Ca hát giúp tôi thoát khỏi tình trạng khó thở do COVID như thế nào?
Lần duy nhất tôi cảm thấy kiểm soát được phổi của mình, và có thể tạm quên chúng đi, thật lạ lùng, là khi tôi đang cất lên tiếng hát.
Khi ấy đang là tháng Mười, và tình trạng khó thở của tôi đã trở nên tồi tệ hơn sau nhiều tuần sức khỏe chuyển biến thất thường. Tôi cảm thấy khó thở khi đi bộ hoặc nghỉ ngơi, nằm hoặc ngồi, làm việc hoặc xem Netflix, nói chuyện hoặc thiền tĩnh lặng – nhưng không phải trong khi hát.
Có thể là tôi đã bị nhiễm COVID-19 vào tháng 6 năm ngoái, kể từ khi ấy tôi đã quen với cảm giác bực bội và khó chịu như thể cơ thể không nhận được đủ lượng không khí cần thiết.
Những khoảnh khắc hiếm hoi khi hơi thở của tôi trở lại một cách tự động và không cần phải vận dụng đến ý thức của mình thật quý giá.
Các triệu chứng ban đầu của tôi cách đây một năm khá điển hình đối với COVID-19: đau họng, nhức đầu, mệt mỏi và khó thở. Mặc dù tôi chưa bao giờ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nhưng một số bác sĩ của tôi tin rằng tôi đã bị nhiễm bệnh. Tôi cũng nghi là vậy, vì tôi vẫn đang phải đối phó với các triệu chứng bệnh một năm sau đó.
Âm nhạc luôn là một phần trong cuộc sống của tôi, kể cả trong khoảng thời gian đại dịch. Tôi bắt đầu học violin cổ điển từ năm 5 tuổi, sau đó tôi chuyển sang chơi nhạc dân gian sáu năm sau đó. Tôi khao khát được hòa mình vào những giai điệu dân gian truyền thống khác nhau mà chị gái tôi đã chơi trên đàn piano và đàn gõ dây dulcimer.
Tôi tham gia dàn hợp xướng lần đầu vào năm 12 tuổi, qua đó tôi được trải nghiệm vô vàn các tiết mục đến từ khắp nơi trên thế giới.
Khi trưởng thành, tôi đã cố gắng hết sức để trau dồi kỹ năng âm nhạc dân tộc học của mình bằng cách tham gia vào các buổi hội thảo, sự kiện chia sẻ bài hát và các buổi giao lưu, nhưng tôi đã không thường xuyên hát với dàn hợp xướng kể từ khi học đại học.
Đại dịch đã mang đến một cơ hội mới: một dàn hợp xướng ảo “xuyên quốc gia”.
Từ tháng 09 năm 2020 đến tháng 04 năm 2021, chúng tôi gặp nhau mỗi tháng một lần để cùng nhau học một bài hát ngân nga của tộc người Yoruba ở Nigeria, một bài hát từ truyền thống Sevdalinka ở Bosnia và Herzegovina, một bài hát tiêu biểu của Appalachian, một bài hát dân ca từ tỉnh Gilan của Iran, và nhiều bài hát khác nữa.
Quebec là một trong những “điểm đến” của chúng tôi vào tháng 10, và mọi căng thẳng đều tan biến khỏi cơ thể tôi ngay lần đầu tiên tôi nghe thấy “Mes chers amis, je vous invite”.
Những bài tửu ca với những hợp âm chướng tai mang âm hưởng Pháp Canada có thể không làm cho mọi người được thư giãn, nhưng chúng đã gây được tiếng vang mạnh mẽ với tôi đến nỗi tôi bắt đầu dành nhiều thời gian rảnh rỗi để học cách hòa âm trung gian phức tạp của nó.
Tôi đã rất ngạc nhiên bởi nó đã mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhõm như thế nào – cả về thể chất lẫn cảm xúc. Ngay cả sau khi tôi đã thành thạo các nốt và ghi nhớ hết lời của bài hát Québécois đó, tôi vẫn hát xuyên suốt bài hát đó bất cứ lúc nào tôi muốn thoát khỏi cảm giác hụt hơi khó thở.
Ca hát hoặc chơi harmonica giúp hơi thở dài hơn, giảm căng thẳng hơn
Rất lâu trước COVID-19, các nhà trị liệu âm nhạc đã sử dụng ca hát và nhạc cụ gió để giúp những bệnh nhân mắc các vấn đề về hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen suyễn.
Seneca Block, người giám sát hầu hết các chương trình trị liệu âm nhạc và nghệ thuật tại hệ thống y tế Bệnh viện Đại học ở đông bắc Ohio, cho biết, hít thở lâu hơn có thể giúp thúc đẩy thư giãn và giảm phản ứng căng thẳng của cơ thể. Đây là lý do tại sao các bài tập như yoga và thiền tập trung rất nhiều vào hơi thở.
Và kiểm soát hơi thở là cần thiết trong việc hát hoặc chơi harmonica có thể giúp một người hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc kéo dài thời gian thở ra.
Block, nhóm nghiên cứu dẫn dắt các nhóm kèn harmonica cho bệnh nhân COPD cho biết, “Khi bạn hít thở vào một chiếc kèn harmonica… bạn đang nghe thấy một âm vực. Điều đó đang dạy họ rằng đó là điểm đánh dấu, vì vậy họ đang làm đúng.”
Những người có vấn đề về hô hấp đôi khi được cấp một “máy đo phế dung kế khuyến khích”: một thiết bị y tế để giúp họ tập thể dục phổi. Liệu pháp ca hát hoạt động theo cách tương tự, nhưng ít kỹ thuật hơn, với các nốt nhạc thay thế một quả bóng đang lên và xuống làm động lực, Block lưu ý.
Joanne Loewy, Giám đốc Trung tâm Âm nhạc và Y học Louis Armstrong tại Hệ thống Y tế Mount Sinai ở New York, cho biết ,
Hít thở bằng ca hát và nhạc cụ hơi có liên quan đến giấc ngủ ngon hơn, ít khó thở hơn và tâm trạng tươi vui hơn.
Loewy dẫn đầu một dàn hợp xướng gồm những bệnh nhân đang hồi phục sau đột quỵ. Có những lúc, họ có thể trông không khác gì với bất kỳ dàn hợp xướng nào khác.
“Nhưng giữa các bài hát, chúng tôi có thể đắm mình trong hoài niệm,” cô nói. “Chúng tôi không ngừng tìm cách giúp mọi người tiếp tục phát triển tốt với âm nhạc.”
Các nhà nghiên cứu đang bắt đầu tìm hiểu xem liệu những liệu pháp tương tự này có thể giúp bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 hay không.
Vào đầu tháng 8, khoảng một tháng sau khi hồi phục, tôi có nghe nói về một chương trình như vậy đang được phát triển ở Anh có tên là Nhịp Thở ENO. Trong chương trình thí điểm này, 12 người tham dự được học các bài tập thở và tập hát dựa trên kỹ thuật của các ca sĩ chuyên nghiệp. Khi cuộc thử nghiệm kết thúc, hầu hết những người tham gia đều báo cáo rằng tình trạng khó thở của họ đã được cải thiện được và tình trạng hồi hộp lo lắng của họ cũng giảm bớt.
Lần đầu tiên trải nghiệm các bài tập thở trong dàn hợp xướng, tôi nghĩ rằng Nhịp Thở ENO khá hợp lý. Luyện thanh trước khi hát có thể giúp ích trong việc chuẩn bị cho cơ thể thở ra hơi một cách vững chãi. Hít thở bằng cơ hoành – vách cơ ngăn cách giữa ngực và khoang bụng – là cách người hát nhận được nhiều không khí hơn vào phổi để trợ lực cho độ dày và độ dài của nốt nhạc họ đang ngân.
Nhóm của Loewy và Trung tâm chăm sóc hậu COVID của Mount Sinai dự định khởi động một nghiên cứu kéo dài một năm về cách liệu pháp nhóm nhạc ảo hàng tuần có thể cải thiện các triệu chứng hô hấp, trầm cảm, lo lắng, chất lượng cuộc sống, mệt mỏi, giấc ngủ và khả năng phục hồi về lâu về dài ở bệnh nhân COVID vẫn còn đang tiếp tục có các vấn đề về hô hấp.
Đại học Limerick ở Ireland cũng tiến hành một nghiên cứu tương tự, với mục đích huấn luyện lại các nhóm cơ sẽ dùng đến trong quá trình hít thở.
Âm nhạc mang đến những khoảnh khắc tĩnh lặng trong hỗn loạn
Tôi đã tìm đến âm nhạc như cứu cánh cho hướng trị liệu ít khả năng lâm sàng hơn, nhưng tôi không phải là người duy nhất có hội chứng COVID-19 kéo dài làm như vậy.
Khi cô Danielle Rees, 34 tuổi, ở Tucson, Arizona, biết về một chương trình hít thở được nhiều bệnh nhân có “triệu chứng kéo dài” áp dụng, nó khiến cô nhớ đến việc ca hát. Vì vậy, cô ấy tìm các đĩa CD của dàn hợp xướng ở trường trung học của mình và cô bắt đầu hát theo, “bởi vì nó thú vị hơn nhiều so với việc cố gắng hít vào thở ra trong 10 phút.”
Hát lại toàn bộ một bài hát khiến cô ấy cảm thấy khá hơn hẳn, cũng giống như chơi piano, điều mà cô ấy chưa từng làm từ khi còn đi học.
“Khi tôi muốn tập piano, tôi có thể ngồi xuống và biến ý muốn ấy trở thành hiện thực,” Rees nói. “Đối với tôi, đó là một dấu hiệu cho thấy não bộ của tôi đã hoạt động trở lại.”
Tôi có nghe nói về những bệnh nhân với tình trạng bệnh kéo dài khác đang vật lộn với những khó khăn về việc nhận thức, còn được gọi là “sương mù não”, họ hy vọng rằng với việc tự dạy cho bản thân chơi một loại nhạc cụ mới sẽ giúp họ vượt qua những triệu chứng này. Với một số người thì việc ca hát, chơi các loại nhạc cụ hoặc đơn giản là chỉ nghe nhạc cũng khiến cho cuộc sống của họ trở lại trạng thái bình thường và giúp họ tìm thấy niềm an ủi giữa những tức giận và đau đớn do triệu chứng kéo dài của COVID.
Tôi không biết liệu việc ca hát để vượt qua cơn khó thở vào tháng 10 năm ngoái chỉ đơn giản là giúp tôi cảm thấy dễ chịu hay thực sự cải thiện được chức năng phổi của tôi. Tôi ngờ rằng nó có lợi cả đôi đường.
Block cho biết, âm nhạc giúp chống chọi với lo âu cũng như căng thẳng gây ra bởi việc thiếu tương tác xã hội.
“Theo dòng lịch sử, âm nhạc luôn là điều rất tuyệt vời có thể gắn kết mọi người lại với nhau và tạo dựng bối cảnh xã hội từ nó và của riêng nó,” anh nói.
Trong suốt tám tháng, chúng tôi đã tự thu âm những gì chúng tôi đã học và gửi những bản thu âm đó cho những người đứng đầu dàn hợp xướng, để họ biên tập chúng lại với nhau. Trong lần tụ họp cuối cùng của chúng tôi vào tháng 4, chúng tôi đã lắng nghe tất cả các bản tổng hợp trong một buổi hòa nhạc trên Zoom.
Tôi nhớ cái cảm giác lần đầu tiên học một bài hát, khi dây thanh quản của tôi cuối cùng cũng lên được đúng nốt và nghe nó trong bối cảnh hòa âm xung quanh tôi. Tôi nhớ nguồn năng lượng mà mọi người cho đi và nhận về với những người xung quanh trong suốt buổi biểu diễn.
Một dàn hợp xướng ảo có thể không giống như một dàn hợp xướng trực tiếp, nhưng với việc giãn cách xã hội, căng thẳng và hạn chế về hoạt động thể lực, tôi vô cùng biết ơn vì được tham gia nó.
Block nói: “Trong những thời điểm căng thẳng và vô cùng lo lắng như thế này, những thứ như âm nhạc và nghệ thuật càng trở nên quan trọng hơn đối với mọi người. “Nó giúp bạn tìm lại cảm giác hy vọng và sự bình yên giữa hỗn loạn.”
Câu chuyện này được sản xuất bởi KHN, nơi sản xuất ấn bản California Healthline, một dịch vụ độc lập về mặt biên tập của Quỹ Chăm sóc Sức khỏe California.
Lydia Zuraw là nhà sản xuất cho California Healthline. Phạm vi bao phủ của KHN về những chủ đề này được hỗ trợ bởi John A. Hartford Foundation,
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: