Các chuyên gia cảnh báo về Cách mạng Văn hóa mới khi Trung Quốc theo đuổi ‘thịnh vượng chung’
Khi Bắc Kinh áp đặt chính sách không khoan nhượng đối với các ngôi sao cư xử lệch chuẩn và những người hâm mộ họ, các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng sự không dung thứ này đối với cộng đồng người hâm mộ Trung Quốc sẽ hé màn cho một cuộc Cách mạng Văn hóa thời hiện đại.
Tuần trước (30/08-05/09), thuế vụ Trung Quốc đã phạt cựu đại sứ thương hiệu của thương hiệu Ý cao cấp Prada, Trịnh Sảng, 46 triệu USD vì tội trốn thuế sau một vụ bê bối mang thai hộ hồi tháng Một. Sự việc này diễn ra sau vụ bắt giữ ngôi sao nhạc pop người Canada gốc Trung Quốc Ngô Diệc Phàm vì cáo buộc cưỡng gian vào giữa tháng Tám, cũng như việc phong sát nữ diễn viên tỷ phú Triệu Vy.
Các nhà chức trách của Trung Quốc cho biết hành động này là nhằm chấn chỉnh văn hóa hâm mộ người nổi tiếng “hỗn loạn.”
Nhiều hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, bao gồm cả các cơ quan ngôn luận của nhà nước như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và CCTV, đều đã đăng một bài báo trực tuyến có tiêu đề “Mọi người đều có thể cảm nhận được một sự thay đổi sâu sắc sắp diễn ra” vào Chủ nhật (05/09).
“Sự thay đổi sâu sắc này cũng là sự quay trở lại với bản chất của chủ nghĩa xã hội,” bài báo nêu rõ, nhấn mạnh rằng bất cứ ai đi ngược lại xu thế này đều sẽ bị loại bỏ.
Tuy nhiên, nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sinh sống tại Hoa Kỳ, ông Điền Viên (Tian Yuan), lại coi cái gọi là “những thay đổi sâu sắc” này là dấu hiệu của “Cách mạng Văn hóa lần hai.”
“Đánh địa chủ cường hào, phân chia lại ruộng đất; sát hại người giàu, vơ vét của cải” là những gì đảng thống trị này từng làm, ông Điền nói.
Trước Cách mạng Văn hóa, vào cuối những năm 1950, cải cách ruộng đất đã được thực hiện để vận động tạo ra một kế hoạch chi tiết nhằm bảo đảm “dân cày có ruộng.” Ông Điền cho hay, theo các biện pháp cải cách này, một địa chủ bị xếp vào loại “cường hào” thì đáng phải chết. Sau Cách mạng Văn hóa, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã thành lập mô hình công tư hợp doanh để quét sạch các đối thủ chính trị và các nhà tư sản giàu có.
Mới đây, trong cuộc họp lập kế hoạch kinh tế với các nhà lãnh đạo đứng đầu hôm 17/08, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã kêu gọi điều chỉnh lại “thu nhập cao quá mức” và trừ bỏ các khoản thu lợi bất chính nhằm thúc đẩy “thịnh vượng chung.”
Một ngày sau đó, đại công ty Internet Trung Quốc Tencent đã cam kết đầu tư 7.7 tỷ USD để hỗ trợ nỗ lực tái phân phối tài sản của chính quyền. Hôm 24/08, nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo cũng hứa sẽ quyên góp 1.6 tỷ USD để hoàn lại cho xã hội.
Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc hôm 02/09 đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 15.5 tỷ USD cho tới năm 2025 để hỗ trợ sáng kiến này, trở thành đại công ty công nghệ gần đây nhất cam đoan hỗ trợ.
Người đại diện pháp lý và luật sư nhân quyền Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) cho biết đợt chấn chỉnh mới của Trung Quốc đang lấy danh nghĩa của người dân để cướp đoạt từ những người giàu có, thế nhưng dân chúng lại không có quyền theo dõi số tiền này thực sự đi về đâu.
Bà Rita Li là một phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2018.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: