Các báo cáo mật dành cho giới tinh hoa của ĐCSTQ tẩy trắng tin tức về Bắc Kinh
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một tục lệ lâu đời là biên soạn “tài liệu tham khảo nội bộ”, tiếng Trung Quốc gọi là “nội tham” (“nei can”), dành riêng cho các quan chức cao cấp. Các ấn bản này khác nhau tùy theo mức độ bảo mật và dành cho các cấp lãnh đạo khác nhau, từ các cấp trên của Đảng xuống đến chính quyền cấp quận. Chỉ có các quan chức của Đảng mới được phép xem các tài liệu này.
Truyền thống này có thể có từ năm 1948, khi ĐCSTQ chuẩn bị lên cầm quyền ở Trung Quốc đại lục. Chúng đóng vai trò như một nguồn tin tức bí mật để thông tin cho các quan chức về những sự kiện lớn mới nhất trong và ngoài nước, vốn không được để lộ cho những công dân bình thường do các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Truyền thông ĐCSTQ Tân Hoa Xã là nguồn cung cấp duy nhất các “tài liệu tham khảo nội bộ”. Các tài liệu này có một phần riêng về cách thế giới nhìn nhận ĐCSTQ. Gần đây, The Epoch Times đã có được một số tài liệu này, trong đó cho thấy phần lớn các báo cáo chỉ dẫn nguồn những thông tin mô tả Bắc Kinh với một cái nhìn tích cực, còn các tin tức tiêu cực thì bị cố tình bỏ qua.
Về các lệnh trừng phạt toàn cầu
Một mục trong các tài liệu này liệt kê các lệnh trừng phạt toàn cầu mới nhất, được phân loại theo các quốc gia, các công ty và các cá nhân bị nhắm tới khác nhau. Trong ấn bản thứ 12 (tuần từ ngày 6-13/5/2020), tài liệu “nội tham” này đã đề cập đến việc châu Âu và Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sáu kẻ vi phạm nhân quyền ở Nicaragua. Tuy nhiên, tài liệu này không đề cập đến việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gia hạn sắc lệnh hành pháp ban hành một năm trước đó cấm các công ty Hoa Kỳ làm việc với hoặc mua thiết bị viễn thông từ các công ty được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Lệnh này hầu như được xem là nhắm vào công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, vốn bị cấm triển khai các dự án mạng 5G của Hoa Kỳ vì các lý do an ninh.
Ý kiến tiêu cực của công chúng về virus Vũ Hán bị lọc ra
Một báo cáo “nội tham” khác đã tóm tắt công luận ở nước ngoài về đại dịch virus Vũ Hán, như được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Báo cáo nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước ngoài, tuy nhiên, lại không thấy đề cập đến những chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế về việc ĐCSTQ che giấu đại dịch.
Báo cáo không đề cập đến việc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) xác nhận rằng họ đang điều tra “các tác nhân mạng” có liên quan đến Trung Quốc và đang theo dõi những nỗ lực của các tác nhân này trong việc “tìm kiếm và chiếm đoạt một cách bất hợp pháp tài sản trí tuệ (IP) có giá trị và các dữ liệu y tế công cộng liên quan đến vaccine, các phương pháp điều trị và thử nghiệm từ các mạng lưới và nhân viên liên kết với nghiên cứu liên quan đến COVID-19.”
Một sự bỏ qua đáng chú ý khác là cuộc phỏng vấn của đài BBC với Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Anh Quốc tại Hồng Kông, với tiêu đề “Có phải Trung Quốc đang sử dụng virus corona để ‘bắt nạt’ thế giới?” Ông Patten đã chỉ trích ĐCSTQ vì đã lợi dụng đại dịch để tăng cường sức mạnh của mình và bắt nạt Đài Loan và Hồng Kông. Những phát biểu của ông đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Như đã biết, các tài liệu nội bộ này đã nhận xét tích cực về việc các giới chức giải quyết đại dịch ở trong nước, đề cập đến việc mở cửa trở lại các trường học và các biện pháp kích thích thị trường tiêu dùng trong nước.
Các vấn đề kinh tế
Các tài liệu nội bộ chỉ ra rằng các báo cáo này cũng đề cập đến những đánh giá kinh tế, thường “nói một cách có lợi cho” nền kinh tế Trung Quốc. Họ trích dẫn các tuyên bố trên các phương tiện truyền thông nước ngoài giải thích rằng Ấn Độ không thể thay thế vai trò “nhà xưởng của thế giới” của Trung Quốc; Trung Quốc hậu COVID-19 có khả năng dẫn đầu thế giới trong việc mở cửa trở lại; và Trung Quốc vẫn là điểm đến ưa thích của các công ty Hoa Kỳ để đầu tư.
Những báo cáo này có đề cập đến một số tin tức tiêu cực. Một báo cáo của tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) số ra ngày 18/5 cho biết gần 500 công ty niêm yết ở Trung Quốc đầu tư bị thua lỗ trong quý 1/2020. Theo các nhà phân tích được dẫn lời trên Financial Times, các công ty này đã dành quá nhiều nỗ lực cho việc đầu cơ cổ phiếu trong khi ngó lơ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Các tài liệu “nội tham” cũng đề cập đến một bài báo cho biết các thị trường vốn của Trung Quốc có khả năng đối mặt với dòng tiền chảy ra tồi tệ nhất trong bốn năm qua; và một báo cáo do các nhà chiến lược ngoại hối của Goldman Sachs biên soạn cho biết những căng thẳng với Hoa Kỳ có khả năng đã thúc đẩy quá trình tháo vốn.
Ý kiến công chúng trực tuyến về ‘Hai phiên họp’
“Hai phiên họp”, là các cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp “hình thức” của ĐCSTQ và ban cố vấn của cơ quan này để ban hành các chính sách và các chương trình nghị sự, đã được tổ chức hồi tháng 5 năm nay. Trong giai đoạn này, các tài liệu “nội tham” cho thấy Bắc Kinh đã theo dõi dư luận công chúng trong nước bằng cách phân tích các bài đăng trên mạng xã hội trực tuyến.
Theo một biểu đồ xu hướng, vào ngày 25/5 lúc 6 giờ chiều, mức độ chú ý về ‘Hai phiên họp’ đạt 40,000 điểm. Một phân tích khác cho thấy sự chú ý về chủ đề này đạt 72% trên nền tảng mạng xã hội Weibo và 20% trên ứng dụng nhắn tin WeChat.
Nhà bình luận chính trị Li Linyi lưu ý rằng những cái gọi là “các tài liệu tham khảo nội bộ” này trên thực tế là không hoàn chỉnh và bị kiểm duyệt để loại ra những tin tức tiêu cực nhằm làm hài lòng các nhà lãnh đạo Đảng. Ông nói, để giữ thể diện của ĐCSTQ và an ủi các quan chức của nó, các báo cáo tiêu cực không được khuyến khích trong một nhà nước độc đảng.