Bồi dưỡng tâm đồng cảm cho con, giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc khỏe mạnh
Một trái tim biết đồng cảm và thương yêu là nền tảng quan trọng cho sự phát triển cả về thể chất và nhân cách của trẻ.
Theo tâm lý học, so với chỉ số thông minh IQ thì chỉ số cảm xúc EQ là yếu tố quan trọng hơn để đạt được thành công trong cuộc sống.
Các nghiên cứu cho thấy tâm đồng cảm cũng là một kỹ năng sống giúp chúng ta giữ gìn các mối quan hệ tốt đẹp và thành tựu sự nghiệp. Với con trẻ, tâm đồng cảm sẽ giúp chúng hiểu rõ tác hại của việc ức hiếp người khác, từ đó giữ vững bản thân trước những hành động ác ý đó. Việc bồi dưỡng cho con có tâm đồng cảm cũng là nền tảng trọng yếu để ngăn chặn bạo lực học đường.
Một số người cho rằng tâm đồng cảm là tố chất bẩm sinh, nhưng trên thực tế tố chất ấy lại thông qua việc bồi dưỡng mà hình thành nên. Một số phương pháp dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ bồi dưỡng tâm đồng cảm cho con cái mình:
1. Đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ
Để trẻ có thể cảm nhận và bày tỏ sự cảm thông với người khác, đầu tiên cần phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình cảm của trẻ. Trẻ em cần được hỗ trợ tinh thần từ cha mẹ hoặc người chăm sóc, chỉ khi đó chúng mới có thể dành tình cảm cho người khác.
2. Dạy trẻ đối phó với những cảm xúc tiêu cực
Đối với trẻ nhỏ và người trưởng thành, việc xuất hiện các loại cảm xúc tiêu cực như ghen tỵ hay tức giận là điều rất tự nhiên. Tuy nhiên khi giáo dục con cái, các bậc cha mẹ nên dùng thái độ tích cực như khoan dung, nhẫn nại… để xử lý loại cảm xúc này, như vậy con trẻ sẽ càng mạnh mẽ hơn về trí tuệ cảm xúc (EQ) và biết đồng cảm, chia sẻ với bạn bè.
3. Để trẻ tự mình trải nghiệm: “Nếu là con, con sẽ có cảm nhận như thế nào?”
Trời sinh mỗi em bé đều thiện lương, khi nhìn thấy một ai đó đang đau khổ thì tâm đồng cảm của chúng sẽ biểu hiện ra, và sẽ nghĩ cách an ủi người đó.
Bên cạnh đó, mỗi đứa trẻ sinh ra đều tự cho mình là trung tâm. Ví dụ, khi một em bé ở trường mầm non tranh giành đồ chơi với bạn bè thì cha mẹ cần giải thích hành vi này sẽ làm tổn thương đến người khác như thế nào. Hãy thử nói với con: “Nếu như có ai lấy mất đồ chơi của con, con sẽ cảm thấy như thế nào?”, hoặc: “Nếu có người đánh con, con sẽ cảm thấy như thế nào?”.
Cha mẹ cần hiểu rõ cảm nhận của con trẻ, đồng thời giúp đỡ con lý giải cảm nhận của người khác.
Vậy, làm thế nào để trẻ trưởng thành từ những cảm xúc và tình cảm của bản thân?
Hãy khích lệ trẻ càng nhiều càng tốt
Nếu con bạn tỏ thái độ thân thiện với ai đó, ví dụ an ủi bạn học hoặc dỗ dành một em bé đang khóc, đừng ngại nói với con rằng: “Thật tuyệt khi con biết quan tâm đến bạn, cha/mẹ tin rằng khi đối xử tốt với bạn, con sẽ khiến bạn thấy vui hơn”.
Khi con trẻ có biểu hiện tiêu cực, cách tốt nhất hãy nói cho chúng biết rằng: “Cha/mẹ biết rằng con đang tức giận, nhưng khi con lấy mất đồ chơi mà các bạn đang chơi, điều này sẽ khiến các bạn buồn lắm đấy”.
Đàm luận về những hành vi tích cực và tiêu cực xung quanh
Trong sách vở, trên tivi và phim ảnh, chúng ta thường thấy những ví dụ về việc làm thiện và ác trong cuộc sống. Hãy đàm luận với con về những hành vi mà bạn nhìn thấy, ví dụ một ai đó khiến cho người khác buồn, khó chịu, hoặc một người tỏ ra rất cao ngạo, hoặc ngược lại, một ai đó giúp đỡ người khác đồng thời khiến cho họ cảm thấy tốt hơn. Thảo luận với con về các loại hành vi khác nhau và phân tích cho con hiểu ảnh hưởng của chúng có những khía cạnh tích cực hay tiêu cực như thế nào.
Hãy là tấm gương sáng
Hãy để con cái có cơ hội quan sát hành vi giao tiếp của bạn, sau đó để chúng học cách tương tác với mọi người xung quanh. Hãy cho con xem làm một người thân thiện là có ý vị gì, hoặc làm thế nào trở thành một người hoà ái và tràn đầy tình yêu thương.
Thông qua việc giúp đỡ các thành viên trong gia đình và bạn bè xung quanh, hoặc hỗ trợ những người đang gặp khó khăn cần giúp đỡ, bạn sẽ dạy cho con biết làm thế nào để trở thành một người quan tâm và thấu hiểu đến tâm ý của người khác.