Bùn và Vàng: thứ gì quan trọng hơn
Vàng quý giá được đội trên đầu
Bùn hạ tiện thì bị đạp dưới chân
Thế giới bi thảm không có vàng
Nhân sinh bất hạnh đều là bùn
Bần cùng khốn khổ ở khắp nơi
Người bình thường sức lực có hạn
Một chút tương trợ qua cơn đói
Một chút tâm ý gửi tặng sự ấm áp
Nguyên văn:
Hoàng kim trân quý đầu thượng đới
Nê ba khinh tiện cước hạ thái
Bi thảm thế giới vô hoàng kim
Bất hạnh nhân sinh tận nê ba
Bần cùng khốn khổ biến địa thị
Bình thường nhân gia lực hữu hạn
Nhất điểm bang trợ hoãn cơ ngã
Nhất lũ tâm ý tống ôn noãn
Trong tôn giáo có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: một cục vàng gặp một cục bùn. Vàng khinh bỉ nói với bùn: “Ngươi nhìn ngươi xem, xám xì xám xịt, người có óng ánh rực rỡ được như ta không? Ngươi có cao quý được như ta không?” Bùn lắc đầu nói: “Không có, nhưng tôi có thể sinh ra hoa, sinh ra quả, sinh ra cây cỏ, sinh ra vạn sự vạn vật, bạn có thể không? ”. Vàng không biết đáp trả ra sao.
Lập luận của tôn giáo về câu chuyện ngụ ngôn này là ở chữ “ngộ”: Ý nghĩa của sinh mệnh không nằm ở việc bản thân đáng giá bao nhiêu, mà nằm ở việc bản thân đã tạo ra bao nhiêu giá trị. Sự tồn tại của bạn đem lại lợi ích cho nhiều người, điều này mới chính là giá trị nhân sinh của bạn !
Thoạt nghe thì có vẻ như ẩn chứa nội hàm, nhưng chỉ cần bạn ngẫm kỹ lại một chút thì không khó để hiểu rằng “ngộ” này là một “sai lầm”.
Bởi vì sự thật là con người đang dẫm lên bùn để lấy vàng. Bạn cũng vậy, tôi cũng vậy,anh ta cũng vậy, thậm chí ngay cả người viết ra câu chuyện ngụ ngôn này cũng vậy. Bởi vì có vàng rồi thì có thể mua được tất cả những thứ có thể hoặc không thể sinh ra từ bùn, chẳng hạn như tôm hùm, bít tết, nhà lầu, xe hơi….
Vì vậy, tượng Bồ tát bằng đất sét không được ưa chuộng như tượng Bồ tát bằng vàng. Ngay cả tổ tiên của bùn-đất, giá trị của nó cũng được ước tính bằng vàng.
Đạo lý rất đơn giản, bùn khắp nơi đều có, vàng thì hiếm, vậy nên trong mắt mọi người, “tác dụng vô dụng” của vàng vượt qua cái “ tác dụng hữu dụng” của bùn.
Con người thường dùng quan điểm chủ quan của mình để ước tính giá trị của một vật hoặc thậm chí của một người, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì mỗi người đều có niềm yêu thích và đam mê riêng. Tuy nhiên, việc đánh giá chung vẫn nên theo lý lẽ và trạng thái thông thường, vì có thể đôi khi sẽ lấy bản thân làm trung tâm để đánh giá, nhưng phần lớn không thể không thuận theo giá trị của xã hội, của đám đông và những điều phổ biến để đánh giá.
Nghĩa là, sau khi bùn khoe khoang bản thân có bao nhiêu công dụng, và sau khi mọi người cũng đồng ý về công dụng to lớn của bùn, thì vàng chỉ cần nhẹ nhàng nói: “Một lượng vàng có thể đổi lấy hai ngàn cân bùn”, không chỉ tất cả mọi người đều sẽ đồng ý, mà ngay đến cả bùn cũng chỉ có thể gật đầu đồng ý.
Trong thực tế, những người trên thân đeo đầy vàng vẫn luôn được người ta yêu thích và hoan nghênh hơn những người khắp thân dính đầy bùn. Đây là nhận thức chung và cũng là hiện tượng phổ biến theo lẽ thường.
Tôi không phủ nhận rằng có một số thứ tuy giá trị không cao nhưng lại có những công dụng rất to lớn, không những ai ai cũng cần, mà thậm chí còn vô cùng vô cùng cần thiết như nước, giấy, giá trị xác thực là không cao, cũng bởi vì số lượng vừa nhiều lại lớn, vì vậy cũng không được xem là quý hiếm.
Ở một phương diện khác, đều cùng là hổ, nhưng hổ lông trắng cực hiếm gặp, vì vậy nó đặc biệt trân quý.
Vật càng hiếm thì càng quý, đây là nguyên nhân chủ yếu vì sao vàng lại quý hơn bùn.
Trong lập luận ngụ ngôn này, giá trị của nhân sinh được đề cao bởi ý nghĩa của sinh mệnh, luận điệu này thường hay gặp trong các lập luận phân tích của tôn giáo, tuy nó không sai nhưng nó giống như “tiền sống không mang đến, chết không mang đi”, “Của cải không thể giúp bạn sống lâu thêm một ngày”… Kiểu lập luận xem nhẹ tiền bạc như thế này đã bỏ qua thực tế cuộc sống, lại càng không thấy được sự tàn khốc của sự bần cùng và nghèo khổ.
Trong xã hội này tồn tại quá nhiều những câu chuyện thực tế cuộc sống khiến người ta phải xót xa, không phải bởi vì không có bùn, mà là vì không có vàng.
Những ví dụ thực tế trong xã hội, những cô bé xuất thân từ gia đình nghèo:
Ba bé gái ở Malaysia thường xuyên nghỉ học và không làm bài tập về nhà, sau khi giáo viên đến thăm nhà, mới phát hiện ra cả gia đình họ đang sống trong một hoàn cảnh vô cùng tồi tệ với đầy rác thải, phân và động vật. Sau khi các ủy viên hội đồng địa phương và Cục phúc lợi xã hội can thiệp, các bé gái được sắp xếp sống trong nhà nhi đồng cho đến khi người giám hộ có thể cung cấp cho chúng một môi trường sống tốt hơn. Các bé gái đã sống trong hoàn cảnh tồi tệ này suốt 3 năm, sức khỏe thể chất và tinh thần đều đáng lo ngại.
Lai có một bé gái 6 tuổi ở Nga bị người mẹ độc ác bỏ rơi trong căn hộ, sống cùng 19 con mèo trong một không gian nhỏ hẹp, trong một môi trường rất bừa bộn bẩn thỉu. Khi được phát hiện, cô bé gầy gò như que củi, toàn thân trần truồng, thậm chí không thể đi lại, nói chuyện bình thường, chỉ có thể bò bằng bốn chân và nói chuyện với mèo, giống như một “người mèo” thực thụ.
Cặp chị em gái 5 tuổi và 1 tuổi người Ukraine đã bị bỏ đói trong một thời gian dài vì thiếu sự chăm sóc của người mẹ, thậm chí chúng phải ăn giấy dán tường, xốp và tóc để chống đói, tình hình vệ sinh trong căn nhà càng tồi tệ và kinh khủng hơn, khắp nơi tràn ngập mùi hôi thối. 2 chị em được giải cứu cho đến khi một người hàng xóm gọi điện báo cảnh sát.
Cảnh sát đến hiện trường ngày hôm đó, nhiều cảnh sát bị sốc trước tình cảnh bên trong căn nhà, họ không thể tưởng tượng nổi hai chị em đã phải sống như thế nào trong một môi trường khủng khiếp như vậy, “Căn nhà cũ kĩ tồi tàn tràn ngập mùi hôi thối và bẩn thỉu, bồn vệ sinh bị tắc nghẽn, cả gia đình chỉ có thể đi vệ sinh ngay trong bồn tắm, và trên bồn tắm cũng phủ một lớp bụi dày, côn trùng bò khắp xung quanh. Người chị có vẻ đã quen với việc ngủ trên giường bẩn, ăn thức ăn bằng những chiếc đĩa bẩn và chơi đùa trên cái thảm đầy rác. Căn nhà thối đến mức không thở được”.
Cuộc sống bất hạnh và thế giới khốn khổ của những người nghèo không có vàng (tiền) tồn tại ở Đài Loan, tồn tại ở Trung Quốc, và tồn tại ở mọi nơi trên thế giới.
Đây không phải là sự kiện mang tầm quốc gia, cũng không phải là sự kiện giật gân mà thu hút sự chú ý của mọi người, mà là những bất hạnh thực tế đang diễn ra trong một góc tối của xã hội mà không ai để ý đến.
Tôi thường lưu trữ những tin tức này lại để bản thân nhìn thấy cuộc sống hiện thực bần cùng nghèo khổ, để tôi biết trân trọng hơn những phước lành, biết ơn hơn và sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hơn
Mấy hôm nay, tôi đã sử dụng phiếu giảm giá tại Burger King để mua một phần thức ăn với giá 3 đô la bao gồm: hamburger, khoai tây chiên và đồ uống cho một người vô gia cư, tại lối ra của đường cao tốc tôi đã cho một thanh niên ăn xin 1 đô la, bên cạnh bãi đậu xe Hmart tôi đã cho một người phụ nữ trung niên tay giơ bảng “Need Food” (cần thức ăn) 5 đô la, tuy số tiền không nhiều nhưng là một chút tâm ý của tôi dành tặng họ.
Nếu những người bình thường như chúng ta đều có thể có một chút tâm ý như vậy, thì có thể để cho càng nhiều hơn những người đang gặp khó khăn được thêm một chút ấm áp, đồng thời, khi chúng ta làm những điều này, có thể khiến cho tâm hồn và cuộc sống của mình thêm cơ hội để “phát triển hướng đến sự lương thiện”.
Ngẫm lại: Tôi không có khả năng giúp đỡ một bé gái đang cần sự chăm sóc lâu dài, càng không có khả năng giúp một gia đình nghèo khó, quả thật là lực bất tòng tâm.
Tuy nhiên, tôi cũng đã từng nghĩ, nếu như, nhỡ đâu một ngày nào đó mình có tiền tỷ, liệu mình có đánh mất tấm lòng giúp đỡ những người khó khăn và trở thành kẻ “vô tâm” không?
Đừng nghĩ rằng tôi đang tự hỏi mình những điều viển vông. Bởi vì từ lịch sử, lịch sử cận đại và lịch sử hiện đại cho đến nay, có quá nhiều người đã chứng minh rằng con người một khi có của cải và quyền lực, họ sẽ mất bản tính lương thiện ban đầu, trở nên tự cao tự đại, thậm chí là máu lạnh vô tình.
Vậy nên tôi dùng đức tin để duy trì tu dưỡng tâm tính của chính mình, để tránh trường hợp nhân tính bị méo mó khi bản thân bất ngờ gặp phải vận may nào đó.
Có người cho rằng những lời này của tôi chủ yếu nhắm vào những người giàu có và quyền lực. Bạn nghĩ sao?
Do Cao Đạt Hồng thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: