Boeing vấp phải ngày càng nhiều cáo buộc từ người tố cáo về các lỗi an toàn, kiểm soát chất lượng
Một kỹ sư của Boeing trở thành người tố cáo tuyên bố rằng công ty này đã nhiều lần bác bỏ những lo ngại về an toàn và kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất phi cơ phản lực 787 và 777. Điều này được cho là đã khiến Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) tiến hành một cuộc điều tra.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba (09/04), các luật sư của ông Sam Salehpour cho biết, ông Salehpour, một kỹ sư kỳ cựu của Boeing với hơn bốn thập niên kinh nghiệm, đã làm việc trên những chiếc phi cơ phản lực này.
Các luật sư của ông cáo buộc rằng, trong thời gian này, ông Salehpour đã quan sát thấy Boeing sử dụng “các lối tắt” để giảm bớt những chỗ bị đình trệ trong suốt quá trình lắp ráp phi cơ 787, đồng thời nói thêm rằng các lối tắt đó đã gây “áp lực quá mức lên các khớp nối chính của phi cơ và các mảnh vụn khoan bị chèn vào giữa các khớp nối chính ở hơn 1,000 chiếc phi cơ.”
“Những lỗi này trong quá trình sản xuất làm giảm đáng kể tuổi thọ của phi cơ và có thể khó xác định,” luật sư của ông cho biết.
Các luật sư của ông nói rằng, sau khi nêu lên những lo ngại này, ông Salehpour đã miễn cưỡng bị chuyển từ chương trình 787 sang chương trình 777.
Đồng thời, theo nhóm pháp lý của ông Salehpour, các quan chức cấp cao của Boeing đã “trả đũa” ông ấy, “đe dọa sa thải ông ấy” và loại ông ấy ra khỏi các cuộc họp, dự án, và cả các cuộc trao đổi quan trọng sau khi ông ấy nêu ra những lo ngại này.
Trong chương trình 777, ông Salehpour cũng nêu thêm những lo ngại về an toàn liên quan đến việc áp dụng các quy trình lắp ráp Fuselage Automated Upright Build (FAUB) và Determinant Assembly (DA) dẫn đến “sự sai lệch đáng kể giữa các bộ phận, có thể ảnh hưởng đến ít nhất 400 phi cơ dòng 777,” luật sư của ông cho biết.
Theo các luật sư, ông Salehpour cũng tuyên bố đã quan sát thấy nhà sản xuất phi cơ này “gây áp lực cho các kỹ sư liên lạc để tiếp tục sản xuất bất chấp sự xuất hiện của các khiếm khuyết chưa được kiểm tra.”
“Thay vì chú ý đến những cảnh báo của ông ấy, Boeing ưu tiên đưa phi cơ ra thị trường càng nhanh càng tốt, bất chấp những vấn đề đã biết và có căn cứ rõ ràng mà ông Salehpour nêu ra,” các luật sư Debra Katz và Lisa Banks cho biết. “Các vấn đề kỹ thuật được xác định ảnh hưởng trực tiếp đến tính toàn vẹn về mặt cấu trúc của phi cơ 787 và 777 của Boeing và trừ phi được sửa chữa, nếu không điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng không và tất cả những người tham gia chuyến bay.”
Những tuyên bố mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Boeing vẫn đang bị giám sát rộng rãi sau vụ chiếc Boeing 737 MAX 9 bị bung tấm bịt cửa trên một chuyến bay do Alaska Airlines khai thác vào hồi tháng Một.
Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Boeing đã bác bỏ cáo buộc của ông Salehpour, đồng thời nói thêm rằng họ “hoàn toàn tin tưởng vào 787 Dreamliner.”
Một phát ngôn viên của công ty cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times: “Những tuyên bố này về tính toàn vẹn cấu trúc của 787 là không chính xác và không thể hiện công việc toàn diện mà Boeing đã thực hiện để bảo đảm chất lượng và sự an toàn lâu dài của phi cơ.”
Công ty cho biết thêm: “Các vấn đề nêu ra đã được kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt dưới sự giám sát của [Cục Hàng không Liên bang],” và “không gây ra bất kỳ lo ngại nào về an toàn.”
Boeing cũng lưu ý rằng nhà sản xuất phi cơ này đã cho chậm lại quá trình sản xuất vào năm 2021 và 2022 cũng như tạm dừng giao hàng trong gần hai năm sau khi xác định được các vấn đề với phi cơ.
Tuy nhiên, theo The New York Times, FAA hiện được cho là đang điều tra về những tuyên bố của ông Salehpour.
“Việc báo cáo tự nguyện mà không sợ bị trả thù là một yếu tố rất quan trọng trong an toàn hàng không,” một phát ngôn viên của FAA cho biết. “Chúng tôi đặc biệt khuyến khích mọi người trong ngành hàng không chia sẻ thông tin.”
The Epoch Times đã liên lạc với FAA để yêu cầu bình luận thêm.