Bức tranh về nền độc lập của Hoa Kỳ
Khám phá nghệ thuật dành cho giới trẻ và những tâm hồn trẻ trung.
Kho báu di sản đồ sộ là một đặc ân mà mỗi thế hệ người Mỹ có quyền lựa chọn lãng phí hoặc bảo tồn.
“Việc thành lập Chính phủ mới của chúng tôi dường như là một thách thức to lớn cuối cùng để thúc đẩy hạnh phúc của công dân, bởi một hiệp ước hợp lý, trong Xã hội dân sự”.
—Tổng thống George Washington, trong một bức thư ngày 9/1/1790, viết cho nhà sử học Catharine Sawbridge Macaulay Graham*
Chúng ta đang sống trong một Cuộc thách thức vĩ đại. Hoa Kỳ được thành lập cách đây chưa đầy 250 năm theo niềm tin cách mạng rằng tự do, chăm chỉ và đức hạnh có thể tạo nên những thành quả to lớn. Người Mỹ thừa hưởng một di sản thịnh vượng về đức tin, hy vọng và tinh thần bền bỉ. Kho báu di sản đồ sộ là một đặc ân mà mỗi thế hệ chúng ta có quyền lựa chọn lãng phí hoặc bảo tồn.
Vào ngày 02/07/1776, sau hơn một năm xung đột vũ trang giành chủ quyền, Quốc hội Lục địa lần đầu tiên chấp thuận một nghị quyết chính thức công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ ra khỏi Vương quốc Anh. Tài liệu này được đặt tên là Tuyên ngôn Độc lập, được soạn thảo và trình bày bởi Ủy ban Năm người, bao gồm ngài cố tổng thống Thomas Jefferson ở Virginia là tác giả chính của tuyên ngôn, ngài Benjamin Franklin ở Pennsylvania, Roger Sherman ở Connecticut, Robert R. Livingston ở New York, và ngài John Adams ở Massachusetts.
Ngài Adams đã viết cho vợ mình là phu nhân Abigail, một bức thư để kỷ niệm sự ra đời của bản Tuyên ngôn. Ông viết, “Anh tin rằng ngày này sẽ được tổ chức như một Lễ hội kỷ niệm lớn của các thế hệ kế tục. Nó nên được tưởng nhớ như là Ngày Tuyên ngôn, thể hiện hành động sùng kính đối với Thiên Chúa Toàn năng. Kể từ thời điểm này, mãi mãi hơn thế nữa, nó nên được tổ chức long trọng và diễn hành hoành tráng, với những màn trình diễn, trò chơi, thể thao, nổ súng, rung chuông, lửa mừng và treo đèn kết hoa từ đầu này sang đầu kia của lục địa này.”
Phần trên cùng của Tuyên ngôn Độc lập có ghi Ngày 4 tháng 7 vì chính ngày đó bản văn kiện đặc biệt đã trải qua lần sửa đổi cuối cùng. Những dự đoán do ngài Adams đưa ra đã trở thành sự thật. Năm tiếp theo, 1777, chứng kiến sự khai thủy của lễ kỷ niệm đầu tiên tôn vinh tự do. Tại Boston, vào kỷ niệm đầu tiên ngày Tuyên ngôn Độc lập được ký kết, xuất hiện những bữa tiệc rình rang, pháo hoa và những bài ca bất hủ. Tại Philadelphia, các con tàu được giương cao buồm và nổ đại bác 13 lần để ghi dấu tuyên bố độc lập của các thuộc địa. Có những màn trình diễn quân sự, những vũ khí hạng nhẹ khai nổ, những màu sắc yêu nước đẹp đẽ được khoác lên mình, những chiếc chuông reo vang, và pháo hoa nổ đì đùng. Ngày này được báo cáo rằng “những khuôn mặt rạng ngời hân hoan và hạnh phúc đâu đâu cũng có.”
Những cuộc thách thức, mừng chiến thắng và khát vọng của những người đàn ông và phụ nữ đã được ghi lại trong những trang lịch sử Hoa Kỳ. Dẫu cho thực tế rằng, xuyên suốt chiều dài lịch sử của Hoa Kỳ là câu chuyện về cuộc chiến đấu giành tự do của con người, thì lịch sử nước Mỹ vẫn là phi thường bởi chiến thắng anh dũng của nó. Hoa Kỳ được thành lập để vững vàng chống lại sự bành trướng lâu đời và không thể tránh khỏi của một chính phủ hám lợi. Miền đất hứa của chúng ta dành cho những người đàn ông và những người phụ nữ có đạo đức, những cá nhân cống hiến hết lòng cho cuộc sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Song hành cùng tự do và thịnh vượng của chúng ta, tinh thần của những cá nhân đáng kính đã thắp lên ngọn đuốc soi đường cho tự do và độc lập của Hoa Kỳ, được ghi nhớ một cách trang trọng vào ngày 4/7. Suy nghĩ sâu sắc và hành động chân chính là phần lớn di sản của chúng ta. Bài học kinh nghiệm từ những anh hùng chiến đấu giành tự do đã in đậm vào tâm trí và trái tim của chúng ta. Những bức thư, văn kiện lưu trữ, tác phẩm nghệ thuật và hiện vật sẽ một lần nữa gợi nhớ lại những gì đã tạo nên chúng ta và chúng ta được hiện diện ngày hôm nay để làm gì.
Tác phẩm của một hoạ sĩ người Mỹ thời kỳ đầu, thực hiện để phục vụ cho việc bảo tồn tốt những giá trị lịch sử. Mặc dù bạn chắc hẳn sẽ nhận ra tác phẩm đáng nhớ của ông, nhưng bạn đã từng nghe nói đến nhân vật tên là John Trumbull chưa?
Sinh ra ở Rhode Island vào năm 1756, ngài Trumbull đã mất chức năng một bên mắt trong một vụ tai nạn thời thơ ấu. Có lẽ vụ tai nạn đó đã tác động phần nào đến cách nhìn có một không hai của ông. Ông từng là một người lính trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ và là phụ tá trại cho Tướng George Washington. Ông đã vẽ Trận chiến trên Đồi Bunker khi hiện diện ở đó! Và ông cũng phác thảo bản đồ kế hoạch chiến tuyến của Anh và Mỹ khi phục vụ ở Boston để giúp bảo vệ đất nước non trẻ của mình.
Ngài Trumbull thể hiện tình yêu nghệ thuật đến nỗi, sau khi phục vụ trong Quân đội Lục địa Mỹ, ông đã lên đường đến Anh để theo đuổi hội họa, mặc dù đã tốt nghiệp Harvard với bằng cấp nghệ thuật ít nghiêng về sáng tạo hơn và dành những năm đầu tiên của giai đoạn trưởng thành như một quân nhân. Để học các kỹ pháp vẽ tranh truyền thống, Trumbull đã liều lĩnh đặt chân vào quốc gia mà ông đã chiến đấu chống lại. Khi ở London, quan điểm chống Anh của ông gây nên sự chú ý.
Vào ngày 20/11/1980, để trả thù người Mỹ vì đã treo cổ một tướng Anh cho vụ gián điệp, chính quyền Anh bắt giam ngài Trumbull vào ngục vì tội phản quốc, cho tới tháng 6/1781. Cuối cùng, khi những người bạn có quyền lực gây sức ép, ông mới được thả ra và được cho thời hạn 30 ngày để rời khỏi Anh.
Trumbull đã quay trở về bang Connecticut, nơi cha ông đã làm thống đốc từ năm 1776 và 1784. Trong mắt của một gia đình bề thế như của Trumbull, nghề họa sĩ ít được ủng hộ, tuy vậy, ông đã chọn theo đuổi con đường này bằng sự quyết tâm của người Mỹ. Ông đã trở thành một họa sĩ vẽ chân dung trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ngày nay, người họa sĩ này được nhớ đến nhiều hơn bất kỳ một chính trị gia nào trong số những người họ hàng đã từng có nhiều quyền lực. Bạn có biết ngài Alexander Hamilton trông như thế nào không? Bạn hãy nghĩ đến tờ 10 đô la. Hình ảnh mang tính biểu tượng đó đến từ bức chân dung của ngài Trumbull. Khi một người hình dung ra việc ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập, điều đó trông giống như bản phác thảo tưởng tượng từ một tác phẩm nổi tiếng của Trumbull, có tựa đề “Tuyên ngôn độc lập.”
Người nghệ sĩ này đã phải mất gần đến 5 năm và nhiều cuộc họp với các nhà lãnh đạo Mỹ, đặc biệt với ngài Jefferson, để thu thập những bản phác họa của những người đã ký tên. Vào năm 1819, ông đã hoàn thành bức tranh lớn đó. Mặc dù nhiều người cho rằng những bức họa của những chữ ký khi nhỏ hơn sẽ đẹp hơn nhưng bức ấy của ngài Trumbull vẫn là một công trình nghệ thuật mang tính lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Nếu lịch sử là câu chuyện về những sự kiện, ý tưởng, và hành động ảnh hưởng đến con người trong quá khứ, thì nghệ thuật bao gồm những bức họa và bản nhạc nền của câu chuyện ấy. Ngài Trumbull từng là một người lính, một thư ký cho tới một chính trị gia, và một tù nhân của chiến tranh, nhưng sự đóng góp trường kỳ nhất của ngài dành cho quốc gia chính là hình thức nghệ thuật hồi ký về tinh thần của người Mỹ.
Như ngài Adams đã chỉ ra, cách chúng ta tưởng niệm, hay nói cách khác là cách chúng ta nhớ mới là quan trọng. Phần duy nhất mà ngài Adams dường như nhầm lẫn về Nền Độc Lập Hoa Kỳ là ngày tháng chúng ta làm lễ kỷ niệm. Ngài tin rằng Ngày Độc Lập nên được vinh danh vào ngày 02/07. Ông quá cố chấp vào ý kiến đó đến nỗi từ chối lời mời tham dự buổi lễ được tổ chức vào ngày 04/07! Thế nhưng, ngày 04/07 vẫn là một ngày quan trọng trong đời ông, và đó cũng chính là ngày mà ông qua đời.
Ngài Adams, một nhà lập quốc và một người bảo vệ tuyệt vời của Tuyên Ngôn Độc Lập, và là vị tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, mất vào ngày 04/07/1826, vào dịp kỷ niệm lần thứ năm mươi của việc thông qua ngày 04/07 lần đầu tiên của người Mỹ. Ngài Jefferson là tác giả đầu tiên của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, và là vị tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, cũng mất vào ngày 04/07, trước ngài Adams 5 tiếng đồng hồ.
Hai nhà lãnh đạo đã có những bất đồng và nhiều điểm khác biệt lớn, nhưng họ đã thống nhất trong những văn bản, trong niềm hy vọng và trong nỗ lực vì một đất nước vĩ đại. Có lẽ sự bảo hộ của thần đã mang họ đến bên nhau.
Ngài Jefferson đã từng viết thư cho Ngài Adams rằng: “Những bước đi đồng thời trong sự trao đổi thư từ qua lại thật sự đáng ghi nhớ trong nhiều dịp. Có vẻ như thể là đất nước này dưới cùng một bầu không khí, hoặc trải qua những biến cố của thời đại hoặc vì một vài nguyên nhân nào đó khó xác định, đã tạo nên một hiệu ứng giao cảm lên hồi ức của cả hai chúng ta.”
Lời nói sau cùng của ngài Adams là, “Thomas Jefferson vẫn còn sống.”
Ông đã đúng về những điểm chính yếu. Trong tác phẩm của Trumbull, hai chính trị gia lớn vẫn sát cánh bên nhau cùng với người Mỹ mạnh mẽ lúc ban đầu. Những thành tựu xuất sắc làm nên những cuộc đời vĩ đại. Thông qua cả hai người, viễn cảnh về nền độc lập Mỹ vẫn tồn tại. Đó là trách nhiệm của chúng ta dù là lãng phí hay tiếp tục bảo tồn di sản tuyệt vời của nền tự do và sự thịnh vượng của người Mỹ.
Theo lời của Ngài Ronald Reagan, một vị tổng thống Hoa Kỳ hiện đại, là người đã thắp lên ngọn đuốc, “Chỉ cần cách nhau một thế hệ là nền tự do có thể biến mất. Chúng ta không trao truyền được điều đó cho con trẻ thông qua dòng máu. Tự do phải được đấu tranh, bảo vệ, và kế thừa thực hiện một cách tương tự.”
Andrea Nutt Falce là một người vợ hạnh phúc, là bà mẹ có bốn con. Cô cũng là một nghệ sĩ hiện thực cổ điển được đào tạo tại Florentine và là tác giả của cuốn sách dành cho trẻ em, “It’s a Jungle Out There”. Tác phẩm của cô ấy có thể xem tại AndreaNutt.com
Chú thích của dịch giả:
Catharine Sawbridge Macaulay Graham là nhà sử học và nhà văn người Anh nổi tiếng đi đầu trong nền chính trị xuyên Đại Tây Dương cấp tiến trong thế kỷ mười tám. Bà được công nhận rộng rãi là nữ sử gia và người viết sách lớn đầu tiên của nước Anh.
Alexander Hamilton (1757-1804) là một sĩ quan quân đội, luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính người Mỹ