Các chuyên gia: Chính phủ Trump đang tăng tốc tách tài chính ra khỏi Trung Quốc
Theo các chuyên gia, sắc lệnh gần đây của Tổng thống Donald Trump cấm các hoạt động đầu tư của Hoa Kỳ vào một nhóm các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc, đánh dấu một bước quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình tách rời nền kinh tế ra khỏi Trung Quốc.
Nhiều công ty trong số những công ty này được giao dịch công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán khắp thế giới. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ thông qua các quỹ hưu trí của họ cũng có thể vô tình chuyển của cải từ Hoa Kỳ sang những tổ chức này.
Bắt đầu từ ngày 11/1, các công ty và cá nhân của Hoa Kỳ sẽ bị cấm đầu tư vào những công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, bao gồm 31 công ty trước đây đã bị Lầu Năm Góc chỉ định là “thuộc sở hữu hoặc kiểm soát” của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ được cho thời hạn đến ngày 11/11/2021 để tự thoái vốn đầu tư ở những công ty kia.
Những công ty này gồm có các công ty sản xuất và công nghệ nổi tiếng, chẳng hạn như hai công ty khai thác mạng di động do nhà nước điều hành China Mobile và China Telecom, nhà sản xuất toa xe lửa Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRRC), nhà sản xuất video giám sát Hikvision, công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc Aviation Industry Corporation of China (AVIC), công ty quốc phòng Norinco, công ty trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây Inspur, và gã khổng lồ hóa chất Sinochem.
Sắc lệnh, được ký vào ngày 12/11, nói rằng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ đã giúp tài trợ cho các mục tiêu quân sự của chế độ Trung Quốc, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. “Trung Quốc đang ngày càng gia tăng khai thác nguồn vốn của Hoa Kỳ để cung cấp nguồn lực và tạo khả năng cho sự phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và các bộ máy an ninh khác của họ,” sắc lệnh nêu rõ.
Ông Roger Robinson, Chủ tịch RWR Advisory Group và cựu Chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC) của Quốc hội, cho biết động thái này là “lần đầu tiên trong lịch sử” áp đặt các hình phạt đối với Bắc Kinh thông qua thị trường vốn.
Ông nói thêm rằng lệnh này khó có thể bị đảo ngược bởi các chính phủ tiếp theo.
“Sẽ không còn có thể đưa vị thần của các biện pháp trừng phạt thị trường vốn trở lại trong chai nữa,” ông Robinson nói với The Epoch Times trong một email.
Ông John Mills, một cựu quan chức cao cấp tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng cho biết sắc lệnh cũng cho phép Bộ trưởng Quốc phòng chỉ định thêm các công ty Trung Quốc là “các công ty quân sự Trung Quốc”, làm tăng đáng kể các rủi ro cho những người Mỹ muốn đầu tư vào một loạt các công ty Trung Quốc.
Ông nói với The Epoch Times, “Điều này phủ bóng tối lên tất cả các công ty Trung Quốc”.
Các công ty Trung Quốc được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ đạo đóng góp vào sự phát triển của PLA theo học thuyết “hợp nhất dân sự-quân sự”, học thuyết này vốn nhằm tìm cách khai thác sức mạnh của ngành công nghiệp tư nhân để thúc đẩy hiện đại hóa quân đội.
CRRC, China Telecoms, và Inspur đã công khai ủng hộ chiến lược hợp nhất quân sự của Trung Quốc.
Theo học thuyết này, “về cơ bản mọi thứ đều là một ‘phần phụ’ của ĐCSTQ,” ông Mills cho biết. Bất kỳ công ty Trung Quốc nào hoạt động bên trong hoặc bên ngoài Trung Quốc “thực chất đều là một phần mở rộng của nhà nước”.
Ông nói thêm: “Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: tại sao tôi lại muốn đầu tư vào một công ty Trung Quốc mà thực sự bị hạn chế và bắt buộc phải là một phần mở rộng của nhà nước?”
Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro ước tính rằng ít nhất nửa nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường được đại diện bởi 31 công ty Trung Quốc và các công ty con của họ.
“Nguồn vốn của Hoa Kỳ không nên được sử dụng để tài trợ cho Cộng sản Trung Quốc chế tạo các loại vũ khí nhằm mục đích giết người Mỹ và đánh đuổi quân đội Hoa Kỳ ra khỏi châu Á”, ông Navarro nói với các phóng viên trong một cuộc điện đàm hôm 12/11.
Trong số 31 công ty này, nhiều công ty được giao dịch trên các sàn giao dịch của Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông trong khi hai công ty, China Mobile và China Telecom, được giao dịch trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.
Trong những năm gần đây, các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu như MSCI và FTSE đã thêm các cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số các thị trường mới nổi và toàn cầu của họ, cho phép hàng tỷ USD tiền đầu tư của Hoa Kỳ đổ vào cổ phiếu phổ thông Trung Quốc.
Chẳng hạn như chỉ số MSCI, gồm có nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision. Năm ngoái, chính phủ đã đưa công ty này vào danh sách đen thương mại cấm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với nó, vì vai trò của nó trong việc giám sát hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc.
MSCI cũng bao gồm công ty AviChina Industry & Technology được niêm yết tại Hồng Kông, công ty niêm yết cho AVIC (The Aviation Industry Corporation of China). Công ty này và các công ty con của nó phát triển máy bay và các hệ thống vũ khí cho quân đội Trung Quốc.
Trong năm qua, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và nhân quyền, chính phủ Hoa Kỳ đã gia tăng những hạn chế đối với các mối liên kết kinh tế và thương mại với chế độ Trung Quốc, nhưng sắc lệnh này đánh dấu hành động lớn đầu tiên nhắm vào lĩnh vực tài chính.
Theo USCC, tính đến ngày 2/10 đã có 217 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, với tổng giá trị thị trường là 2,2 nghìn tỷ USD.
Đầu năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã chặn Kế hoạch Quỹ Tiết kiệm (the Thrift Savings Plan), quỹ lương hưu dành cho các nhân viên liên bang bao gồm cả quân nhân, đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc.
Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã thúc giục các quỹ tài trợ cho các trường đại học và các quỹ hưu trí nhà nước thoái vốn khỏi [các công ty] cổ phần Trung Quốc.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin cho biết ông dự kiến Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán sẽ thông qua một khuyến nghị đối với các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ mà không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán vào khoảng tháng 1/2022 thì sẽ bị hủy niêm yết.
Bản tin có sự đóng góp của nhân viên của Epoch Times Emel Akan và Reuters.