Các chủ trang trại lên tiếng cảnh báo khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh
Những con heo của người chăn nuôi nghiệp dư Dottie Overland mỗi ngày một lớn và thịt cũng ngon hơn, nhưng gia đình cô có thể không bao giờ có cơ hội ăn thịt chúng.
Với chi phí thức ăn chăn nuôi tăng lên mức chưa từng có, việc mua thức ăn cho mười con heo đã trở nên đắt đỏ tới mức không thể mua đối với cô Overland, một bà mẹ dạy con tại nhà đồng thời chăn nuôi để tiết kiệm.
“Chúng tôi có ý định nuôi chúng cho mình. Chúng tôi sẽ tự mình làm thịt chúng,” cô nói với The Epoch Times. “Nhưng thật đáng thất vọng.”
Cô Overland sống ở Georgia, nuôi heo và gà để lấy thịt và bán. Nhưng sau khi giá thức ăn tăng gần một phần tư, cô đã tính đến việc bán đàn heo của mình trước khi chúng lớn.
Tuy nhiên cô sẽ không đưa ra quyết định này mà không nỗ lực thêm, cô nói. Để tránh chi phí thức ăn tăng cao, cô Overland hiện cho heo ăn cỏ và bánh mì bán trong ngày còn thừa tại cửa hàng tạp hóa. Cô dự định sẽ ủ thức ăn đã mua để nó giàu dinh dưỡng hơn và kéo dài thời gian hơn nữa. Việc này không phải là lý tưởng, nhưng sẽ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc của cô ở thời điểm hiện tại.
“Nó giống như đồ ăn rác vậy,” cô nói. “Nhưng đàn heo vẫn ổn với loại thức ăn này.”
Trong trường hợp bình thường, những loại thực phẩm này thường chỉ rẻ hơn một chút so với thức ăn cho heo, nhưng hiện tại, chúng có giá rẻ hơn nhiều.
Ngành chăn nuôi vốn đã là một ngành kinh doanh mà người chăn nuôi thường thua lỗ khi bán vật nuôi, nhưng giá thức ăn tăng vào năm 2021 khiến công việc của những chủ trang trại chuyên nghiệp trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Đổ đầy máng thức ăn
Các vấn đề của cô Overland chưa là gì so với vấn đề thức ăn chăn nuôi mà các chủ trang trại quy mô lớn phải đối mặt. Bà Abigail Banks là đồng sở hữu của trang trại Goat Farm Road ở Georgia. Trong trang trại đó, bà chăm sóc khoảng 300 con vật gồm dê, cừu và thỏ.
“Năm nay là một trong những năm khó khăn nhất đối với chúng tôi,” bà nói với The Epoch Times. “Kho thức ăn của chúng tôi thường lúc nào cũng đầy, bây giờ có lẽ còn chưa được một nửa.”
Bà kinh doanh dựa trên một phương trình đơn giản. Bán vật nuôi kiếm tiền; chăn nuôi lấy tiền.
Bà Banks ước tính mỗi ngày, những vật nuôi có vú ở Goat Farm Road ăn hết khoảng 125 pound (56.25kg) thức ăn. Thức ăn giúp cho chúng lớn nhanh hơn, tăng số lượng và trở nên có giá trị hơn. Nếu dừng lại, chúng sẽ yếu đi, ốm, và chết trong vài ngày.
“Chúng thường yếu đi, chúng sẽ ốm yếu nếu không ăn đủ,” bà nói. “Anh sẽ nhận thấy trong vòng chưa đầy một hoặc hai ngày chúng đã giảm cân.”
Hiện tại, thức ăn mà bà Banks dùng có giá từ 13 USD đến 28 USD mỗi túi, bà cho biết. Nó từng có giá từ 9.45 USD đến 18 USD.
Bà nói: “Chúng tôi phải mua mọi thứ tính theo tấn.”
Bà Banks nói rằng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi bắt đầu không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nhưng bà không rõ tại sao.
Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi tăng đã gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhưng năm ngoái, chính phủ đã viện trợ khoảng 28 tỷ USD cho đại dịch. Tuy nhiên khi khoản viện trợ này kết thúc vào năm 2022, người chăn nuôi sẽ mất gần 1/5 thu nhập.
Mọi người thích ăn thịt dê trong mùa đông, bà Banks nói. Nhưng vào mùa hè, bán chúng có thể bị lỗ. Chừng nào bà có vật nuôi thì chúng cần phải ăn.
“Vào những thời điểm nhất định trong năm, anh có thể bán những con vật này với giá tốt. Và cũng có những thời điểm trong năm mà nếu anh bán chúng, anh sẽ không kiếm được nhiều như mong đợi,” bà nói.
Một cách mà bà Banks đã ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao là không cho dê không có con ăn ngũ cốc. Theo một số cách, việc nuôi dê là một gánh nặng về mặt cảm xúc. Bà cho hay, nuôi dưỡng những con vật bị giết thịt là một cảm giác kỳ lạ.
“Tôi cố gắng không nghĩ về điều đó, bởi vì tôi đã bán hai con dê đực mà tôi nuôi bằng sữa bình và tôi đã gửi chúng đến lò mổ,” bà nói.
Vận chuyển thức ăn chăn nuôi
Theo cô Alesia Stewart, chủ cửa hàng Feed Store and More ở Texas, giá cả tăng cao chủ yếu đến từ phí vận chuyển.
Cô nói với The Epoch Times: “Bất cứ khi nào tôi nhận được yến mạch, chúng đã đắt thêm từ 2 đến 3 USD mỗi túi, và tất cả là do cước phí vận chuyển. Tất cả loại thức ăn chăn nuôi của tôi đã tăng lên đâu đó từ 2 đến 3 USD.”
Cô Stewart nói thêm rằng các nhà cung cấp đổ lỗi cho việc thiếu tài xế xe tải gây ra khó khăn về nguồn cung.
Mặc dù điều hành một cửa hàng thức ăn chăn nuôi, cô Stewart cho biết cô ít bị ảnh hưởng bởi chi phí thức ăn tăng cao hơn là so với những người chăn nuôi.
Cô nói: “Chúng tôi chưa thực sự phải chịu đựng điều tồi tệ như vậy vì mọi người vẫn muốn cho đàn gia súc của họ ăn.”
Các công ty lớn chế biến thịt bò
Ông Joel Greeno, chủ tịch của Family Farm Defenders, một nhóm hoạt động nông nghiệp, cho biết khi thức ăn chăn nuôi trở nên đắt đỏ, người chăn nuôi kinh doanh có rất ít lựa chọn.
Đầu tiên, người chăn nuôi có thể cho gia súc ăn ít thức ăn hơn, nhưng biện pháp này chỉ là tạm thời. Một con bò sữa chỉ không có thức ăn trong vòng hai ngày là nó sẽ ngừng cho sữa.
Người chăn nuôi phải nhanh chóng quyết định bán con vật lấy tiền ngay bây giờ hoặc cho chúng ăn và hy vọng chúng sẽ có lãi sau này.
Ông Greeno nói với The Epoch Times: “Nếu anh cần cho gia súc của mình ăn, thì anh phải mua thức ăn, nếu không anh sẽ không còn gia súc nữa.”
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của người chăn nuôi thậm chí còn phức tạp hơn sau cái nhìn đầu tiên. Đối với nhiều người trong số họ, đàn vật nuôi hiện tại là sinh kế trong tương lai mà hiện giờ thức ăn quá đắt để nuôi. Một số chủ trang trại đang mắc nợ và không còn tín dụng để vay, ông nói.
Ông Greeno cho biết, khi những người chủ trang trại đã mắc nợ không có khả năng chi trả thức ăn chăn nuôi, các chủ nợ của họ thường không biết phải làm gì. Ông nhớ lại một chủ nợ đã hỏi mọi người tại một cuộc họp của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để xin lời khuyên về việc liệu có nên tiếp tục cho một người chăn nuôi đã nợ 100,000 USD trong hóa đơn thức ăn vay thêm tiền hay không.
“Đó là một con dao hai lưỡi, bởi vì bà ấy biết rằng nếu bà ấy không cho người chăn nuôi vay tiền, bà sẽ không bao giờ lấy lại được 100,000 USD, nhưng bà ấy cũng biết rằng nếu anh ta đã vay tới 100,000 USD thì hoàn cảnh đã khá tệ rồi,” ông nói.
Ông Greeno đổ lỗi cho những rắc rối trong chăn nuôi là do ngành công nghiệp đóng gói thịt. Người chăn nuôi phải chịu bất cứ giá nào mà các nhà sản xuất lớn của ngành đóng gói thịt đưa ra.
Ông lập luận rằng các công ty chế biến thịt lớn kiếm được bội tiền bằng cách sử dụng quyền kiểm soát thị trường độc quyền để mua thịt từ các chủ trang trại với giá thấp hơn nhiều so với giá thịt thị trường.
Ông Green nói: “Đó là một kế hoạch rất nguy hiểm và bất lợi cho vùng nông thôn Hoa Kỳ và hệ thống trang trại thực phẩm của chúng ta. Họ đang có lợi nhuận kỷ lục. Và các chủ trang trại và người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả.”
Ông Jackson Elliott đưa tin về các thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ cho The Epoch Times. Ông học cách viết và tìm hiểu sự thật tại Đại học Northwestern. Ông tin rằng những hành động quan trọng nhất là từ những chuyện nhỏ và như ông Dostoevsky nói, mọi người đều có trách nhiệm với mọi người và mọi việc. Khi không viết, ông thích chạy, đọc và dành thời gian cho bạn bè. Quý vị có thể liên lạc với ông Jackson tại [email protected]
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc ở The Epoch Times
Xem thêm: