Bob Woodson: Hãy trao quyền cho các địa phương để cứu giúp tầng lớp nghèo khổ
Qua nhiều năm làm việc với các nhà lãnh đạo thường dân tận tâm, Woodson đã học được các nguyên tắc cải thiện con người và cộng đồng.
Khi Robert Woodson còn là một nhân viên xã hội trẻ tuổi ở Pasadena, California, vào những năm 1960, ông đã chứng kiến điều mà chưa ai từng nói với ông là có thể xảy ra.
Một cựu thành viên băng đảng trẻ đã hoàn toàn thay đổi, và anh ta nói với Woodson rằng mặc dù anh ta thay đổi tính cách của mình, anh ta vẫn đầy đủ kinh nghiệm và vẻ ngoài của một tên xã hội đen. Đây là điều cho phép anh có lợi thế trên đường phố. Anh và một số cựu thành viên băng đảng khác đã tiếp cận giới trẻ, và họ đòi hỏi được tôn trọng để có sức ảnh hưởng, nhưng ở mặt tích cực.
Woodson nói: “Tôi chứng kiến những thành viên băng đảng trẻ tuổi này ảnh hưởng đến những người bạn đồng lứa của họ, những người gặp khó khăn trong cuộc sống để theo đuổi hòa bình. Tôi đã làm việc chặt chẽ với họ trong 10 tuần… và tôi ngạc nhiên về mức độ hiệu quả của họ.”
“Đó lần đầu tiên tôi bộc bạch với tư cách là một nhân viên xã hội trẻ, những gì tôi thấy trên đường phố không giống như những gì tôi học trong trường đại học. Có một sự tương phản rõ nét giữa những gì tôi học trong trường về sự thay đổi, trưởng thành và phát triển của con người, với những gì diễn ra trong thực tế; những người bị cho là vô phương cứu chữa sau đó lại cải biến đáng kể và được cứu rỗi.”
“Tôi đã nói, có điều gì đó đang xảy ra ở đây mà tôi không học được trong lớp.”
Ông tìm kiếm những câu chuyện và phương pháp chữa lành đem lại sự biến đổi và cứu rỗi, và ông cũng nhận ra những nguyên tắc tương tự. “Từ đó, tôi dành phần còn lại trong sự nghiệp của mình để xác thực và xác nhận lại phương pháp tiếp cận đó.”
Thực hiện các phương pháp dựa trên thành công địa phương này là nền tảng của Trung tâm Woodson. Một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ban đầu được gọi là Center for Neighborhood Enterprise (Trung tâm Doanh nghiệp Khu phố), được thành lập vào năm 1981 giúp trao quyền cho các tổ chức địa phương giúp đỡ cộng đồng của họ. Tổ chức đã thay đổi cuộc sống của nhiều người với các sáng kiến như Khu vực không có bạo lực giúp các trường học cải thiện hành vi của học sinh, và đào tạo để trang bị cho hàng nghìn người nâng cao cộng đồng của họ.
Trên thực tế, những cộng đồng mà các chính phủ và tổ chức muốn giúp đỡ này chứa những nguồn lực tuyệt vời chưa được khai thác, nhưng chúng thường bị bỏ qua. Woodson đã thành lập tổ chức của mình để thay đổi điều đó.
Quyền lợi của người nghèo
Vào đầu những năm 1960, Woodson là một nhà hoạt động và nhà tổ chức cho phong trào dân quyền, nhưng theo thời gian, ông vỡ mộng.
“Tôi đã dẫn đầu các cuộc biểu tình vào đầu những năm 60 và có một lần khi chúng tôi đang đứng gác ở ngoài các công ty dược, họ đã xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc và thuê 9 tiến sĩ da đen, và khi chúng tôi đề nghị họ tham gia phong trào của chúng tôi, họ nói rằng họ đã nhận được việc làm vì họ có đủ điều kiện, không phải vì sự hy sinh của chúng tôi. Điều này đã xảy ra một vài lần,” Woodson nói.
Một lần nữa, ông thấy rằng lợi ích của các nhà lãnh đạo phong trào dân quyền thuộc tầng lớp trung lưu không phù hợp với lợi ích của các cộng đồng thu nhập thấp. Tệ hơn nữa, những thắng lợi chính sách do những nhà lãnh đạo đó mang lại đã làm các cộng đồng có thu nhập thấp tổn thương, và các nhà lãnh đạo thuộc tầng lớp trung lưu và gia đình của họ không phải gánh chịu hậu quả từ các chính sách đó.
Woodson nói: “Luôn luôn có sự chia rẽ trong cộng đồng người da đen trong suốt chặng đường phía trước, nhưng ý chí và mong muốn của giới lãnh đạo trung lưu luôn thắng thế trước những hậu quả gây ra cho những người có thu nhập thấp.”
Ví dụ, ở Boston vào những năm 1970, một cuộc tranh luận về vấn đề phân biệt chủng tộc xảy ra. Các khu dân cư có thu nhập thấp cho biết họ muốn củng cố các trường học địa phương, nhưng giới lãnh đạo dân quyền lại muốn hoà hợp chủng tộc ở các trường học (bằng cách đưa xe buýt chở trẻ em da trắng đến học ở các trường da đen và ngược lại), và đó là những gì họ có được.
Woodson nói: “Trong nhiều trường hợp, học sinh da đen ở các trường vượt trội được xe buýt đưa đón đến các trường da trắng kém chất lượng. Nhưng không ai trong số các nhà lãnh đạo dân quyền đưa con cái của họ lên xe buýt.”
“Vì vậy, họ đã trở thành nỗi khổ của đời tôi, bởi vì nhiều lãnh đạo thuộc tầng lớp trung lưu ủng hộ các chính sách và chương trình mà họ không phải gánh chịu hậu quả. Giống như cánh tả hay nói, ‘Hãy cắt giảm ngân sách cho cảnh sát’ — họ không sống trong những khu phố đó, họ sống trong những khu phố an toàn và an ninh.”
“Nó không liên quan gì đến lợi ích của người nghèo mà liên quan đến những gì có lợi cho đối tượng cung cấp dịch vụ cho người nghèo.”
Woodson không thấy bất kỳ ai đại diện cho các cộng đồng thu nhập thấp và các nhà lãnh đạo trong chính sách công.
“Những người bên phe cánh tả khai thác và sử dụng chúng để quảng bá chương trình nghị sự của họ, còn những người bên phe cánh hữu thì phớt lờ chúng,” Woodson nói. “Cả cánh tả và cánh hữu đều nói về người nghèo như thể họ không có quyền tự quyết — mọi thứ họ làm hoặc đề xuất luôn được áp đặt lên người nghèo từ bên ngoài.”
Woodson bắt đầu tạo ra một tổ chức trung gian để kết nối các nhà lãnh đạo có thu nhập thấp với cộng đồng chính sách lớn hơn, và ông quyết định thực hiện bằng cách áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường tự do vào nền kinh tế xã hội.
“Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta ít quan tâm đến uy tín cá nhân hơn những gì người ta tạo ra, nhưng trong nền kinh tế xã hội chúng ta rất ít quan tâm đến kết quả và chỉ chú trọng đầu vào, chúng ta chỉ quan tâm đến uy tín của những người phục vụ người nghèo,” ông nói.
“Đó là cách sống trong 60 năm qua và đó là chủ nghĩa tinh hoa hơn là sự phân biệt chủng tộc, họ giả định rằng những người thất học, dốt nát là không khôn ngoan và do đó không có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt cho chính họ; đó là giả định chung của những người cả ở bên cánh tả và cánh hữu, do đó người nghèo phải tự giải cứu chính họ.”
Hiện trạng là chúng ta đã có 60 năm thất bại trong các chính sách xã hội và 22 nghìn tỷ đô la chi cho người nghèo mà không thể xóa đói giảm nghèo. Woodson nói rằng đó không phải vì chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề này, mà là chúng ta đã khuyến khích việc không chấm dứt nghèo đói. Nó đã trở thành một ngành công nghiệp và phần lớn gói tài trợ đi vào túi các tổ chức phục vụ người nghèo, chứ không phải cho chính người nghèo.
Woodson nói: “Vì vậy, họ không hỏi vấn đề nào có thể giải quyết được mà là vấn đề nào có thể tài trợ được. Nếu công việc của bạn lúc này phụ thuộc vào việc có 20 người phụ thuộc vào bạn và các dịch vụ của bạn, thì bạn có động lực để khiến họ độc lập không vì nếu họ không cần bạn chăm sóc đồng nghĩa với việc thu nhập của bạn giảm đi? Vì vậy, không quan trọng bạn có lòng nhân ái đến đâu, lợi ích cốt lõi của bạn trái ngược với lợi ích của người nghèo.”
Ông cười lớn và nhớ lại người bạn của mình ở Wisconsin, hiện đang xây dựng một cabin. “Người thợ điện của ông ta thì say xỉn và người thợ mộc của ông ta thì bị cụt một chân. Nhưng đối với ông, giá trị của họ nằm ở những kỹ năng,” ông nói. “Nhưng nếu bạn tôi là một giám đốc kém năng lực, giá trị của họ đối với ông ấy chỉ là sự khuyết tật — miễn là họ duy trì tình trạng khiếm khuyết của mình, thì họ vẫn có giá trị trong mắt ông ấy. Vì vậy, chúng ta có những cơ cấu không khuyến khích việc chấm dứt nghèo đói.”
Những người lái tàu
Thay vào đó, điều thực sự hiệu quả là khai thác các nguồn lực từ cộng đồng bản địa, Woodson nói.
Khi ông đi đến một cộng đồng địa phương, ông gõ cửa từng nhà và hỏi mọi người rằng họ sẽ tìm đến ai trong thời điểm khủng hoảng.
“Nếu bạn cho rằng một cộng đồng đang thiếu bất kỳ nguồn lực nào, bạn sẽ không bao giờ hỏi những câu hỏi kiểu này,” ông nói. “Bạn phải tìm những người lái tàu, những người biết rõ địa hình cộng đồng của họ.”
Ông lấy thuật ngữ trong cuốn “Nhìn dưới góc độ một nhà nước” (Seeing Like a State) của nhà khoa học chính trị James C. Scott, mô tả hai loại kiến thức: “episteme” – kiến thức học thuật bạn có thể học trong trường đại học và “metis” – địa phương, chiến thuật, loại kiến thức phổ thông thông thường. Điều này có thể so sánh với việc dù một thuyền trưởng có học đến đâu đi nữa, khi đến cảng, ông ta cần phải chuyển tàu cho người lái tàu địa phương, người có kiến thức quan trọng về lĩnh vực này, Woodson nói.
“Họ biết tất cả các tính cách, họ biết điểm mạnh, mối nguy hiểm và bạn phải đi vào và tìm ra chúng. Nhưng nếu bạn không tin rằng một cộng đồng có năng lực hoặc nhân tố phát triển, bạn sẽ không bao giờ tìm kiếm nó,” Woodson nói. “Nếu bạn có thể nhìn xa hơn các dấu hiệu của bệnh lý, đi vào và vẫn tìm kiếm các dấu hiệu của sức mạnh, bạn sẽ tìm thấy nó.”
Vì vậy, ông gõ cửa từng nhà, và trong một khoảng thời gian ngắn, những cái tên giống nhau sẽ liên tục xuất hiện. Chẳng bao lâu, ông có trong tay 3 cái tên trụ cột của cộng đồng. Sau đó, ông nói chuyện với ba người đó, và nhận được thêm 10 cái tên, và sau đó là 50 cái tên. Đây là những người giải quyết vấn đề, những người điều hành trung tâm đạo đức của cộng đồng, những người biết những người khác.
Woodson đã viết cả một cuốn sách về những đại sứ thay đổi này là ai; ông gọi họ là “Giô-sép”, ám chỉ Giô-sép trong sách Sáng thế, người bị gia đình phản bội và bị bán làm nô lệ và chịu nhiều đau khổ nhưng không trở nên khắc nghiệt. Woodson tìm kiếm những người không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, và những người từng lạc lối nhưng nhờ ân điển của Chúa, họ được cứu rỗi và trở thành những nhân viên thường dân hàn gắn cho cộng đồng.
Ông nói: “Hai [loại ‘Giô-sép’] đã trở thành nhân chứng hùng hồn về sự biến đổi và cứu rỗi. Họ là vô giá đối với cộng đồng, bởi vì họ cho những người xung quanh thấy rằng thành công từ cùng một xuất phát điểm như họ là hoàn toàn có thể.
Nhu cầu tinh thần
Woodson nói thêm về gốc rễ của nó, đây không thực sự là những vấn đề kinh tế mà là những vấn đề về tinh thần.
“Tôi đã thấy những người giàu có và nghèo về tinh thần, nhưng tôi cũng thấy những người nghèo về vật chất và giàu có về tinh thần,” ông nói. “Và tôi đã thấy cách những người giàu có về tinh thần có thể phát triển dù trong hoàn cảnh tồi tệ nhất.”
Cũng giống như người ta có thể nhìn thấy thùng rác trên đường phố và các tòa nhà đổ nát của một khu phố và coi đó là một cộng đồng không có tài lực, người ta có thể nhìn vào những chiếc xe Mercedes đậu bên hông nhà của một cộng đồng khác và lầm tưởng rằng những người sống ở đó thật khá giả, Woodson nói. Tuy nhiên, tại một số cộng đồng trông có vẻ khá giả này, chẳng hạn như Thung lũng Silicon, tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên cao gấp sáu lần tỷ lệ trung bình trên toàn quốc.
“Để có được cảm giác thực tế, bạn phải nhìn xa hơn vẻ bề ngoài,” ông nói. “Đôi khi chúng ta bị che mắt bởi bề ngoài và chúng ta không dành thời gian để nhìn vào bên trong.”
Trong sự nghiệp của mình, rất nhiều lần Woodson đã chứng kiến việc chữa lành tinh thần có thể cứu rỗi mọi người, bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, khi một người bạn tốt của ông đã giúp hoàn lương cả một băng đảng đường phố.
Leon Watkins, đã qua đời vào năm 2018, nói về việc có bao nhiêu người trẻ tuổi xem cuộc sống băng đảng giống như tín ngưỡng của họ, và bạn sẽ chẳng đi đến đâu với họ nếu loại bỏ nó. Nhiều thành viên băng đảng xuất thân từ các gia đình tôn giáo và quay lưng lại với đức tin từ bé của mình vì họ thấy người ta nói lời tốt và làm việc xấu, vì vậy họ đã coi rẻ nhân phẩm và cộng đồng, và tìm cơ hội để thăng cấp ở những nơi khác: băng đảng.
Watkins biết những người trẻ này – nhiều người thực sự vẫn còn là những đứa trẻ – mang trong mình nỗi đau sâu sắc, nhưng cũng chôn vùi ước mơ của mình. Ông ấy biết cách để thấu hiểu từng người, đó là đối xử với họ như một con người, vì vậy họ “tin rằng mình sẽ có tương lai và xứng đáng với điều gì đó.”
Woodson biết Watkins nhiều thập kỷ trước, khi một băng đảng đang tấn công khu phố của Watkins; cuối cùng Watkins quá mệt mỏi và dán các áp phích truy nã, khiến cả nhóm băng đảng phải truy lùng ông ta. Ông đồng ý gặp họ: 5 giờ chiều, sau nhà ông. Họ đồng ý, và hai chiếc xe tải chở đầy những thanh niên có vũ khí xuất hiện.
“Ông ấy đã nói, ‘Tôi muốn nói chuyện với các bạn về cuộc đời các bạn,’” Woodson nói. Và sau đó Watkins tiếp tục ngồi trên thùng rác trong ba giờ đồng hồ chỉ để lắng nghe tên thủ lĩnh băng đảng này.
Woodson nói: “Ngày hôm sau, ông ấy đã cho anh ta học Kinh thánh, và trong năm ngày anh ta đã cho cả băng nhóm 26 thành viên đi học Kinh thánh. Anh ta đã biến băng nhóm đó từ khủng bố cộng đồng, sang giúp họ xây dựng lại cộng đồng. Tôi đã có cơ hội chứng kiến tận mắt điều này.”
Woodson, Watkins và những người khác làm công việc này đã kết bạn và hữu hảo suốt đời với những người đó và họ trở thành một gia đình. Có những người Woodson nói rằng ông biết họ từ khi họ 16 tuổi, những người này hiện là ông bà ở độ tuổi 50.
“Bởi vì tất cả chúng tôi, khi chúng tôi gặp những người trẻ này, chúng tôi đã nói nếu bạn cam kết cuộc sống của mình vì hòa bình, chúng tôi sẽ cam kết cuộc sống của chúng tôi với bạn,” Woodson nói. “Tôi có 25 thanh niên trẻ, họ giống như một gia đình mở rộng của tôi.”
“Tôi phải nói rằng 80% những người bạn thân nhất của tôi là người quen cũ,” ông cười nói. “Giờ họ có các chữ cái phía trước tên của họ, không phải phía sau. Và chúng đã trở thành những đứa con trai của tôi.”
Woodson cho biết thêm, trong tất cả những năm làm việc với các cộng đồng có thu nhập thấp, ông chỉ biết đến một vụ tự tử. Một thanh niên mới gia nhập tổ chức, nhưng hai ngày sau anh ta bỏ đi và tự bắn mình.
Woodson ngay lập tức kêu gọi những người trẻ tuổi trong tổ chức từ khắp đất nước để có một khóa mặc niệm sám hối khẩn cấp kéo dài vào cuối tuần.
“Chủ đề là ‘Bạn sẽ làm gì khi giếng cạn nước?’ Tôi nhận ra rằng mình phải nuôi dưỡng họ với tư cách là những nhà lãnh đạo, và nói với họ, bạn cũng hãy tự đặt mình vào kế hoạch của mình,” Woodson nói. Cách đào tạo mà tổ chức của ông hoạt động là mỗi học viên cũng là một giáo viên, hãy mang những câu chuyện của riêng họ ra bàn luận, và Woodson nói rằng tất cả những gì ông học được đều là từ những người ông phục vụ.
Một thanh niên trong nhóm là một mục sư, anh luôn bận rộn với lịch trình đi khắp đất nước, thỉnh thoảng về nhà để thay quần áo. Rồi một ngày, anh về nhà thấy xe của mẹ vợ đậu bên ngoài và biết rằng đã có chuyện. Anh vào trong thì thấy vợ gọi điện đòi ly hôn và đòi anh ấy dọn đi nếu không cô sẽ dắt các con bỏ đi.
Woodson nói: “Anh ấy quay lại và hạ mình cầu xin vợ tha thứ, nhưng quan trọng hơn, anh ấy đã thay đổi lịch làm việc của mình.”
Woodson nói: “Tôi là người nhận được hàng trăm bài học như thế. Tôi nói với mọi người, nếu bạn cho tôi thấy một tổ chức mệt mỏi, thất vọng thì tôi sẽ cho bạn thấy một người mệt mỏi và thất vọng — bởi vì chúng ta phải cống hiến cho mọi người những thứ chúng ta làm tốt, không chỉ những thứ chúng ta không thích. Đó là một phần khác trong quá trình đào tạo của tôi với các nhóm của mình: Trao cho người khác những điều thú vị để làm.”
Một sự nghiệp
Woodson đã tổng hợp những bài học mà ông học được trong nhiều thập niên làm việc với những khu phố này thành một cuốn sách mới “Những bài học nhỏ trong câu chuyện lớn: Những nguyên tắc Woodson,” ra mắt vào tháng 12/2020.
“Cuốn sách sẽ hướng dẫn mọi người hiểu về bản thân mình và hướng dẫn mọi người hiểu cách giúp đỡ mà không làm tổn thương chính mình,” Woodson nói. Cuốn sách chứa đầy những câu chuyện về những gì ông đã chứng kiến và cốt lõi là 10 nguyên tắc mà chúng ta cần có; những nguyên tắc như minh bạch, khiêm tốn, đáng tin cậy và trung thực.
Ông cho biết thêm, ông có thể nghỉ hưu trong năm 2020. Ông mong muốn giao lại tổ chức cho một người trẻ hơn và hướng dẫn họ, mặc dù việc nghỉ hưu không có nghĩa là ông sẽ ngừng sống theo những nguyên tắc đã chỉ đạo công việc của ông trong nhiều thập niên.
“Tôi nói với mọi người, bạn giã từ sự nghiệp, bạn hết hạn trong sự nghiệp. Vì vậy, tôi sẽ hết hạn từ đây,” ông cười nói.
Điều đó nói lên rằng, ông đang mong có thêm thời gian để chơi gôn, và có lẽ sẽ đến thăm xứ Wales. “Tôi nghe nhạc xứ Wales, tôi thích nghe kèn túi và vợ tôi, điều đó khiến cô ấy phát cuồng.” Ông cũng sưu tầm nhạc của xứ Wales và nói rằng ông có thể gọi tên tất cả các loại kèn túi và rất muốn có cơ hội đến thăm xứ Wales vào một ngày nào đó để xem họ chơi.
“Tôi thật may mắn khi được tham gia vào phi vụ đổi chác này, vì đã chạm vào cuộc sống của hàng trăm người; họ đã để lại dấu ấn trong tôi. Tôi có thể trở thành một người dẫn đường,” ông nói. “Tôi là người phục vụ chính mình. Tôi không có tham vọng, không có ham muốn, không có gì cả.”
Đó là cách sống mà ông hết lòng khuyến khích.
Ông nói: “Cách tốt nhất để mọi người được chữa lành là phục vụ người khác.”
Catherine Yang
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: