Bức tranh ‘Cô dâu của Bertuccio’
Ta thường cố chấp và ra sức tranh đoạt với niềm tin chắc chắn rằng việc tích lũy tài phú là hành động khôn ngoan vì rõ ràng nó sẽ đảm bảo cho ta một cuộc sống dễ chịu. Tuy nhiên, trên thực tế, khi con người cứ mãi bị cuốn theo việc truy cầu những gì không phải của mình, họ lao tâm khổ trí đến nỗi khó mà có được một giấc ngủ yên lành.
Gần đây, tôi đã xem qua một họa phẩm có tên ‘Cô dâu của Bertuccio,’ được sáng tác bởi họa sĩ Edward Robert Hughes. Bức tranh nhằm tuyên dương lòng bác ái và đức hi sinh. Câu chuyện của Bertuccio cho đọc giả một cảm thụ rằng trí tuệ, ở mức cao nhất, chính là khi ta có thể vui vẻ buông bỏ với một phong thái bao dung.
Truyện về Bertuccio
Câu chuyện về Bertuccio, nằm trong tuyển tập truyện ngụ ngôn The Nights of Straparola của tác giả Giovanni Francesco Straparola, một nhà văn người Ý sống ở thời kỳ Phục hưng. Để có thể lĩnh hội tranh của Hughes, đầu tiên ta phải biết về câu chuyện của Bertuccio.
Bertuccio đáng thương mất cha khi vừa15 tuổi. Người cha qua đời để lại cho anh một gia tài nho nhỏ – 300 đồng ducat, nhưng ngặt một nỗi, đến khi Bertuccio 25 tuổi, Bertuccio mới có quyền thừa kế khoản tiền này. Khi anh tròn 25, anh đã xin mẹ 100 đồng ducat từ số 300 đồng ducat mà cha để lại. An vốn là người ngờ ngệch, nên khi đưa số tiền trên, người mẹ không ngừng căn dặn Bertuccio rằng phải sử dụng tiền thật khôn ngoan, đừng để số tiền đó mất đi một cách uổng phí.
Bertuccio và Người đàn ông bị giết chết
Một ngày sau khi nhận được món tiền thừa kế, Bertuccio đã vô tình chạm mặt một tên cướp – đồng thời tên cướp ấy cũng là một kẻ sát nhân. Khi thấy hắn đang dày vò tử thi của một người mà hắn vừa cướp, Bertuccio khẩn khoản van này để được trao đổi 80 đồng ducat hòng chuộc về xác của nạn nhân xấu số kia. Thế là tên sát nhân đã đồng ý trao anh tử thi với giá 80 đồng ducat. Sau đó, Bertuccio mang thi thể đó đến một nhà thờ và anh cũng không ngần ngại bỏ ra 20 đồng ducat còn lại để thực hiện việc an táng nạn nhân.
Khi anh về nhà, người mẹ đã chất vấn anh vì lẽ gì mà 100 đồng ducat đã bị tiêu mất một cách chóng vánh đến như thế. Bertuccio đã từ tốn giải thích cách mà anh đã dùng khoản tiền đó. Nghe xong, người mẹ nổi giận, tuy nhiên, Bertuccio không những cảm thấy hành động của anh thật đúng đắn, mà còn tỏ ra vui vẻ mặc cho sự ngao ngán của người mẹ.
Bertuccio và công chúa
Không lâu sau đó, Bertuccio xin mẹ 200 đồng ducat còn lại. Mẹ anh, phần vì vẫn còn ấm ức, phần vì đã khô cạn lòng tin đối với đứa con ngốc nghếch đó, miễn cưỡng đưa anh số tiền, bà giận dữ quát: “Cầm tiền và biến đi, đừng về đây nữa!” Dù phải nghe những từ ngữ nặng nề, anh vẫn vô tư và hứa với mẹ rằng mình sẽ sử dụng khoản tiền này cho những thứ chính đáng.
Bertuccio lại lên đường và thấy hai tên lính đang tranh giành một cô gái mà chúng bắt được. Bertuccio một lần nữa can thiệp và nói với những người lính rằng anh sẽ chuộc cô gái ấy với giá 200 đồng ducat. Nhận thấy món hời, hai người liền lính đồng ý và chia nhau số tiền.
Sau đó, Bertuccio liền đưa cô gái về nhà gặp mẹ. Anh kể với mẹ rằng anh vừa bỏ ra 200 đồng tiền để đổi lấy sự tự do của một cô gái và giờ đây cô và mẹ có thể bầu bạn cùng nhau. Theo lẽ thường tình, mẹ anh không thể kiềm được cơn nóng giận và thậm chí quở anh hãy chết đi. Bà mẹ quả quyết rằng gia đình bà rồi cũng có ngày kết thúc trong tay thằng con khờ khạo này. Tuy nhiên, vẫn như mọi lần, Bertuccio không hề tỏ ra bận tâm trước những lời chì chiết, mặt khác, anh ra sức an ủi bà mẹ.
Lễ cưới và đức hy sinh của Bertuccio
Tuy nhiên, hai mẹ con Bertuccio không hề biết rằng cô gái trẻ đó chính là công chúa Tarquinia, con gái của đức vua Novarra. Nhà vua sầu não vì mất con, đã cử binh lính truy tìm tung tích công chúa. Cuối cùng, quân lính đã tìm ra cô tại nhà của Bertuccio, và trước khi công chúa cùng quân lính trở về lâu đài, Bertuccio không quên chúc cô sức khỏe và bình an. Trước khi công chúa Tarquinia rời khỏi nhà của Bertuccio, cô đã nói với anh rằng khi nhà vua ban chiếu tuyển phò mã, anh phải lập tức đến trước lâu đài và ra hiệu cho cô với bàn tay phải đặt trên đầu. Bertuccio đồng ý.
Không lâu sau đó, đức vua bố cáo khắp vương quốc rằng công chúa Tarquinia cần một chàng phò mã để kết hôn, thế là những người muốn cầu hôn công chúa từ khắp mọi nơi kéo nhau hướng về tòa lâu đài. Nghe được tin, Bertuccio lập tức nhảy lên con ngựa già nua và gầy gò của mình, rảo những bước chậm chạp hướng đến lâu đài hoàng gia. Trên đường đi, anh tình cờ gặp một chàng quý tộc giàu có, người này hỏi Bertuccio rằng anh ta đang đi đâu. Bertuccio đã thuật lại toàn bộ câu chuyện cho nhà quý tộc. Biết được sự việc trên, chàng quý tộc không những không cảm ơn, trái lại, anh cho biết mình sẽ đi cầu hôn công chúa và không quên đe dọa Bertuccio.
Không hề dao động trước lời hăm dọa, Bertuccio còn thúc giục chàng quý tộc hướng đến lâu đài và chúc anh ta may mắn trong việc giành được tình cảm của công chúa. Quá đỗi ngạc nhiên trước cách hành xử của Bertuccio, chàng quý tộc quyết định làm một điều lạ lùng, đó chính là đặt cược vào Bertuccio. Chàng đưa cho Bertuccio con tuấn mã khỏe mạnh mà mình đang cưỡi cùng với trang phục mới của mình để đổi lấy việc Bertuccio đồng ý chia cho nhà quý tộc một nửa số quà từ đức vua. Bertuccio đã đồng ý và cưỡi trên con ngựa mới được nhận hướng đến lâu đài.
Cô dâu của Bertuccio
Con tuấn mã và trang phục mới khiến Bertuccio nổi bật giữa những người cầu hôn khác đang tụ họp đông đúc tại lâu đài. Và khi thời khắc phù hợp đã đến, Bertuccio dùng tay ra hiệu, công chúa Tarquinia đã nhận ra anh và nhanh chóng chọn anh làm phò mã. Sau đó, cặp đôi đã có một hôn lễ hạnh phúc.
Trên đường trở về nhà của Bertuccio, đôi vợ chồng mới cưới tình cờ gặp phải chàng quý tộc. Thấy Bertuccio, anh chàng quý tộc liền đòi phần thưởng của mình, và Bertuccio sẵn sàng trao lại một nửa số tiền mà anh ta nhận được. Tuy nhiên, chàng quý tộc còn đòi hỏi về việc cắt đôi công chúa Tarquinia. Nhưng làm sao họ có thể cắt đôi cô công chúa cơ chứ. Bất ngờ thay, Bertuccio đã đề nghị với chàng quý tộc rằng anh sẽ nhường nàng công chúa đó và còn không quên cảm ơn lòng tốt của chàng quý tộc.
Sửng sốt trước sự vô tư của Bertuccio, chàng quý tộc tiết lộ rằng mình chính là linh hồn của người đàn ông bị tên cướp sát hại. Để báo đáp tấm lòng trượng nghĩa của Bertuccio, chàng đã tặng Bertuccio rất nhiều của cải. Về tới nhà, người mẹ của Bertuccio vô cùng ngạc nhiên với sự hiện diện của một công chúa và tất cả của cải mà có nằm mơ bà cũng không thể thấy được.
Bức tranh ‘Cô dâu của Bertuccio’ của tác giả Hughes
Bức tranh của Hughes miêu tả khoảnh khắc Bertuccio sẵn lòng trao một nửa quà tặng của nhà vua cho chàng quý tộc. Nổi bật giữa bức ảnh là Bertuccio, với chiếc áo choàng sắc cam ấm áp trên nền màu xanh lam và xanh lá dịu mát. Anh quỳ một gối, ngước nhìn nhà quý tộc và hai tay chỉ về những báu vật nằm ở góc phải bên dưới bố cục.
Trong tranh, chàng quý tộc mặc trang phục tồi tàn đầy lỗ thủng của Bertuccio, vì trước đó họ đã hoán đổi trang phục trước khi Bertuccio đến lâu đài. Chàng quý tộc dựa mình vào gốc cây, vẻ mặt dửng dưng. Anh ta nhìn xuống Bertuccio, tay cầm chặt thanh kiếm toan chặt công chúa làm đôi.
Góc đằng sau bên trái khung tranh là người vợ mới cưới của Bertuccio, Công chúa Tarquinia. Cô ấy đang dõi theo cuộc hội thoại với nỗi sợ rằng mình sẽ bị cắt làm đôi. Ở đằng xa góc phải khung tranh, hai chú ngựa đang nhìn ra phong cảnh tuyệt sắc.
Tinh thần quý tộc vô tư vô ngã / Chàng quý tộc hòa ái
Câu chuyện của Straparola đặc biệt ở chỗ chúng thay đổi quan niệm của người đọc về sự cao quý và sự giàu sang. Rõ ràng, những nhân vật của ông luôn thiếu đi một thứ gì đó: người mẹ thiếu một người con thông minh; xác chết không được tôn trọng và thiếu đi một tang lễ; công chúa thiếu mất tự do; và nhà vua thì thiếu cô công chúa của mình.
Đối với những nhân vật phụ, họ hành động để đoạt được thứ mình mong muốn: Những tên lính muốn cô gái nên chúng bắt cóc công chúa, tên trộm muốn có tiền nên hắn cướp của và giết người, chàng nhà quý tộc muốn một nửa của cải từ Bertuccio và đề nghị cắt cô dâu làm đôi.
Tuy nhiên, nhân vật Bertuccio không sống theo cách này. Anh không xem mình là người thiếu thốn và vì vậy anh không ra sức tranh đoạt. Thay vào đó, anh như thế trải nghiệm cuộc sống từ góc nhìn của một người có đời sống đủ đầy. Anh muốn cho đi những gì mình có, anh muốn làm điều lợi lạc cho tha nhân. Đối lập với sự bất hạnh của nhiều nhân vật, sự giàu có của Bertuccio, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, đến từ việc anh bằng lòng với những gì mình có và anh cũng sẵn sàng vui vẻ để buông bỏ. Có thể nói, anh ta giàu có về vật chất và cũng giàu về tinh thần bởi vì anh ta không tự tư ích kỷ
Những mảng miếng đối lập mà tác giả dùng để khắc họa nhân vật Bertuccio vô cùng thú vị: Bertuccio, dù đã trở thành người giàu có, nhưng anh lại quỳ dưới chân chàng quý tộc và đề nghị chia một nửa tài sản của mình, rõ ràng khi ấy Bertuccio là người giàu có hơn.
Dĩ nhiên, dù sao thì chàng quý tộc cũng sẽ tiết lộ thân phận của anh (chính là linh hồn người đã chết,) có lẽ anh muốn dò xét Bertuccio để chắc rằng Bertuccio xứng đáng với sự giàu có đó. Nhưng có một sự thật thú vị rằng Bertuccio hòa ái được họa sĩ lột tả như một nhà quý tộc giàu có, còn chàng quý tộc giàu có – khi ấy đang cầm kiếm toan cắt đôi công chúa – ngược lại, được khắc họa trong trang phục hàn vi của chính Bertuccio với gương mặt kém sắc. Nói cách khác, tác giả muốn xoáy sâu vào thông điệp rằng người thực sự giàu có là người sẵn sàng cho đi chứ không phải là người luôn nhọc lòng tranh đoạt.
Bertuccio được khắc họa ở khoảnh khắc ngay trước khi anh sắp nhận được sự đền đáp, điều vượt xa những thứ anh đã buông bỏ. Vậy phải chăng tác phẩm của danh họa Hughes đã hàm chứa một thông điệp rằng ai cũng sẽ nhận được sự báo đáp nếu anh ta sẵn lòng buông bỏ. Liệu tác giả có ngụ ý rằng chính tính cách khiêm nhường của Bertuccio là ngọn nguồn của sự sung túc mà anh có được? Vậy liệu tác phẩm của Hughes về anh chàng Bertuccio có nên được xem là một ví dụ về một khái niệm khác về sự cao quý: một người có lòng bác ái, vô tư vô ngã, người có thể xem nhẹ những ham muốn thế gian.
Bạn đã bao giờ bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật mà bạn cho rằng tác phẩm đó rất có giá trị nhưng bạn lại không biết ý nghĩa đằng sau của tác phẩm đó? Trong loạt bài Hướng vào nội tâm: những gì Nghệ thuật truyền thống mang đến cho tâm hồn, chúng tôi xin phép được diễn giải nghệ thuật cổ điển chiểu theo quan niệm đạo đức của xã hội ngày nay. Chúng tôi tiếp cận từng tác phẩm để xem cách mà những sản phẩm lịch sử đó đề cao tố chất đạo đức sẵn có trong mỗi chúng ta.
Eric Bess là một nghệ sĩ thuộc trường phái Nghệ Thuật Đại Diện và là ứng viên tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: