Bộ Tư pháp Hoa Kỳ kiện tỷ phú casino Steve Wynn làm đại diện cho Trung Quốc
Hôm 17/05, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã đệ đơn kiện dân sự để tìm cách buộc vị tỷ phú casino Las Vegas Steve Wynn ghi danh làm đại diện cho chính quyền Trung Quốc.
Cơ quan này cáo buộc rằng năm 2017 ông Wynn đã vận động Tổng thống đương thời Donald Trump và chính phủ của ông ấy thay mặt cho Trung Quốc, và ông Tôn Lập Quân (Sun Lijun), cựu thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Theo cơ quan này, ông đã tham gia vào những nỗ lực gây ảnh hưởng được cho là “vì mong muốn bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình ở Ma Cao,” nơi công ty của ông điều hành các sòng bạc.
Trong đơn khiếu nại, cơ quan này cáo buộc rằng vào năm 2017, ông Wynn đã chuyển lời từ phía Trung Quốc, cụ thể là từ ông Tôn đề nghị ông Trump và các quan chức chính phủ trục xuất một công dân Trung Quốc đang xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.
Tài liệu của tòa án không công khai danh tính của người này, nhưng cho biết ông ấy là một doanh nhân đã rời Trung Quốc vào năm 2014 và sau đó bị chính quyền Trung Quốc buộc tội tham nhũng. Các nỗ lực vận động hành lang này “cuối cùng đã không thành công”, Bộ Tư pháp nêu rõ trong đơn kiện, được đệ trình lên Tòa án Địa hạt Liên Bang cho Đặc khu Columbia (thủ đô Hoa Thịnh Đốn).
Công dân Trung Quốc không rõ danh tính này có vẻ giống với mô tả về ông Quách Văn Quý (Guo Wengui). Ông Quách, một tỷ phú Trung Quốc còn có tên là Miles Kwok, đã đào thoát khỏi nước này để đến Hoa Kỳ vào năm 2014; ông là một nhà phê bình bộc trực đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm 2017 Tờ Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, rằng ông Wynn đã chuyển một lá thư từ chính phủ Trung Quốc cho chính phủ cựu Tổng thống Trump thúc giục họ trục xuất ông Quách.
Các luật sư của ông Wynn đã không không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bản tin này.
Trong một tuyên bố với Associated Press, các luật sư của ông Wynn cho biết họ sẽ ra tranh tụng.
“Ông Steve Wynn chưa bao giờ hoạt động với tư cách là đại diện cho chính phủ Trung Quốc và không có nghĩa vụ phải ghi danh theo Đạo luật Đăng bộ Đại diện Ngoại quốc [FARA],” luật sư Reid Weingarten và Brian Heberlig cho biết trong một tuyên bố hôm 17/05. “Chúng tôi chân thành muốn bày tỏ sự không đồng tình với cách diễn giải luật pháp của Bộ Tư pháp về Đạo luật FARA và mong được chứng minh lập trường của chúng tôi trước tòa.”
Đơn kiện cáo buộc rằng ông Wynn đã được ông Elliott Broidy, người từng gây quỹ cho ông Trump đã nhận tội vi phạm FARA hồi tháng 10/2020, yêu cầu giúp đỡ cho chiến dịch vận động hành lang năm 2017. Vào thời điểm đó, các quan chức DOJ cho biết ông Broidy đã vận động chính phủ ông Trump một cách bất hợp pháp để thu xếp trao trả một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ.
Theo đơn kiện, ông Wynn đã nói với ông Trump về mong muốn của chính quyền Trung Quốc là trục xuất một người Trung Quốc khỏi Hoa Kỳ và đã cung cấp ảnh hộ chiếu của người đó cho thư ký của ông Trump trong một bữa tiệc tối ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng 06/2017.
Ông Tôn “vô cùng hài lòng và nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá cao sự hỗ trợ của [ông Wynn],” đơn khiếu nại dẫn lời ông Broidy trong một văn bản gửi cho ông Wynn sau bữa tiệc tối.
Theo đơn khiếu nại, từ tháng 06/2017 đến tháng 07/2017, ông Wynn đã trình bày vụ việc của công dân Trung Quốc này lên một số quan chức Tòa Bạch Ốc. Các nỗ lực vận động hành lang khác bao gồm nhiều chuyến thăm của ông Wynn tới Tòa Bạch Ốc để thực hiện “những gì dường như là những cuộc gặp bất ngờ” với ông Trump và một cuộc điện thoại cho ông Trump do ông Broidy và ông Wynn thực hiện từ du thuyền của ông Broidy ở Ý.
Đơn khiếu nại nói rằng từ tháng 06/2017 đến tháng 08/2017, ông Wynn đã có gọi điện cho ông Tôn vài lần, trong đó ông Wynn “đã đề cập đến lợi ích kinh doanh của mình ở Ma Cao.” Bộ nêu trong đơn kiện, trích dẫn báo cáo công khai rằng, năm 2016, các nhà chức trách ở Ma Cao đã hạn chế số lượng bàn đánh bạc và máy chơi bạc mà sòng bạc của ông Wynn có thể vận hành. Ông ấy đã lên kế hoạch đàm phán lại giấy phép hoạt động sòng bạc vào năm 2019.
Trong các cuộc thảo luận này, ông Tôn nói rằng “chuyện này là rất quan trọng” đối với nhà cầm quyền nếu thị thực của cá nhân đó không được gia hạn đồng thời bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với ông Wynn.
Kể từ khi bị cáo buộc có quan hệ với ông Wynn, ông Tôn đã bị tước chức vụ và bị ĐCSTQ điều tra về tội tham nhũng. Ông Tôn chính thức bị bắt vào tháng 11/2021.
Ông Tôn là thành viên chủ chốt của một phe phái chính trị — được gọi là “phe Giang” vì lòng trung thành với cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân — vốn là phe đối lập với sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Trước khi ông Tôn bị điều tra vào năm 2020, ông từng là cựu Thứ trưởng Bộ Công an, một cơ quan giải quyết vấn đề an ninh chính trị. Ông Tôn cũng từng là phó giám đốc Phòng 610, một cơ quan ngoài pháp luật có quyền lực lớn do ông Giang lập ra để phối hợp và hỗ trợ cuộc đàn áp học viên Pháp Luân Công của nhà nước. Môn tu luyện tinh thần này đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo kể từ năm 1999.
DOJ cho biết họ đã khuyên ông Wynn ghi danh làm đại diện của Trung Quốc theo đạo luật FARA từ năm 2018, nhưng ông đã từ chối làm như vậy.
Đạo luật FARA, được ban hành vào năm 1938 để vạch trần tuyên truyền của Đức Quốc Xã ở Hoa Kỳ, yêu cầu mọi người công khai với Bộ Tư pháp khi họ ủng hộ, vận động hành lang hoặc thực hiện hoạt động quan hệ công chúng ở Hoa Kỳ thay mặt cho một chính phủ hoặc tổ chức chính trị ngoại quốc.
Vụ kiện này là “vụ kiện dân sự đầu tiên theo Đạo luật FARA trong hơn ba thập niên,” Trợ lý Tổng chưởng lý Matthew G. Olsen trong Bộ phận An ninh Quốc gia của DOJ cho biết trong một tuyên bố.
“Khi một chính phủ ngoại quốc sử dụng một người Hoa Kỳ làm đại diện của mình để gây ảnh hưởng đến các quyết định chính sách ở Hoa Kỳ, FARA cung cấp cho người dân Hoa Kỳ quyền được biết,” ông Olsen nói.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: