Bộ Tư pháp công bố bản ghi nhớ về cựu TT Trump của Biện lý Đặc biệt Robert Mueller
Hôm thứ Tư (24/08), Bộ Tư pháp đã công bố một bản ghi nhớ năm 2019, tiết lộ lý do tại sao cựu Tổng thống Donald Trump không nên bị truy tố vì cản trở công lý liên quan đến cuộc điều tra của biện lý đặc biệt đương thời Robert Mueller.
Được viết vào ngày 24/03/2019 bởi Trợ lý Tổng chưởng lý Steven Engel và Phó Tổng chưởng lý chính Ed O’Callaghan, bản ghi nhớ trên đã tuyên bố rằng không có hành động nào của ông Trump được ghi trong báo cáo của ông Mueller bị coi là cản trở công lý. Những hành động đó bao gồm việc sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey và yêu cầu một luật sư hàng đầu của Toà Bạch Ốc sa thải ông Mueller.
“Chúng tôi kết luận rằng, theo nhận định của chúng tôi, bằng chứng được mô tả trong Tập II của Báo cáo không đủ để hỗ trợ một kết luận vượt quá mọi nghi ngờ hợp lý rằng Tổng thống đã vi phạm các quy chế cản trở công lý,” tài liệu chưa được biên tập lại (pdf) — được công bố cho một số hãng thông tấn lớn và được đăng trực tuyến — cho biết. “Ngoài ra, chúng tôi tin rằng một số hành vi mà Biện lý Đặc biệt điều tra, theo quy định của pháp luật, không thể hỗ trợ cho cáo buộc cản trở công lý trong mọi trường hợp.”
The Epoch Times đã gửi nhiều yêu cầu đến Bộ Tư pháp để đề nghị bình luận về việc công bố bản ghi nhớ này.
Tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (Citizens for Responsibility and Ethics, CREW) của cánh tả, có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã đệ một đơn kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin ba năm trước để công khai tài liệu này.
Phán quyết của tòa phúc thẩm
Một tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ các lập luận của Bộ Tư pháp và đã phán quyết hôm thứ Sáu (19/08) rằng bản ghi nhớ này phải được công bố cho công chúng. Một dị bản được biên soạn lại rất kỹ lưỡng của bản ghi nhớ này đã được công bố vào năm 2021.
“Sẽ rất hiếm khi các công tố viên liên bang đưa ra một vụ truy tố về tội cản trở mà bản thân nó không phát sinh từ một thủ tục liên quan đến một tội danh riêng biệt,” hai quan chức này cũng viết trong bản ghi nhớ.
Bản ghi nhớ trên cũng khẳng định có bằng chứng đáng kể cho thấy ông Trump đã hành động trong năng lực thuộc vị trí chính thức của mình, kể cả thúc đẩy việc sa thải ông Mueller, “vì ông ấy tin rằng cuộc điều tra đó có động cơ chính trị và làm suy yếu nỗ lực điều hành của chính phủ ông ấy” mà “không vì một mục đích bất hợp pháp.”
Cuối cùng, cuộc điều tra của ông Mueller kết luận rằng ông Trump không thông đồng với chính phủ Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016.
Sau đó, Tổng chưởng lý William Barr đã xác định rằng báo cáo của ông Mueller đã “không đủ cơ sở để xác minh” rằng ông Trump đã cản trở công lý.
“Ngoài việc liệu các hành vi đó có gây trở ngại hay không, thì bằng chứng về việc không có động cơ tham nhũng này có sức nặng chống lại mọi cáo buộc cho rằng Tổng thống có ý định tham nhũng nhằm cản trở cuộc điều tra,” ông Barr nói hồi tháng 04/2019.
Cựu tổng thống từ lâu đã nói rằng cuộc điều tra của ông Mueller cũng như câu chuyện thông đồng với Nga là những trò lừa bịp được thiết kế để làm tổn hại đến triển vọng chính trị của ông. Ông Trump cũng khẳng định rằng chính tuyên bố và các chiến thuật này vẫn đang được sử dụng chống lại ông sau cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago hồi đầu tháng này (hôm 08/08).
Một ý kiến của Văn phòng Cố vấn Pháp lý (OLC) được ban hành vào năm 1973 và được tái khẳng định vào năm 2020 đã kết luận rằng không nên truy cứu các cáo buộc hình sự liên bang khi một tổng thống vẫn còn tại vị.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.