Một biên lai đầy kinh ngạc cho một bữa ăn McDonald’s trị giá 16 USD được đăng trên TikTok hồi năm ngoái đã xuất hiện trở lại và lan truyền rộng rãi, cho thấy biết bao nhiêu người Mỹ đang phải gặp khó khăn với giá cả thực phẩm tăng vọt.
Khởi đầu chỉ là một video TikTok đơn giản mà giờ đây đã trở thành biểu tượng của nỗi lo lắng về kinh tế, khi một số người cho rằng chiếc bánh burger đắt đỏ đó là do sự quản lý kinh tế kém cỏi của Tổng thống (TT) Joe Biden. Các video tương tự đã bùng phát trên TikTok khi lạm phát vẫn là một chủ đề sôi nổi, đặc biệt là trong thế hệ Millennials (Thế hệ Thiên Niên Kỷ, hay còn gọi là Gen Y) và Thế hệ Z (Gen Z).
Trong khi đó, một số hãng thông tấn cho rằng những video như vậy có thể thúc đẩy nhận thức tiêu cực về cả nền kinh tế và chính phủ của TT Biden, có thể gây ra tâm lý bi quan quá mức, đặt ra một thách thức đối với nỗ lực tái tranh cử của tổng thống.
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 20/12/2022, khi một người đàn ông tên Topher Olive đến cửa hàng McDonald’s địa phương ở Post Falls, Idaho, và gọi món burger Smoky BLT Double Quarter Pounder với khoai tây chiên và Sprite. Trước sự ngạc nhiên của ông, hóa đơn cho thấy tổng cộng 16.10 USD.
“Tôi hiểu là đang thiếu lao động. Tôi hiểu là có tăng lương và một số thứ khác. Nhưng 16 USD — 16 USD cho một chiếc burger, một phần khoai tây chiên lớn, và một đồ uống. Thật là điên rồ,” ông nói trong một video TikTok khi chia sẻ biên lai cho hóa đơn đồ ăn nhanh đắt đỏ của mình.
Điều đáng chú ý là video đã bỏ qua chi tiết rằng món này trong thực đơn là món được bán ra trong thời gian giới hạn tại McDonald’s, bao gồm miếng thịt bò tươi nặng 1/4 pound (113 gr) mới được chế biến.
Ngay sau khi video được chia sẻ, bài đăng của ông Olive đã thu hút hơn 125,000 lượt xem. Hồi đầu tháng Mười Một này, tức 11 tháng sau, bài đăng này đã tạo lại được sức hút sau khi báo cáo thu nhập của McDonald’s được công bố. Báo cáo này đã vượt quá mong đợi của Wall Street. Công ty cho rằng doanh thu tăng trong quý 3 là do “tăng giá thực đơn chiến lược.”
Mới đây, nhiều tổ chức thông tấn đã săn đón câu chuyện về chiếc burger đắt đỏ của ông Olive. Chẳng hạn như New York Times và The Washington Post đã điều tra xem liệu các bài đăng trên TikTok nói chung có đang khiến cử tri tức giận đối với Tổng thống Biden hay không.
Một số hãng thông tấn mô tả video được lan truyền vừa qua như một ví dụ thổi phồng về những khó khăn kinh tế của đất nước. Họ cho rằng trong khi những chiếc bánh mì kẹp thịt mới lạ, chẳng hạn như Smoky BLT Double Quarter Pounder có lượng giới hạn, đắt tiền thì các mặt hàng phổ biến khác, chẳng hạn như Big Mac, lại không thấy tăng giá nhiều.
Theo chỉ số Big Mac của tạp chí The Economist, giá trung bình của một chiếc Big Mac ở Hoa Kỳ trong tháng Sáu là 5.58 USD, tăng 70 cent so với mức 4.89 USD trước khi TT Biden nhậm chức.
Những video lan truyền này đang đặt ra một thách thức đối với chính phủ của TT Biden, vốn đang gặp phải sự bất mãn của công chúng về nền kinh tế bất chấp những dấu hiệu đáng khích lệ trong những tháng gần đây như tỷ lệ lạm phát thấp hơn và tăng trưởng kinh tế tốt hơn mong đợi.
Theo bà Karen Hult, một giáo sư khoa học chính trị tại Virginia Tech, các bài đăng trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng phản ánh sự thật, và có thể phóng đại hoàn cảnh của mọi người, tuy nhiên, các bài đăng này vẫn có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà nói với The Epoch Times rằng, có điều chưa rõ ràng là bao nhiêu người xem những video đó và liệu những video đó có thể ảnh hưởng đến cách họ bỏ phiếu hay không. Bà Hult tin rằng các video lan truyền “có thể bị phóng đại quá mức về sự tác động có thể có” đối với cuộc bầu cử sắp tới.
Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp đề nghị bình luận của The Epoch Times.
‘Khủng hoảng thầm lặng’
Cô Mackenzie, một y tá có giấy phép hành nghề, nằm trong số hàng triệu người Mỹ đang cố gắng kiếm đủ chi tiêu cho cuộc sống. Trong một video TikTok mới đây, cô kể chi tiết những khó khăn tài chính của gia đình mình.
“Chúng tôi vừa nhận lương hôm thứ Sáu vừa qua. Chúng tôi đã trả tiền vay mua nhà, mua một số đồ bách hóa, và đổ xăng. Mọi người ơi, hôm nay là thứ Ba,” cô nói.
Cô khóc nức nở và gục xuống trước ống kính khi giải thích rằng họ chỉ có 300 USD để sống cho đến thứ Sáu tuần sau.
“Tôi không biết phải làm gì. Tôi đang rất căng thẳng. Đây không phải là cách mọi chuyện nên diễn ra,” cô nói.
Video của cô đã lan truyền, thu hút 1.6 triệu lượt xem và hơn 20,000 bình luận trên TikTok.
Giống như cô Mackenzie, nhiều người có ảnh hưởng đang chuyển sang TikTok để bày tỏ sự thất vọng của họ về nền kinh tế. Các hashtag như “SilentDepression” (Khủng hoảng thầm lặng) rất phổ biến trên nền tảng này, và một số bài đăng đã đi đến mức tạo ra sự tương đồng giữa năm 2023 và cuộc Đại suy thoái ở Hoa Kỳ.
Theo các bản tin, Tòa Bạch Ốc lo ngại rằng các video lan truyền này có thể làm lu mờ thông điệp lạc quan “Bidenomics” của tổng thống.
Đầu năm nay, chính phủ TT Biden thông báo rằng họ đang tiến hành đánh giá an ninh quốc gia đối với TikTok do Trung Quốc sở hữu và cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, chiến dịch tái tranh cử của TT Biden đang hợp tác với những người sáng tạo nội dung TikTok để thúc đẩy lối đưa tin tích cực về nền kinh tế.
Hết cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác cho thấy vị tổng thống thứ 46 đang đang gặp khó khăn trong việc đạt được lòng tin của cử tri Mỹ bằng nghị trình kinh tế của mình.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của NBC News, tỷ lệ tín nhiệm công việc của TT Biden đã đạt mức thấp nhất chưa từng có kể từ khi ông nhậm chức, với chỉ 40% cử tri đã ghi danh tán thành thành tích của ông.
Chỉ có 31% cử tri từ 18 đến 34 tuổi bày tỏ sự tán thành đối với hiệu quả công việc của tổng thống, đánh dấu mức giảm đáng chú ý so với mức 46% trong tháng Chín.
Các cuộc thăm dò mới đây cũng cho thấy rằng trong một cuộc tổng tuyển cử đối đầu giả định, cựu TT Donald Trump đang dẫn trước TT Biden. Một số cuộc khảo sát cho thấy cử tri tin tưởng cựu TT Trump hơn TT Biden khi nói về việc giải quyết các vấn đề kinh tế.
Theo ông Merrill Matthews, một học giả chính thức của Viện Đổi mới Chính sách, một tổ chức nghiên cứu về chính sách công vụ, “công chúng vẫn đang mang tâm trạng rất khó chịu” về nền kinh tế.
Lạm phát đã gây thiệt hại đáng kể cho nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hơn, ảnh hưởng đến các nhu yếu phẩm như thực phẩm, xăng dầu, và chi phí nhà ở. Trên hết, lãi suất tăng cao đã khiến họ gặp khó khăn trong việc bảo đảm các khoản vay mua nhà với giá phải chăng.
“Tôi nghĩ tất cả những điều đó đang tác động tiêu cực đến mọi người,” ông Matthews nói với The Epoch Times.
Ông nói, bất kể nền kinh tế có sự cải thiện, những khó khăn cá nhân này đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của mọi người, làm nổi bật sự mất kết nối giữa dữ liệu kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính cá nhân.
Tỷ lệ lạm phát đã chậm lại trong những tháng gần đây, vốn là điều đáng tự hào đối với TT Biden. Tuy nhiên, nhìn chung, giá cả đã tăng gần 18% kể từ khi ông nhậm chức — hơn 20% đối với thực phẩm, khoảng 55% đối với xăng dầu, và 18% đối với nhà ở, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ.
Quyền lực ngày càng tăng của Gen Z
Trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, 40.8 triệu người thuộc Thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996) sẽ đủ điều kiện bỏ phiếu, mang lại cho những người trẻ này ảnh hưởng chính trị to lớn. Khi quyền biểu quyết của họ được kết hợp với quyền biểu quyết của thế hệ Millennials, họ có thể chiếm số phiếu bầu vào năm tới tương đương với những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomer) và những người cao niên.
Theo bà Hult, một số nghiên cứu cho thấy rằng mọi người có xu hướng hình thành nhận thức về hiệu quả kinh tế khoảng sáu tháng trước cuộc bầu cử.
Ngay cả khi nền kinh tế được cải thiện trong những tháng trước cuộc bầu cử, việc thay đổi nhận thức của người dân vẫn trở thành một thách thức. Điều này đã được chứng minh qua việc TT George H.W. Bush đã thua TT Bill Clinton trong cuộc tái tranh cử năm 1992.
“Cơ hội dành cho Đảng Dân Chủ đang khép lại khá nhanh,” bà Hult nói.
Ngày càng nhiều người Mỹ, đặc biệt là cử tri trẻ, cũng đang mất niềm tin vào giấc mơ Mỹ vì sự bi quan đang diễn ra về nền kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Wall Street Journal/NORC, niềm tin vào giấc mơ Mỹ, vốn cho rằng làm việc chăm chỉ có thể đưa đến sự thịnh vượng bất kể xuất thân của một người, đã giảm đáng kể ở người Mỹ. Chỉ 36% số người được hỏi trong cuộc khảo sát vẫn tin vào giấc mơ Mỹ, giảm từ mức 53% vào năm 2012 và 48% vào năm 2016.
Những thách thức đối với TT Biden liên quan đến TikTok và các video lan truyền nói chung vượt xa một chiếc bánh mì kẹp thịt trị giá 16 USD.
Nói chuyện với The Epoch Times, ông Arthur Herman, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson cho biết, chẳng hạn như TikTok đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá tuyên truyền ủng hộ Hamas, đồng thời hạ thấp và che giấu thông tin liên quan đến lợi ích của Israel và Hoa Kỳ ở Trung Đông kể từ cuộc tấn công vào Israel hôm 07/10.
Đây lại là một điểm đáng lo ngại khác đối với TT Biden. Cách ông xử trí trước cuộc chiến Israel-Hamas đã góp phần khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông gần đây bị sụt giảm. Cuộc thăm dò mới đây của NBC News cho thấy 70% số người được hỏi từ 18 đến 34 tuổi không tán thành cách TT Biden xử trí trước xung đột Hamas-Israel.
Mối lo ngại về an ninh quốc gia
Cả chính phủ cựu TT Trump và chính phủ đương nhiệm đều cân nhắc việc cấm TikTok, một trong những ứng dụng di động phổ biến nhất ở nước này, với khoảng 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Vấn đề cốt lõi dẫn đến phản ứng dữ dội hiện nay đối với ứng dụng này nằm ở chỗ chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng này, ByteDance, có quyền truy cập vào dữ liệu rộng rãi của hàng triệu người Mỹ. TikTok thu thập lượng thông tin cá nhân đáng kể, làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể buộc chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ dữ liệu về người dùng ở Hoa Kỳ.
Thuật toán của TikTok được biết là rất phức tạp. Ông Herman lập luận rằng ứng dụng do Trung Quốc sở hữu này có thể kiểm soát người dùng một cách rất tinh vi và tham gia vào hoạt động “tẩy não.”
“Ứng dụng này có thể gây ảnh hưởng và thao túng người dùng Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, theo những cách có lợi cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc nhưng cũng có thể được sử dụng để làm suy yếu lợi ích quốc gia của chúng ta,” ông nói với The Epoch Times.
“Đây là một công ty hoạt động theo chỉ thị của … Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Tuy nhiên, cuộc bầu cử vào năm 2024 đang khiến tình hình trở nên phức tạp hơn vì các ứng cử viên chính trị — hầu hết là Đảng Dân Chủ nhưng cũng có cả thành viên Đảng Cộng Hòa — đang sử dụng TikTok như một công cụ quan trọng để tiếp xúc cử tri.
Ông Herman cho rằng Quốc hội ngày càng gặp khó khăn trong việc ngăn cấm TikTok vì các ứng cử viên đang sử dụng ứng dụng này trong kho vũ khí chính trị của họ.