Các chuyên gia nêu bật cách Bắc Kinh biến lạm dụng nhân quyền thành một ngành công nghiệp
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành chuyên gia trong việc kiếm lời từ hoạt động lạm dụng nhân quyền của mình, theo một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người đã chỉ ra việc nhà cầm quyền này thương mại hóa nô lệ lao động – và thậm chí cả những bộ phận cơ thể của các tù nhân lương tâm bị sát hại.
Ông Robert Destro, cựu Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, nói rằng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ đeo đuổi bất cứ điều gì có thể đặt ra thách thức đối với sự cai trị của họ.
Ông Destro nói với một hội đồng hôm 18/10 tại Viện Hudson rằng, “Họ là những chuyên gia khai thác”.
“Họ sẽ kiếm tiền từ mọi thứ, từ các tài nguyên quốc gia đến gan của quý vị”, ông nói thêm.
Bòn rút, cưỡng ép, đàn áp, và xâm phạm – đây là bốn từ mà ông Destro đã chọn để miêu tả Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tôn giáo đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, ông Destro nói, viện dẫn việc nhà cầm quyền này trở mặt với nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công như một ví dụ.
Được truyền ra vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Đông Bắc Trung Quốc, Pháp Luân Công đã nhận được sự ủng hộ đáng kể của chính quyền trong những năm đầu khi môn tu luyện này nhanh chóng phổ biến qua truyền miệng. Theo ước tính chính thức, môn này đã thu hút hơn 70 triệu người theo tập vào cuối thập niên đó. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi Pháp Luân Công vì những lợi ích sức khỏe, và một quan chức của Ủy ban Thể thao Quốc gia đã ghi nhận khoản tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí y tế mà môn tu luyện này mang lại cho đất nước.
Lo sợ số lượng người theo ngày càng tăng lên của nhóm tu luyện, nhà cầm quyền này đã rút lại tất cả sự ủng hộ đó vào tháng 07/1999, bắt đầu một chiến dịch trên toàn quốc nhằm loại bỏ môn tu luyện này.
“Và cho đến nay, nhóm Pháp Luân Công được coi là một mối đe dọa sống còn”, ông Destro cho hay.
Các học viên Pháp Luân Công đã được các chuyên gia xác định là nhóm nạn nhân chính trong chiến dịch thu hoạch nội tạng cưỡng bức được công nghiệp hóa của Bắc Kinh. Nội tạng của các học viên bị giam cầm bị lấy ra và buôn bán, thường với giá hàng chục ngàn USD — trong một quy trình y tế rùng rợn không để lại người nào sống sót.
“Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng hệ thống cảnh sát, hệ thống tư pháp, hệ thống y tế, phối hợp cùng nhau để tạo ra chuỗi kiếm lời này”, ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), giám đốc truyền thông của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết. “Nếu họ xác định được một người nhận tương thích, họ có thể đến nhà quý vị để bắt quý vị dưới bất kỳ hình thức nào và lấy nội tạng của quý vị”.
Theo ông Destro, hành vi ghê rợn “bán nội tạng của chính người dân của mình” khiến chính quyền Trung Quốc không khác gì “một tập đoàn tội phạm có tổ chức”.
Cựu quan chức này vốn trước đây cũng từng là một điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng. Ông đã quan sát thấy những chính sách bóc lột tương tự đang được thực hiện trên cao nguyên Tây Tạng và những nơi khác bên trong quốc gia này.
Ông nói, Tây Tạng là một “căn cứ chứng minh quan trọng”, nơi nhà cầm quyền này đã tiến hành đàn áp mà không bị trừng phạt. Việc đàn áp được thực hiện bằng cách khai thác các khoáng chất của khu vực này, buộc người dân địa phương phải đồng hóa văn hóa với các tập quán của tộc người Hán chiếm đa số, khiến người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng là Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong, và biến khu vực này thành một “địa khu giám sát lan tràn”.
Khu vực này “vô cùng trọng yếu về mặt địa chiến lược và môi trường”, vừa là cửa ngõ để thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) vừa là nguồn tài nguyên nước quan trọng cho các nước láng giềng Á Châu của Trung Quốc. Được biết đến như là “nóc nhà của thế giới”, độ cao ngất ngưởng của cao nguyên này cũng làm tăng thêm giá trị chiến lược của nó trong nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm phát triển sức mạnh quân sự trên toàn cầu.
Ông nói, “Nếu quý vị đặt hỏa tiễn của mình trên đỉnh cao nguyên này, thì quý vị có thể bắn bất cứ thứ gì”.
Những cảnh tượng tương tự cũng đang diễn ra ở Tân Cương, vùng viễn tây [Trung Quốc], nơi ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong một mạng lưới các trại giam mà giới chức nước này cho là một phần của chiến dịch chống khủng bố.
Ông Nury Turkel, một luật sư người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ và là phó chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, nhà cầm quyền này cũng đã thể hiện [thái độ] “hoàn toàn không khoan nhượng”.
Ông nói, “Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào, bất kỳ thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào, đều bị coi là một mối đe dọa. Họ được coi là mối đe dọa cho sự tồn vong của ĐCSTQ”.
Khu vực Tân Cương cung cấp 85% bông của Trung Quốc và khoảng 1/5 nguồn cung ứng bông của thế giới, một phần lớn trong số đó có khả năng có vết nhơ của lao động cưỡng bức, theo viện nghiên cứu Trung tâm Chính sách Toàn cầu.
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong các trại ở Tân Cương đã phải chứng kiến bộ tóc quý giá của họ — được để dài theo truyền thống — bị cạo sạch. Một phần số tóc này sau đó đã trở thành nguyên liệu cho tóc giả và các sản phẩm làm đẹp khác được bán sau đó ở Hoa Kỳ, những người sống sót được The Epoch Times phỏng vấn cho biết.
Trong các nhà tù trên khắp Trung Quốc, đồ chơi, hoa giả, mỹ phẩm, và quần áo chỉ là một vài trong số các mặt hàng mà tù nhân lương tâm bị buộc phải sản xuất mệt nhoài trong nhiều giờ mỗi ngày, thường là không được trả công hay trả rất ít, các học viên Pháp Luân Công trốn thoát sang Hoa Kỳ nói với The Epoch Times trước đó.
Và các tác động của việc lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh sẽ không dừng lại ở [bên trong] biên giới Trung Quốc, các chuyên gia cho biết.
Với việc Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhà cầm quyền này đã không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đáp trả sự chỉ trích của phương Tây và chèn ép các tập đoàn Hoa Kỳ theo ý mình.
Hồi đầu năm, Bắc Kinh đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay đối với các thương hiệu may mặc quốc tế lớn đã tìm cách tránh sử dụng bông Tân Cương trong các sản phẩm của họ, khiến hàng chục thương hiệu thời trang mất đại sứ thương hiệu Trung Quốc.
Bà Nina Shea, một chuyên gia về tự do tôn giáo tại Viện Hudson, người giám sát hội đồng, lưu ý rằng khi chính phủ Tổng thống Trump áp đặt biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, các nhà xuất bản Kinh Thánh có trụ sở tại Hoa Kỳ in hàng chục triệu cuốn Kinh Thánh tại Trung Quốc đã đứng về phía Bắc Kinh trong việc vận động Hoa Thịnh Đốn chống lại biện pháp này.
Bà Shea nói, “Đó là một mô hình thay thế về cách sống và tồn tại mà người Trung Quốc đang dụng tâm cạnh tranh với mô hình dân chủ tự do”.
Bà và ông Destro nói rằng tình cảnh khó khăn của các cộng đồng tôn giáo Trung Quốc đáng được Hoa Kỳ lưu tâm hơn nữa.
Bà nói, “Những hoạt động này đang được tiến hành trên các cộng đồng này trước tiên, và sẽ đến một nơi gần quý vị nếu chúng ta không cảnh giác về nó”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: