Bộ trưởng Thống nhất Nam Hàn: Chọn trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không có kết cục tốt đẹp
Bộ trưởng Thống nhất Nam Hàn Kwon Young-se gần đây đã bác bỏ ý kiến được dư luận đề xướng cho rằng nền ngoại giao của nước này “nên chọn trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Ông đã sử dụng một hình ảnh ẩn dụ từ Truyện ngụ ngôn của Aesop để mô tả kết quả của thái độ đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nam Hàn KBS hôm 19/05, ông Kwon cho biết nếu Nam Hàn tiếp tục chơi trò nhập nhằng chiến lược giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, thì nước này sẽ có kết cục giống như “Con dơi trong Truyện ngụ ngôn Aesop, chỉ cần bị một bên nào bỏ rơi thì cũng sẽ không có kết cục tốt đẹp.”
Bộ Thống nhất là cơ quan điều hành chịu trách nhiệm về các vấn đề liên Triều cũng như thúc đẩy hòa bình và thống nhất của hai miền Triều Tiên. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bổ nhiệm ông Kwon vào vị trí này hồi tháng Tư năm ngoái.
Ông Kwon, một nhà lập pháp kỳ cựu và cựu đại sứ tại Trung Quốc, được nhiều người biết đến là bằng hữu đáng tin cậy và thân cận của Chủ tịch Yoon. Ông Kwon từng là người lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Yoon và là phó chủ tịch ủy ban chuyển giao tổng thống sau khi ông Yoon thắng cử vào tháng 03/2022.
‘Vũ khí hạt nhân’
Chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của ông Yoon đến Hoa Kỳ đã đưa đến việc ký kết Tuyên bố Washington.
Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn được ông Biden và ông Yoon ký hôm 26/04, vạch ra một loạt các biện pháp răn đe mở rộng của Hoa Kỳ, bao gồm việc khai triển các tài sản chiến lược của Hoa Kỳ — lực lượng hạt nhân — trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong tuyên bố trên, Nam Hàn bày tỏ “niềm tin trọn vẹn” vào các cam kết răn đe mở rộng của Hoa Kỳ, và Hoa Thịnh Đốn tuyên bố sẽ thực hiện “mọi nỗ lực” để tham vấn với Nam Hàn về “bất cứ hoạt động khai triển vũ khí hạt nhân nào có thể xảy ra” trong khu vực này.
Khoảng vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nam Hàn, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cùng nhau lên án tuyên bố này.
Hôm 29/04, tờ Thời báo Hoàn Cầu do nhà nước điều hành cho rằng “nếu Seoul phớt lờ các cảnh báo từ Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn và thực hiện đầy đủ [một] sắc lệnh của Hoa Kỳ về ‘răn đe mở rộng’ trong khu vực, thì Nam Hàn có thể sẽ phải đối mặt với sự trả đũa từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn.”
‘Củng cố mang tính thời đại’
Khi được người chủ trì chương trình của đài KBS hỏi liệu chiến lược của chính phủ ông Yoon nhằm củng cố liên minh Nam Hàn-Hoa Kỳ có đưa Bắc Hàn đến gần hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay không, ông Kwon giải thích rằng thân thiện với ĐCSTQ không phải là giải pháp cho vấn đề phức tạp này, lấy trường hợp của Tây Đức làm ví dụ.
Ông Kwon nói: “Tây Đức đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự [trước sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô] trong giai đoạn Đức phân chia thành hai miền Đông-Tây.”
“Sứ mệnh của Tây Đức là sử dụng tự do [và an ninh] mà nước này có được từ việc tăng cường bang giao với [Hoa Kỳ và các nước đồng minh] để thiết lập quan hệ tốt đẹp với Liên Xô cũ. [Chứ không phải điều ngược lại].”
Ông cho biết Nam Hàn “sẽ bị hạn chế về mọi mặt” nếu muốn giải quyết vấn đề Bắc Hàn thông qua Bắc Kinh.
“Những gì chúng ta nên cân nhắc là việc củng cố liên minh Nam Hàn-Hoa Kỳ mang tính thời đại sẽ giúp Nam Hàn tự do hơn nhiều trong cuộc đối thoại trong tương lai với Trung Quốc, và từ quan điểm này, [việc củng cố liên minh Nam Hàn-Hoa Kỳ] có thể là một vũ khí cho chúng ta,” ông nói thêm.
Cùng ngày, ông Kwon lập tức bác bỏ đề xướng rằng việc chọn trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đem lại lợi ích nhiều hơn cho Nam Hàn.
Ông lại nêu ví dụ về Tây Đức: “Người ta đã ghi nhận trong quá khứ, nếu Tây Đức chọn sai đường đó là giữ thế cân bằng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô thì họ sẽ bị cả Hoa Kỳ và Liên Xô bỏ rơi.”
Ông Kwon cũng ví tình huống này với tình huống trong truyện “Chim, Thú, và Dơi”, một câu chuyện kinh điển trong Truyện ngụ ngôn Aesop.
Câu chuyện kể về loài Chim và loài Thú tuyên chiến với nhau. Tuy nhiên, cứ phe nào mạnh hơn thì Dơi lại quay sang ủng hộ. Khi chim và thú tuyên bố hòa bình, hai bên đánh nhau đã hiểu ra hành vi gian dối của Dơi. Vì vậy, cả hai bên đều công nhận Dơi là loài phản bội và đuổi con dơi này ra khỏi bầy ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Kể từ đó, Dơi chỉ ẩn mình trong những nơi tối tăm và luôn bay trong màn đêm cô tịch.
Câu chuyện như một bài học đạo đức cho những kẻ gian dối, mưu cầu lợi ích từ cả hai bên khi xảy ra xung đột.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times