Bộ Xây dựng muốn cho ‘người nước ngoài’ mua bất động sản du lịch
Việc “người Trung Quốc” sở hữu nhiều diện tích đất tại Việt Nam, trong đó có cả các khu vực “nhạy cảm” mới được Bộ Quốc phòng chỉ ra không lâu, nay Bộ Xây dựng lại muốn cho “người nước ngoài” mua bất động sản du lịch, nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Truyền thông trong nước hôm 17/6 đưa tin về việc Bộ Xây dựng đề xuất cho “người nước ngoài” mua bất động sản du lịch.
Bộ Xây dựng muốn sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Lý do, Bộ Xây dựng muốn gỡ khó cho thị trường bất động sản, truyền thông trong nước cho hay.
Báo Dân trí dẫn lại ý kiến của ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, chỉ có một bộ phận nhỏ người có thu nhập cao trong xã hội Việt Nam có nhu cầu mua bất động sản cao cấp, nên nhà thuộc phân khúc này đang có lượng hàng tồn kho lớn.
Trong khi đó, nhu cầu của người nước ngoài ở phân khúc cao cấp nhiều hơn trong nước. Vì thế nên xem xét lại quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp, để tăng tính thanh khoản cho phân khúc này.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc thu hút đầu tư vào bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược mang tính lâu dài và bền vững của du lịch Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có cả cá nhân người nước ngoài vào du lịch sẽ vừa tạo được nguồn vốn, vừa tạo được thị trường cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, theo báo Công luận.
Trái với ý kiến trên, thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, những địa điểm như Vân Đồn (Quảng Ninh) Vân Phong (Khánh Hòa) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi rất tốt cho phát triển kinh tế nhưng cũng là yết hầu về an ninh quốc phòng. Khu vực này bắt đầu xây dựng, khai thác kinh tế phải thận trọng cần ngăn ngừa không để xảy ra các vấn đề tồn tại như một số khu vực ven biển miền Trung.
Những khu kinh tế ven biển thì bất động sản du lịch sẽ là phân khúc phát triển mạnh nhất. Nếu cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch thì việc quản lý các khu vực “nhạy cảm” sẽ ra sao?, theo VOV giao thông.
Cũng theo báo này, một chủ đầu tư bất động sản cho rằng, nếu đồng ý cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch đồng nghĩa với những rủi ro. Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển khó tách bạch khu vực bán cho người nước ngoài và khu vực bán cho nhà đầu tư trong nước, chúng ta chỉ kiểm soát được tỷ lệ được phép bán cho người nước ngoài trên tổng dự án là bao nhiêu.
Việc “người nước ngoài” sở hữu, núp bóng sở hữu và thuê đất tại Việt Nam là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chỉ rõ có việc “người Trung Quốc” sở nhiều diện tích đất tại Việt Nam, trong đó có cả các khu vực “nhạy cảm”, chứ không còn nói chung là “người nước ngoài” sở hữu đất.
Theo báo cáo, tính đến 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp này là 30,872 tỷ USD, trong đó khu vực biên giới đất liền 1,637 tỷ USD, khu vực biên giới biển 29,235 tỷ USD.
Thời hạn thuê đất của người Trung Quốc thường từ 5 – 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.
Các tỉnh, thành có tình trạng người Trung Quốc tập trung “sở hữu” đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.
Đà Nẵng được coi là “điểm nóng” về đất đai bị người Trung Quốc thâu tóm. Hầu hết các lô đất thuộc “sở hữu” của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ, trong đó có các khu vực được coi là “nhạy cảm” như sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, khu đô thị phường Phước Mỹ.
“Để sở hữu các lô đất, người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai”, Bộ Quốc phòng cho biết.