Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới Quần đảo Solomon để củng cố mối bang giao
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ dẫn đầu một phái đoàn cao cấp đến Quần đảo Solomon để củng cố một hiệp ước an ninh được ký kết gần đây cho phép Bắc Kinh đóng quân và đặt vũ khí trong khu vực này.
Chuyến thăm của ông Vương dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm và diễn ra trong bối cảnh Úc tiến hành chiến dịch bầu cử liên bang (dự kiến kết thúc vào ngày 21/05), nơi việc giải quyết mối bang giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang được dư luận chú ý.
Các nguồn tin từ Báo Úc và Tổng công ty Phát thanh truyền hình Úc (ABC) lo ngại rằng chuyến thăm của ông Vương được lên lịch một cách có chủ ý để gia tăng áp lực lên chính phủ Liên minh đương nhiệm và Thủ tướng Scott Morrison — người đã bị Đảng Lao Động đối lập liên bang chỉ trích gay gắt vì đã không ngăn cản việc ký kết hiệp ước an ninh giữa quần đảo Solomon và Bắc Kinh.
Ông Vương Nghị cũng dự kiến sẽ ký một loạt các thỏa thuận đầu tư với Quần đảo Solomon và có thể tham gia một sự kiện chính thức chính thức hóa thỏa thuận an ninh, mà theo các chuyên gia sẽ dẫn đến việc quân sự hóa khu vực và gây ra căng thẳng tương tự như ở Biển Đông (South China Sea).
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng sẽ có chuyến thăm đến một loạt các quốc gia Thái Bình Dương khác trước thềm Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, trong đó có Úc và New Zealand – cả hai quốc gia này đều lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh thắt chặt quan hệ với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton hồi đáp tin tức về thông báo trên, nói rằng không có gì ngạc nhiên khi ĐCSTQ đã thực hiện hành động này.
“Việc Trung Quốc đã đưa ra quyết định đó rõ ràng là một hành động khiêu khích, đặc biệt là trong quá trình diễn ra chiến dịch bầu cử,” ông nói với Sky News Australia hôm 10/05.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải canh chừng cảnh giác về những gì đang xảy ra [với Trung Quốc] trong khu vực của chúng ta, mà không chỉ trong mỗi khu vực của chúng ta,” ông nói thêm, muốn ám chỉ đến các hoạt động của Bắc Kinh ở Sri Lanka và các quốc gia Phi Châu — nơi Bắc Kinh đã giành được quyền kiểm soát tài sản cơ sở hạ tầng trọng yếu một khi chính phủ nợ nần không trả được các khoản vay theo Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc hậu thuẫn.
Trong khi đó, thủ tướng Quần đảo Solomon tiếp tục phủ nhận khả năng thiết lập một căn cứ quân sự theo sau hiệp ước an ninh ở đảo quốc này, nhưng các bằng chứng vẫn liên tục xuất hiện chứng minh điều ngược lại.
Hôm 09/05, một vụ rò rỉ tài liệu chính phủ cho thấy Bộ Thương mại Bắc Kinh đã hứa sẽ mở đường cho việc xây dựng các cầu cảng, cơ sở đóng tàu, kho cá, và phát triển năng lượng sạch ở nước này.
Hồi đầu tháng Tư, một lá thư bị rò rỉ trước đó từ Công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế Avic – một công ty quốc doanh của Trung Quốc tiết lộ rằng công ty hàng không có trụ sở tại Bắc Kinh này đang tích cực tìm kiếm các địa điểm để phát triển cơ sở hạ tầng cho Quân đội Giải phóng Nhân dân – hay cụ thể hơn là lực lượng Hải quân.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: