Bước qua nghịch cảnh – Câu chuyện xúc động của Chris Norton
Dù tôi phải đối mặt với bao nhiêu trở ngại và thách thức, bất kể chúng phức tạp hay đáng sợ đến mức nào, tôi đều chọn cách giải quyết chúng với một thái độ tích cực. Thái độ đó cộng thêm nỗ lực đủ lớn sẽ có sức mạnh định hình lại toàn bộ cuộc đời của chúng ta.
“Hãy đứng dậy, Norty! Cố lên nào anh bạn. Chúng ta đi thôi nào!”, người đồng đội Josh Patterson vỗ vào vai tôi và nói.
Trận đấu bóng kết thúc; các cọc trên sân đã được mang đi hết; những người trong đội đang chạy về phía chúng tôi. Tôi gắng hết sức bình sinh chống hai tay xuống đất, nhưng không được. Thay vào đó, tôi ngã sấp mặt xuống, bất động. Tôi bắt đầu hoảng loạn khi nhận ra mình không thể cảm nhận được cánh tay hay đôi chân của mình. Tôi không thể cảm nhận được mặt đất bên dưới cơ thể mình. Tôi thậm chí không có cảm giác ở cổ.
Hóa ra, tôi đã ngã. Đầu tôi va vào đùi của một cầu thủ đang cầm bóng, cổ tôi đã bị gãy ngay lập tức và đè lên tủy sống. Trận bóng đó trở thành trận cuối cùng trong đời tôi. Máy bay trực thăng được gọi tới ngay lập tức để chuyển tôi tới bệnh viện. Từ giây phút ấy, cuộc đời tôi thay đổi mãi mãi.
Tôi luôn tưởng tượng chuyến đi trực thăng đầu tiên của mình sẽ là một trải nghiệm thú vị, nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Trong chuyến bay đó chỉ có tôi và hai nhân viên cứu thương, nôn nóng bay đến trung tâm chấn thương gần nhất.
Tôi không thể nhìn quanh cabin và ngoài cửa sổ. Thay vào đó, tôi nằm bất động, nhìn thẳng lên trần máy bay.
Đầu tôi bắt đầu hiện lên hàng loạt câu hỏi. Tôi có thể chơi bóng lại không? Tôi có thể bước đi nữa không? Tôi có thể di chuyển tay của mình nữa không? Ai mà muốn ở bên một người tàn tật chứ? Tôi sẽ cô đơn đến hết đời ư?
Tôi sẽ lại được hạnh phúc chứ…?
Tim tôi đập thình thịch, đầu óc tôi quay cuồng. Đột nhiên, tôi thấy khó thở. Tôi cố gắng hít một hơi thật sâu, nhưng không có gì thay đổi. Tôi bắt đầu hoang mang. Tôi đã thử lại một vài lần, nhưng tình trạng vẫn thế. Tôi đang dần ngừng thở. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình sắp chết.
“Giúp…tôi…”, tôi cố gắng nói. Tiếng động cơ máy bay át hết tất cả mọi thứ. Nếu tôi không thể nghe thấy chính mình, làm sao các nhân viên có thể nghe thấy tôi? Tôi nói, tôi không thể thở, nhưng không ai có động tĩnh gì.
“Giúp…tôi…”, tôi lại gọi, nhưng các nhân viên đều không quay về phía tôi. Hy vọng duy nhất của tôi là giao tiếp bằng mắt với một trong số họ. Nhưng cả hai đều nhìn sang hướng khác.
Trong một khoảnh khắc, tôi cố gắng quên đi tất cả những điều bi kịch và vẫy tay để thu hút sự chú ý của họ. Nhưng họ vẫn ngồi bất động như những viên đá. Rồi tôi hy vọng máy đo nhịp tim sẽ báo bất thường… Tuy nhiên, chẳng có gì thay đổi cả…
Một cảm giác bất lực dâng trào. Tôi chỉ có một mình.
Chính trong khoảnh khắc đó, khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết ở độ cao 10,000 feet, một thứ năng lượng trong tôi trỗi dậy. Tôi quyết định không buông lơi. Tôi quyết định ngừng xem mình là nạn nhân đáng thương. Tôi nghĩ về bóng đá và những vật dụng thân quen, nhớ về những kỉ niệm đẹp với đồng đội và ước mơ của đời tôi.
Trong từng tích tắc, tôi hình dung ra mình trên sân đấu. Tôi sẽ chạy về hướng này, bóng sẽ rơi ở đây và các cầu thủ sẽ đứng ở kia. Đó là một trận đấu mà tôi làm chủ…
Rồi tôi nhắm mắt lại và hình dung miệng tôi mở ra, hít thở không khí và phổi tôi chứa đầy oxy. Tôi tưởng tượng ngực phồng lên xẹp xuống khi khí thở lưu thông trong cơ thể. Sau đó, tôi đếm: Một hơi thở, hai hơi thở, ba hơi thở; và thật ngạc nhiên, tôi có thể thở dù hơi thở còn yếu ớt.
Tôi bắt đầu tập trung hơn. Tôi tự nhủ: “Tôi có thể làm được”, “Tôi sẽ ổn thôi”. Với mỗi suy nghĩ tích cực, hơi thở trở nên dễ dàng hơn một chút.
Từ lúc cơ thể bị chấn thương, tôi chỉ tập trung vào những gì tôi không thể. Và những trở ngại cứ lớn dần lên cho đến khi chúng hoàn toàn áp đảo tôi.
Tuy nhiên, thực tế của tôi bắt đầu thay đổi khi tôi chuyển sự tập trung của mình sang những gì tôi có thể. Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng thái độ của tôi có sức mạnh biến đổi thế giới xung quanh mình.
Và thế là, tôi được cứu sống.
Nhưng bác sĩ nói tôi phải ngồi xe lăn suốt đời.
9 năm sau…
Tôi đã tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi ám ảnh tâm trí tôi ngày hôm đó…
Đoạn đường 6.5m dài nhất cuộc đời tôi có lẽ là ngày tôi bước trên lễ đường cùng vợ. Đó là một quãng đường dài vượt qua nỗi đau để nắm lấy hạnh phúc.
Tôi đã nghĩ mình không thể bước đi, nhưng tình yêu và phép màu đã chiến thắng. Khoảnh khắc có vợ tôi sát cánh là khoảnh khắc đẹp nhất trong đám cưới.
Hiện tại, tôi có một gia đình viên mãn và một sự nghiệp thuyết giảng vững vàng.
Sống với một cơ thể chấn thương không bao giờ dễ dàng. Nhưng thay vì suy nghĩ tiêu cực, tôi chỉ tập trung vào những thứ tôi có thể kiểm soát.
Bạn sẽ nghĩ ngồi trên chiếc xe lăn thật đau khổ và đáng thương. Nhưng tôi lại tìm thấy một niềm hạnh phúc khác trong biến cố.
Ví dụ, tôi có một số đặc quyền chính như sau:
Không phải đứng trong hàng. Trong khi mọi người than phiền về việc phải chờ đợi hoặc chân của họ đau nhức, thì tôi lại tỏ ra dửng dưng.
Không cảm thấy muỗi đốt. Tôi có thể chơi trong dịp lửa trại và dù có 30 con muỗi đốt tôi đi nữa thì tôi cũng không cảm thấy gì.
Không bao giờ thua trong trò chơi ghế âm nhạc. Tôi trở thành bất bại. Những đứa trẻ của tôi cố gắng đẩy tôi ra khỏi ghế để giành chiến thắng, nhưng cuối cùng chúng luôn bị loại.
Ít có khả năng bị bắt cóc. Rất khó để đưa tôi vào xe và chạy trốn, trừ khi ngôi nhà của bạn có một đoạn đường dành cho xe lăn có thể truy cập ADA.
Có được chỗ đậu xe tốt nhất. Ở mọi nơi tôi đến, tôi đều có thể ở hàng ghế đầu.
Tôi chưa bao giờ cho phép sự tê liệt về thể chất làm tê liệt suy nghĩ của mình. Bài học tôi học được ngày hôm đó trên trực thăng quả là vô giá. Dù tôi phải đối mặt với bao nhiêu trở ngại và thách thức, bất kể chúng phức tạp hay đáng sợ đến mức nào, tôi đều chọn cách giải quyết chúng với một thái độ tích cực. Thái độ đó cộng thêm nỗ lực đủ lớn sẽ có sức mạnh định hình lại toàn bộ cuộc đời của chúng ta.
Không nuối tiếc những gì đã mất, không ảo tưởng về những gì mình không có. Khi chúng ta chỉ nhìn vào những “điểm sai”, chúng ta sẽ không bao giờ thấy những “điểm đúng”.
Tác giả: Chris Norton
Biên dịch: Nội Nhiên