Bức tranh ‘Las Meninas’: Món quà nồng ấm của họa sĩ Velázquez dành cho Đức Vua của ông
Họa sĩ Velázquez đã khắc họa một khung cảnh sinh hoạt gia đình hoàng gia thú vị.
Có tiếng cười khúc khích trong trẻo của một đứa trẻ vang vọng dọc hành lang lâu đài. Tiếng sột soạt từ những chiếc váy áo nặng nề. Một quý bà đang chờ đợi bước vào và giữ cửa của căn phòng Cuarto del Principe (“Căn phòng của Hoàng tử”) trong Cung điện Alcázar ở Madrid, Tây Ban Nha.
Có một bé gái dòng dõi hoàng gia chỉ trạc 5 tuổi chơi đùa ở xưởng vẽ rộng lớn của người họa sĩ chính trong triều đình, vị họa sĩ bậc thầy Diego Velázquez (1599–1660).
Triều đình của Đức vua Philip IV, cũng giống như bất kỳ vị vua nào khác ở thế kỷ 17, nhộn nhịp với nhiều hoạt động và họa sĩ hoàng gia của ông là cũng một phần trong đó. Trong bức tranh nổi tiếng nhất của mình, Velázquez đã khắc họa một bối cảnh gia đình đầm ấm khẳng định sẽ làm đức vua vô cùng hài lòng.
Khi nhân vật trung tâm trong bức tranh là cô con gái bé bỏng và là người thừa kế của đức vua, nàng công chúa Margarita Theresa Infanta, làm sao mọi người có thể không vui vẻ cho được? Bức tranh được coi là kiệt tác lừng danh nhất của họa sĩ, miêu tả khung cảnh vô tư của cô công chúa nhỏ và đoàn tùy tùng của nàng, mà ngày nay chúng ta gọi là “Las Meninas.”(Những người thị nữ)
Nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng khám phá còn nhiều điều tuyệt vời hơn thế nữa đối với tác phẩm nghệ thuật diệu kỳ này.
Khung cảnh cuộc sống của gia đình hoàng gia
Là người bạn của đức vua, họa sĩ Velázquez có ý định làm vui lòng vua Philip, người vốn luôn nặng trĩu tâm tư bởi các vấn đề của đất nước. Velázquez luôn muốn Đức vua của ông nở nụ cười. Đức vua Philip có ý thức rất rõ về phẩm giá ngai vàng của mình, ông được cho là chỉ cười ba lần ở nơi công cộng, nhưng luôn được nhớ đến là một người đàn ông có phẩm chất tốt bụng, đôn hậu và nhã nhặn.
Và nhà vua rất có khiếu hài hước vui nhộn. Ngài được biết đến là đã tham dự các câu lạc bộ văn học sôi động ở Madrid đặc sắc với việc ngâm nga những bài thơ hài hước. Người họa sĩ và nhà vua đã chia sẻ thú vui tao nhã này. Họ đã xây dựng một tình bạn sâu sắc và một mối quan hệ thoải mái, giống như ông nội của nhà vua, Philip II, đã kết bạn với danh họa Venice lừng danh, Titian
Theo một câu chuyện tường thuật trên trang web TheArtStory, “Các bậc cha mẹ hoàng gia đã cảm thấy rất mệt mỏi khi tạo dáng cho Velázquez và gửi cho công chúa đến xưởng vẽ để vui chơi với họ. Vua Philip IV, một họa sĩ nghiệp dư và là bạn thân của Velázquez, đã coi cuộc tụ họp đông đúc này là một dịp đáng nhớ.”
Bức tranh khắc họa một cô công chúa nhỏ, người dường như có một chuyến thăm không định trước, đến xưởng vẽ của họa sĩ cùng với những người thị nữ của cô: hai cô hầu gái chu đáo, hai người bạn đồng hành và người vú nuôi của cô bé. Ở bên trái công chúa, thị nữ hoàng gia Maria Agustina Sarmiento mời cô bé uống nước. Và một thị nữ khác, Isabella de Velasco, đang ân cần dõi theo công chúa.
Ở phía ngoài cùng bên phải của bức tranh là những người bạn đồng hành của công chúa, người lùn người Đức Maribarbola và chú lùn người Ý, Nicolasito Pertusato đang tinh nghịch đặt chân lên chú chó đang ngủ. Một người phụ nữ gia sư đang chờ, Marcela de Ulloa, trò chuyện với “lính canh” (người hầu cận hoàng gia) của công chúa, trong một vùng ánh sáng lờ mờ phía sau nàng.
Nhiều nhân vật hơn có thể được nhìn thấy phía sau trong phông nền. Jose Nieto, người hầu phòng của Velázquez và cũng là một người họ hàng, đứng ở lối cửa sáng đèn bên phải, đang chăm chú nhìn những gì diễn ra. Bên cạnh đó, có một tấm gương ở hậu cảnh bên trái phản chiếu hình bóng phụ mẫu của Margarita, Vua Philip IV và hoàng hậu Mariana người Áo, những người dường như đang chứng kiến khung cảnh đó. Do đó, tất cả các thành viên gia đình thân thiết nhất của nhà vua đều được miêu tả trong một bức tranh, vì thế những hầu cận cá nhân này cũng được coi là một phần trong gia đình của họ.
Một phần của Hoàng gia
Theo một nghĩa nào đó, Velázquez cũng là một thành viên của gia đình hoàng gia, và họa sĩ thể hiện cho chúng ta biết bằng cách đưa mình vào cuộc gặp gỡ hoàng gia thân mật này. Hình ảnh chân dung tự họa của ông ở phía trước, bên trái, cho thấy hình ảnh vui tươi của người họa sĩ khi đang làm việc.
Danh họa Velázquez qua đời hai năm sau khi bức tranh hoàn thành. Năm 1658, vua Philip phong cho ông danh hiệu Hiệp sĩ của Santiago. Trong bức tranh “Những người thị nữ,” huy hiệu chức vụ sau đó đã được thêm vào ngay trong bức chân dung tự họa. Theo truyền thuyết, vua Philip, người tự coi mình là một họa sĩ nghiệp dư, đã tự tay vẽ biểu tượng màu đỏ lên trước ngực bức chân dung của người họa sĩ.
Ngày nay, các nhà phân tích về bức tranh đã nói về địa vị của người họa sĩ trong nền văn hóa Tây Ban Nha thế kỷ 17: “Bằng cách thể hiện bản thân với vai trò họa sĩ vào một khung cảnh riêng tư tình cảm với các thành viên hoàng gia của mình, ông không chỉ nhấn mạnh vị trí họa sĩ là một người được phép lướt qua những khoảnh khắc thân mật mà thông thường người xem sẽ không được biết, mà còn có thể miêu tả chân thực hình dáng của họ với những dụng cụ vẽ và kỹ thuật đặc trưng dành riêng cho họa sĩ. Đó là một minh chứng tuyệt vời cho vai trò của người họa sĩ ”.
Tưởng nhớ Rubens
Ngay cả những bức tranh tối màu trên tường cũng tôn vinh nghệ thuật hội họa bằng cách bày tỏ sự tôn kính đối với người bạn tốt của Velázquez, họa sĩ Peter Paul Rubens theo trường phái Flemish Baroque. Người họa sĩ hoàng gia đã gặp và trở thành bạn tốt của Rubens khi ông làm việc trong sáu tháng tại cung điện vào năm 1628.
Có những tình tiết hầu như không thể nhận thấy trong các bức tranh, là những cảnh trong các tập thơ “Sự biến hóa” của Ovid, kể về những vị thần như Minerva và Arachne, cũng như Pan và Apollo. Chúng không chỉ tôn vinh Rubens mà còn đề cập sự kết nối của đức vua với thiên đàng. Velázquez có được đặc quyền tiếp cận bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của cung điện, nơi lưu giữ nhiều kiệt tác của danh họa Rubens.
Bút pháp tả thực
Tác phẩm nghệ thuật có kích thước 2mx3m thể hiện phong cách vẽ thực tiếp giàu cảm xúc của Velázquez, mang tính chân thực và đi trước thời đại. Ông đã sử dụng nhiều kỹ pháp khác nhau để thể hiện chính xác chi tiết và nhiều sắc thái, bao gồm các nét vẽ phóng khoáng, bóng mờ, sử dụng sự tương phản ánh sáng, màu sắc và hình dáng. Ông có một góc nhìn các chi tiết nhạy bén vượt trội so với những người đồng sự của mình.
Họa sĩ Velázquez đã vận dụng một cách tài tình kỹ thuật chiaroscuro – xử lý ánh sáng và bóng tối trong một bức tranh để tạo ra độ tương phản ấn tượng, đặc biệt là nhân vật công chúa nhỏ nhận được nhiều ánh sáng chiếu trực tiếp nhất qua một cửa sổ.
Người nghệ sĩ đã tạo nên một tác phẩm nhằm thu hút ánh nhìn của người xem vào xung quanh bố cục. Ví dụ, việc ông sử dụng các đường chéo, chẳng hạn như đường đậm của mép vải, kéo chúng ta hướng về phía công chúa. Mặt phẳng thẳng đứng tạo ra tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh để dẫn hướng ánh mắt của chúng ta lên trên, sau đó lại trở xuống và tạo ấn tượng thị giác về sự chuyển động.
Nghệ thuật vẽ tranh hoàng gia
“Những người thị nữ” không phải là một bức tranh hoàng gia, mà là một khung cảnh nội bộ của gia đình hoàng gia mà những công chúng phổ thông không cơ có hội nhìn thấy. Thần dân của nhà vua (và người xem ngày nay) giờ đây đã có thể quan sát những gì đang diễn ra trong cung điện riêng tư của nhà vua thông qua bức tranh này.
Trong “Hồi ký” của mình, cô con gái của một quý ông làm việc tại cung điện của vua, Madame de Motteville, người có mặt tại sự kiện này, viết về công chúa nhỏ: “Nàng ấy được chào đón với niềm tôn kính lớn lao, rất ít người được tiếp cận với nàng và đó là một vinh dự đặc biệt khi chúng tôi được sự ưu ái cho phép ở lại trước cửa phòng của nàng.”
Tác phẩm này, tương tự như “Nghệ thuật hội họa” của danh họa Johannes Vermeer, thể hiện tầm quan trọng nghệ thuật của người họa sĩ, cũng như giá trị và vị trí của nó trong văn hóa xã hội. Theo TheArtStory, “Tác phẩm này là một lý lẽ trực quan minh chứng phẩm chất của hội họa, trách nhiệm của người họa sĩ trong việc khám phá những viên ngọc quý của một khoảnh khắc thân mật, mang lại cho họ cảm quan về cuộc sống và thể hiện chúng một cách trực quan để người dân thế giới thưởng lãm.”
Bức tranh đã trải qua nhiều cái tên khác nhau. Lần đầu tiên nó được biết đến với cái tên “Chân dung của Hoàng hậu cùng các thị nữ và một chú lùn” vào năm 1666, sau đó đổi thành tên “Gia đình của Vua Philip IV” vào năm 1734, và trước tên gọi hiện tại là tên “Gia đình.”