Các chuyên gia cho biết áp lực lạm phát chính vẫn chưa tới
Một số chuyên gia nói với The Epoch Times rằng sự gia tăng lạm phát gần đây không phải là nguyên nhân gây ra hoảng loạn, mặc dù có thể sẽ còn xảy ra nhiều điều hơn nữa, đặc biệt là nếu chính phủ hoặc Cục Dự trữ Liên bang phản ứng thái quá.
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), một ước tính cho lạm phát, đã tăng 4.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng 04/2021—con số cao nhất được Cục Thống kê Lao động báo cáo kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008. Các quan chức Fed bày tỏ sự ngạc nhiên trước đà tăng này, nhưng cũng thông báo rằng lạm phát cao hơn sẽ được chấp nhận trong một thời gian.
Các chuyên gia cho biết, sự gia tăng [lạm phát] này thực sự không quá cao như cảm nhận. Họ chỉ ra rằng mức tăng đột biến phản ánh sự phục hồi sau suy thoái kinh tế và các hạn chế của chính phủ do đại dịch COVID-19 gây ra. Thật vậy, nếu người ta so sánh chỉ số CPI tháng 04/2021 với con số trước đại dịch từ tháng 02/2020 và điều chỉnh cho các thay đổi theo mùa, thì mức tăng này tăng thêm khoảng 3.1%.
Tuy nhiên, điều đó vẫn thể hiện sự tăng tốc so với xu hướng tăng trưởng dưới 2% trước đó.
Theo ông Norbert Michel, một chuyên gia về thị trường tài chính và chính sách tiền tệ và là giám đốc Trung tâm Phân tích Dữ liệu tại Viện Di sản (Heritage Foundation) [theo khuynh hướng] bảo tồn truyền thống, một phần của sự gia tăng đó bắt nguồn từ lượng tiền mà Fed đã in ra để tài trợ cho nhiều gói kích thích kinh tế và nhiều biện pháp khác nhau để cứu giúp các thị trường tài chính.
Thông thường, khi chính phủ vay tiền, điều này được thực hiện thông qua việc các cá nhân, các công ty và các chính phủ mua chứng khoán của Bộ Tài Chính bằng dollar hiện có. Tuy nhiên, lần này, một phần lớn trong tổng số 5.6 nghìn tỷ USD trong chi tiêu chính phủ liên quan đến COVID được tài trợ thông qua việc Fed mua chứng khoán bằng dollar mới [đưa vào lưu thông]. Fed hiện đang nắm giữ hơn 5 nghìn tỷ USD nợ của Hoa Kỳ, tăng từ khoảng 2.5 nghìn tỷ USD vào tháng 02/2020.
Kết quả là người dân Mỹ và các doanh nghiệp của họ vẫn có một số tiền để chi tiêu và trang trải các hóa đơn của họ, mặc dù nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng và vẫn tụt hậu so với mức cao nhất trong tháng 02/2021. Nếu nhu cầu lớn hơn những gì nền kinh tế hiện có thể cung cấp, áp lực mua sẽ đẩy giá lên.
Ông Michel nhận định rằng một số trong các hệ quả đó có thể đã xảy ra, nhưng “rõ ràng là vẫn còn rất nhiều [rủi ro] ở đó.”
Ông nói: “Quý vị thấy thu nhập khả dụng cá nhân tăng rất lớn, ngay cả trên cơ sở bình quân đầu người. Cho đến nay, phần lớn số tiền đó đã được tiết kiệm vì có sự sụt giảm nhu cầu, vì vậy có sự lo lắng là điều gì sẽ xảy ra khi quá trình phục hồi diễn ra.”
Ông cho hay điều đó vẫn chưa xảy ra, và Fed sẽ có thể phản ứng thái quá nếu cố gắng thắt chặt nguồn cung tiền.
“Có thể đây là sự khởi đầu của một xu hướng tăng [lạm phát], nhưng chúng ta sẽ không biết được điều đó trong một khoảng thời gian ngắn, ít nhất sáu tháng nữa,” ông nói thêm.
Theo ông Ryan Young, chuyên gia cao cấp của Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh ủng hộ thị trường tự do, vấn đề có thể nằm ở một thái cực ngược lại.
Ông Young cho biết, “Tôi gần như lo lắng hơn về việc chính phủ đang cố gắng kích thích quá mức nền kinh tế bởi vì họ muốn tăng trưởng quay trở lại xu hướng trước đó và cách các chính trị gia làm việc sẽ có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn, kích thích nhiều hơn, cơ sở hạ tầng nhiều hơn, nợ nhiều hơn, thâm hụt nhiều hơn.”
“Đây không phải là những chiến lược bền vững và giả sử chúng gây ra sự bùng nổ, thì sự đánh đổi cho điều đó là sau này sẽ có một sự đổ vỡ, khiến chúng ta không khá hơn gì so với trước đây”.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD của chính phủ ông Biden dường như đang thúc đẩy theo hướng đó. Kế hoạch này chắc chắn sẽ mang lại cho các ngân hàng những cơ hội lợi tức nào đó để giải ngân những khoản dự trữ dồi dào quá mức, vì rủi ro của các dự án như vậy về căn bản sẽ do người nộp thuế gánh vác, ngay cả khi thông qua một gói cứu trợ cuối cùng, như một số chuyên gia khác đã nói trước đây.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác lưu ý rằng các dự án như vậy thường mất nhiều năm để phát triển và có nguy cơ chỉ đơn giản là thay thế các dự án tư nhân khác, vì nguồn lao động có tay nghề còn hạn chế.
Ông Michel cho biết, trong khi đó, giải pháp của Fed đối với tình trạng dư thừa thanh khoản về căn bản là in thêm dollar để trả cho các ngân hàng, khiến họ giữ lại tiền mà thay vì cho vay.
Ông nói: “Quý vị đang nói về việc Fed phải trả hàng trăm tỷ USD … ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm cho các tổ chức tài chính lớn để duy trì dự trữ của họ. Điều đó không bền vững về mặt chính trị trong một môi trường mà lạm phát đang diễn ra.”
Ông Michel và ông Young đồng quan điểm rằng tình hình lý tưởng sẽ là các ngân hàng quay trở lại tài trợ cho các dự án đang nổi lên một cách tự nhiên trong nền kinh tế.
Họ cho rằng thay vì mở rộng hoặc thắt chặt, nền kinh tế cần nới lỏng. Những trở ngại, chẳng hạn như các quy định nặng nề, cần được loại bỏ để mọi người có thể dễ dàng đưa ra các ý tưởng hiệu quả và tìm các nguồn tài trợ để khai triển chúng.
“Quý vị biết mình giỏi trong lĩnh vực nào và tôi biết mình giỏi trong lĩnh vực nào [rõ] hơn Quốc hội rất nhiều,” ông Young nói. “Và tôi nghĩ, hiển nhiên, đó sẽ là cách tiếp cận tốt nhất để đưa nền kinh tế hoàn toàn đi đúng hướng.”
Ông Michel và ông Young đều nói rằng, hơn nữa, Fed nên từ bỏ nhiệm vụ kép của mình là “toàn dụng lao động” và lạm phát 2% và chỉ cần tập trung vào việc giữ cung tiền gần như phù hợp với tăng trưởng kinh tế với lạm phát quanh mức 0 hoặc có thể dao động nhẹ nhàng cả trên và dưới 0.
Theo ông Michel, lập luận cho rằng mọi người cần phải cảm thấy luôn bị đòn roi của lạm phát trên lưng để sử dụng tiền của họ hiệu quả là không đúng.
Ông nói: “[Bởi vì] mọi người sẽ luôn tìm kiếm những việc hiệu quả để làm, cố gắng mua những thứ họ cần, đầu tư vào những thứ họ cần.”
Do Petr Svab thực hiện
Kim Liên biên dịch
Xem thêm: