Các chính sách xã hội chủ nghĩa, cấp tiến mang tính hủy diệt, chưa từng mang lại sự thịnh vượng
Các chính sách kinh tế của Tổng thống Biden ‘hoàn toàn’ mang tính cấp tiến, và xã hội chủ nghĩa
Sau nhiều năm tích lũy và phân tích dữ liệu, nhà kinh tế học hàng đầu của Hoa Kỳ Robert Genetski nhận thấy rằng các chính sách cấp tiến hoặc xã hội chủ nghĩa đều mang tính hủy diệt và chỉ có thể đưa nước Mỹ rời xa sự thịnh vượng. Ông cũng cho biết các chính sách kinh tế của chính phủ Tổng thống (TT) Biden là “hoàn toàn” mang tính cấp tiến hoặc xã hội chủ nghĩa.
Theo Viện Heartland, ông Genetski là “một trong những nhà dự báo về lãi suất hàng đầu của Hoa Kỳ.” Ông là một nhà tư vấn, giáo viên, tác giả, diễn giả, và gần đây đã trở thành người đóng góp bài viết cho The Epoch Times.
“Các chính sách thị trường tự do cổ điển đã rất hiệu quả và mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì tôi từng hình dung, và việc xa rời các chính sách này, về mặt kinh tế cấp tiến và chủ nghĩa xã hội, có sức tàn phá lớn hơn rất nhiều,” ông Genetski nói với The Epoch Times. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trong 52 năm qua, chúng ta đã không đạt được sự tăng trưởng nào trong mức lương thực tế của người lao động trung bình.”
Ông Genetski cho biết ông muốn so sánh tác động của các chính sách cấp tiến và chính sách thị trường tự do, và sau nhiều năm nghiên cứu, kết quả đã khiến ông phải ngạc nhiên.
“Vì vậy tôi đã muốn tìm ra đáp án và điều đầu tiên tôi phát hiện ra là chúng ta đã không có dữ liệu tốt trong một thời gian dài,” ông Genetski nói.
Ông Genetski cho biết chúng ta có dữ liệu về Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) hàng năm trong hơn một thế kỷ, nhưng số liệu đó không hẳn là một chỉ số tốt. Điển hình như, GDP sẽ bùng nổ trong thời chiến, nhưng người dân lại phải chịu đựng.
“Tôi cần tìm hiểu sâu hơn về dữ liệu này và tôi đã mất vài năm để xây dựng lại dữ liệu cho Hoa Kỳ, điều đó không chỉ thể hiện GDP mà còn cho thấy sức mua của người dân, họ kiếm được bao nhiêu tiền, thu nhập thực tế của họ là bao nhiêu, và, do đó, mức độ thịnh vượng mà người dân đã có được,” ông Genetski cho biết. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để lập các dữ liệu.”
Ông Genetski đã dành ra bốn năm để thực hiện nghiên cứu này, các phát hiện đã được phản ánh trong cuốn “Rich Nation, Poor Nation” (“Quốc gia hưng thịnh, Quốc gia đói nghèo”) của ông.
Sau khi thu thập tất cả dữ liệu về thu nhập và tiền lương thực tế, điều thứ hai mà ông Genetski thực hiện là xem xét các chính sách kinh tế hàng năm của Hoa Kỳ từ năm 1900 trở đi.
“Điều gì đã xảy ra với thuế quan của chúng ta? Điều gì đã xảy ra với chi tiêu chính phủ của chúng ta? Mức chi tiêu này tăng nhanh hơn hay chậm hơn so với các chi tiêu khác trong phần còn lại của nền kinh tế? Chúng ta đã làm gì với các quy định? Chúng ta đang thi hành hay loại bỏ các quy định này? Chúng ta đang can thiệp hay đang giải phóng thị trường sau khi chúng ta đã can thiệp vào? Vì vậy, qua từng năm, tôi đã xem qua một lượt những chính sách của chúng ta trong hơn một thế kỷ qua.”
Ông Genetski nhận thấy rằng mức lương thực tế của người lao động trung bình đều đã đạt mức tăng trưởng trong 50 năm, khi các chính sách tuân theo các nguyên tắc thị trường tự do cổ điển.
“Chỉ 50 năm trong khoảng thời gian từ 1900 đến 2015, khi chúng ta chuyển hướng một cách rõ ràng sang việc cắt giảm thuế quan, cắt giảm chi tiêu chính phủ, giảm bớt các quy định, không can thiệp vào thị trường, hay gỡ bỏ các hạn chế của thị trường. Và trong 50 năm đó, tôi thấy rằng chúng ta đã tạo ra được khoảng 87% lợi nhuận cho khoảng thời gian 115 năm.”
Ông Genetski cho biết, phần lớn lợi nhuận thu được là từ năm 1940 đến năm 1953, khi các chính sách này được áp dụng nhiều lần do Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến tranh Triều Tiên.
“Và sau đó những gì tôi đã thực hiện — và đây là điều khiến tôi bàng hoàng nhất — đó là khi tôi xem xét những giai đoạn mà chúng ta đi theo đường hướng của những chính sách được gọi là cấp tiến này — theo hướng chủ nghĩa xã hội — và tôi phát hiện ra rằng có năm giai đoạn rõ ràng khi chúng ta đi theo đường hướng đó,” ông Genetski cho biết. “Trong suốt 52 năm đó, thu nhập trung bình thực tế của người lao động là bằng không.”
Ông Genetski nói rằng khi lần đầu tiên ông nhìn thấy các kết quả này, ông đã không thể tin vào mắt mình, vì vậy ông ấy đã quay lại từ đầu và phân tích các con số “hết lần này đến lần khác.”
“Phản ứng đầu tiên của tôi là“ Ôi trời ơi ”— và đây là một phản ứng quá đỗi ngây thơ — ‘điều này thật thuyết phục. Giờ đây, chúng ta biết cách làm thế nào để xóa bỏ đói nghèo, sự nghèo đói khốn khổ trên thế giới này,” ông Genetski nói.
Ông Genetski giải thích rằng ông không chỉ phân tích dữ liệu của Hoa Kỳ mà còn [phân tích dữ liệu] của 40 quốc gia khác trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu của mình, ông đã sử dụng các biện pháp tự do kinh tế cho mỗi quốc gia của Viện Fraser, một tổ chức tư vấn nổi tiếng thế giới có trụ sở đặt tại Canada.
Ông Genetski cho biết, ngay cả một quốc gia nghèo đói, nhỏ bé ở Phi Châu được bao quanh bởi các quốc gia nghèo khó khác ở khu vực cận Sahara, cũng đã chứng minh tính hiệu quả của các nguyên tắc thị trường tự do cổ điển.
Ông Genetski nói: “Cuối cùng Botswana đã áp dụng các biện pháp tự do kinh tế [giúp mang lại thu nhập] trên mức trung bình của thế giới. Và 10 năm sau đó, thu nhập của họ đã vượt qua mức trung bình của thế giới”.
Các quốc gia khác ở Bắc Âu và Âu Châu cũng tương tư như vậy.
“Quý vị không thể chỉ nhìn vào một quốc gia và nói rằng, ‘Đây là xã hội chủ nghĩa, và đây là thị trường tự do’ — quý vị phải xem xét những chính sách mà họ đang theo đuổi theo thời gian, và tác động của các chính sách này. Và, một lần nữa, khi tôi nhìn vào các quốc gia đó, khi họ đi theo hướng thị trường tự do, các nguyên tắc cổ điển, họ đã làm rất tốt. Và khi họ rời xa khỏi [các nguyên tắc này], họ làm rất kém cỏi, rất giống với điều mà Hoa Kỳ đã từng thực hiện trong lịch sử của chúng ta.”
Các chính sách kinh tế của Tổng thống Biden ‘hoàn toàn’ mang tính cấp tiến, xã hội chủ nghĩa
Ông Genetski cho biết các chính sách kinh tế hiện tại của chính phủ TT Biden “hoàn toàn” mang tính cấp tiến hoặc thậm chí xã hội chủ nghĩa.
Ông nói rằng sự khác biệt giữa cấp tiến và xã hội chủ nghĩa chỉ là “một câu hỏi về mức độ,” và điều quan trọng là hướng đi.
“Bất kể hành động nào đi theo hướng trao cho chính phủ nhiều quyền lực hơn, nhiều quyền kiểm soát đối với nền kinh tế, đối với người dân, cũng như thị trường, thì chắc chắn đó là một hành động hướng đến chủ nghĩa xã hội,” ông Genetski nói. “Câu hỏi duy nhất ở đây chính là mức độ tồi tệ của hành động này.”
Ông Genetski cho biết, cho đến nay chính phủ TT Biden đã thực hiện một vài hành động trong số những hành động xa rời các nguyên tắc thị trường tự do cổ điển nhất trong lịch sử quốc gia.
Ông Genetski nói rằng trước đây từng có hai hành động lớn như vậy trong lịch sử nước Mỹ. Một trong hai là từ năm 1913 đến năm 1920 dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson.
“Tổng thống Wilson là nhân vật cấp tiến đầu tiên. Về căn bản, ông ấy nói rằng ông không đồng ý với các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ. Ông ấy cho rằng chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều nếu chính phủ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tiến trình kinh tế, kiểm soát chặt chẽ hơn việc làm cho thu nhập của người dân trở nên công bằng hơn và ông ấy nói rằng chúng ta sẽ [làm] tốt hơn và hiệu quả hơn rất nhiều,” ông Genetski cho biết.
“Và nền kinh tế hoàn toàn bị phá hủy trong những năm đó. Năm 1920, chúng ta đã có một cuộc bầu cử, và người dân gần như đã loại bỏ tất cả các chính trị gia đã đưa chúng ta theo những gì mà cuối cùng lại hóa ra là một hướng đi tồi tệ, xét về mức sống.”
Hành động “cấp tiến” lớn thứ hai diễn ra từ năm 1965 đến năm 1981.
“Vào cuối thời kỳ đó, hành động này được đưa ra dưới thời Tổng thống [Jimmy] Carter, đây là hành động tồi tệ nhất — họ đã cố gắng kiểm soát giá dầu. Và chuyện gì đã xảy ra? Xe cộ xếp hàng dài trên đường, mọi người chờ để đổ xăng, người ta chỉ cần có được nhiều gallon xăng. Họ đã đột ngột gia tăng chi tiêu chính phủ. Họ đã tạo ra rất nhiều tiền mới cho nền kinh tế, một cách ngẫu nhiên, đó là những gì chúng ta đang làm ngày nay. Và kết quả đem lại tồi tệ đến mức vào năm 1981, họ đã bị buộc phải rời khỏi văn phòng [chính phủ].”
Ông Genetski nói rằng chỉ với một chút chi tiêu quá mức của chính phủ, nền kinh tế sẽ lấy đi một chút tự do của chúng ta. Chỉ với một chút kiểm soát đối với thị trường, chẳng hạn như đạo luật tiền lương tối thiểu, chính phủ thường gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với mức có thể xảy ra nếu để thị trường tự điều chỉnh. Tiền lương nên được ấn định bởi các lực lượng kinh tế tự nhiên, chứ không phải bởi chính phủ.
“Điều tôi phát hiện ra khi thực hiện tất cả các nghiên cứu của mình đó là [khi] quý vị rời xa tự do và thị trường tự do chỉ một chút thôi, thì mức sống của quý vị sẽ bị giảm sút một chút. Và phong trào tiến tới chủ nghĩa xã hội càng lớn thì thiệt hại càng nhiều.”
Tháng Chín năm ngoái, 17 người đoạt giải Nobel Kinh tế đã viết một bức thư ngỏ ủng hộ nghị trình Tái thiết Tốt đẹp hơn của Tổng thống Joe Biden.
Ông Genetski nói rằng: “Chỉ bởi chúng ta có bằng cấp về một số đề tài hay chúng ta đã đạt được một số chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó, không có nghĩa là đột nhiên chúng ta sẽ biết điều gì đó về chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa cộng sản. Và vâng, có rất nhiều nhà kinh tế học tin tưởng vào hệ thống kinh tế cấp tiến này.”
“Câu trả lời của tôi với họ là hãy nhìn vào bằng chứng, hay xem xét dữ liệu này. Nếu tôi làm sai, hãy nói cho tôi biết.”
Ông Genetski cho biết, hết lần này đến lần khác sau khi ông chỉ trích những khoa học gia cấp tiến và cung cấp bằng chứng của mình, họ đã không bao giờ quay lại tranh luận về bằng chứng nữa.
“Họ thà làm ngơ và khẳng định rằng những gì họ nói là đúng. Và đối với tôi, đó không phải là cách quý vị nên thử và khám phá sự thật cũng như khám phá những gì đem lại hiệu quả và những gì không hiệu quả.”
Sự công bằng chống lại sự thịnh vượng
Kể từ khi nắm quyền điều hành, chính phủ TT Biden đã theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy “sự công bằng”. Ông Genetski cho biết, theo đuổi sự công bằng không đem lại sự thịnh vượng.
Ông Genetski bày tỏ với The Epoch Times rằng: “Cách tiếp cận này không thành công do thực tế bản chất con người và bởi bằng chứng. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng.”
Ông lưu ý rằng Viện Fraser, nơi đã nghiên cứu về tự do kinh tế trên khắp thế giới, “đã xem xét sự công bằng, công bằng theo khía cạnh ai sẽ là người kiểm soát phần lớn thu nhập trên thế giới. Liệu có phải những người nằm trong số 10% dưới cùng của xã hội (*) hay không? Hay những người ở đoạn giữa? Hay là những người thuộc 10% trên cùng? Và những gì họ tìm thấy, rất rõ ràng, cho thấy sự công bằng là khá tương đồng, cho dù quý vị đang ở một quốc gia mà chính phủ có nhiều quyền kiểm soát hay quý vị đang ở một quốc gia nơi có nhiều tự do hơn và phát triển theo hướng của các chính sách kinh tế cổ điển này nhiều hơn.”
Ông Genetski cho biết không có quốc gia nào trên thế giới, thông qua chủ nghĩa xã hội, có thể đạt được sự công bằng hơn, nơi người nghèo cũng sở hữu tương đương với người giàu.
“Ngay cả ở những nước nghèo nhất, những thứ mà quý vị có thể thấy đó là người nghèo có mức thu nhập rất, rất thấp. Và những người nắm quyền kiểm soát — những người đang điều hành chính phủ và đặt ra các quy tắc cho mọi người — họ rất giàu có. Và những người thân cận với họ cũng rất giàu có,” ông Genetski nói.
“Do đó, quý vị thực sự sẽ không nhận được sự công bằng như đã được hứa hẹn [bởi các nhà xã hội học] trong thế giới thực. Cách duy nhất quý vị có được sự công bằng là trong một thế giới trên lý thuyết, nơi mà mọi người tưởng tượng rằng điều này sẽ xảy ra,” ông Genetski nói.
Bản chất con người
Ông Genetski cho hay, “Nhà kinh tế học Adam Smith đã viết về điều này vào hơn 200 năm trước. Ông nói rằng bản chất con người sẽ là như thế này, nếu tôi có được thứ gì đó mà chẳng cần phải làm gì, chỉ cần nằm trên giường và nghỉ ngơi, cũng như làm bất cứ điều gì tôi thích, chẳng hạn như vẽ tranh cho đến hết ngày. Con người có một bản chất tự nhiên, bản năng loài người, để làm điều đó. Họ không có thiên hướng dậy sớm vào buổi sáng, làm việc chăm chỉ, cố gắng và cải thiện bản thân.”
Ông Adam Smith, nhà kinh tế học và triết học người Scotland nổi tiếng, [ông] được gọi là “Cha đẻ của Kinh tế học.”
“Do đó, chúng ta có nên thực sự hy vọng vào một tình huống mà tất cả mọi người đều nhận được như nhau hay không? Câu trả lời của tôi cho điều đó là không,” ông Genetski chia sẻ. “Tôi không nghĩ điều đó là hợp lý. Chúng ta phải xét đến bản chất con người. Đó là một điều mà tôi tin rằng những người theo chủ nghĩa xã hội, được gọi là những người cấp tiến — những người muốn kiểm soát mọi thứ — thực sự đã không nghĩ đến điều đó.”
“Và đó là một trong những lý do tại sao khi chính phủ nắm quyền kiểm soát mọi thứ, chúng ta sẽ không có được sự thịnh vượng. Chúng ta gặp khó khăn trong việc tạo ra kiểu giàu có mà mọi người thực sự muốn đạt được.”
Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ ủng hộ chủ nghĩa xã hội
Ông Genetski cho biết trường học đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến học sinh hiểu sai về chủ nghĩa xã hội.
Hồi tháng Sáu, một cuộc thăm dò của Axios/Momentive cho thấy có đến 51% thanh niên trong độ tuổi 18 đến 24 tuổi nhìn nhận chủ nghĩa xã hội theo quan điểm tích cực, trong khi có đến 54% trong nhóm tuổi này nhìn nhận chủ nghĩa tư bản theo quan điểm tiêu cực.
“Đó là những thứ họ được dạy ở trường,” ông Genetski cho biết. “Thật không may, trường học đã không dạy mọi người cách suy nghĩ. Họ đã không giảng dạy về các quy trình tư duy quan trọng. Những gì họ đã và đang giảng dạy cho học sinh là những điều mà giáo viên tin rằng bọn trẻ nên biết. Điều đó mang tính nhồi nhét nhiều hơn bất cứ điều gì khác.”
Ông Genetski cho biết ông đã tận mắt chứng kiến điều này trong chính gia đình mình. Ông nói rằng, những đứa cháu của ông không được dạy rằng cần phải đi và tìm bằng chứng để xem những gì giáo viên nói với chúng có đúng hay không.
“Điều tồi tệ nhất là những giáo viên đang đảm nhận công việc giảng dạy cho bọn trẻ không có kiến thức nền tảng về chủ nghĩa xã hội,” ông Genetski giải thích. “Họ không trải qua lịch sử của chủ nghĩa xã hội. Họ chưa từng trải nghiệm cuộc sống ở các quốc gia đã áp dụng các chính sách từ chính quyền đang đàn áp người dân. Họ chỉ đơn giản là chấp nhận rằng xã hội chủ nghĩa là sự công bằng, điều này là bình đẳng, đây là một điều gì đó sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt hơn cho quý vị và cho mọi người khác.”
“Những đứa trẻ này, thật may mắn, vẫn biết quan tâm đến những người khác. Nhưng khi bọn trẻ nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội là tốt cho tất cả mọi người, rằng chủ nghĩa này sẽ mang lại lợi ích cho mọi người — giúp cho mọi người bình đẳng hơn, giúp cho mọi người sở hữu nhiều thứ hơn — bọn trẻ chỉ đơn giản là chấp nhận điều này. Và điều đó khiến tôi thất vọng, khiến những người đã xem xét các bằng chứng thất vọng.”
Ông Genetski cho rằng đó là một “tội ác thực sự” khi trường học chỉ giảng dạy lý thuyết một chiều.
“Tôi không có vấn đề gì với việc giảng dạy các nguyên tắc kinh tế cấp tiến và sự tiến tới chủ nghĩa xã hội. Điều đó nên được giảng dạy. Mọi người nên tiếp xúc với vấn đề đó,” ông Genetski cho biết. “Nhưng hãy bảo đảm rằng mọi người nhận thức được ở cả hai phía và để họ tự suy ngẫm, để xem bên nào có vẻ hợp lý hơn: một bên có vẻ như luôn hiệu quả, hay một bên lúc nào cũng thất bại?”
“Câu trả lời đối với tôi là quá rõ ràng. Nhưng một lần nữa, hãy để mọi người đánh giá xem liệu họ có thích dữ liệu mà tôi đưa ra hay không. Hay chỉ trích các dữ liệu đó. Hãy cho tôi biết điều còn sai sót. Thực hiện việc phân tích của riêng quý vị. Rồi sau đó hãy đánh giá.”
Niềm hy vọng
Ông Genetski vẫn còn hy vọng vào tương lai của nước Mỹ.
“Liệu còn có hy vọng hay không? Vâng, vẫn còn. Khi thu nhập của mọi người bị ảnh hưởng, khi thị trường chứng khoán tụt dốc, khi mọi người không có việc làm để kiếm thu nhập — và điều này đã xảy ra mỗi khi chúng ta có các chính sách cấp tiến — mọi người sẽ mất niềm tin vào tương lai. Họ đánh mất niềm tin. ‘Nền kinh tế sẽ không thể phục hồi. Quá ư là tồi tệ.’”
Nhưng khi mọi người đánh mất niềm tin, họ tìm kiếm sự thay đổi.
“Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ trở nên rất thất vọng. Họ không nhất thiết phải hiểu kinh tế học, nhưng họ biết nó ảnh hưởng ra sao đến thu nhập của bản thân và họ không quan tâm đến kinh tế học. Họ chỉ muốn thay đổi và hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.”
Ông Genetski nói rằng, “Điển hình như chúng ta sẽ có các cuộc bầu cử vào tháng Mười Một sắp tới. Nếu xảy ra một sự thay đổi lớn loại bỏ những người tin rằng chính phủ nên kiểm soát nhiều hơn, và chúng ta đề cử những người khác thay thế, điều đó sẽ làm chậm xu hướng này và có thể ngăn chặn việc chính phủ kiểm soát nhiều hơn trong hai năm tới, cho đến khi bầu cử tổng thống.”
“Đó là một quá trình không ngừng. Không ai biết được mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng lịch sử cho thấy rằng khi quý vị chuyển hướng quá đột ngột theo một hướng nào đó, và quý vị nhận thấy các thiệt hại, và mọi người nhận ra rằng, thông qua các cuộc bầu cử sẽ xuất hiện một xu hướng tự động để chuyển lại các chính sách theo hướng kia.”
Anh Harry Lee là một phóng viên của The Epoch Times tại New York. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
(*) Dịch giả: 10% dưới cùng của xã hội (the bottom 10% of the society) là những người không có khuyết tật vẫn từ chối làm việc hoặc cống hiến cho cộng đồng.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch TImes
Xem thêm: