Các chiến lược gia: Trạng thái là đồng tiền dự trữ của USD không gặp rủi ro
Đồng USD đã có một năm 2021 tuyệt vời, bất chấp kỳ vọng giảm giá của thị trường kể từ đầu năm.
Trong 18 tháng qua, sự đồng thuận trên Phố Wall là đồng USD sẽ suy yếu đáng kể trong bối cảnh lo ngại lạm phát, lãi suất thấp trong lịch sử, và niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi. Thay vào đó, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng hơn 4% từ đầu năm đến nay khi các nhà giao dịch tiếp tục tự bảo vệ khỏi các rủi ro bằng cách đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn thông thường.
Kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, USD đã đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế hàng đầu, với các chính phủ và ngân hàng trung ương ngoại quốc tích lũy dự trữ bằng USD thay vì vàng. Ngày nay, vẫn có sự thèm muốn quyết liệt đối với Trái phiếu Kho bạc khi tỷ lệ nắm giữ nợ Hoa Kỳ của ngoại quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 7.56 ngàn tỷ USD vào tháng Tám.
Nhưng có một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về việc liệu đây có thể là sự khởi đầu của một thay đổi trên thị trường tiền tệ hay không. Các khoản nợ và thâm hụt ngày càng căng thẳng của Hoa Kỳ, sự trỗi dậy của các loại tiền tệ khác, và sự thúc đẩy phi dollar hóa ngày càng tăng đã làm dấy lên việc soi xét và thảo luận về khả năng tồn tại lâu dài của đồng USD.
Lạc quan hay bi quan với đồng USD?
Theo dữ liệu về Cấu trúc Dự trữ Ngoại tệ Chính thức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (COFER), dự trữ USD do các ngân hàng trung ương nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm là 59% trong quý 2 năm nay. Kể từ khi đồng euro ra mắt vào năm 1999, tỷ trọng tài sản USD trong dự trữ của ngân hàng trung ương đã giảm 12%, trong khi đồng euro tăng khoảng 20%. Đồng AUD của Úc, đồng CAD của Canada, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Yên Nhật Bản, và đồng Franc Thụy Sĩ đã chứng kiến mức tăng khiêm tốn trong dự trữ được phân bổ.
Một số nhà phân tích thị trường dự đoán rằng đợt phục hồi của đồng USD sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và đồng bạc xanh có thể suy yếu, chủ yếu là do chính sách tiền tệ [của Hoa Kỳ]. Trong khi Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Canada đã bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản của họ, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra tuyên bố dứt khoát khi nào cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng 120 tỷ USD một tháng rất tích cực của mình.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã báo hiệu rằng họ có thể bắt đầu cắt giảm cơ chế kích thích [kinh tế] và cứu trợ ngay khi có cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 11.
Trong một ghi chú nghiên cứu tháng Sáu, các nhà kinh tế Brendan McKenna và Nick Bennenbroek của Wells Fargo viết: “Sự tăng vọt của đồng USD là điều đáng chú ý, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, có thể chỉ là tạm thời và chúng tôi duy trì quan điểm của mình đối với đồng USD là yếu hơn hơn trong trung và dài hạn. Với việc các ngân hàng trung ương ngoại quốc thắt chặt chính sách và báo hiệu rõ ràng những thay đổi chính sách trong tương lai, và Fed vẫn kiên nhẫn, chúng tôi kỳ vọng các đồng ngoại tệ sẽ thu hút các dòng vốn.”
Những người khác, như ông Brent Johnson, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Santiago Capital, khẳng định rằng đồng bạc xanh sẽ vẫn có khả năng phục hồi trong nhiều năm tới. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với NTD Business, ông Johnson tuyên bố rằng đồng USD sẽ duy trì trạng thái là đồng tiền dự trữ của nó bởi Hoa Kỳ duy trì một chính phủ ổn định và nền kinh tế Hoa Kỳ thúc đẩy thương mại toàn cầu, và thêm rằng có rất ít đối thủ cạnh tranh trên trường thế giới có thể đảm nhận vai trò của Hoa Kỳ trên cơ sở toàn cầu.
Ông Johnson nói, “Một phần lý do giải thích cho khả năng phục hồi của đồng USD là vì đó là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Và điều đó có nghĩa là USD không chỉ được sử dụng bởi Hoa Kỳ, mà còn được sử dụng bởi toàn thế giới. USD được sử dụng cho thương mại,” và nói thêm rằng Hoa Kỳ là “siêu cường duy nhất”.
Ông Johnson nói thêm rằng đồng USD đã vượt qua sự mở rộng tiền tệ to lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. Ông lưu ý, DXY vẫn ở mức khoảng 94.00, “bất chấp toàn bộ việc in [thêm] tiền.”
Ông giải thích: “Nếu quý vị quay trở lại năm 2008, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, 12 năm của chính sách tiền tệ điên rồ. Trong 20 năm qua, bảng cân đối kế toán của Hoa Kỳ, hay bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang, đã tăng 900%. Chúng ta đã có QE1, QE2, chương trình kích thích Operation Twist, [và] COVID. Quý vị biết đấy, [sau] toàn bộ các chương trình khác nhau này, chỉ số USD đều cao hơn so với thời điểm đó.”
Ông Michael Every, chiến lược gia toàn cầu tại Rabobank Singapore, nói với The Epoch Times rằng điều quan trọng là “không nên đọc quá nhiều về những biến động trong việc nắm giữ dự trữ ngoại hối bằng USD.”
“Không ai định giá mọi thứ bằng các đồng tiền khác, hoặc kinh doanh chúng, hoặc lập kế hoạch với chúng—vẫn không. Sẽ cần đến một sự sụp đổ lớn hơn ở Hoa Kỳ. và các nỗ lực được dàn dựng nhiều hơn từ bất kỳ giải pháp thay thế chưa khả thi nào để thấy được sự thay đổi đó. Vì vậy, hãy đặt những gì chúng ta nhìn thấy xuống mức nhiễu sóng chứ không phải là tín hiệu!”
Chiến dịch phi dollar hóa
Nhưng liệu đồng bạc xanh có thể sống sót sau sự thúc đẩy phi dollar hóa leo thang mà Trung Quốc, Nga, và Iran đang dẫn đầu? Moscow và Tehran mong muốn vượt qua các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt, trong khi các quan chức Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp để thúc đẩy đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố Báo cáo Quốc tế hóa Nhân dân tệ hàng năm (pdf). Ngân hàng trung ương này đề xuất áp dụng nhiều hơn đối với đồng nhân dân tệ và nhân dân tệ điện toán trong các giao dịch xuyên biên giới, hỗ trợ mục tiêu dài hạn của chính phủ là đưa đồng nhân dân tệ được coi là tiền tệ toàn cầu.
Hiện diện của USD trong thương mại song phương giữa Moscow và Bắc Kinh đã giảm xuống dưới 50% vào năm ngoái, giảm từ 90% vào năm 2015. Hơn nữa, Moscow và Bắc Kinh đã tham gia vào các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ từ năm 2014 và Nga đã định giá tại các cảng biển của họ bằng đồng rúp, chuyển dịch khỏi USD trong thực tế.
Mùa hè vừa qua, Cuba bắt đầu tham gia vào nỗ lực phi dollar hóa toàn cầu. Ngân hàng trung ương Cuba xác nhận rằng quốc đảo này sẽ không còn chấp nhận tiền gửi ngân hàng bằng USD do các lệnh trừng phạt thắt chặt hơn của Hoa Kỳ ngăn cản nước này sử dụng USD của mình ở thị trường ngoại quốc.
Người ta đã dự đoán rằng Ấn Độ sẽ tham gia cuộc thập tự chinh phi dollar hóa. Tuy nhiên, New Delhi đã từ chối vì lý do kinh tế, lo ngại rằng nó có thể làm mất lòng Hoa Thinh Đốn vì họ hy vọng cuối cùng sẽ ký một thỏa thuận thương mại.
Đồng USD trong năm 2022
Đồng USD đã tăng trở lại từ mức thấp nhất trong một tháng khi các nhà đầu tư tập trung vào triển vọng tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu kho bạc chạm mức cao gần đây. Fed đã tuyên bố rằng còn quá sớm để bắt đầu tăng lãi suất, nhưng cơ quan này cũng cảnh báo về áp lực lạm phát. Biểu đồ (pdf) của Fed, báo hiệu triển vọng của ngân hàng trung ương về đường đi của lãi suất, bị chia rẽ: một nửa cho rằng lãi suất cho vay sẽ bắt đầu tăng ngay trong năm tới, trong khi nửa còn lại dự báo tăng lãi suất vào năm 2023.
Trong ngắn hạn, các chiến lược gia dự đoán sự suy yếu của đồng USD, nếu tâm lý rủi ro của nhà đầu tư toàn cầu tăng và lợi suất trái phiếu ngoại quốc tăng. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của đồng USD vẫn đang được các nhà phân tích thị trường tranh luận.
Ông Andrew Moran theo dõi hoạt động kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông đã viết bài và là phóng viên trong hơn một thập kỷ ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “Cuộc chiến về tiền mặt.”
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: