Bộ trưởng Thương mại: Hoa Kỳ sẽ không tham gia CPTPP nhưng sẽ theo đuổi khuôn khổ mới ‘mạnh mẽ hơn’
Hôm 15/11, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói với TV Tokyo trong một cuộc phỏng vấn rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà thay vào đó sẽ tìm cách hình thành một khuôn khổ kinh tế riêng, có khả năng “thậm chí còn mạnh mẽ hơn”.
Theo Nikkei Asia, bà Raimondo đã nói với hãng thông tấn này rằng mặc dù hiệp định CPTPP “không phải là thứ mà Hoa Kỳ sẽ tham gia vào thời điểm này,” bà cho biết Hoa Kỳ đang tìm cách hình thành một khuôn khổ với Nhật Bản và các quốc gia khác mà “có thể còn mạnh mẽ hơn theo một số cách so với hiệp định thương mại tự do truyền thống.”
Bộ trưởng Thương mại đã đưa ra những nhận xét trên trong chuyến công du tới Nhật Bản, nơi bà gặp gỡ các lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản tại Tokyo. Các cuộc thảo luận đã tập trung vào các cam kết song phương, việc thúc đẩy mối liên hệ giữa các khu vực tư nhân của Hoa Kỳ và Nhật Bản, và tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Theo một bản tin về chuyến thăm của bà Raimondo do Bộ Thương mại phát hành, “Trong các cuộc họp, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác kinh tế giữa các đối tác cùng chí hướng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm thông qua việc phát triển một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thúc đẩy khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, và các lợi ích của các tầng lớp trung lưu tương ứng của chúng ta.”
Bà Raimondo và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản, ông Hagiuda Koichi đã cùng nhau công bố khởi động liên kết Đối tác Thương mại và Công nghiệp Nhật-Mỹ, mà Bộ Thương mại mô tả là “một cơ chế hợp tác sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh, khả năng phục hồi, và an ninh của các nền kinh tế Hoa Kỳ và Nhật Bản.”
Bà Raimondo nói với TV Tokyo, “Chúng tôi mong chờ được ký kết một thỏa thuận với các nền kinh tế trong khu vực. Đây là một khuôn khổ kinh tế mạnh mẽ.”
Hoa Kỳ đã rút khỏi một phiên bản tiền thân của CPTPP gọi là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời Tổng thống đương thời Donald Trump, người đã chỉ trích thỏa thuận này là sự cho không quyền lực của Hoa Kỳ mà nếu được thông qua, sẽ thúc đẩy tình trạng đưa hàng loạt việc làm ra hải ngoại.
“Chúng ta sẽ chấm dứt các thỏa thuận thương mại phi lý đã đưa nhân lực cũng như các công ty ra khỏi đất nước của chúng ta, và những thỏa thuận này sẽ bị đảo ngược,” ông Trump nói trong cuộc họp với lãnh đạo của các nghiệp đoàn tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 01/2017. “Tôi nghĩ quý vị sẽ có rất nhiều công ty quay trở lại đất nước của chúng ta.”
Tổng thống Joe Biden đã phản đối tham gia CPTPP, hiện bao gồm 11 quốc gia – Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam — với Trung Quốc và Đài Loan nộp đơn xin gia nhập hiệp định này vào tháng Chín.
Nhật Bản tỏ ra phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, với việc Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản tuyên bố: “Nhật Bản tin rằng cần xác định xem liệu Trung Quốc, nước đã đệ trình đơn xin gia nhập TPP-11, có sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của hiệp định này hay không.”
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản viết trên Twitter: “Trung Quốc còn cách xa thế giới tự do, công bằng, và minh bạch mà TPP đòi hỏi như trợ cấp và các ưu đãi về quy định đối với các công ty quốc doanh, yêu cầu các doanh nghiệp ngoại quốc tiết lộ mã nguồn, và luật pháp vận hành tùy tiện. Nói ra thì nhiều không kể xiết. [Đơn xin gia nhập từ Bắc Kinh] này dường như là một hành động ngăn cản Đài Loan tham gia.”
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng chỉ trích hành động yêu cầu gia nhập hiệp định này của Trung Quốc, nói rằng Hoa Kỳ “mong rằng các hoạt động thương mại phi thị trường của Trung Quốc và việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp cưỡng bách kinh tế đối với các nước khác sẽ là một yếu tố để các bên trong CPTPP đánh giá Trung Quốc với tư cách là một ứng cử viên tiềm năng để gia nhập.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bản tin có sự đóng góp của ông Anders Corr
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: