Bộ trưởng Thương mại: Hoa Kỳ cần đẩy mạnh tài trợ xuất khẩu để đối đầu Trung Quốc
Hoa Kỳ cần củng cố Cơ quan tín dụng xuất khẩu của mình để ngăn chặn “tham vọng thay thế các công ty Mỹ trong các ngành chiến lược” của Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết hôm 10 tháng 9.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (Exim) được tổ chức trực tuyến, ông Ross nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà cung cấp tín dụng xuất khẩu trong việc chống lại các thách thức kinh tế và an ninh quốc gia từ Trung Quốc.
Trên toàn thế giới, hiện có 115 tổ chức tín dụng xuất khẩu chính thức, tăng so với 85 tổ chức vào bốn năm trước. Theo ông Ross, tất cả các nhà cung cấp tín dụng trên khắp thế giới đã được cải tổ trong suốt 30 năm qua để trở nên có sức cạnh tranh cao hơn.
Tuy nhiên, Exim đã tụt hậu và “cần phải phát triển theo cách tương tự,” ông nói.
Vào tháng 12, Tổng thống Donald Trump đã ký luật tái ủy quyền kéo dài 7 năm cho Exim, lần gia hạn dài nhất trong lịch sử 86 năm của cơ quan này. Luật đã thiết lập một “Chương trình về Trung Quốc và Chuyển đổi Xuất khẩu” mới nhằm vào các khoản trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu.
Chương trình đặt ra mục tiêu dành 20% các chương trình cho vay thuộc thẩm quyền của Exim, khoảng 27 tỷ đô la, để hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ cạnh tranh trực tiếp với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ do Hoa Kỳ sản xuất trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, bán dẫn và 5G.
Ông Ross cho biết Tập đoàn Bảo hiểm và Tín dụng Xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure) đã cấp 481 tỷ USD tín dụng xuất khẩu ngắn hạn vào năm 2019, so với 2 tỷ USD do Ngân hàng Exim Hoa Kỳ cung cấp. Ngân hàng của Hoa Kỳ đã thiếu một đại biểu có quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị của mình từ năm 2015 và không thể phê duyệt các giao dịch lớn trong gần bốn năm qua.
Việc tái ủy quyền cho ngân hàng đã khắc phục vấn đề biểu quyết bằng cách thành lập một hội đồng tạm thời trong trường hợp không có đủ số lượng cần thiết các thành viên hội đồng đã được Thượng viện phê chuẩn.
“Chúng ta sẽ hỗ trợ chương trình mới của Exim để chống lại chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc và ngăn cản tham vọng của quốc gia này nhằm thay thế các công ty Mỹ trong các ngành chiến lược”, Ross nói.
“Chúng ta phải xem xét lại tất cả các chính sách khiến chúng ta kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên khắp thế giới. Chúng ta phải tìm cách cung cấp tài trợ xuất khẩu cho các ngành công nghệ quan trọng nhất của chúng ta như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện toán cao cấp, chất bán dẫn và công nghệ tài chính.”
Các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự suy giảm của thương mại toàn cầu do virus Vũ Hán, thường được gọi là virus corona mới.
Để hưởng ứng, Exim đã đẩy mạnh các chương trình của mình để giúp các công ty gặp vấn đề trong hoạt động chuyển hàng, khó khăn trong thanh toán, thanh khoản hoặc các gián đoạn kinh doanh khác do đại dịch gây ra.
Là một phần của các nỗ lực cứu trợ, cơ quan tín dụng xuất khẩu đã thiết lập một chương trình tài trợ bắc cầu tạm thời để giúp bên mua nước ngoài nhận được nguồn tài chính ngắn hạn để mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Chương trình nhằm hỗ trợ các giải pháp tín dụng đã trở nên khan hiếm vì đại dịch.
Ngân hàng cũng đã mở rộng chương trình cấp vốn lưu động và tài trợ chuỗi cung ứng hiện có để giúp các nhà xuất khẩu vượt qua thời kỳ hỗn loạn này.
Các nỗ lực cứu trợ của cơ quan tín dụng xuất khẩu được đưa ra vào thời điểm các công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng khu vực tư nhân đã ngừng hoặc giảm tài trợ thương mại do sự bất ổn và các vấn đề thanh khoản.
Phát biểu tại hội nghị, Hạ nghị sĩ Andy Barr (R-Ky.) cho biết ông đã đưa ra dự luật tăng tỷ lệ tài trợ từ 20% lên 33% để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh trực tiếp với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Dự luật cũng sẽ tăng trần cho tỷ lệ vỡ nợ từ 2% lên 5%.
“Chúng tôi muốn Exim mạnh bạo hơn trong việc tìm kiếm các thương vụ, trong thực hiện các giao dịch cũng như trong củng cố lập trường của ngân hàng để chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, ông nói.
Riêng Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã cho vay hơn 149 tỷ USD cho hơn 1.800 dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường trong các năm qua.
Tác giả: Emel Akan