Các chuyên gia: Chính sách thương mại với Trung Quốc của TT Biden nên sửa đổi, tạo áp lực hiệu quả hơn lên Bắc Kinh
Không thể phủ nhận, thuế quan đối với các sản phẩm và hàng hóa nhập cảng hoặc xuất cảng sang Trung Quốc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ của ông Tập Cận Bình về tình trạng lạm dụng nhân quyền triền miên và vi phạm các điều khoản thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của quốc gia này.
Tuần này các chuyên gia cho biết mặc dù các biện pháp này có chủ ý đúng và đã có một số tác động đến hành vi của Bắc Kinh, nhưng có thể đã đến lúc xem xét sửa đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ và áp dụng áp lực theo cách có mục tiêu phù hợp hơn với thực tiễn kinh tế. Điều đó có thể thích hợp hơn so với việc xoá bỏ thuế quan toàn diện.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chính phủ của Tổng thống (TT) Trump đã áp đặt thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc nhằm đáp trả các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã đề cập đến khả năng nới lỏng hoặc loại bỏ thuế quan. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai vào tháng Mười cũng cho biết rằng một số mức thuế quan dưới thời ông Trump sẽ không còn bị ràng buộc. Một số chuyên gia lưu ý rằng, một bước đi như vậy có vẻ phù hợp với cách tiếp cận của thị trường tự do và chống bảo hộ trong nước, nhưng điều đó cũng có thể làm giảm áp lực buộc Bắc Kinh phải sửa đổi hành vi độc tài của mình.
Ông Charles Trzcinka của Trường Kinh doanh Kelly thuộc Đại học Indiana, người đã nghiên cứu và giảng dạy ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ trở lại đây, đặt câu hỏi về lợi ích kinh tế của thuế quan.
Ông Trzcinka nói: “Người Mỹ trả thuế cho chính phủ. Vì vậy, việc nới lỏng hoặc bỏ thuế quan này làm tổn thương họ. Nới lỏng thuế quan này đặc biệt là vấn đề đối với những người nông dân Mỹ, những người sản xuất lương thực rẻ hơn bất kỳ ai trên thế giới.”
Ông nói thêm: “Ví dụ, nông dân Indiana có thể sản xuất với chi phí thấp hơn, bao gồm cả vận chuyển, so với nông dân Trung Quốc. Chúng ta chỉ đơn giản là giỏi sản xuất ngô, đậu nành, và thịt lợn hơn họ. Chúng ta có nhiều công nghệ hơn và có quy mô hoạt động lớn hơn.”
Nhưng mặt trái của việc nới lỏng hoặc bỏ thuế quan này là việc cắt giảm hoặc dỡ bỏ hàng loạt thuế quan sẽ loại bỏ một công cụ quan trọng mà Hoa Kỳ đã gây áp lực lên Bắc Kinh để sửa đổi một số hành vi nghiêm trọng hơn của họ. Đó là lý do tại sao một số nhà quan sát ủng hộ một chiến lược đa diện giữ lại các yếu tố của chính sách bảo hộ như là một phần của cách tiếp cận có mục tiêu và phù hợp hơn.
Ông Clete Willems, một giám đốc cao cấp của hãng luật công ty Akin Gump Strauss Hauer & Feld và là Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tòa Bạch Ốc trong thời chính phủ của ông Trump, coi thuế quan là cơ chế thực thi cốt lõi của WTO, và đặt câu hỏi về khả năng cũng như ý định của việc loại bỏ chúng hoàn toàn.
Ông Willems nói: “Hệ thống của WTO được thiết lập để khi một quốc gia thành viên bị phát hiện là không tuân thủ, thì hệ thống này dự kiến các thành viên khác sẽ áp đặt thuế quan để thúc ép buộc quốc gia ấy phải tuân thủ. Thuế quan là công cụ ưa thích để khiến một quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Nếu các nhà kinh tế cho rằng thuế quan không phải là cách, thì những nhà kinh tế này có vấn đề với toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế.”
Chúng ta cũng không thể hoàn toàn đánh giá thấp hiệu quả và thành công của thuế quan khi gây áp lực buộc Bắc Kinh phải sửa đổi hành vi của họ trong những năm gần đây.
Ông Willems nói, “Tôi nghĩ rằng thuế quan đã là một biện pháp tổng hợp về mặt hiệu quả. Thuế quan đã có tác dụng ở một mức độ nhất định, mặc dù còn rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được.”
Ông Willems dẫn chiếu nông nghiệp là một lĩnh vực mà Chính quyền Trung Quốc đã thay đổi hành vi để đáp ứng theo thuế quan. Vào tháng 01/2020, Chính phủ của ông Trump và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, theo đó Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Hoa Kỳ trong thời hạn hai năm, bao gồm 32 tỷ USD hàng nông sản. Ông Willems lưu ý kết quả, là xuất cảng nông sản từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc năm nay đã đạt mức cao kỷ lục. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tính đến tháng Mười, Trung Quốc đã đạt 83% mục tiêu liên quan đến việc mua nông sản của Hoa Kỳ. Ông nói thêm, sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính là những lĩnh vực khác đã được cải thiện sau thỏa thuận.
Ông Willems nói: “Bắc Kinh đã thay đổi một số hành vi mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm điều đó nếu không có thuế quan.”
Do vậy, từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ hoàn toàn, như điều bà Yellen ngụ ý có thể xảy ra, có thể không phải là ý tưởng tốt nhất. Nhưng một chiến lược thông minh hơn, có mục tiêu hơn có thể đem lại hiệu quả.
Một cách tiếp cận, mà ông Willems và các đồng nghiệp đã ủng hộ trong nhiệm kỳ của mình tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia và là điều ông tin rằng vẫn có thể chứng tỏ hiệu quả, là không chỉ Hoa Kỳ, mà là liên minh các nước ngừng nhập cảng một hàng hóa cụ thể từ Trung Quốc, cụ thể là thép.
Ông Willems nói: “Nếu có đủ các quốc gia ngừng mua thép Trung Quốc, thì điều này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá toàn cầu, và sẽ không còn khả thi cho Trung Quốc để duy trì ngành công nghiệp của mình nữa. Quý vị sẽ có giá thị trường và giá Trung Quốc. Điều này có thể khiến Trung Quốc phải loại bỏ một số hàng tồn kho dư giả của họ ra khỏi thị trường. Vậy thì quý vị sẽ không còn [thấy] lượng thép đó tràn ngập các thị trường trên toàn cầu nữa.”
Trong một kịch bản như vậy, giá được cung cấp bên ngoài Trung Quốc sẽ phù hợp hơn với các tiêu chuẩn và kỳ vọng của thị trường. Ông Willems nói, các quốc gia trong liên minh sẽ giao dịch thép theo giá thị trường.
Ông Willems tiếp tục: “Tôi hy vọng rằng TT Biden vẫn có thể đi theo hướng đó. Tôi tin rằng chính phủ đang coi đây là một lựa chọn.”
Ông nói thêm: “Bởi vì thị trường quá méo mó, điều đó đòi hỏi phải có một số hoạt động thương mại. Có thể gọi đó là chủ nghĩa bảo hộ hay một cái gì đó khác. Một liên minh giữa các quốc gia cần phải hành động cùng nhau để gây áp lực.”
Các vấn đề về an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ
Bất kỳ ai đưa ra quan điểm về thương mại tự do giữa Trung Quốc và phương Tây đều phải lường trước được những phản đối hiển nhiên có liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc, bao gồm cả việc Bắc Kinh ngày càng đàn áp nặng nề hơn các quyền tự do ở Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và đàn áp những người bất đồng chính kiến cũng như các tôn giáo và sắc tộc thiểu số khác.
Tuy nhiên, một vấn đề khác, được thừa nhận bởi ngay cả những người không cảm thấy thuế quan có ý nghĩa kinh tế tốt nhất, là thương mại không có hạn chế với Trung Quốc sẽ mở rộng cánh cửa cho mọi hành vi lạm dụng và đánh cắp tài sản trí tuệ (IP).
Ông Trzcinka có một quan điểm độc đáo về những lo ngại liên quan đến IP nảy sinh trong bối cảnh này. Năm 1987, ông Trzcinka điều hành chương trình MBA đầu tiên ở Trung Quốc. Ông Trzcinka nói, kinh nghiệm này khiến ông có nhận thức rõ ràng về sự thiếu hiểu biết của Bắc Kinh về nội dung mà những hợp đồng quy định và xu hướng bất chấp (quy định trong) hợp đồng của chế độ này.
Ông nói, “Các công ty Mỹ thường phàn nàn về việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ. Tôi đã tranh luận nhiều lần với các nhà điều hành về việc ‘tại sao lại giao dịch với những người này?’ Thông thường câu trả lời là, ‘bởi vì thị trường lớn.’ Vì vậy, sự đánh đổi chính là chi phí của công nghệ và quy trình sản xuất bị mất so với việc thu được lợi nhuận.”
Theo báo cáo của Ủy ban Sở hữu trí tuệ năm 2017 của Cục Nghiên cứu Á Châu Quốc gia, chi phí hàng năm của hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế Mỹ có thể lên tới 600 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là thủ phạm chính.
Nếu các cuộc thảo luận về việc giảm thuế có đi có lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chuyển sang giai đoạn tiếp theo, thì an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ là hai vấn đề quan tâm hàng đầu phải được giải quyết kỹ lưỡng và cần được cân nhắc so với những lợi ích kinh tế đạt được. Đây là một trong những lý do thuyết phục hơn cho việc không hoàn toàn bãi bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch để đối phó với Bắc Kinh.
Bảo vệ người lao động khỏi hậu quả của việc nới lỏng thuế quan
Nếu quyết định cuối cùng được đưa ra là tuân theo các khuyến nghị của bà Yellen và giảm hoặc loại bỏ thuế quan, thì việc lường trước những tác động đối với người lao động Hoa Kỳ cũng là điều vô cùng quan trọng.
Ông Lawrence White, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Leonard N. Stern của Đại học New York cho biết: nếu không có tường rào thuế quan, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể có được sắt, thép, và các nguyên liệu thô khác từ Trung Quốc với chi phí thấp hơn và sẽ có thể sản xuất với giá rẻ và hiệu quả hơn, theo đó có nghĩa là bán cho khách hàng với giá thấp hơn.
Ông White nói: “Mười chín trong số hai mươi nhà kinh tế học sẽ nói với bạn rằng thuế quan là trở ngại đối với thương mại, và khi có trở ngại, hạ thấp chúng nói chung là một ý kiến hay. Thậm chí còn tốt hơn khi những trở ngại mà đối tác thương mại của chúng ta đặt ra cũng được giảm xuống.”
Nhưng ông White nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ với tư cách là một xã hội sẽ cần phải thực hiện các bước để giảm bớt tác động có thể xảy ra đối với người lao động nội địa do việc giảm thuế quan. Đào tạo tốt hơn cho người lao động, nâng cao tính linh hoạt, trợ cấp thu nhập trực tiếp và trợ cấp cho những người muốn chuyển đến các địa điểm có nhiều việc làm hơn, là mọi biện pháp mà ông White thấy có thể bổ trợ đi kèm với việc giảm thuế quan và làm cho nó trở thành một đề xuất đôi bên cùng có lợi.
Ông White nói: “Chúng ta sẽ có thể bán cho họ nhiều thứ hơn: đậu nành, dịch vụ ngân hàng, máy móc chuyên dụng mà chúng ta sản xuất tốt hơn, máy bay phản lực Boeing, hoặc nhiều xe hơi mang nhãn hiệu Hoa Kỳ hơn, cho dù đó là Cadillacs hay Chrysler Jeep hay xe bán tải Ford 150. Đây là tất cả những hàng hóa có thương hiệu, có nhu cầu cao mà chúng ta có thể bán nhiều hơn ở Trung Quốc trong một môi trường thương mại ít hạn chế hơn.”
Ông White thừa nhận, thu được đầy đủ những lợi ích này phụ thuộc phần lớn vào việc giải quyết các nút thắt cổ chai đang gây khó khăn tại các cảng của Hoa Kỳ trong những tuần gần đây.
Ông Michael Washburn là một ký giả tự do, sống tại New York, ông chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có kiến thức về pháp lý và tài chính, đồng thời ông cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần “Reading the Globe.” Các cuốn sách của ông bao gồm “Nhổ tận gốc và những câu chuyện khác”, “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ.”
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: