Các chuyên gia: Chủ tịch Tập sẽ vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do cạnh tranh quyền lực chính trị
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) Tập Cận Bình sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc sắp diễn ra. Các chuyên gia cho rằng đấu tranh phe phái giữa các quan chức hàng đầu của Trung Cộng đã cản trở chuyến công du hải ngoại này của ông Tập. Và việc bảo đảm quyền lãnh đạo của ông là ưu tiên hàng đầu.
Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) sẽ được tổ chức tại Glasgow, Scotland, từ ngày 31/10 đến ngày 12/11. Tin tức về việc ông Tập sẽ vắng mặt tại sự kiện này được các hãng thông tấn phương Tây chú ý đầu tiên, thông qua bình luận của nhà tổ chức sự kiện, Thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson, với tờ The Times hôm 15/10.
Đã gần hai năm kể từ khi ông Tập có chuyến công du ngoại quốc, khoảng thời gian dài nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Chuyến công du gần đây nhất của ông bên ngoài Trung Quốc là vào ngày 17/01/2020, trong chuyến thăm hai ngày tới Naypyidaw, thủ đô của Miến Điện (còn được gọi là Myanmar), nơi ông quảng bá Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”), một dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một chuyên gia về các vấn đề thời sự của Trung Quốc hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ông Tập đang tìm cách tái tranh cử vào năm tới, và ông quyết định không đi ra bên ngoài Trung Quốc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của mình và ngăn chặn mọi nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính chính trị.
Phiên họp Toàn thể lần Thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng khóa 19 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2021, dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết nhằm củng cố thêm vị thế chính trị của ông Tập. Do đó, ông Tập có thể được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ ba trong Đại hội lần thứ 20 của Trung Cộng vào năm 2022, việc này sẽ phá vỡ giới hạn hai nhiệm kỳ hiện hành.
Xung đột giữa các quan chức đứng đầu của Đảng là một vấn đề đang diễn ra. Để duy trì vị trí cốt lõi của mình trong Đảng, ông Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn.
Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, “Đến năm 2017, có khoảng 440 cán bộ từ cấp phó quân sự tỉnh trở lên và các cán bộ thuộc diện quản lý cấp trung ương khác đã bị điều tra hoặc bắt giữ. Hầu hết những cán bộ này đều được đề bạt dưới thời ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng. Những người này thù ghét ông Tập đến tận xương tủy. Nếu ông Tập thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực lớn ở Đại hội lần thứ 20 của Đảng, ông ấy có khả năng bị các đối thủ chính trị của mình ‘thanh lý’. Ông Tập thực sự không có đường nào để thoái lui.”
Ông Lý đã đề cập đến vụ của ông Lưu Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu bí thư Trung Cộng kiêm chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản quốc doanh Hoa Dung, người đã bị kết án tử hình vào ngày 05/01 vì bị cáo buộc phạm tục hôn thê và nhận hối lộ. Ông Lưu đã bị hành quyết trong vòng 24 ngày tại Thiên Tân.
Ông Lý nói rằng việc Trung Cộng cho ông Lưu thi hành án nhanh chóng là điều bất thường, vì các án tử hình sẽ bị trì hoãn hoặc cuối cùng sẽ được giảm nhẹ đối với các quan chức cao cấp.
Ông Lý nói rằng ông Lưu có thể là một phần của kế hoạch hạ bệ ông Tập.
Hồi tháng 09/2021, một số cổng thông tin của Trung Quốc như NetEase và Sohu đã xuất bản một bài báo, trong đó cho rằng ông Lưu và hai sĩ quan cảnh sát cao cấp đã âm mưu đảo chính ông Tập, nhưng kế hoạch này đã thất bại và cả ba đều bị bắt. Bài báo này đã bị gỡ xuống, nhưng Tạp chí Kinh tế Hồng Kông đã chụp lại được một bức ảnh từ màn hình.
Ông Lý cho biết bài báo này tiết lộ lý do thực sự cho việc ông Lưu bị hành quyết. Kẻ chủ mưu đằng sau âm mưu đảo chính được cho là đối thủ chính trị chính của ông Tập: cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân và phe cánh của ông ta.
Ông Lưu từng là một thành viên trong giới quyền lực của ông Tăng Khánh Hồng , nhân vật quyền lực thứ hai của phe ông Giang. Do đó, theo ông Lý, lý do đằng sau vụ hành quyết nhanh chóng của ông Lưu không phải tội tham nhũng, mà là vai trò bị cáo buộc của ông trong cuộc đảo chính này.
Đáng chú ý là vào cùng ngày ông Lưu bị hành quyết tức ngày 29/01, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã phát hành một bài báo [từ nguồn tin] cao cấp rằng, “Không có quyền miễn trừ tử hình đối với tội tham nhũng, không có ai có thể ở ngoài vòng pháp luật, không có quyền lực nào có thể trên pháp luật.” Ông Lý nói rằng bài báo này là một lời đe dọa úp mở từ ông Tập – một lời cảnh báo đối với các đối thủ chính trị của ông – và cho thấy rằng mâu thuẫn giữa các lãnh đạo trong Đảng gần đây đã nóng lên.
Chuyên gia về Trung Quốc Tề Gia Trác (Qi Jiazhen) cũng có cùng quan điểm. Ông Tề, một thành viên của Trung tâm Trung Quốc Độc lập PEN kiêm giám đốc Quỹ Văn hóa họ Tề ở Úc, nói với The Epoch Times: “Ông Tập vẫn muốn tái đắc cử, nhưng nhiều cán bộ Đảng mong muốn kéo ông ta xuống. Một khi ông Tập rời khỏi đất nước, ông có thể sẽ không thể quay trở lại được nữa.”
Ngoài bất ổn chính trị trong nước, “ông Tập Cận Bình nhận thức rõ rằng nếu ông ấy xuất hiện tại một hội nghị quốc tế, ông ấy sẽ ngay lập tức phải đối mặt với việc chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19,” ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc và là cựu phó giáo sư tại Trường Đại học Khoa học của Đại học Sư phạm Thủ đô, nói với NTD, kênh truyền thông chi nhánh của The Epoch Times.
Hồi tháng Sáu, Hoa Kỳ, Anh Quốc, và các nhà lãnh đạo thế giới khác tại hội nghị thượng đỉnh G-7 đã thảo luận về việc khai triển các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19, trong bối cảnh có các nghi vấn liệu virus có bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc hay không.
Về các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ông Lý nói rằng Bắc Kinh không thực sự làm bất cứ điều gì để giảm lượng khí thải carbon, và ông Tập sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu này để tránh bối rối và phải chịu trách nhiệm.
Năm ngoái, ông Tập cam kết sẽ đạt mức phát thải đạt đỉnh điểm trước năm 2030 và đạt được trung lập carbon vào năm 2060.
Theo Tập đoàn Rhodium có trụ sở tại Hoa Kỳ, Trung Quốc tạo ra lượng khí thải carbon nhiều nhất – chiếm 27% tổng lượng khí thải toàn cầu – và lượng khí thải của quốc gia này đã tăng hơn gấp ba lần so với ba thập niên trước.
Ông Justin Zhang phân tích và viết các bài báo về các vấn đề Trung Quốc từ năm 2012. Có thể liên hệ với ông tại [email protected]
Bà Ellen Wan làm việc cho The Epoch Times ấn bản tiếng Nhật từ năm 2007.
Justin Zhang và Ellen Wan
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: