Các chuyên gia chế giễu tuyên bố rằng ngoại trưởng Úc một tay phá vỡ Hiệp ước Trung Quốc-Thái Bình Dương
Các chuyên gia về Thái Bình Dương đã chỉ trích gay gắt các tuyên bố rằng tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã một tay phá vỡ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khiến 10 quốc đảo ký kết vào một hiệp ước kinh tế và an ninh sâu rộng.
Ông James Cox, giám đốc nhóm hoạt động Thái Bình Dương Peacifica Australia, cho biết bất kỳ gợi ý nào cho rằng một chuyến thăm chóng vánh của một bộ trưởng từ chính phủ Đảng Lao Động mới được bầu có thể thay đổi cán cân ở Thái Bình Dương đều là “ngớ ngẩn.”
“Sự thay đổi trong chính phủ chắc chắn sẽ được các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương quan tâm, nhưng chỉ là vậy thôi,” ông viết trong một bài đăng trên Twitter, lưu ý rằng tình hình ở Thái Bình Dương phức tạp hơn nhiều.
“Hai điểm cho thấy mọi thứ không đơn giản như việc Thượng nghị sĩ Wong đến Fiji rồi giải quyết được vấn đề: 1. Bức thư cảnh báo tuyệt vời của Tổng thống [Liên bang Micronesia] đã được viết rất sâu sắc trước khi bà Wong đến Fiji; 2. [Thủ tướng] của Fiji là một trong những nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương thân Trung Quốc hơn.”
Nhận xét của ông được đưa ra sau khi bà Wong được ông John Lyons, biên tập viên các vấn đề toàn cầu của Tập đoàn Truyền thông Úc (ABC), khen ngợi vì đã có một “thành tích xuất sắc” trong các nỗ lực ngoại giao gần đây.
Ông nói với ABC hôm 02/06, “Trung Quốc đã có cuộc tiến công bất ngờ đáng kinh ngạc này tại Thái Bình Dương — 10 quốc gia — tất cả đều được lên kế hoạch cẩn thận. Úc dường như không biết nhiều về điều đó, tôi nghĩ ít nhất bà Penny Wong đã cứu nguy, ít nhất là vào lúc này, và bà ấy đang chơi quân bài biến đổi khí hậu.”
“Tôi nghĩ rằng họ đang cố gắng cứu vãn một trong những sai lầm chính sách ngoại giao tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến ở đất nước này trong nhiều năm; ở khía cạnh nào đó, chúng ta gần như đã mất khu vực Thái Bình Dương vào tay ảnh hưởng của Trung Quốc,” ông nói. “Họ đang nói với khu vực Thái Bình Dương, chúng tôi quan tâm đến quý vị, chúng tôi đang lắng nghe, và điều thứ hai là, chơi quân bài mà tân chính phủ này có về biến đổi khí hậu. Rõ ràng, họ muốn thay đổi hướng đi.”
Lời khen ngợi tương tự cũng đã được bà Belinda Barnet, giảng viên về truyền thông và thông tin tại Đại học Swinburne ở Melbourne, đưa ra.
Bà viết trên Twitter hôm 31/05, “Chúng ta sẽ nói về cách bà Penny Wong xoay sở để *sửa chữa* một tình huống khiến người Úc rất lo lắng chứ? Chí ít thì chúng ta có thể thừa nhận cách bà ấy đã làm điều đó trong BA NGÀY.”
“Điều này không xảy ra do phép thuật hay tình cờ. Nó xảy ra bởi vì chúng ta đã đặt một người trưởng thành thông minh, có năng lực ngoại giao và có đầu óc chiến lược để phụ trách các mối quan hệ ngoại giao,” bà cho biết thêm. “Chúng ta không xứng đáng với bà Penny Wong. Nhưng Chúa ơi, tôi rất vui vì chúng ta có bà ấy.”
Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên đã không được đón nhận nhiệt tình.
Bà Anna Powles, giảng viên cao cấp về an ninh quốc tế tại Đại học Massey ở New Zealand, đã viết câu trả lời, “Hoặc là … chúng ta có thể nhận ra và thừa nhận rằng chính các quốc gia Thái Bình Dương mới thực sự là những người đã quyết định kết quả của thông cáo được đề nghị. Đó là câu chuyện thực tế và công lao là nằm ở đó.”
Ông Stephen Dziedzic, phóng viên ngoại giao của ABC, cho biết các quốc gia Thái Bình Dương có hãng thông tấn và “tất cả thông tin tình báo” đều chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương từ chối thúc đẩy [hiệp ước] vì những bất đồng nội bộ chứ không phải vì “sức ép/chủ trương của Úc.”
“Không có sự đồng thuận, thì không có thỏa thuận,” ông viết trên Twitter.
Ngoại trưởng Vương Nghị của Bắc Kinh đã bắt đầu chuyến công du tám nước đến Nam Thái Bình Dương nhằm mục đích tăng cường liên minh với các nhà lãnh đạo chủ chốt có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, bao gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, và Timor-Leste.
Tuy nhiên, các tài liệu bị rò rỉ đã tiết lộ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc có tham vọng vượt quá các mối quan hệ song phương, với việc Bắc Kinh đề nghị một khối kinh tế và an ninh sâu rộng gồm 10 quốc gia trong khu vực.
Tầm Nhìn Phát Triển Chung của Các Đảo Quốc Thái Bình Dương-Trung Quốc đã hình dung rằng ĐCSTQ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà lãnh đạo của Thái Bình Dương trong các lĩnh vực thương mại tự do, ngư nghiệp, ứng phó với đại dịch và các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, mạng, và lập bản đồ hàng hải.
Thỏa thuận này đã thất bại hôm 30/05 trong một cuộc họp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương sau khi thiếu sự đồng thuận.
Ông David Panuelo, Tổng thống Liên bang Micronesia, đã lên tiếng phản đối hiệp ước, và viết thư cho 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cảnh báo rằng hiệp ước này có thể kích hoạt một cuộc “Chiến Tranh Lạnh” mới.
Ông nói: “Tuy nhiên, những tác động thực tế của việc Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, lãnh hải của chúng ta và các nguồn tài nguyên trong đó, cũng như không gian an ninh của chúng ta, ngoài các tác động đến chủ quyền của chúng ta, sẽ làm tăng khả năng Trung Quốc xung đột với Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và New Zealand.”
If you read one thing about #WangYi's Pacific tour, make it @POTFSM letter to other Pacific leaders about the 'vision' and 'five year plan' documents China wants signed.
"[This is] the single-most game-changing proposed agreement in the Pacific in any of our lifetimes." 1/2 pic.twitter.com/akoHRvcDan
— Cleo Paskal (@CleoPaskal) May 27, 2022
Ông Heston Russell, một cựu đặc nhiệm cũng đã dành nhiều năm làm việc bí mật ở khu vực Nam Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia Thái Bình Dương gặp vấn đề lớn về tham nhũng và rằng Bắc Kinh phần lớn đã thành công trong việc khóa chặt mối quan hệ với một số nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương (nắm bắt giới tinh anh).
Ông nói rằng các quốc gia dân chủ nên tránh “so đo sức mạnh” với Bắc Kinh và thay vào đó hãy xoay trục và tập trung vào can dự ở cấp cơ sở.
“Có sự tách biệt giữa tầng lớp chính trị và dân cư địa phương. Hầu hết người dân đều quá bận rộn với sinh kế và cuộc sống thường nhật của họ, và không tích cực tham gia vào chính trị hay những gì đang diễn ra,” trước đây ông đã nói với The Epoch Times. “Điều đó cho phép giới tinh anh chính trị lợi dụng đất nước, bị ảnh hưởng, bị tha hóa, và điều đó có lợi cho các nước có nhiều nguồn tài nguyên, có các khu vực rộng lớn, và có ảnh hưởng quyền lực lớn như Trung Quốc.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].