Các chính sách ‘thức tỉnh’ của quân đội là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tuyển dụng
Lục quân Hoa Kỳ dự kiến sẽ không đạt được mục tiêu tuyển mộ, thiếu gần 40,000 quân trong hai năm tới. Theo The Daily Signal, năm tài khóa 2022 dự kiến sẽ không đạt được mục tiêu với việc thiếu 10,000 quân, trong khi con số này trong năm tài khóa 2023 có thể lên tới 28,000 quân. Những con số này cho thấy năm nay đang trên đà trở thành năm tuyển dụng tồi tệ nhất của Lục quân Hoa Kỳ trong gần 50 năm qua.
Lục quân Hoa Kỳ có kế hoạch giải quyết vấn đề này bằng cách cấp 1 tỷ USD cho chương trình tuyển mộ và chú trọng hơn vào việc sử dụng các đơn vị trừ bị của mình.
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Tư lệnh Tuyển mộ Lục quân Hoa Kỳ để đề nghị bình luận, và Thiếu tá Charles Spears thuộc Trung tâm Vũ khí Tổng hợp đã phúc đáp các truy vấn khác nhau về tình hình tuyển mộ. Ông Spears đã đưa ra một số lý do giải thích cho những thách thức về việc tuyển dụng của Lục quân trong những năm tới.
Đầu tiên, ông nói, “chỉ 23% thanh niên Mỹ đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ mà không cần sự miễn trừ, [đồng thời lưu ý rằng] tình trạng béo phì, nghiện ngập, có vấn đề sức khỏe và hành vi là các tiêu chuẩn không đủ điều kiện hàng đầu để tham gia quân ngũ.”
Ông cho biết Lục quân cũng đang cạnh tranh với các đại công ty Hoa Kỳ và nói thêm rằng “quảng trường công cộng ảo của mạng xã hội định hình các giá trị và nhận thức của giới trẻ Mỹ, vốn ngày càng xa lạ với những lợi ích của việc phụng sự trong quân chủng Lục quân.”
Theo ông Spears, người dân Mỹ “ngày càng mất kết nối” với việc phụng sự trong quân chủng Lục quân và quân dịch. “Thông thường, những người có ảnh hưởng [như các bậc cha mẹ, giáo viên, và huấn luyện viên] không đề xướng quân dịch.” Ông cũng nói thêm rằng “tỷ lệ thanh niên nghiêm túc cân nhắc việc quân dịch chỉ ở mức thấp lịch sử là 9%.”
Cuối cùng, ông Spears cho biết, “đại dịch COVID-19 đã hạn chế nghiêm ngặt khả năng tương tác trực tiếp của các nhà tuyển dụng với những ứng viên tiềm năng, [và] cũng làm trầm trọng thêm các thách thức về học vấn và thể chất, hạn chế nhóm ứng viên đủ tiêu chuẩn.” Ông cho biết, do đại dịch COVID-19, điểm số ASVAB, tức bài kiểm tra khả năng nghề nghiệp trong quân đội (Armed Services Career Aptitude Battery) đã sụt giảm 9% cũng như tăng tình trạng béo phì ở ứng viên gia tăng.
Ngoài những yếu tố này, các quân nhân đã bày tỏ những lo ngại khác mà họ cho rằng đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tuyển dụng này.
Lục quân điều động quân ra hải ngoại
The Epoch Times đã nói chuyện với một binh sĩ Lục quân tại ngũ với hơn 15 năm phục vụ trong quân đội. Ông yêu cầu ẩn danh vì lo sợ bị trả thù. Ông rất lo lắng về việc Lục quân không tuyển đủ quân số.
“Trong quá khứ,” ông nói, “Lục quân đã nhắm mục tiêu vào một nhóm người cụ thể dựa trên giá trị của họ, [và những tân binh này] là những người ái quốc và yêu nước Mỹ.” Trong đại chúng nói chung ngày nay, ông không nhận thấy mối quan tâm tương tự đến lòng ái quốc. “Đa phần người dân ở quốc gia này không yêu nước Mỹ như trước đây,” ông nói. “Và với một quân đội không còn giữ vững những giá trị này, lời thề, hay những tín ngưỡng mà họ đã từng làm, thì chúng ta nên mong đợi kiểu tân binh nào [gia nhập Lục quân] đây?” ông đặt câu hỏi.
“Từ góc độ vĩ mô, chúng ta đã chứng kiến sự xâm phạm niềm tin nghiêm trọng trong cuộc bầu cử vừa qua.” Ông nói, bằng lời tuyên thệ, quân đội thề sẽ “ủng hộ và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ trước mọi kẻ thù, cả thù trong lẫn giặc ngoài.” Nhưng quân đội Hoa Kỳ không nói gì về cuộc bầu cử trước đó, vị quân nhân này nói. “Tôi không nói rằng có một câu trả lời cuối cùng, nhưng là những người bảo vệ Hiến Pháp, họ nợ quân đội và người dân Mỹ cuộc trò chuyện cởi mở và minh bạch,” ông nói.
Thay vào đó, ông cho hay, “họ vui vẻ khuyến khích các loại vaccine bắt buộc, ủng hộ vấn đề chuyển giới, và lên tiếng phản đối Tối cao Pháp viện liên quan đến án lệ Roe kiện Wade — tất cả đều rất chính trị.”
Theo quan điểm của ông, “hiện nay, chúng ta có một Bộ Quốc phòng (DoD) đảm nhận các vị trí chính trị khác nhau vốn rất trái ngược với giá trị cốt lõi của nước Mỹ.”
Trong khi đó, ông nói, quy mô của các tiểu đoàn đang thu hẹp lại. “Một số tiểu đoàn chưa đến ⅔ quy mô mà họ cần. Và nhiều người trong số những người còn lại không phải là “những người có thể được điều động khả dụng.”
Ông nói, “Đa phần nước Mỹ không nhận thức được thực tế rằng Lục quân đang cố tình trục xuất mọi người ra khỏi quân đội một cách liều lĩnh mà họ biết là không cần thiết, bởi vì dữ liệu cho thấy rằng điều đó là không cần thiết.” Ông có ấn tượng rằng “quân đội của chúng ta đang bị làm cho suy yếu đi một cách hữu ý.”
Ông nói, thay vì đứng nhìn quân đội “suy yếu,” “giới lãnh đạo quân đội cần hành động vì lợi ích của người dân Hoa Kỳ.” Nhưng ông tin rằng điều này sẽ không xảy ra, bởi lẽ “phần lớn những người thượng cấp này là những kẻ hèn nhát và bản thân họ không có đủ dũng khí để thực hiện các hành động cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng tồi tệ này.”
Khi những bất ổn về tuyển dụng dồn dập và có vẻ Lục quân Hoa Kỳ ít có các giải pháp, thì binh lính của những binh chủng khác của quốc gia cũng lo ngại không kém.
Điều bất hạnh cho Thủy quân Lục chiến
Thiếu tá Paul Lewis (một bí danh), một chuyên gia chuyên về vấn đề duy trì nhân sự được công nhận trong Thủy quân Lục chiến, người từng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vấn đề nhân sự quân số tối đa này trong Bộ Quốc phòng, một lần nữa lại trò chuyện cùng The Epoch Times.
Theo ông Lewis, trong vài năm qua “một sự kết hợp tệ hại giữa lãnh đạo yếu kém với việc chính trị hóa quân đội” đã ảnh hưởng đến tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ông cho biết “mức độ sẵn sàng chiến đấu đã giảm xuống đều đặn chủ yếu do các chính sách khinh suất đã làm xói mòn lòng tin của những quân nhân bình thường này.”
“Mọi chuyện thực sự sáng tỏ sau đại dịch COVID khi các quân nhân bắt đầu nhận thấy giới lãnh đạo cao cấp đã chọn đặt chính trị lên trước tính sẵn sàng của quân đội,” ông nói. “Các sĩ quan cao cấp và các điều hành viên dân sự cao cấp đã khiến quân đội suy yếu với danh nghĩa ổn định và thăng tiến sự nghiệp thay vì giữ trọn niềm tin với Thủy quân Lục chiến và gia đình của họ.”
Những tân binh tiềm năng không ghi danh phục vụ trong Thủy quân Lục chiến như những năm trước, và ông Lewis cho rằng điều này là do “sự từ chối cách thức lãnh đạo quan liêu.” Ông nói, để các công dân Hoa Kỳ chọn gia nhập “lực lượng tình nguyện viên” này, “họ mong muốn có thể tin tưởng rằng ban lãnh đạo của họ luôn quan tâm giúp đỡ họ và điều đó dường như không xảy ra nữa”.
Theo ông Lewis, sự xói mòn lòng tin này có thể được “biểu hiện trong vụ tổn thất của quân đội ở Afghanistan cũng như các quy định về vaccine COVID được thực thi một cách hà khắc và bất hợp pháp như thế nào,” và theo ông, điều này đã dẫn đến việc “hoàn toàn mất tín nhiệm và lòng tin vào ban lãnh đạo.”
Ông nói, trong những năm tới, những vấn đề này sẽ có tác động đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ. “Trong bộ máy an ninh quốc gia,” ông Lewis nói, “chúng tôi cần một số lượng quân nhân nhất định để điều khiển phòng tuyến, điều này được gọi là quân số tối đa theo luật định và do Quốc hội đặt ra, [bởi vì] chúng tôi có nghĩa vụ quốc phòng với các đối tác và đồng minh trên toàn thế giới.”
“Một thiếu sót nhỏ trong tính sẵn sàng, thiếu 100 hoặc 200 tân binh hoặc những trường hợp rời khỏi quân đội mà không có kế hoạch thì còn có thể chấp nhận được,” ông Lewis thừa nhận: “Nhưng nếu quý vị thiếu đến 40,000 quân nhân hoặc hơn trong một năm, thì đó không còn đơn thuần là chuyện nhỏ về cách chúng ta điều động quân đội nữa, mà là một thảm họa không thể cứu vãn,” ông nói. “Điều đó sẽ ảnh hướng đến mọi quyết định về cách chúng ta hoàn thành các nghĩa vụ của mình và cuối cùng chúng ta sẽ ngày càng dựa vào ít quân hơn để làm cùng một nhiệm vụ.”
Trước những tổn thất liên quan đến việc bắt buộc chích vaccine, ông Lewis cho biết ông đã thấy rõ ràng rằng “ban lãnh đạo của chúng tôi sẵn sàng hy sinh những quân nhân này, buộc họ phải ra đi dưới danh nghĩa tái ưu tiên tài chính”. Ông nói: “Người dân Mỹ cần phải biết rằng quân đội đang sử dụng khoản tiết kiệm chi phí nhân sự này để cam kết bổ sung nguồn lực cho một đợt hiện đại hóa thiết bị khác vốn đang giúp các ngành công nghiệp quốc phòng kiếm lợi rất nhiều.”
“Nhưng trong suốt thời gian này, họ đang mất những cá nhân đầy đủ năng lực để vận hành các hệ thống này,” ông nói. “Ví dụ, quý vị không thể cho một phi công học việc lái một chiếc F-35; quý vị cần một phi công dày dặn kinh nghiệm có nhiều năm bay tác chiến.”
“Khi gặp tình thế nguy cấp, chúng ta phải đương đầu với kẻ thù của mình, chúng ta sẽ cần những chiến binh có kinh nghiệm sử dụng thiết bị này,” ông Lewis nói. “Thật không may, việc vận động hành lang quốc phòng chỉ xoay quanh việc mọi văn phòng Quốc hội mê hoặc với ý tưởng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn cho các công ty của họ hơn là đầu tư vào nhân sự.”
Theo ông Lewis, “quân nhân Hoa Kỳ là tài nguyên quý giá nhất của đất nước này, [tuy nhiên] ban lãnh đạo và những người ra quyết định của chúng ta đã đánh giá thấp những người” phục vụ trong quân đội. “Điều này được minh họa một cách đáng buồn trong trường hợp các lính Thủy quân Lục chiến thiệt mạng trên boong tàu ở Afghanistan vì sự lãnh đạo kém cỏi bị chính trị thúc đẩy.”
Ông cho rằng, nếu những người lính trong quân đội quốc gia này được đánh giá cao thì “chính những người này nên nêu lên những mối lo ngại chính đáng về hiệu quả của vaccine, nhưng một lần nữa họ không lại làm cho người dân Mỹ thất vọng.”
Ông Lewis cho rằng người ta đang gây ra “tổn thất mang tính thế hệ,” hơn nữa trong tương lai nòng cốt của những quân nhân bình thường mà gia đình của họ đã phục vụ theo truyền thống sẽ không còn chọn quân dịch nữa vì họ đang phải đối mặt với sự phản bội sự hoàn toàn từ chính những người lãnh đạo của họ.
“Thật liều lĩnh, giống như một đứa trẻ đang nghịchi lửa,” ông Lewis nói. “Hãy làm một phép toán: không thể có một lực lượng gồm tất cả những tình nguyện viên nếu quý vị không có tình những nguyện viên”. Tiếp sau đó, ông đặt câu hỏi liệu quân đội Hoa Kỳ có thể tiếp tục “đáp ứng những kỳ vọng này của người dân Hoa Kỳ và gìn giữ an toàn cho tổ quốc hay không.”
Sứ mệnh không quân bị phớt lờ
Một thượng sĩ hiện đang phục vụ trong Lực lượng Không quân đã từng là một nhà tuyển dụng trong gần một thập niên. Khi lệnh bắt buộc chích ngừa trong quân đội bắt đầu được thực thi, ông đã bị “cô lập khỏi lực lượng” vì từ chối chích ngừa. “Nhiều người trong Lực lượng Không quân đã đứng lên bảo vệ quyền tự do trong toàn bộ sự nghiệp của chúng ta, nhưng khi quyền tự do của chúng ta lâm nguy, thì ai sẽ đứng lên cho chúng ta?” ông hỏi. Ông đã chứng kiến các phi công cấp dưới rơi nước mắt vì bị đe dọa và ép buộc chích vaccine.
Cơ quan Tuyển dụng Không quân đang đối mặt với số lượng tuyển dụng thấp nhất kể từ năm 1999 theo tuyên bố công khai của lãnh đạo cao cấp, ông cho biết. “Mặc dù chúng ta mất đến hàng thập niên để trải nghiệm các lệnh bắt buộc và các quyết định yếu kém của lãnh đạo,” ông nói, “nhưng chúng ta sẽ buộc phải giảm bớt các tiêu chuẩn chỉ để tiếp tục sứ mệnh này.” Ông cũng cho biết thêm, “Tôi tận mắt thấy trong quá trình tuyển dụng rằng tâm lý muốn gia nhập quân đội đã bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả năm ngoái.”
Hơn nữa, ông nói, “hiện người ta đang đặt nặng vào sự đa dạng thay vì hiệu suất khi quyết định số phận sự nghiệp của một phi công. Chúng ta đang đặt nặng vào những điều sai trái thay vì sứ mệnh, đó là bảo vệ và phục vụ quốc gia,” ông nói. “Theo ý kiến của tôi, chủ nghĩa thức tỉnh kết hợp với các chính sách tồi tệ đang phá hủy quân đội và nếu chúng ta không sớm chỉnh lý, thì nó sẽ có thể gây ra những tác hại không thể khắc phục được.”
Lực lượng hải quân đang suy yếu
Một Trung úy Hải quân cho biết, “DoD đã quên mất quy tắc đầu tiên của những cái hố — và đó là khi quý vị thấy mình đang ở trong một cái hố, hãy ngừng đào.” Theo nhà tuyển dụng, “Có lẽ, hải quân đã cô lập phần lớn các cơ sở tuyển dụng mà quý vị có thể luôn tin tưởng trong lịch sử.”
Ông nói rằng lệnh bắt buộc chích vaccine là một vấn đề. Nhưng “thử nghiệm xã hội” trong Bộ Quốc phòng cũng là một vấn đề. Ví dụ, trong chữ ký điện tử của Đề đốc Darryl Walker, ông nói, “ông ấy có phông chữ cá nhân nhỏ của riêng mình với màu sắc cầu vồng cho các đại từ của ông ấy.” Ông Walker là chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp, Không gian mạng, Hạm đội Mười.
Ông cho biết, chính sách “Đừng Hỏi, Đừng Nói” của chính phủ ông Clinton đã từng là “một chủ đề quan trọng đối với quân đội.” “Nhưng gần 30 năm trôi qua, và những người chuyển giới đã được bình thường hóa.”
Cuối cùng, ông nói, “Thực tế là quý vị sẽ đặt ra một tiêu chuẩn kép về mức độ sẵn sàng cho quân đội, nơi mà quý vị tuyên bố rằng một thành viên phục vụ chưa được chích ngừa là chưa sẵn sàng, nhưng ai đó đang ở giữa một quá trình chuyển đổi thay đổi cuộc sống dựa trên hormone thì được xem là sẵn sàng và không phải là một mối đe dọa cho sự sẵn sàng, đó là điều làm tôi lo lắng.”
Theo ước tính của ông, giới lãnh đạo cao cấp của quân đội đã “đưa vào một đại xảo ngôn rằng bằng cách nào đó, dân số nói chung muốn có một quân đội phản ánh sự đa dạng về dân số của đất nước.” Ông đã không đồng ý, và tuyên bố rằng “công chúng chỉ đơn giản muốn biết rằng họ có một quân đội có năng lực và có tính sát thương, và có thể bảo vệ thành công quốc gia này ngay khi có tin.”
Ngoài “một số lĩnh vực thích hợp, như các nhóm tác chiến đặc biệt, thì khả năng sẵn sàng của quân đội luôn là vấn đề gây lo ngại,” ông nói. “Chúng ta đã quá bận tâm về mặt chính trị, điều này dẫn đến một lực lượng quân sự yếu hơn và mang tính chính trị hơn.”
Lực lượng Tuần duyên cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thức tỉnh
Vẫn đang tích cực phụng sự trong Lực lượng Tuần duyên, một “tuần duyên viên kỳ cựu” chia sẻ trải nghiệm gần đây với tư cách là một nhà tuyển dụng rất băn khoăn rằng “nhiều năm phụng sự tận tụy của ông sẽ đổ xuống sông xuống bể” vì từ chối chích vaccine. Rõ ràng rằng ông không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng, như ông đã nói, Lực lượng Tuần duyên sẽ không thực hiện được nhiệm vụ tuyển dụng trong năm nay. Mặc dù ông nói rằng rất khó để xác định chính xác lý do tại sao, nhưng lệnh bắt buộc chích ngừa có thể là nguyên nhân chính trong vấn đề này. “Chắc chắn có một số người trẻ tuổi nói rằng họ sẽ không tham gia vì họ không muốn chích vaccine COVID,” ông giải thích.
Ngoài ra, ông cũng nói, “Văn hóa thức tỉnh đã làm một số người khó chịu.” Trong một ví dụ về sự thức tỉnh đang thâm nhập vào Lực lượng Tuần duyên, ông cho biết, “Khi viết các giải thưởng hoặc đánh giá hiệu suất, tôi thậm chí không thể xác định mình là nam, [đồng thời nói thêm rằng] tôi chỉ có thể xác định mình bằng danh tính, cấp bậc, hoặc bởi họ.” Ông thấy lạ là ông không thể giả định giới tính của mình. Theo quan điểm của ông, việc coi trọng sự đa dạng và hòa nhập đến mức này, cùng với lệnh bắt buộc chích ngừa, khó lòng mà níu giữ được ông.
Tuần duyên viên này tin tưởng mạnh mẽ rằng “các tiêu chuẩn về y tế và thể lực mà trước đây không thể thương lượng thì nay đều đã có thể đem ra bàn thảo.” Khi được hỏi về lý do, ông tiếp tục nói: “Có vẻ như những thanh thiếu niên bình thường ngày nay có khả năng được kê đơn thuốc chống trầm cảm, thuốc hít hen suyễn, hoặc thuốc điều trị giảm chú ý, tất cả đều từng là một tiêu chí khó khăn cho một ai đó đang cố gắng tham gia.”
“Nhưng nếu các nhà tuyển dụng không thể thực hiện sứ mệnh và việc thực hiện sứ mệnh gặp phải khó khăn, thì cuối cùng cũng phải nhượng bộ một điều gì đó,” ông nói. “Câu hỏi làm tôi bận tâm là vấn đề chủng tộc và giới tính hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng được cấp miễn trừ y tế?”
Mỗi người được phỏng vấn ẩn danh đã nhấn mạnh rằng quan điểm của họ không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng (DoD), Không quân, Lục quân, Thủy quân Lục chiến, Hải quân, hoặc Lực lượng Tuần duyên. The Epoch Times cũng đã liên lạc với trụ sở tuyển dụng của Không quân, Lực lượng Tuần duyên, Thủy quân Lục chiến, và Hải quân để đưa ra bình luận.
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.