Bộ Tuyên truyền của Trung Quốc đã điều khiển việc che đậy thông tin về sự bùng phát virus Vũ Hán và cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung như thế nào?
Hướng dẫn tuyên truyền trong tháng 1/2020: Che đậy sự thật về Đại Dịch
Các tài liệu thu thập được từ một nguồn tin đáng tin cậy cho biết có ít nhất 90 chỉ thị đã được Bắc Kinh ban hành vào tháng 1/2020.
Hai chỉ thị tuyên truyền đầu tiên được ban hành vào ngày 2/1, trong đó hướng dẫn liên quan đến việc tuyên truyền về virus Vũ Hán, và chỉ thị còn lại liên quan đến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung.
Chỉ thị tuyên truyền đầu tiên có nội dung: “Khi đưa tin liên quan đến dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, thông tin do các cơ quan có thẩm quyền công bố phải được theo dõi và kiểm soát.”
Vào thời điểm đó, một số lượng lớn người nhiễm bệnh đã xuất hiện ở Vũ Hán.
Ngày 30/12/2019 bác sĩ Lý Văn Lượng đã đăng tải các tin nhắn trên WeChat, một nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, về bảy trường hợp được xác nhận nhiễm virus viêm phổi tương tự như căn bệnh SARS trước kia, được cho là có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam. Ông Lý cho biết các bệnh nhân tại bệnh viện của ông đã được cách ly tại phòng cấp cứu. Từ năm 2002 đến năm 2003, đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người trên toàn thế giới và khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Vào ngày 31/12/2019, nhà chức trách Vũ Hán cho biết trong một cuộc họp ngắn rằng “không có bằng chứng nào về việc lây truyền virus từ người sang người”.
Sau khi chỉ thị tuyên truyền được ban hành vào ngày 2/1/2020, bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát Vũ Hán thẩm vấn và cảnh cáo, buộc ông phải ngừng việc lan truyền “tin đồn” vào ngày 3/1 sau đó.
Trong một bộ tài liệu khác được ban hành vào ngày 4/1 và 6/1, Bộ Tuyên truyền đã nhắc lại chỉ thị vào ngày 2/1 và nghiêm cấm “mọi trích dẫn hoặc đăng tải lại tin tức của các kênh truyền thông nước ngoài” và “bất kỳ báo cáo nào “liên quan đến dịch bệnh” SARS năm 2003.”
Tất cả các hướng dẫn từ Bộ Tuyên truyền trước ngày 20/1 đều tập trung vào việc cấm tất cả thông tin về dịch bệnh không được nhà chức trách “chấp thuận” và hạn chế đề cập tối đa.
Vào ngày 20/1, ông Tập Cận Bình đã có những bình luận công khai đầu tiên về việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Ngay lập tức, Bộ Tuyên truyền quay ngược lại và ban hành một chỉ thị nhằm công khai tối đa các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ.
Theo một chỉ thị vào ngày 22/1 từ Bộ Tuyên truyền, các nhà báo bị hạn chế đến Vũ Hán.
Tiếp đến, một loạt các hướng dẫn đã được ban hành sau ngày 26/1 nghiêm cấm đăng tải bất kỳ báo cáo nào có liên quan đến dịch bệnh từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, và chỉ được công bố các thông tin tạo ra hình ảnh tích cực cho Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế.
Theo các tài liệu chúng tôi thu thập được, đã có ít nhất 18 chỉ thị về tuyên truyền dịch bệnh được ban hành trong tháng Giêng được Bộ Tuyên truyền gửi đến các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc.
Hướng dẫn tuyên truyền trong tháng 1/2020: Hạn chế đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Trong tháng Giêng năm nay, có 9 chỉ thị về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vào ngày 2/1, các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc đã bị cảnh báo không được tự ý đăng tải bất kỳ bài viết nào liên quan đến thỏa thuận “giai đoạn một” được ký vào ngày 15/1.
Trong khi đó, vào tháng 12/2019, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đạt được những thỏa thuận “giai đoạn một” của cuộc đàm phán thương mại.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh vào ngày 9/1/2020, rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Hoa Thịnh Ðốn từ ngày 13/1 đến ngày 15/1 để ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Hoa Kỳ. Cùng ngày diễn ra cuộc họp báo, một chỉ thị tuyên truyền cảnh báo rằng không được phép đăng tải bất kỳ bài viết nào chưa được cấp phép. Chỉ thị tương tự được ban hành lại vào ngày hôm sau (10/1).
Vào ngày ông Lưu Hạc ký thỏa thuận, Bộ Tuyên truyền đã ban hành các chỉ thị cụ thể “tăng cường kiểm duyệt trực tuyến” và “xác định, trừng phạt bất kỳ thông tin tiêu cực nào cho thấy “chế độ đang đầu hàng” hoặc… các thông tin phá hoại tấn công vào “hệ thống và cơ chế cộng sản.”
Hướng dẫn tuyên truyền trong tháng 2/2020: Âm thầm mua khẩu trang y tế trên toàn cầu
Các tài liệu cho thấy có 89 chỉ thị được ban hành vào tháng 2 năm nay và 50 trong số đó có liên quan đến đại dịch.
Trong số đó, có ba chỉ thị ban hành vào ngày 3/2, ngày 5/2 và ngày 12/2 đã xác nhận các tin tức cho rằng Trung Quốc đã mua và tích trữ vật tư y tế toàn cầu.
Vào ngày 3/2, chỉ thị yêu cầu “không được công khai việc huy động nguồn lực của chúng ta trên toàn cầu để mua vật tư bảo hộ.”
Vào ngày 5/2, hướng dẫn tương tự đã được nhắc lại. Chỉ thị nêu rõ, “ngăn chặn mọi can thiệp vào việc chúng ta thu mua vật tư ở nước ngoài.”
Vào ngày 12/2, một chỉ thị nhấn mạnh: “Không được công khai việc huy động mua sắm vật tư toàn cầu, tránh gây ra sự phản ứng trong dư luận của các nước liên quan và gây cản trở đến việc thu mua ở nước ngoài.”
Virus đã lây lan rộng khắp thế giới vào tháng 3/2020.
Theo dữ liệu chính thức của Hải quan Trung Quốc, từ ngày 24/1 đến ngày 29/2, nước này đã nhập khẩu 2.46 tỉ đơn vị vật tư y tế, bao gồm khẩu trang và thiết bị bảo hộ. Trong số đó có 2.02 tỉ khẩu trang từ nước ngoài.
Vào ngày 6/4, ông Peter Navarro – Cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc cho biết, trong những ngày đầu bùng phát virus, khi thế giới vẫn chưa được biết về sự nguy hiểm của virus thì Trung Quốc đã thu mua thiết bị và khẩu trang phẫu thuật trên toàn cầu.
“Họ đã che giấu mối nguy hiểm đối với cả thế giới, ngay cả khi các công dân Trung Quốc đang bay ra khắp thế giới gieo mầm virus,” ông Navarro phát biểu trên đài Fox News.
Năm chỉ thị đã được ban hành vào ngày 6/2 và 7/2 liên quan đến sự tử vong của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã phát hiện virus Trung Cộng từ một bệnh nhân mà ông điều trị. Bộ Tuyên truyền đã ra lệnh “cấm đưa tin truyền thông” về sự tử vong của vị bác sĩ này, và yêu cầu các cơ quan truyền thông chỉ có thể “đăng tải những bản tin được cấp phép”. Đồng thời, khái niệm “nói lên sự thật” cũng hoàn toàn bị cấm.
Ngoài ra, Bộ này cũng ban hành lệnh yêu cầu hạn chế tối đa “thông tin tiêu cực” liên quan đến công dân Trung Quốc sống ở Nga và Malaysia, những người đang bị ngăn cấm quay trở về quê nhà. Cùng vào thời điểm đó, các nhà chức trách đã kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong nỗ lực ngăn chặn các trường hợp bị nhiễm virus Trung Cộng xâm nhập ngược vào Trung Quốc.
Hơn 50 chỉ thị liên quan đến đại dịch vào tháng 2 phần lớn là hướng dẫn các cơ quan truyền thông kiểm duyệt “thông tin gây hại” đến Trung Quốc, hoặc phải sàng lọc các thông tin truyền thông nước ngoài tiết lộ thông tin về dịch bệnh của Trung Quốc.
Hướng dẫn tuyên truyền trong tháng 3/2020: Duy trì sự ổn định chuyên chế
Trong 10 ngày đầu tháng 3/2020, có 46 chỉ thị thì trong đó 34 chỉ thị có liên quan đến đại dịch.
Một chỉ thị ngày 1/3 đã cấm truyền thông đưa tin về phân tích dữ liệu lớn liên quan đến phương thức di chuyển của cư dân Vũ Hán trong thời gian bùng phát dịch bệnh ban đầu.
Vào ngày 2/3, bốn chỉ thị đã được ban hành để cấm mọi báo cáo hoặc bình luận về những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn đại dịch. Yêu cầu này được đưa ra sau khi một cựu tù nhân được xác nhận dương tính với virus Trung Cộng, nhưng lại được phép đến Bắc Kinh vào ngày 22/2 sau khi được phóng thích khỏi nhà tù ở Vũ Hán.
Vào ngày 10/3, tạp chí Nhân dân Trung Quốc đã phỏng vấn một bác sĩ Vũ Hán có tên Ai Fen. Ai Fen là giám đốc khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Cô là một trong những người đầu tiên chia sẻ thông tin về căn bệnh bí ẩn lan rộng ở Vũ Hán.
Vào ngày bài báo được công bố, một chỉ thị đã được ban hành để yêu cầu xóa bài báo đó và tất cả các thông tin truyền thông có liên quan đến bác sĩ này.
Vào ngày 3/3, một chỉ thị khác đã yêu cầu rằng tất cả báo cáo liên quan đến tử vong do virus Trung Cộng gây ra tại các viện dưỡng lão, bệnh viện tâm thần phải tuân theo các thông tin được đăng tải lại từ nguồn của nhà chức trách. Không có bất kỳ dữ liệu từ nước ngoài hoặc báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (NGO) nào được phép sử dụng.
Vào ngày 5/3, một chỉ thị yêu cầu các cơ quan truyền thông xóa các báo cáo đưa tin về một bệnh nhân được cho là đã hồi phục sau khi nhiễm virus Trung Cộng.
Ngoài ra, một số lượng lớn các hướng dẫn tuyên truyền vào tháng 3/2020 đã yêu cầu các phương tiện truyền thông không được chuyển tiếp, thổi phồng, hoặc công khai thông tin về đại dịch ở Nga và Iran. Hai nước này được coi là đồng minh chính trị của Trung Quốc.
Bộ Tuyên truyền Trung Quốc
do ông Vương Hộ Ninh, một trong những quan chức cao cấp của Đảng và là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc, trực tiếp nắm quyền điều hành.
Hoa Hạ biên dịch