Bức tranh ‘Bữa tối cuối cùng’ của Leonardo đưa hội họa lên một tầm cao mới
Trước cuộc thi Vẽ tranh Chân dung Quốc tế Trung Quốc thường niên lần thứ hai năm 2015, The Epoch Times có dịp thưởng lãm những tuyệt phẩm của các bậc thầy trong quá khứ, đặc biệt là các tác phẩm của thời kỳ Phục Hưng.
Những thiên tài của thời Phục Hưng như Leonardo, Michelangelo và Raphael có mối liên kết chặt chẽ với nhau về phong cách, độ tinh xảo và xu hướng quay về với văn hóa cổ điển.
Giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Columbia, David Rosand sẽ giúp chúng ta lần theo sợi chỉ của những bậc thầy đã dệt nên tấm thảm của thời Phục Hưng.
Theo Tiến sĩ Rosand, Giorgio Vasari đã để lại dấu ấn trong thời kỳ Phục Hưng với sự tập trung đặc biệt vào Florence. Florence là nơi Rosand yêu thích, cũng là quê hương của cả Leonardo và Michelangelo, cả hai đều là bạn của Vasari. Vasari đã chia thời kỳ hưng thịnh này thành ba giai đoạn, tương ứng với các thế kỷ 14, 15 và 16.
Tiến sĩ Rosand cho rằng thời kỳ Phục Hưng thực sự bắt đầu từ Leonardo. “Trên thực tế, những gì Leonardo làm thật ra là tập hợp toàn bộ những tiến bộ trong nghệ thuật thế kỷ 15”.
Đan dệt kiến thức chuyên sâu về toán học, phối cảnh hội họa ra đời. “Điều cốt yếu đối với hội họa Tây phương từ thế kỷ 15 là nghệ thuật phối cảnh, tức là dựng hình phối cảnh — việc tạo dựng không gian ba chiều ảo dựa trên toán học, hoặc hình học ứng dụng,” Rosand cho biết.
Bữa tối cuối cùng
Những vị thánh, các vấn đề và sự kiện liên quan đến tôn giáo từng là chủ đề chính trong nghệ thuật Tây phương trước thời kỳ Phục Hưng. Bức tranh tường “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci “đưa ra cho chúng ta một chủ đề rất cơ bản trong nghệ thuật Tây phương, nghệ thuật Cơ Đốc Giáo Tây phương.”
Leonardo có chút thiếu kiên nhẫn trong phương pháp vẽ tranh tường cũ, đó là trộn bột màu với thạch cao ướt. Trong quá trình này, ông đã thử nghiệm với các công cụ khác nhau để làm cho bức tranh không giống những bức bích họa khác.
Tiến sĩ Rosand nói rằng cách tiếp cận của Leonardo đạt kết quả khá hạn chế. “Ngay trong thời của ông, bức tranh đã bị bong tróc khỏi tường. Kể từ đó bức bích họa hư hoại nhiều và bị sơn đi sơn lại nhiều lần. Lần trùng tu gần đây nhất về cơ bản đã loại bỏ toàn bộ phần bị sơn lại”.
Lịch sử nghệ thuật mô tả nhiều về cảnh này trong cuộc đời của Chúa Jesus. Nhưng tác phẩm của Leonardo đã đặt ra một sự chuẩn mực, theo Rosand. “Nó đã trở thành một tác phẩm đại diện quan trọng nhất của Bữa tối cuối cùng. Những gì ông ấy làm là tập hợp những cá nhân chuẩn mực, cụ thể là Chúa Jesus và các tông đồ xung quanh bàn ăn”.
Không giống như các họa sĩ khác, Leonardo sắp đặt các đối tượng theo một phong cách riêng. “Việc bố cục 12 môn đồ một cách chuẩn mực trong bức tranh cho thấy ý đồ của Leonardo là để họ ngồi dọc theo toàn bộ bàn”. Một trong những khía cạnh quan trọng trong bố cục của Leonardo là ông đã chia 12 người thành bốn nhóm ba người… và mỗi người trong nhóm ba người phản ứng có chút khác nhau. ”
Leonardo đã thể hiện các nhân vật theo cách riêng của mình, với những chi tiết như khuôn mặt đỏ bừng của Judas báo hiệu ông ta đang có ý định phản bội, và những nét tính cách nhỏ của các môn đệ khác. Một trong những yếu tố chính của bữa ăn đó thể hiện đức tin Công Giáo. Chúa Jesus chỉ ra rằng “bánh thánh tượng trưng cho thịt của Ngài và rượu tượng trưng cho máu của Ngài. Thịt của Ngài là bánh của Tiệc Thánh”.
Với nỗ lực trùng tu, du khách đến thăm tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, có thể thấy tác phẩm “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo thật sự là một kiệt tác thời Phục Hưng.
Giáo sư Rosand của Đại học Columbia đã hai lần giữ chức vụ chủ nhiệm Khoa Lịch sử Nghệ thuật và Khảo cổ học, Giám đốc Khoa Nhân văn Nghệ thuật, và là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu sinh về Nhân văn. Ông hiện là chủ tịch Ủy ban Phòng trưng bày Nghệ thuật Wallach của bộ.
Bài báo này được hoàn thành với thông tin bổ sung của NTDTV.
Hazelle Wang
Phương Du biên dịch
Xem thêm: