Bức tranh ‘Nhà giả kim đi tìm hòn đá tạo vàng’: Mỏ vàng trong tôi
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim
Thỉnh thoảng, khi rơi vào tình huống khó khăn, chúng ta không tìm được lối ra cho vấn đề. Tôi trò chuyện với một người bạn về một số khó khăn của tôi vài tuần trước. Cô nói với tôi rằng hãy luôn lạc quan và nói thêm, “Tình huống nào đều cũng có thể biến chuyển thành vàng kim”. Những lời nói của cô bạn vẫn vang vọng trong tôi khiến tôi nghĩ về một bức tranh của Joseph Wright of Derby có tên là “Nhà giả kim đi tìm hòn đá tạo vàng”.
Nhà giả kim truyền thống
Trước khi bàn về câu nói của cô bạn tôi và bức tranh của Wright, chúng ta cần có hiểu biết ngắn gọn về một nhà giả kim truyền thống.
Tại phương Tây, nhà giả kim thường liên quan đến một tu sĩ bí ẩn cố gắng biến các kim loại cơ bản thành vàng bằng các quy trình hóa học phức tạp.
Tuy nhiên, thuật giả kim không chỉ đơn thuần là biến kim loại cơ bản thành vàng. Chẳng hạn các nhà giả kim tâm linh thường tin rằng hoạt động của thế giới và vũ trụ tiết lộ ý muốn của Đấng Tạo Hóa và mục đích sâu sắc hơn về cuộc sống của con người. Tất cả các vấn đề, ngay cả khi rất khó vượt qua, cũng giống như kim loại cơ bản, có thể biến thành vàng với vẻ đẹp siêu xuất tự nhiên nếu được nhìn nhận theo cách là ý muốn của Đấng Tạo Hóa.
Một nhà giả kim nếu hiểu được ý muốn của Đấng Tạo Hóa, có thể tiết lộ về hòn đá tạo vàng, một thứ vật chất bí ẩn có thể cải tử hoàn sinh, kéo dài tuổi thọ và thậm chí trường sinh bất tử. Điều này cũng có thể dẫn đến một hành trình từ cõi người sang cõi siêu nhiên.
Hòn đá tạo vàng đã tạo ra khó khăn chồng chất cho các nhà giả kim vì gần như không thể tìm thấy. Nhà giả kim cần duy trì tâm thái tích cực và tiếp tục tiến về phía trước cho dù việc tìm loại vật chất này là bất khả thi.
Trong Thời Đại Khai sáng, thuật giả kim truyền thống bị coi là mê tín và cuối cùng đã bị thay thế bởi cái mà ngày nay chúng ta biết đến là hóa học.
Bức tranh ‘Nhà giả kim đi tìm hòn đá tạo vàng’
Bức tranh của Wright có tên đầy đủ là “Nhà giả kim đi tìm hòn đá tạo vàng, khám phá ra phosphorus, và cầu nguyện cho cuộc tìm kiếm thành công, cũng là phong tục của các nhà chiêm tinh cổ đại”.
Ở phần dưới của bố cục, họa sĩ Wright vẽ nhà giả kim quỳ gối trước bình chứa phosphorus. Phosphorus phát sáng và ngay lập tức chiếu sáng lên nhà giả kim và các vật dụng xung quanh phòng, gồm có sách với các ký hiệu chiêm tinh và quả thiên cầu trên bàn. Phosphorus cũng chiếu sáng chiếc đồng hồ treo trên cột phía sau phòng.
Tuy nhiên, nhà giả kim không nhìn vào bình phosphorus trước mặt. Thay vào đó, ánh nhìn của ông vượt thiên cầu và mặt trăng trên bầu trời. Đôi mày nhướng lên dường như đẩy ánh nhìn của ông ra xa hơn nữa, vươn ra ngoài ranh giới của bố cục.
Phía sau nhà giả kim là hai người học việc ở vị trí điểm nhấn phụ của bố cục. Một người ngồi vào bàn đang thắp ngọn nến và nhìn chăm chú vào nhà giả kim đang ở trong trạng thái xúc động mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiêu đề đầy đủ của bức tranh đã giải thích rằng ông đang cầu nguyện. Người học việc khác nhìn vào bạn học và chỉ vào nhà giả kim như để nhắc lại tầm quan trọng của sự kiện này.
Trần và cửa sổ hình vòm là các yếu tố kiến trúc từ các nhà thờ thời trung cổ cho chúng ta biết rằng đây là một sự kiện tâm linh thay vì chỉ đơn giản là một sự kiện khoa học.
Mỏ vàng trong chính bản thân tôi
Bức tranh “Nhà giả kim tìm kiếm hòn đá tạo vàng” được họa sĩ Wright vẽ trong Thời Đại Khai Sáng, thời điểm mà khoa học và lý tính đang trở nên vô cùng phổ biến. Bức tranh nhắc nhở các nhà khoa học về cội nguồn thành công của họ: niềm tin cổ xưa vào Thần.
Nhà giả kim quỳ gối trước bình chứa phosphorus, nhưng ánh mắt của ông hướng ra ngoài giới hạn của bố cục. Nhà giả kim giao tiếp với Đấng Tạo Hóa và hy vọng vào thành công của các thí nghiệm. Nhiều năm khó khăn theo đuổi viên đá tạo vàng cuối cùng đã tạo ra một thứ gì đó đáng giá.
Nói cách khác, nhà giả kim hiểu rằng Đấng Tạo Hóa sẽ quyết định thành công của ông. Chỉ có tuân theo ý muốn của Ngài, nhà giả kim mới có thể tạo ra vàng.
Hai người học việc được chiếu sáng từ chính ngọn nến mà họ đang thắp. Khuôn mặt được chiếu sáng của họ cũng thể hiện hàm ý tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, phải chăng không chỉ là ngọn nến khơi gợi kiến thức mới này, mà còn là những gì họ nhìn thấy khi ngọn nến được thắp sáng?
Liệu những người học việc có thể nhìn thấy bình phosphorus hay không, vì nhà giả kim và tấm khăn trải bàn có thể che khuất tầm nhìn của họ. Điều này cũng giải thích tại sao ánh sáng từ phosphorus không chiếu sáng tới khuôn mặt của họ mặc dù đã chạm đến đồng hồ trên đồng hồ treo trên cột ở phía sau.
Nếu những người học việc không thể nhìn thấy phosphorus, họ hẳn phải nhìn thấy nhà giả kim trong một khoảnh khắc xuất thần. Nếu đúng như vậy, người học việc chú tâm vào sự kiện này cũng đang nhắc lại tầm quan trọng của đức tin vào Thần của nhà giả kim.
Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại với người bạn của tôi, người đã nhắc nhở tôi giữ tinh thần lạc quan và nói với tôi rằng, “Tình huống nào đều cũng có thể biến chuyển thành vàng kim”. Có lẽ cô đã khám phá ra gì đó. Và có thể, nếu suy nghĩ của tôi phản ánh ý muốn của Đấng Tạo Hóa, thì mọi tình huống, ngay cả những tình huống có vẻ khó khăn, đều có thể được coi là phần nguồn gốc thần tính và vàng kim.
Hoàn cảnh khó khăn của chúng ta có thể chỉ đơn giản là ý muốn của Đấng Tạo Hóa, thiết lập nên quá trình cần thiết nhằm rèn giũa tinh thần của chúng ta trở thành vàng kim. Nếu chúng ta có thể bảo trì tâm thái lạc quan, dung hòa vào tâm cảnh thiên nhân hợp nhất, và điều chỉnh bản thân theo ý muốn của Sáng Thế Chủ, chúng ta sẽ khám phá được những điều mới mẻ nơi bản thân mình. Và có thể, chỉ là có thể, chúng ta sẽ tìm thấy một mỏ vàng bên trong chính bản thân chúng ta.
Quý vị đã bao giờ nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật mà quý vị nghĩ là đẹp nhưng không biết ý nghĩa của tác phẩm đó chưa? Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim,” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác cổ điển theo những cách sâu sắc hơn về phương diện đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng tác phẩm nghệ thuật để xem những sáng tạo lịch sử có thể truyền cảm hứng cho chúng ta giữ gìn bản tính lương thiện lương như thế nào.
Eric Bess là họa sĩ nghệ thuật đại diện (representational art), hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: