Các chuyên gia an ninh kêu gọi cấm chuyển giao AI cho Trung Quốc
Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ đang tiếp tục xây dựng các phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc, bất chấp khả năng của Trung Cộng trong việc trưng dụng bất cứ nghiên cứu nào của họ cho các mục đích riêng, chẳng hạn như mục đích quân sự và các mục đích khác, các chuyên gia cảnh báo.
Các chuyên gia tin rằng cách duy nhất để bảo đảm ngăn chặn sự phát triển năng lực AI của Trung Cộng là tiến hành một lệnh cấm chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ cho Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu năm 2020 của một viện nghiên cứu chính sách tại Đại học Georgetown, hơn 10% tổng số phòng nghiên cứu AI do Facebook, Google, IBM và Microsoft sở hữu và vận hành hiện đang đặt tại Trung Quốc. Và con số đó đang tăng lên.
Các công ty Mỹ cũng tiếp tục đối mặt với việc Trung Cộng xâm phạm tài sản trí tuệ của họ một cách vô độ. Theo các chuyên gia, cả tính dễ bị tổn thương trong nghiên cứu của các công ty ở Trung Quốc đại lục và sự can dự của các quan chức Trung Cộng đều có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế.
Kháng cự lại Trung Cộng ở Trung Quốc ‘gần như là bất khả thi’
Theo ông Casey Fleming, Giám đốc Điều hành của công ty tư vấn chiến lược Black Ops Partners, các doanh nghiệp ngoại quốc phải đối mặt với những rủi ro đáng kể khi hoạt động tại Trung Quốc.
Ông Fleming nói với The Epoch Times, “Mọi thứ xảy ra ở Trung Quốc đều 100% nằm trong tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không có cái gọi là ‘kinh doanh ở Trung Quốc’ mà không chịu sự chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông Fleming tin rằng các công ty Mỹ không thể tiến hành nghiên cứu AI ở Trung Quốc mà không để nghiên cứu đó bị Trung Cộng hoặc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA, tên chính thức của quân đội của nhà cầm quyền này) đánh cắp hoặc trưng dụng cho mục đích của riêng họ.
Theo ông Fleming, tình trạng này là kết quả của [chiến lược] hợp nhất quân sự-dân sự của Trung Cộng, nhằm loại bỏ mọi rào cản giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự liên quan đến nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Ông Fleming nói, “Khi họ nhìn vào AI dân sự của quý vị, họ đặc biệt trước hết nhìn nhận nó khi dùng cho các ứng dụng quân sự và sau đó mới là cho các ứng dụng thương mại. Với Đảng Cộng sản Trung Quốc, dân sự và quân sự được hợp nhất. Chúng là hai trong một.”
Sự hợp nhất đó là một trong các lý do tại sao các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo về các ứng dụng quân sự tiềm tàng của chương trình vũ trụ của Trung Quốc. Theo một cách tương tự, Trung Cộng đã biến việc tích hợp hoàn toàn AI vào mọi mặt của cuộc sống trở thành trọng tâm cho chiến lược quân sự chống lại Hoa Kỳ của mình và mưu toan trở thành quốc gia đứng đầu về AI trên toàn thế giới vào năm 2030.
Ông Robert Bunker, giám đốc nghiên cứu và phân tích tại C/O Futures, một công ty tư vấn, đã cảnh báo tương tự rằng “việc một công ty công nghệ Mỹ hoạt động ở Trung Quốc và không hỗ trợ PLA phát triển khả năng nghiên cứu và tạo mẫu AI của họ là hầu như bất khả thi.”
Ông Bunker nói với The Epoch Times trong một email, “Trung Cộng đã xâm nhập vào tất cả các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc bằng các nhân sự chính trị và tình báo của họ — trên thực tế, những công ty đó không thể hoạt động nếu không có sự hợp tác chặt chẽ như vậy với chính quyền trung ương.”
Do đó, ông Fleming và ông Bunker coi mối đe dọa mà các công ty tiến hành nghiên cứu AI ở Trung Quốc phải đối mặt cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc tế.
Mối đe dọa đó đã trở thành hiện thực vào đầu năm nay, khi Bắc Kinh nhận định dữ liệu là một “yếu tố sản xuất” của quốc gia, cho phép Trung Cộng lợi dụng luật pháp cộng sản để cưỡng ép thu thập dữ liệu được phát triển hoặc lưu trữ tại Trung Quốc.
Ngay sau đó là một cuộc đàn áp bằng quy định đối với các công ty công nghệ mà Trung Cộng cho là đã tích lũy quá nhiều tài sản và dữ liệu. Nhiều doanh nghiệp trong số đó được rót các khoản đầu tư hậu hĩnh từ Hoa Kỳ. Cuộc đàn áp đó đã khiến [các công ty này] mất khoảng 400 tỷ USD giá trị.
Tất cả là về đồng Nhân dân tệ
Giữa bối cảnh những mối đe dọa liên quan đến hợp tác công nghệ với Bắc Kinh, một số người có thể tự hỏi tại sao các công ty Mỹ tiếp tục đổ tiền và các nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm AI ở Bắc Kinh.
Theo ông Bunker, câu trả lời rất đơn giản.
Ông Bunker cho biết, “Điều này xuất phát từ lòng tham — lòng tham của các công ty Mỹ. Các năng lực AI đang được phát triển được Đảng Cộng sản Trung Quốc chi trả hậu hĩnh.”
Vì thế, năm ngoái Trung Cộng đã trực tiếp đầu tư khoảng 65 tỷ USD vào công nghệ AI và các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp Mỹ để dẫn dụ họ vào Trung Quốc đại lục.
Theo ông Fleming, các công ty công nghệ Mỹ gặp khó khăn trong việc cưỡng lại những lời hứa hão huyền của Trung Cộng, ngoại trừ việc bảo đảm quyền tiếp cận thị trường 1.3 tỷ dân phần lớn chưa được khai thác của quốc gia này. Tuy nhiên, những công ty đó sẽ không nhận được [phần Trung Cộng đã hứa hẹn trong] thỏa thuận mà họ đã bước vào.
Ông Fleming cho rằng, “Bất kể công ty nào kinh doanh ở Trung Quốc đều bị chơi. Quý vị có thể tồn tại được bao lâu khi họ đánh cắp tài sản trí tuệ của quý vị và rao bán sản phẩm dựa trên tài sản trí tuệ của quý vị cho khách hàng của quý vị với giá 45 cent một dollar?”
Theo các hãng truyền thông do Trung Cộng sở hữu, hơn một phần tư trong tổng số các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon phụ thuộc vào các khoản đầu tư của Trung Quốc vào năm 2016. Mặc dù con số đó đã giảm dần, nhưng phần lớn thiệt hại vẫn tiếp tục phải nếm trải khi những khoản đầu tư đó giúp các công ty do Trung Cộng hậu thuẫn đạt được quyền tiếp cận sớm với tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Đơn vị Cải tiến Quốc phòng của Ngũ Giác Đài coi những nỗ lực kiểu này là một phần của một chiến lược chuyển giao công nghệ và lưu ý rằng nó cho phép Trung Cộng và PLA gần như là mua được các công nghệ tân tiến cùng lúc mà quân đội Hoa Kỳ mua chúng.
Luật An ninh Quốc gia năm 2015 của Trung Cộng đã khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn, khi yêu cầu tất cả các hệ thống thông tin ở Trung Quốc phải được điều chỉnh cho “an toàn và có thể kiểm soát được.” Theo các nhà phân tích, điều này trao cho Trung Cộng quyền buộc các công ty giao nộp tài sản trí tuệ vô giá như mã nguồn và khóa mã hóa. Một loạt các quy tắc an ninh mạng mới được đưa ra trong những năm gần đây đã thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát dữ liệu tại Trung Quốc.
Hệ quả của việc Bắc Kinh ngày càng siết chặt dữ liệu là các đại công ty, bao gồm cả IBM đã ngay lập tức cho phép Trung Cộng xem xét mã nguồn của họ. Các công ty khác, chẳng hạn như Tesla, đã trốn tránh sự giám sát của Trung Cộng trong một thời gian bằng cách lưu trữ dữ liệu ở hải ngoại, một hành động mà gần đây đã bị Trung Cộng cấm.
Trong tình cảnh như vậy, ông Bunker nói rằng các công ty công nghệ hoạt động ở Trung Quốc trên thực tế đang hoạt động với tư cách là phần mở rộng của PLA.
Ông Bunker nói, “Nếu Big Tech của Hoa Kỳ muốn kinh doanh ở Trung Quốc, và họ thực sự đã làm vậy vì nhu cầu lợi nhuận của cổ đông, thì họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoạt động dưới sự chỉ thị của Trung Cộng mà đằng sau là Chủ tịch Tập Cận Bình và cấp dưới của ông ta. Các phương châm tương ứng của Google và Alphabet là ‘Đừng trở nên xấu xa’ và ‘Làm điều đúng đắn’ hầu như đã bị ném ra ngoài cửa sổ dưới hoàn cảnh như vậy.”
Chặn đứng dòng chảy
Cả ông Bunker, ông Fleming và Bộ Quốc phòng đều đồng ý rằng, sự ép buộc kinh tế của Trung Cộng và mong muốn tiếp tục phát triển các cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc mặc cho sự can thiệp của Trung Cộng của các công ty toàn cầu đã đặt ra một mối đe dọa rõ rệt đối với trật tự quốc tế.
Đối với các chuyên gia, mối đe dọa lớn nhất vô cùng minh xác chính là thực tế rằng Hoa Kỳ hiện không giám sát, hạn chế hoặc cấm các khoản đầu tư mạo hiểm ngoại quốc vào, cũng như việc chuyển giao các công nghệ giai đoạn đầu, trong đó có AI với các ứng dụng quân sự tiềm năng.
Ông Fleming tin rằng Hoa Kỳ cần phải điều chỉnh luật pháp của mình cho phù hợp hơn với nhận thức rằng Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc chiến với Trung Cộng — một hình thức chiến tranh hỗn hợp, phi truyền thống, trong đó Trung Cộng kiên quyết phớt lờ mọi luật lệ mà trả giá cho việc đó chính là trật tự quốc tế.
Ông Fleming nói, “Đó chính là chiến tranh. Vấn đề là, đó lại là một cuộc chiến tranh mà chúng ta với tư cách là người phương Tây không hiểu. Chúng ta chỉ suy nghĩ dựa trên các bộ quân phục, những binh lính, tàu, súng, phi cơ và bom.”
Cuộc chiến tranh hỗn hợp không hạn chế này là nhằm mục đích kết hợp các năng lực chính trị, kinh tế và không gian mạng của Trung Cộng để gây ra mọi thiệt hại của một cuộc chiến tranh nóng mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.
Hơn nữa, theo ông Fleming, một cuộc chiến như vậy sẽ tiếp tục không suy giảm cho tới chừng nào Hoa Kỳ chặn đứng dòng chảy một chiều của các công nghệ mới nổi từ Thung lũng Silicon đến Bắc Kinh.
Ông Fleming nói, “Công nghệ này nên được phân loại là nhu liệu hay công nghệ về an ninh quốc gia, và do đó không được phân phối cho các quốc gia đối địch. Hiện nay, việc phân loại này phần lớn là không tồn tại.”
Ông cho biết thêm, “Luật pháp của chúng ta chưa bắt kịp với công nghệ.”
Vì thế, năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp để giúp hướng dẫn sự phát triển của liên bang về việc ứng dụng AI. Tuy nhiên, các nỗ lực khác của chính phủ Tổng thống Trump nhằm hạn chế việc chuyển giao AI cho Trung Quốc đã bị vô hiệu hóa và cuối cùng chỉ hạn chế việc xuất cảng AI có liên quan đến nhu liệu về hình ảnh không gian địa lý sang Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Tổng thống Biden sẽ phản ứng ra sao với tình huống này. Tuy nhiên, đối với ông Bunker, câu trả lời rất rõ ràng: ngăn dòng chảy này lại.
Ông Bunker nói, “Trước hết, chính phủ Hoa Kỳ cần có các lệnh cấm chuyển giao đối với tất cả các công nghệ trọng yếu và công nghệ cao giữa các tập đoàn Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Ông Bunker nói tiếp, “Các công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc cung cấp cho Trung Cộng năng lực khởi phát AI quân sự ban đầu của họ. Điều này đã đang ám ảnh chúng ta trong cuộc đọ sức ngày càng gia tăng đang diễn ra giữa chủ nghĩa độc tài toàn trị của Trung Quốc và nền dân chủ tự do của Hoa Kỳ.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: