Các chuyên gia cảnh báo chương trình không gian của Trung Cộng là ‘mối đe dọa quân sự trực tiếp’
Các chuyên gia cho rằng các hoạt động của Trung Cộng ngoài không gian là một mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh quốc tế mà giới lãnh đạo và công chúng Hoa Kỳ mới chỉ bắt đầu đánh giá đúng mức. Điều quan trọng chính là sự mập mờ của Trung Cộng trong các theo đuổi về dân sự và quân sự cũng như nỗ lực khai thác các mạng lưới vệ tinh Hoa Kỳ của nhà cầm quyền này.
Trọng tâm của những nỗ lực thống trị không gian của Trung Cộng là chiến lược quốc gia về hợp nhất quân sự-dân sự, trong đó nhà cầm quyền này theo đuổi việc xóa bỏ hoàn toàn các rào cản giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự nhằm mục đích chuyển đổi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành lực lượng quân sự ưu việt của thế giới vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm chế độ cộng sản giành quyền thống trị Trung Quốc đại lục, và việc khai triển chiến lược này được lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình trực tiếp giám sát.
Như một phần của chiến lược hợp nhất, PLA duy trì việc giám sát gần như toàn bộ tất cả các khía cạnh của các chương trình không gian của Trung Cộng. Điều này bao gồm công việc của tất cả các phi hành gia Trung Quốc (taikonaut) và hoạt động của các mạng lưới vệ tinh.
Do đó, các nỗ lực nghiên cứu hoặc thương mại của Trung Cộng trong không gian có khả năng gia cường cho các nhiệm vụ quân sự.
Không phân chia dân sự-quân sự
Ông Li Xiaobing, giáo sư lịch sử, và ông Don Betz, chủ nhiệm khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Central Oklahoma, đã nói về những thách thức khi nghĩ về Trung Cộng theo hình thức các lĩnh vực quân sự và dân sự riêng biệt và các vấn đề do một chiến lược như vậy gây ra trên toàn cầu.
“Thật khó để tách biệt vì đó là một hệ thống khác,” ông Li nói với The Epoch Times. “Ở phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, quý vị có một khu vực tư nhân và chính phủ. Nhưng ở Trung Quốc, chính phủ điều hành cả lĩnh vực dân sự và thương mại và lĩnh vực chính phủ.”
“Mối quan hệ dân sự-quân sự ở Trung Quốc được tích hợp để nó trở thành một chương trình không gian chức năng kép cho cả mục đích thương mại và quân sự cùng một lúc.”
Theo ông Li, chức năng kép đó khiến việc đánh giá mối đe dọa an ninh tiềm ẩn của bất kỳ chương trình không gian nào của Trung Cộng trở nên khó khăn, vì nó gây ra một sự mơ hồ nhất định về việc xác định xem chức năng quân sự hay dân sự là trọng tâm.
Với ông Paul Crespo, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ đồng thời là chủ biên tờ American Defense News, các vấn đề liên quan đến chức năng kép luôn nghiêng về phía một ứng dụng quân sự khi đối đãi với Trung Cộng.
“Mọi thứ đều có công dụng kép,” ông Crespo nói với The Epoch Times. “Đúng vậy, có một số nghiên cứu khoa học đang được thực hiện, một số công nghệ dân sự thông thường đang được tạo ra, nhưng trọng tâm chính, theo ý kiến của tôi, là quân sự. So với khía cạnh quân sự, mọi thứ khác chiếm vị trí thứ hai.”
Từng là sĩ quan Thủy quân lục chiến của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, ông Crespo cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt chính giữa chiến lược hợp nhất của Trung Cộng và chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ là Trung Cộng tìm kiếm sự tích hợp toàn diện của chiến tranh mạng vào tất cả các yếu tố khác của quân đội, bao gồm cả các hoạt động không gian do PLA giám sát. Vì vậy, ông Crespo tin rằng không thể tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa giữa các lĩnh vực quân sự và dân sự trong chiến lược lớn của Trung Cộng.
Ông Crespo nói, “Họ coi tất cả là một gói. Theo như tôi được biết, không có sự phân chia dân sự-quân sự ở Trung Quốc khi nói đến các mục tiêu quốc gia.”
Xung đột vùng xám: chuẩn mực mới
Ngược lại, sự tồn tại của các ứng dụng quân sự trong nghiên cứu không gian tự bản thân nó không cho thấy sự tồn tại của mục đích thù địch hoặc ngụ ý rằng tình trạng hiện tại của các vấn đề trong không gian là hoàn toàn mới lạ hoặc bất thường.
Ông Gary Prater, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ, lưu ý rằng hầu hết các quốc gia có tài sản trong không gian đều tìm cách tận dụng các công nghệ và nghiên cứu liên quan để tăng cường các nỗ lực an ninh quốc gia theo cách này hay cách khác.
Ông Prater nói với The Epoch Times rằng, “Không gian đã và đang được quân sự hóa kể từ khi vệ tinh đầu tiên được phóng lên vũ trụ để lấy hình ảnh các lực lượng quân sự, căn cứ, cơ sở hỏa tiễn và nhà xưởng của các quốc gia khác. Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia khác đều sử dụng các tài sản không gian cho các lợi ích quân sự.”
Ông Prater lưu ý tầm quan trọng của các sứ mệnh không gian trong việc tăng cường khả năng liên quan đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thông tin liên lạc; GPS; và các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Tuy nhiên, tần suất tương đối thường xuyên của các ứng dụng quân sự trong các hoạt động không gian không có nghĩa là không có mối đe dọa nào từ các chương trình không gian của Trung Cộng đối với cộng đồng quốc tế hay đó chỉ là hoạt động kinh doanh như bình thường.
Theo ông Li, sự phổ biến ngày càng tăng của tội phạm mạng và chiến tranh mạng có thể dẫn đến một sự gia tăng mới trong các hành động thù địch ngoài không gian, khi các quốc gia ngày càng sẵn sàng tham gia vào cái gọi là xung đột vùng xám, nơi mà các hành động thù địch chỉ thiếu việc [dẫn đến] thương vong trực tiếp về người.
“Công chúng Hoa Kỳ, kể cả một số chuyên gia, xem truyền hình quá nhiều với những câu chuyện chiến tranh như Afghanistan,” ông Li nói. “Trung Quốc có một khái niệm mới. Tương lai của chiến tranh là trong không gian.”
“Sẽ là dễ dàng hơn để đưa ra một quyết định chiến tranh trong không gian. Sát hại dân chúng hoặc tấn công hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, điều đó có thể khó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu quý vị chỉ đóng một vài vệ tinh? Đó có phải là chiến tranh hay không? Mọi người không có mức độ nhạy cảm đến thế về các cuộc tấn công trong không gian.”
Với lối suy nghĩ đó, Trung Cộng tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các cụm vệ tinh mới, vũ khí chống vệ tinh và các gói tác chiến điện tử được thiết kế để ngăn chặn quyền truy cập của Hoa Kỳ vào mạng vệ tinh của chính mình. Đầu năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng tập đoàn viễn thông quốc doanh của Trung Quốc sẽ phóng 10,000 vệ tinh trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Mục tiêu 10,000 vệ tinh dường như là điều đáng mơ ước tại thời điểm này, theo các cơ sở dữ liệu được duy trì bởi một số công ty dự đoán quỹ đạo vệ tinh, bao gồm N2YO và Heavens-Above, vì số lượng vệ tinh hiện tại của Trung Quốc trên quỹ đạo là ít hơn 480.
Tuy nhiên, một mục tiêu như vậy không phải là điều không tưởng. Sự tập trung của Trung Cộng vào cái gọi là các xung đột được thông tin hóa, hoặc các xung đột trong đó công nghệ thông tin là yếu tố quyết định để chiến thắng, sau khi cải tổ quân sự vào năm 2015, có thể hội tụ một lượng lớn tiền mặt cho các chương trình vệ tinh.
Ông Crespo nói, “Họ có nguồn lực, có tiền, có tầm nhìn và quyết tâm. Tôi không thấy bất cứ điều gì ngăn cản họ đạt được mục tiêu đó dựa trên các xu hướng hiện tại.”
Hoa Kỳ hiện có vẻ đang xem trọng mối đe dọa xung đột vùng xám này trong không gian và gần đây đã công bố một số sáng kiến được thiết lập để củng cố khả năng phòng thủ của cơ sở hạ tầng không gian đã cũ, cũng như tạo ra các phương tiện mới để xây dựng khả năng phục hồi cho các hệ thống vệ tinh của mình.
Chỉ trong tháng Bảy, Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã cung cấp bản thứ tư trong số năm bản nâng cấp nhu liệu được dự kiến cho hệ thống liên lạc vệ tinh của họ nhằm cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc lập kế hoạch nhiệm vụ. Lực lượng Không gian cũng tuyên bố mở một trung tâm vận hành vệ tinh mới tại Căn cứ Không quân Kirtland nhằm cải thiện khả năng chiến đấu trong không gian của Hoa Kỳ.
Văn phòng Trinh sát Quốc gia thông báo rằng họ sẽ theo đuổi một cấu trúc vệ tinh phân tán hơn với nhiều vệ tinh hơn được đặt trên nhiều quỹ đạo để ngăn chặn sự cố mất liên lạc vệ tinh trong trường hợp bị tấn công.
Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo rằng các cuộc tấn công mạng có thể gây ra một cuộc chiến thực sự.
Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể chỉ là bước khởi đầu, vì hệ thống vệ tinh của Hoa Kỳ hiện đang là một trong những phần dễ bị tấn công nhất trong các hệ thống quốc phòng và an ninh của Hoa Kỳ.
Ông Li nói, “Mong muốn và tham vọng của Trung Quốc là khá rõ ràng. Đó là để cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, bằng cách nhắm vào lỗ hổng của các liên kết yếu nhất trong các chương trình của Hoa Kỳ, chẳng hạn như vệ tinh.”
Trung Cộng là một ‘mối đe dọa quân sự trực tiếp’
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có dành đủ nguồn lực để bảo đảm chắc chắn Trung Cộng sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trong không gian hay không, ông Li nói thẳng, “Về mặt phòng thủ vệ tinh thì không.”
Ông Crespo đồng ý khi nói rằng, “Nếu chúng ta không đầu tư thêm nhiều tiền bạc, nhiều thời gian và suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này, chúng ta sẽ tụt hậu trong một lĩnh vực mà chúng ta thực sự không được phép tụt hậu.”
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các vệ tinh Hoa Kỳ đối với những căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như tầm quan trọng rộng lớn hơn của chúng đối với tính chất tập trung vào mạng của cuộc xung đột vùng xám đương thời.
Ông Crespo nói rằng, “Họ không nhất thiết phải đánh sập các vệ tinh của chúng ta, họ chỉ cần phá hủy khả năng của chúng ta trong việc kết nối hoặc kiểm soát chúng. Vì vậy, các năng lực mạng là một phần không thể thiếu trong dự án không gian của Trung Cộng.”
“Nhiều khả năng họ coi tấn công động học vào vệ tinh là phương án cuối cùng, bởi vì đó vẫn là một đối sách tấn công quân sự rõ ràng. Họ sẽ thiên về, và đã phát triển khả năng thực hiện tất cả những việc đó nhiều hơn, thông qua mạng, nơi họ vẫn có thể phủ nhận.”
Cả ông Li và ông Crespo đều đồng ý về thực tế rằng nhiều người ở Hoa Kỳ không hiểu Trung Cộng và mức độ tham vọng của đảng này một cách đầy đủ, dù họ ở trong lĩnh vực công cộng hay tư nhân.
Ông Crespo nói: “Ở Hoa Kỳ, chúng ta không làm đủ trong giới truyền thông để nêu bật mối đe dọa của Trung Quốc hoặc những thành tựu [của họ]. Đôi khi chúng ta phớt lờ điều này như thể [nó là] tuyên truyền. Cấp độ thành tựu của họ trong lĩnh vực không gian là chưa từng thấy và điều này mới chỉ xảy ra trong một vài năm qua.”
“Tôi nghĩ nếu người Mỹ biết nhiều hơn về những gì Đảng Cộng sản và Trung Quốc đang làm, họ sẽ lo ngại hơn rất nhiều.”
Ông Li giải thích rằng Trung Cộng đã khởi xướng các nỗ lực quân sự trong không gian bởi vì ban lãnh đạo đảng biết rằng khả năng đạt đánh bại các cường quốc phương Tây trong không gian sẽ là điều cần thiết để giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh tiềm tàng nào.
“Cuộc chiến tiếp theo sẽ diễn ra trong không gian,” ông nói.
Theo ông Li, kết quả của cuộc chiến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào mức độ nhanh nhạy của Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc thích ứng với thực tế của chiến tranh trong không gian.
Ông nói: “Chính phủ Hoa Kỳ đương nhiệm, cũng như các quốc gia phương Tây khác, không có một chính sách lâu dài để đối phó với chương trình không gian của Trung Quốc. Đó là một chính sách mang tính đối phó. Một chính sách theo kiểu chờ đợi và quan sát.”
Hai chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc Trung Cộng kiểm soát các chương trình không gian thông qua PLA làm tăng khả năng quân sự hóa không gian hơn nữa và thiệt hại có chủ đích hoặc ngẫu nhiên đối với cơ sở hạ tầng không gian quan trọng thông qua xung đột vùng xám.
Ông Li cho biết “Trung Quốc sẽ phóng trạm vũ trụ đầu tiên của họ vào năm tới, để phục vụ cho mục đích quân sự.”
Ông Crespo lưu ý rằng Trung Cộng coi quyền kiểm soát của Hoa Kỳ trong không gian vừa là một trong những điểm mạnh lớn nhất vừa là một trong những điểm yếu lớn nhất của họ.
Ông nói: “Trung Cộng coi sự thống trị của Hoa Kỳ trong không gian là trọng tâm đối với khả năng thể hiện sức mạnh của họ. Và đó cũng là điểm yếu lớn nhất của họ. Nếu không vô hiệu hóa được chúng ta trong không gian, họ nghĩ họ không bao giờ có thể giành chiến thắng trong chiến tranh. Vì vậy, chắc chắn ưu tiên số 1 của Trung Cộng là có thể chống lại Hoa Kỳ, hoặc thậm chí là cuối cùng thay thế địa vị thống trị không gian của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, cả hai vẫn hy vọng rằng người Mỹ đã bắt đầu hiểu đầy đủ về khả năng xảy ra xung đột thực sự trong không gian giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và ý nghĩa của mối đe dọa đó đối với bang giao giữa hai nước.
Ông Crespo nói: “Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta cũng nhận ra mức độ của mối đe dọa. Họ là một mối đe dọa quân sự trực tiếp. Họ là một đối thủ, nếu không muốn nói là một địch thủ.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: