốc, The Epoch Times đã thu thập được kết quả của một cuộc khảo sát nội bộ thực hiện tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc quận Dương Phố thành phố Thượng Hải, cho thấy có 93.4% nhân viên y tế không muốn chích vaccine COVID-19.
Một số nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra thực tế rằng virus Trung Cộng có thể biến đổi theo thời gian. Trong cuộc họp báo hôm 31/12/2020, ông Từ Nam Bình (Xu Nanping), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên về hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ chống lại các chủng virus đột biến: “Sự đột biến của virus là bình thường và nó xảy ra hàng ngày… Không có bằng chứng cho thấy những đột biến mà chúng tôi quan sát được sẽ có tác động đáng kể đến hiệu quả của vaccine.”
Tuy nhiên ông Lin nói rằng việc này vẫn chưa ngã ngũ. Ông nói: “Liệu vaccine này có tác dụng đối với đột biến virus hay không cần được xác định bằng các thí nghiệm tương ứng ngay lập tức, thay vì dựa vào những lời nói suông rằng không có vấn đề gì.”
Trung Quốc cũng đã có lịch sử bê bối y tế liên quan đến vaccine giả.
Năm 2018, công ty dược phẩm công nghệ sinh học Trường Xuân (Changsheng Bio-technology) của Trung Quốc bị phát hiện đã vận chuyển hơn 250,000 liều vaccine DTaP bị lỗi (vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván), ảnh hưởng đến hơn 200,000 trẻ em.
Và năm 2019, một bệnh viện Trung Quốc đã bị phát hiện tiêm vaccine papillomavirus (HPV) cho người dân mà không có giấy phép hợp lệ.
Luo Yan đã đóng góp vào báo cáo này.
Alex Hu
Thu Anh biên dịch
Xem thêm: