Các chuyên gia: Bắc Kinh tái khẳng định việc hỗ trợ các công ty tư nhân trong nỗ lực ‘xoa dịu’ công chúng trong bối cảnh đàn áp
Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He trong tuần này đã tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ đứng về phía các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính quyền Trung Cộng chỉ đang cố gắng “xoa dịu” người dân và tăng lòng tin của công chúng trong bối cảnh các cơ quan quản lý đàn áp đối với các doanh nghiệp trong nước gần đây.
Theo Tân Hoa xã, hôm 06/09, ông Liu đã nói trên một diễn đàn trực tuyến và tuyên bố rằng, “Các nguyên tắc và chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân không thay đổi… và sẽ không thay đổi trong tương lai.” Người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường sau đó đã lặp lại lời hứa của Bắc Kinh.
Nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc Tang Jingyuan tin rằng việc kiềm chế các doanh nghiệp tư nhân trong khi hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước là “một chính sách ổn định” sẽ không thay đổi dưới thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Những lời cam đoan của ông Liu He về cơ bản là nhắm tới dư luận.”
Trong những tháng qua, Bắc Kinh đã ban hành các quy định mới nhắm vào một số ngành công nghiệp như công nghệ lớn, giáo dục tư nhân, giải trí, và trò chơi điện tử, đồng thời trừng phạt những người vốn bị cáo buộc là phá vỡ trật tự thị trường hoặc vi phạm quyền của người tiêu dùng.
Ông Tang mô tả vai trò của Trung Cộng là “một cảnh sát tồi”, nói thêm rằng ông Phó Thủ tướng cần “đóng vai của cảnh sát tốt” để giảm bớt sự hoảng loạn trong khu vực tư nhân và ngăn chặn sự mất mát khác trong lòng tin của công chúng.
Theo ông Tang, động thái gần đây nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ có những mối liên hệ về chính trị không ủng hộ giới lãnh đạo cao nhất. Ông nói, tuy nhiên, các cuộc thanh trừng gay gắt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự phản kháng từ các công ty tư nhân vừa và nhỏ và làm nản các dòng vốn.
Đại tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc Alibaba đã bị phạt 2.8 tỷ USD vào tháng Tư vì các chiến thuật chống cạnh tranh. Việc trừng phạt này diễn ra vài tháng sau khi người sáng lập Jack Ma có bài phát biểu vào tháng 10/2020 thách thức Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, nói rằng Trung Quốc có “quá nhiều lệnh cấm và các hạn chế với quá ít chính sách”.
Các cơ quan quản lý sau đó đã tạm dừng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group tại Hồng Kông và Thượng Hải vào tháng 11/2020. Ant Group là công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba.
Cựu học giả từ Đại học Harvard Tao Ray cho biết giờ đây mọi người sợ thực hiện những bước đi sai lầm rồi phải chịu trách nhiệm. Ông nói với The Epoch Times răng, “Tất cả mọi người đều đang chờ đợi và theo dõi, từ các quan chức chính quyền địa phương cho đến các nhà đầu tư ở Trung Quốc hay ở ngoại quốc.
Nhân nhượng
Một ý kiến, gần đây đã được đăng trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc và được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của nhà nước này, mô tả cuộc đàn áp quy định gần đây của Bắc Kinh đối với các ngành công nghiệp khác nhau là một “sự thay đổi sâu sắc” và nhấn mạnh rằng bất kỳ ai đi ngược lại chiến dịch này sẽ bị gạt sang một bên.
Ký giả độc lập Gao Yu ở Bắc Kinh nói với The Epoch Times rằng, “Những quy định này đã gây ra một chút hoảng loạn”, và gọi động thái này là “quá mức cần thiết.”
Tiếp sau các quy định mới đối với trò chơi điện tử trực tuyến, các công ty thương mại điện tử, câu lạc bộ người hâm mộ người nổi tiếng, và các công ty dịch vụ gọi xe, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đề nghị về “thịnh vượng chung” tại một hội nghị tài chính 3 tuần trước nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng.
Ông Tập nhấn mạnh cách tiếp cận “ba phân phối” trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập, một khái niệm được đề nghị bởi nhà kinh tế Trung Quốc Li Yining vào năm 1994, đề cập đến thị trường, chính sách của chính phủ, và các khoản đóng góp tự nguyện.
Hàng chục công ty niêm yết kể từ đó đã cam kết đóng góp cho xã hội để đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh để chia sẻ sự giàu có của họ. Tập đoàn Alibaba hôm 02/09 đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 15.5 tỷ USD tới năm 2025 để hỗ trợ sáng kiến này.
Bà Gao nói: “Các chính sách xoa dịu cần phải được thực hiện,” trước thực tế các doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm một phần lớn nguồn thu thuế và nguồn lao động của Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (06/09), ông Liu cũng đề cập rằng kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% doanh thu từ thuế, hơn 60% GDP và 80% việc làm ở thành thị ở Trung Quốc.
Bà Gao nói: “Nếu các doanh nghiệp tư nhân sụp đổ, hoặc chạy trốn cùng với tiền, hoặc không làm gì nữa… [không có dòng vốn] thì điều tồi tệ sẽ đến với nền kinh tế Trung Quốc.”
Nhưng có một lằn ranh đỏ mà khu vực tư nhân không thể vượt qua, bà nói thêm, đó là phải tuân theo sự lãnh đạo của Đảng.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2018.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: